Sống lại từ huyệt mộ

Sống lại từ huyệt mộ

Đọc mà thấy kinh hòang, mọi người đọc thử nhé

Những hố huyệt được đào vội giữa rừng. Họ đặt đứa bé xuống trong tiếng khóc oe oe rồi lấp đất lại. Những cặp vợ chồng trẻ gạt nước mắt quay mặt đi, trong lòng chưa hết lo sợ. Họ phải làm theo tập tục của làng.

Những người khác chạy đến bồng lấy đứa bé rồi chạy. Cuộc giành giật sự sống cho những đứa trẻ bị chôn vì những tập tục, quan niệm lạc hậu của bộ tộc BhNoong giữa thẳm sâu Trường Sơn là cả một cuộc chạy đua đầy gian nan.

Sống lại từ huyệt mộ - Kỳ 1: Một hố huyệt, hai đứa trẻ




TT - Làng Đăk Toon của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Long - Hồ Thị Thóc không xa mấy con dốc Cổng Trời trên đường Hồ Chí Minh, và chỉ cách trụ sở UBND xã Phước Năng (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) non 2km.


Sau đợt mưa lạnh kéo dài, thấy trời vừa tạnh nắng là vợ chồng Long - Thóc đã dẫn đứa con nhỏ ra rẫy trồng sắn từ sáng sớm, gói theo bữa cơm trưa. "Nó cứ theo sát bên chân mình như sợ bị lạc. Mình đi đâu nó đi theo đó, ít khi chịu ở nhà lắm. Chắc bởi nó được sống lại với mình nên mới thương mình như vậy", chị Thóc nói, âu yếm nhìn con.

Hồi ức đau lòng

Chị Thóc kể: "Khác với lần trước, lần đó cái bụng mình thấy to hơn. Mình phải nhờ mẹ chồng mình đến giúp mình sinh. Dân mình cữ sinh con ở trong nhà nên mình phải ra sinh nơi bìa rừng sau nhà. Thiệt là khủng khiếp, mình còn nhớ bữa đó là ngày 15-5-2003. Mình chuyển bụng lúc tối, đến 8 giờ sáng thì sinh được một thằng cu.

Tưởng là xong, không ngờ cái bụng vẫn còn đau, một lúc sau lại sinh ra tiếp một thằng cu nữa. Máu ra nhiều, mình mệt ngất, nằm im như chết. Nhưng đang mê mệt mình lại điếng hồn khi nghe mẹ chồng nói sinh hai đứa con một lần là không tốt. Một lúc sau, cha chồng mình tới. Cả nhà bàn qua bàn lại, mình lại càng khiếp hơn khi nghe ông già nói con sinh đôi là con của con ma, con quỉ. Mình từ nhỏ đến giờ chưa thấy ai sinh đôi, nghe họ nói lại càng sợ, cứ nghĩ nó là ma quỉ nên không cho nó bú. Rồi họ bàn phải đem đào lỗ chôn gấp chúng thôi".

Và anh Long: "Nghe ông già nói, cái bụng thương con của mình như không còn nữa, chỉ có lo và sợ thôi. Ông già nói xưa nay nếu không chôn trẻ sinh đôi sinh ba, cha mẹ sẽ bị bệnh chết, cả làng cũng sẽ bị đau ốm, con heo con bò cũng như cây lúa cây bắp của làng cũng bị hư theo, cha mẹ của đứa nhỏ phải chịu trách nhiệm. Nếu không chôn hai đứa nhỏ, cả nhà mình phải ra khỏi làng, vô rừng sâu mà ở. Tròn ba năm nếu làng không có việc gì xảy ra thì mới được trở về, nhưng phải làm lễ cúng làng bằng con heo to. Vậy là không có cách nào hơn, mình phải làm theo tục của làng, cùng với vợ mình ẵm hai đứa nhỏ ra rừng đào cái lỗ. Cả làng đều cữ kiêng điềm xấu, không ai đến với mình hết, chỉ có vợ chồng mình tự lo lấy thôi".

Cuộc giải cứu


Một góc làng Đăk Toon nơi có khu nhà của Long - Thóc. Cuộc sống của cư dân vẫn còn rất khó khăn - Ảnh: H.V.Mỹ
Người BhNoong là một ngành (nhóm) lớn của tộc danh Giẻ Triêng (gồm BhNoong, Giẻ, Triêng, Ve) với dân số trên 31.000 người, cư trú ở vùng Tây Quảng Nam và Bắc Kontum. Ở Quảng Nam, số lượng người BhNoong có khoảng 17.000 người, tập trung chủ yếu ở huyện Phước Sơn, một số ít ở các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức.


Vuốt ve chú nhóc được cả làng cho là "lớn số", ông Hồ Văn Dũi - bí thư Đảng ủy xã Phước Năng - không giấu được xúc động khi kể lại tấn bi kịch. Khoảng 10g hôm ấy, giữa lúc ông đang tỉa lúa ở rẫy, bỗng bà vợ ông hộc tốc chạy đến báo tin dữ từ vợ chồng Long - Thóc. Hoảng hồn, ông cầm vội cái rựa chạy một mạch đến bìa rừng sau nhà họ. Cạnh hố huyệt đào dở, hai đứa bé đang thoi thóp dưới nắng, một đứa đã bị kiến bu.

Trong thoáng chốc, hình ảnh những đứa trẻ sinh đôi bị chôn sâu dưới đất mà ông đã xót lòng chứng kiến ngày trước tái hiện trước mắt ông. "Phải dừng lại, không được chôn hai đứa nhỏ!", ông Dũi thét to lên, gấp gáp. Nhưng câu nói như mệnh lệnh của ông vẫn không ngăn được sức mạnh vô hình của tục lệ. Già làng Nhua - vị già làng đầy uy tín của làng cũng như ông cha của Long - có mặt tại hố huyệt đều khăng khăng với quyết định phải chôn hai đứa nhỏ "ma quỉ”.

Họ lại lấy rựa của ông Dũi tiếp tục đào sâu hơn hố huyệt, lấy cớ là chúng đã yếu quá rồi bởi bị phơi nắng lâu, có để lại chúng cũng không sống được. "Nếu chôn mình sẽ báo công an bắt các người bỏ tù đó!", câu nói chan chát của bí thư Dũi làm họ chựng lại toan tính. Tiếp theo, một tốp cán bộ xã - huyện, trong đó có lực lượng y tế, cũng kịp đến. "Phải hơn một giờ từ lúc mình giáp mặt họ can thiệp đến lúc lực lượng cứu hộ đến mới đưa được hai đứa nhỏ về nơi cấp cứu. May là mình cũng như cán bộ chuyên trách kịp được báo tin. Chưa nói đến chuyện chúng bị lấp đất, chỉ chậm chừng dăm bảy phút nữa là chúng sẽ tắt thở vì nắng đốt, kiến cắn mất rồi", bí thư Dũi nhớ lại.

Hai đứa trẻ được cứu nhưng vợ chồng Long - Thóc vẫn chưa thoát khỏi những ràng buộc từ tập tục của cộng đồng. Không được lấy nước giếng làng, họ phải lẻn lấy nước khe về dùng. Không được đi con đường chính của làng, không được đến nhà ai, không được chuyện trò, giao tiếp, suốt ba tháng họ phải sống vò võ trong nhà, chỉ lẻn ra đường, lên rẫy ra nương bằng lối đi tắt vào những lúc không ai trông thấy. Nhưng mừng vui với họ là hai đứa trẻ lớn dần từng ngày với sữa mẹ cùng những giúp đỡ phần nào của các ngành chức năng địa phương, nhất là những lời động viên, an ủi. Và cũng đáng mừng với họ, sau ba tháng làng xóm vẫn bình yên, dân làng không ai có cớ gì để trách cứ chuyện họ đã nuôi con sinh đôi trong làng.

Nhưng sau gần một năm yên bình, nỗi đau lại đến với Long - Thóc: đứa bé đầu qua đời vì chứng viêm phổi cấp. Cuộc sống khó khổ, thiếu thốn, môi trường sống tồi tệ đã quật ngã đứa bé khi những liều thuốc của bệnh viện không đủ sức cứu nó. "Phải cố để cho thằng cu được đi học. Mình đã cho nó đi lớp mẫu giáo rồi đó. Giờ hiểu ra rồi, thấy cái bụng thương nó nhiều lắm!", Long nói, buồn và vui lẫn trong ánh mắt.

HUỲNH VĂN MỸ

________________

Chạng vạng tối, người trong xóm kinh ngạc khi thấy anh từ trong rừng ẵm về đứa bé còn đỏ hỏn với cuống rốn rỉ máu. Cuộc giải cứu của anh tiếp tục nhiều ngày.

Kỳ tới: Đêm kinh hoàng

(Tuoitre.com.vn)
 
Bình luận (3)

hamham

chú béo chú béo chú béo
Ðề: Sống lại từ huyệt mộ

Sống lại từ huyệt mộ - Kỳ 2: Đêm kinh hoàng




TT - Ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), nhìn cảnh ba đứa con nhỏ - trong đó có hai đứa trai bằng tuổi nhau - thường nắm tay ông bố trẻ Nguyễn Thế Thọ dung dăng trên phố huyện mỗi chiều, bà con ai cũng bảo Thọ thật hạnh phúc dù nhà anh khó khăn về kinh tế. Và đó cũng chính là niềm vui của Thọ.




"Bởi mình coi chuyện cứu được thằng bé là may mắn, hạnh phúc nên mình mới đặt tên cho thằng nhỏ là Phước. Đúng là nó với mình cả hai đều có phước", anh Thọ thường nói với nhiều người như vậy.



10g đêm

Đã mấy năm trôi qua với đầy rẫy những lo toan cuộc sống, vậy mà Thọ nói những gì xảy ra nơi cái làng Tà Năng của xã vùng cao Phước Công lần ấy cứ như một đoạn phim rành rạnh trong anh mỗi khi nhớ lại. Anh cứ luôn giật mình, tại sao anh lại vội vàng từ Nhà văn hóa huyện Phước Sơn - nơi anh công tác - đến cho được Tà Năng kịp lúc sẩm tối khi mà ngay từ giữa chiều, cơn mưa rừng bắt đầu rả rích; tại sao anh lại quyết phải lên đường đúng ngày 5-5 âm lịch - ngày Tết Đoan ngọ, khi mà chuyến công tác vùng cao của anh lần đó không mấy thúc bách, nếu ở nhà anh sẽ có nhiều cuộc vui với bè bạn... Vừa đến làng, chưa kịp thay chiếc áo đẫm mồ hôi và nước mưa, anh đã nghe dân làng lố xố loan tin "Con Hơn đẻ chết!". Hoảng hốt, anh tìm hỏi bà mẹ của sản phụ rồi buộc bà dẫn mình đến nơi.


Con gái đầu của anh Thọ bày cho bé Phước học. "Thấy chúng nó yêu thương nhau mình thật sướng lòng", vợ chồng anh Thọ nói

Vẫn biết ở một số làng BhNoong, người phụ nữ phải ra ngoài rừng để sinh đẻ và ở đó cho hết tuần kiêng rồi mới được về nhà, anh vẫn điếng người khi thấy người sản phụ trẻ bất động trên vũng máu dưới mưa, cạnh đó là đứa bé cũng nhầy nhụa máu.

Anh vội dùng miếng giang cắt nhau rốn cho đứa bé thoi thóp, lấy vội áo mình làm chăn lót cho nó. Buộc bà mẹ của sản phụ ở lại canh chừng, anh chạy thục mạng vào bãi đào vàng nơi núi xa tìm sữa hộp mang về cấp cứu cho đứa bé. 10 giờ đêm, xác người mẹ cứng thêm nhưng đứa bé đã tỉnh dần qua những giọt sữa ấm được anh đút cho. Núi rừng chìm trong im vắng.

Còn lại một mình, anh quơ cành nhóm lửa ngồi sát người mẹ bất hạnh cùng đứa nhỏ. "Lũ chó nhà cứ luẩn quẩn gầm gừ vì mùi tanh tưởi của máu me bốc lên. Chúng làm mình lo sợ cho sự an toàn của đứa nhỏ nhưng hóa ra lại giúp mình đỡ quạnh vắng trong đêm", cảm giác kinh hoàng làm Thọ sởn người khi nhớ lại.

"Bản án" lúc mờ sáng

Theo già làng Hồ Văn Nuôi (hơn 80 tuổi) ở làng Đăk Toon, xã Phước Năng (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), ngoài lý do phải chôn sống đứa trẻ mới sinh theo người mẹ bị chết trong lúc sinh hoặc đứa trẻ sinh đôi, sinh ba là vì "ma quỉ”, người BhNoong còn có thêm lý do nữa là không ai có thể nuôi một đứa bé sơ sinh sống được nếu không có sữa của người mẹ. Thay vì chôn đứa bé theo mẹ, đây đó một vài nơi người ta bỏ đứa bé vào giỏ rồi mang treo ở cành cây lớn trong rừng.

Thằng bé vậy là đã được cứu sống, Thọ nhớ lại. Anh đã biết bao mừng rỡ khi đêm đã dần qua, anh sẽ tìm cách giao nó lại cho bà mẹ của Hơn. Giữa lúc đang thiếp đi vì quá mệt mỏi, anh bỗng bị đánh thức bởi tiếng la ó của dân làng đang tiến gần đến chỗ bìa rừng anh đang ngồi. Trong mớ âm thanh ầm ào đó, thật khủng khiếp anh nhận ra câu nói như là một mệnh lệnh tối hậu của dân làng: phải chôn đứa nhỏ theo mẹ nó!

Người nhà của Hơn đã sẵn sàng: phải sớm chôn người bị ma bắt cùng đứa nhỏ là ma quỉ. Anh biết với những nóc làng BhNoong xa tít giữa rừng sâu như ở Phước Công, mệnh lệnh của làng là bất khả kháng. Anh điếng người khi nhìn đứa bé cựa quậy, nhìn khuôn mặt nó hồng hào dưới ánh sáng đầu tiên của ngày.

Phải cứu đứa bé bằng mọi cách! Anh xốc tay ôm chặt lấy đứa bé khi đám người hùng hổ đến gần hơn. Trong tích tắc, anh thét lên đanh cứng: "Luật pháp nhà nước không cho chôn người sống. Ai chôn đứa bé này sẽ bị luật pháp nhà nước trừng trị. Mình là cán bộ của Nhà nước đây!".

Đám người chựng lại, bàn tán. Anh càng ôm chặt đứa bé hơn. Năm phút, mười phút trôi qua. Một số tay cuốc tản vào rừng. Anh hồi hộp chờ đợi. Thêm mươi phút sau, có vài người sấn tới phía anh. Trong nỗi hoảng sợ tột cùng, anh ríu chân bước tới, tay càng giữ chặt đứa bé. Bỗng tiếng già làng vang lên: "Vậy thì phải bồng nó đi khỏi làng mình. Phải nộp cho làng mình con heo ba gang tay!". "Nghe vậy mình nhẹ người. Cũng may, tiền trong túi mình đủ mua con heo chuộc mạng cho đứa bé” - Thọ nhắc lại, mắt hồ hởi như đang lúc ấy.

Sẽ về lại làng

Thoát khỏi hố huyệt giữa rừng sâu, thằng bé may mắn được bú chung dòng sữa mẹ với đứa con trai thứ hai của vợ chồng Thọ, lúc ấy vừa tròn một tháng tuổi. Khó khăn chồng chất - anh còn mẹ già và đứa em gái bị bệnh thần kinh, vợ anh lúc ấy chưa có việc làm - nhưng vợ chồng anh vẫn hết lòng nuôi dưỡng đứa bé như ruột rà.

Làm sao anh có thể trách dân làng khi mà tập tục ngàn đời giữa rừng núi thẳm sâu đã ăn sâu trong họ, khi mà sự nhận thức của họ còn nhiều hạn chế, cuộc sống lại còn bao thiếu thốn, khó khăn. "Thật đáng mừng, tin bé Phước lớn khôn đã đến được với bà con ở Phước Công. Một số người ở đó đã đến đây thăm bé Phước. Mối quan hệ giữa nóc làng với bé Phước dần dần được nối. Giờ bà con đã biết dần ra những đứa trẻ như bé Phước không phải là ma quỉ. Mình tin bà con rồi sẽ dần loại bỏ cái tập tục đầy sai trái này", Thọ nói.

Anh cho biết cuối năm ngoái, cha của bé Phước đã đến nhà anh nhìn con. Đó là một người quê ở miền Bắc thời đó đến Phước Công đào vàng, đã bỏ đi khi Phước còn trong bụng mẹ, hiện đang có vợ con ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn). Mừng cho đứa nhỏ có được người cha máu mủ nhưng vợ chồng anh vẫn quyết nuôi bé Phước đến cùng để nó được nên người rồi tính sau. "Mình mong một ngày không xa bé Phước sẽ về lại làng, nói với bà con về cuộc đời nó. Mình tin bà con sẽ nhận ra từ nó rất nhiều điều bổ ích. Nó học hành rất khá, là học sinh tiên tiến suốt từ lớp 1 đến lớp 4, lại nết na. Mừng lắm!", Thọ hồ hởi.

HUỲNH VĂN MỸ

___________________________

Chỉ chậm vài phút là con bé tắt thở. Ai cũng bảo nó lớn số...
 

hamham

chú béo chú béo chú béo
Ðề: Sống lại từ huyệt mộ

Sống lại từ huyệt mộ - Kỳ 3: Thương yêu lên tiếng



TT - Vừa ở trường về là cô bé liền mang gùi ra rẫy giúp mẹ trồng sắn. Sau bao biến cố, giờ chỉ còn hai mẹ con chung một niêu cơm nơi mái nhà tạm bợ. Cô bé là Hồ Thị Mai, còn bà mẹ là Hồ Thị Lẻ, hiện ở thôn Đăk Khon, xã Phước Năng (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đã bao năm rồi hai mẹ con bên nhau, cô bé ngày càng trở nên là chỗ cậy trông của người mẹ khốn khó. Nhìn cô bé biết học, biết làm người, trong làng ai cũng day dứt khi nhớ lại tấn bi kịch ngày ấy.





Bé Mai hồn nhiên, vô tư như bao bạn bè cùng trang lứa trong lớp trong làng. Có lẽ niềm vui được sống lại, được cùng bạn bè ra rẫy đến trường đã làm cô bé quên những gì mà mình chỉ được nghe kể lại chứ không phải tự mình ghi lại được bằng ký ức. Nhưng những người đã gian nan giành lấy sự sống cho cô bé trong đường tơ kẽ tóc thì không thể quên những gì họ đã chứng kiến, đã làm cho cô bé.

Ông Hồ Văn Nhoong - trưởng thôn Đăk Khon, cũng là chú ruột của bé Mai - nói càng thấy bé Mai lớn lên, ông càng giật mình khi nhớ lại chuyện cũ. Ông rùng mình khi nhắc lại hình ảnh bé Mai gần như tím tái và bất động khi được cả một đám đông cán bộ người Kinh và người địa phương đào lên từ huyệt mộ. Trừ trong chiến tranh, chưa bao giờ ông thấy việc cứu người được làm khẩn cấp như với đứa cháu của mình lần ấy. Vậy mà, ông nói, nghĩ thật tức, con bé bị cha mẹ nó chôn chứ có phải là gặp tai nạn hay đau ốm gì đâu.

Và cái lý do chôn cũng rất đơn giản: bé Mai là đứa con thứ bảy, đẻ nhiều nuôi cực, Mai lại là đứa con gái thứ tư, để một dây con gái ích chi! "Y sĩ nói chỉ chậm chừng vài phút nữa là con bé tắt thở luôn. Ai cũng nói nó lớn số. Nhưng nếu không nhờ chị Xuyến kế toán của hàng Nước Dút ở làng mình báo tin gấp thì ai biết mô mà cứu!" - ông Nhoong kể.

Vẫn còn một nấm mộ





Nỗi xót xa của tấn bi kịch chưa hết nơi mái nhà này. Ông Nhoong kể vợ chồng bà Lẻ, ông Nhiêu (tên người anh ruột của ông Nhoong) trước đó cũng đã chôn một đứa con gái chị kề của bé Mai.

Cũng giật mình không kém việc cứu sống bé Hai - tên của đứa bé được cứu. "Hồi đó mình mới cưới vợ, còn sống chung nhà với ông Nhiêu. Tối bữa đó mình đi chơi ở xóm trên. Bỗng nghe mấy cô giáo người Kinh la lố xố ở hướng nhà ông Nhiêu. Nghi là có việc, mình vội chạy về. Hoảng hồn khi biết việc, mình với mấy cô giáo ra sức đào lên. May là con bé còn ngáp" - ông Nhoong nhớ lại.

Lý do chôn bé Hai cũng đơn giản như lần chôn bé Mai. Nhưng việc cứu sống nó là cả công lao của những cô giáo trẻ miền xuôi. Biết bà Lẻ vừa sinh con, lại thấy ông Nhiêu chộn rộn đào lỗ phía sau nhà với vẻ khả nghi, mấy cô giáo đã ngầm theo dõi suốt. Đến khi thấy hai vợ chồng bê đứa bé khóc oe oe ra chôn, họ đã la trối sống trối chết. Được ông Nhoong tiếp sức, họ xông vào đào đứa bé lên và làm mọi cách hồi sức cho nó.

Bé Hai và bé Mai may mắn được sống lại. Nhưng đứa em út của hai cô gái này thì mãi nằm yên trong lòng đất. Ông Nhoong rơm rớm nước mắt kể lại chuyện vợ chồng người anh của mình đã chôn đứa con gái út của họ. Cũng bởi thấy đàn con của mình đã quá đông, đứa bé mới sinh lại là đứa con gái thứ năm của một dãy con gái liền kề, với suy nghĩ giản đơn và cũng thành nếp của dân làng, đôi vợ chồng này đã không mấy đắn đo khi chôn một mầm sống bé bỏng vào hố huyệt. "Hôm đó không có mình ở nhà. Cán bộ cũng như giáo viên người Kinh lúc đó lại cũng không có ai hay tin nên con bé đành phải chết. Tội nghiệp cho nó quá!" - ông Nhoong nói.

"Con thương mẹ lắm mà!"

Ngoài tập tục chôn trẻ sơ sinh, người BhNoong hiện vẫn còn tục "phạt xô”: những phụ nữ không chồng mà chửa hoang sẽ phải nộp phạt cho làng một con heo to hay một con trâu cùng với rượu để làm lễ tạ thần linh, sau dùng để đãi dân làng. Máu của con vật cúng này sẽ được đem bôi lên trán của tất thảy người trong làng cũng như ở hàng rào, đường ống dẫn nước...


Bé Mai đang học lớp 7. Suất tiền mỗi tháng 130.000đ mà mỗi học sinh ở Trường trung học cơ sở nội trú cụm vùng trung Phước Năng được nhận từ năm lớp 6 đến nay đã không chỉ giúp bé Mai ăn học mà còn cả cho mẹ. Không bao lâu sau khi đứa em gái của bé Mai nằm lại nơi huyệt mộ, cha mẹ bé Mai chia tay nhau, một số anh chị lần lượt có gia đình, chỉ còn lại bé Mai và Hai sống với mẹ.

Mái nhà cũ đổ nát, cả ba mẹ con phải sống nhờ ở nhà người anh cả của hai em. Cũng sau sự đổ vỡ gia đình ấy, người mẹ ngày càng nghiện rượu, tinh thần thêm sa sút. Thoát được huyệt mộ, bé Hai lại bị liệt mất tay trái nhưng cô bé vẫn cố học được đến lớp 8. Cũng là may mắn đến với Hai khi cô tự bắt được chồng hồi năm ngoái. Không cưới xin, không rượu thịt đãi làng, cô gái tật nguyền, nghèo khổ sống lại từ hố huyệt đã tự đến với người chồng bắt được ở tận một nóc làng heo hút ở Đăk Glây, Kontum.

Không biết có còn nhớ được chuyện cũ hay không, bà Lẻ cứ lắc đầu nguầy nguậy khi được hỏi về những gì vợ chồng bà đã làm với những đứa con tơ măng của mình ngày ấy. "Bả say rượu có biết chi mô mà. Mà có không say bả cũng cứ đờ đẫn, dở dở ương ương như rứa, làm răng biết bả tỉnh hay mê” - những người lớn tuổi ở Đăk Khon nói. Nhưng khi hỏi có thương bé Mai không thì bà Lẻ lại giòn giã: "Mâm (mẹ) thương nó mà. Chừ mâm thương nó lắm. Mâm nuôi nó đi học mà!". Dường như trong đôi mắt có vẻ đờ đẫn của người mẹ thoáng lên chút ân hận khi nhắc lại chuyện ngày qua.

Trên cánh đồng hẹp và trên những rẫy nương cằn cỗi, để có cái ăn, ngoài giờ học bé Mai lại cùng mẹ cuốc xới để kiếm hạt thóc, củ khoai, trái bắp thêm vào với khoản trợ cấp khiêm tốn mà em có được. Khi người cha không hề quay lại thăm con, khi các anh chị đã có gia đình, giờ đây với bé Mai, mẹ là tất cả yêu thương em có được. "Con thương mẹ lắm mà!", câu nói cưng cứng giọng vùng cao nhưng chứa cái ngọt ngào, hồn nhiên của bé Mai làm nhẹ lòng người khi nghĩ về những đau thương bắt nguồn từ bóng tối của những tập tục sai trái, lạc hậu.

HUỲNH VĂN MỸ
 

hamham

chú béo chú béo chú béo
Ðề: Sống lại từ huyệt mộ

Sống lại từ huyệt mộ - Kỳ cuối: Tiếng nói người bị chôn



TT - Ông Hồ Văn Nhoong - trưởng thôn Đăk Khon, xã Phước Năng (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) - có lẽ là người "sống lại từ huyệt mộ" lớn tuổi nhất trong cộng đồng dân tộc BhNoong hiện nay.

Từ bi kịch của mình, ông đã nhanh tay cứu hai đứa cháu ruột của mình khỏi hố huyệt tử thần.



Lại cũng là nỗi đau

Nhắc lại bi kịch 42 năm trước, ông Nhoong xúc động mạnh, bởi theo ông, đó là những gì đau xót của gia đình ông. Ông không biết những đứa trẻ bị chôn được cứu sống, lớn lên chúng được ai kể cho nghe lần đầu về thân phận của mình. Còn với ông, chính mẹ là người đã làm việc đó với ông trước hết.

Đó là lúc ông lên 15 tuổi, bên chòi rẫy, một buổi trưa mẹ ông kể cho ông nghe trong nước mắt của mẹ và con. Cuộc sống khốn khó trăm bề giữa rừng sâu đầy sơn lam chướng khí thời ấy đã cướp đi một dây sáu đứa con đầu của mẹ cha ông, rồi sau đó lại tiếp đến ba đứa nữa, đã gieo cho họ nỗi hoang mang, lo sợ cực độ khi nghĩ đến chuyện con cái. "Bởi vậy, khi sinh ra mình, cha mẹ mình lo sợ quá, nghĩ chắc rồi mình cũng chết một dây như trước. Thôi thì đem chôn mình để khỏi phải nhọc công nuôi, nhọc công chôn về sau", ông Nhoong nhắc lại nỗi đau của cha mẹ mình. Lại cũng một người Kinh cứu mạng Nhoong. Đó là một giáo viên chiến khu người Huế được cha mẹ Nhoong nuôi trong nhà thời ấy.

"May là có mấy cái rễ cây làm hở chỗ đất lấp lên mặt nên khi mình đào lên thằng Nhoong mới còn thở được. Nhớ lại chuyện cha mẹ nó hồi đó mà ghê, chết một loạt con. Bởi vậy, mình phải động viên, thuyết phục cha mẹ nó rất nhiều. Làng cũ của người Đăk Khon hồi ấy hun hút nơi núi thẳm, giáp sát với núi rừng Đăk Glei của Kontum" - thầy Nguyễn Thanh Phương, người cứu sống ông Nhoong, hiện ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn), nhớ lại. Ai cũng mừng vui khi thấy cậu bé Nhoong cứ lớn và dày dạn như một chồi cây mạnh mẽ giữa rừng.

Những việc phải làm




Mừng cho mình còn sống, càng yêu quí cuộc sống ông Nhoong lại càng buồn bã khi nghĩ đến những đứa trẻ bị mẹ cha đem chôn vì những quan niệm sai lầm. Quí mạng sống của trẻ thơ, ông đã hộc tốc đào lấy hai đứa bé là cháu ruột của mình, rầy la trách móc cha mẹ chúng. Và ông cũng ra tay đùm bọc đàn cháu, nhất là những đứa chết đi sống lại suốt bao năm qua khi cha mẹ chúng ly tán.

"Mình biết ơn người Kinh lắm. Lâu nay nghe tin những đứa bé mới sinh bị chôn sống toàn được người Kinh phát hiện và cứu sống. Như mình với hai đứa cháu của mình đây", ông Nhoong bày tỏ. Và cũng như những người BhNoong khác, ông trách bà con ở nhiều nóc làng đã không mạnh tay với những việc làm sai trái của người xung quanh. "Người Kinh không thể lúc nào cũng có ở khắp các nóc làng để giúp đỡ dân mình được. Bởi vậy để dẹp bỏ dứt điểm tệ nạn này, người BhNoong mình cần phải đấu tranh mạnh mẽ với nó. Hễ ai thấy là phải báo với người xung quanh, với chính quyền để ngăn chặn lại", ông Nhoong nói.

Từ đứa trẻ bị chôn sống lại, với những khó khăn, hạn chế của lớp tuổi như mình, ông quyết phải phấn đấu để tiến bộ, để người trong cộng đồng thấy những đứa trẻ bị chôn như ông không phải là những con người tệ hại, thậm chí là ma quỉ - những quan niệm hết sức sai lầm. Rời quân ngũ về làng, ông làm xã đội phó dân quân nhiều năm rồi làm trưởng thôn. Động viên các bậc cha mẹ phải dốc sức cho con đi học, ông đã cố để có được hai đứa con học lên cấp III. "Chỉ có văn hóa mới giúp dân mình cắt đứt được cái hủ tục, cái lạc hậu", ông nói.

Thêm những niềm tin

Biết được thân phận của mình ở tuổi 15, càng lớn lên ông Nhoong cho rằng nỗi đau của bản thân mình chỉ là một phần rất nhỏ, cái chính vẫn là nỗi đau của những người đã đặt đứa bé mới sinh vào hố huyệt, và lớn hơn là nỗi xót xa của cả cộng đồng.

Bởi vậy ông rất thương mẹ. Từ ngày có gia đình riêng, vợ chồng ông đã nuôi dưỡng mẹ cho đến ngày mẹ mất suốt tám năm. Dù chôn mẹ ở rừng ma (nghĩa địa của người vùng cao, là khu rừng đầy cây cối, sau chôn một thời gian là bỏ hẳn mộ) nhưng ông vẫn xây mộ cho mẹ. Từ ngôi mộ xây đầu tiên này, một số người trong làng đã theo ông xây mộ cho người thân cũng như hay ghé đến thăm viếng và thắp nhang, rừng ma đã có được cảnh sắc mới.

Ông tin những việc làm như vậy sẽ góp phần thay đổi những nhận thức sai lầm, lạc hậu, sẽ giúp dân mình nhanh triệt bỏ tệ tục chôn bỏ trẻ con. Và ông cũng nhận nuôi một đứa bé mồ côi ở khác làng lúc năm tuổi, đến nay đã mười năm, cũng với mong mỏi là để bà con thấy được trẻ con là quí, hãy dừng hủy bỏ một đứa bé mới sinh nào.

Cuộc đấu tranh để triệt bỏ tệ tục chôn sống những đứa trẻ mới sinh một cách sai trái còn tồn tại đây đó ở những nóc làng BhNoong vẫn chưa chấm dứt.

Nhưng rõ ràng cứ sau mỗi một đứa trẻ được cứu ở một nóc làng là từ đó nhận thức của bà con về vấn đề này được nâng dần lên. Và những việc làm, những tiếng nói tích cực của chính cư dân địa phương, nhất là những người trong cuộc như ông Nhoong, luôn có tác dụng rất sâu rộng. Tất cả cho một niềm tin sớm xóa đi vĩnh viễn nỗi đau này.

HUỲNH VĂN MỸ
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top