Mang võ Kinh xuất ngoại

Mang võ Kinh xuất ngoại

TTCT - Không bằng lòng khi thấy võ thuật nhiều nước không hơn gì ta mà vẫn được truyền bá ngang dọc khắp thế giới, ông cần mẫn vừa tập luyện vừa chắt bóp, vay mượn tiền rồi khăn gói vượt nửa vòng trái đất qua trời Tây, mở võ đường dạy võ Kinh, chỉ với một mong ước là “cho thế giới biết võ ta không hề tệ chút nào”.
ImageView.aspx


Và hiện tại, những lò võ dạy võ Kinh của võ sư Trương Quang Kim (54 tuổi), chưởng môn phái võ Kinh Vạn An Phái trên đất cố đô, đã có mặt ở gần mười nước trên thế giới.

Là một võ sư danh tiếng được Hiệp hội Võ thuật quốc tế công nhận, và cũng là truyền nhân duy nhất của môn phái võ Kinh, nhưng võ sư Kim còn được người ta biết đến với tư cách là “cha” của gần 20 đứa trẻ lang thang.

Người cha... bất đắc dĩ!

Định mệnh đưa chàng trai trẻ mới gần 30 tuổi chưa vợ con bỗng rẽ vào một khúc ngoặt của cuộc đời. Đó là một đêm cách đây hơn 20 năm, khi ông đi thăm một người bà con qua góc chợ Đông Ba. “Bóng tối khiến tôi không nhìn rõ chúng là ai. Nhưng nhìn chúng gầy còm, nằm co ro. Tôi giật mình. Phải làm một cái gì đó...”. Những hình ảnh đó cứ đeo bám mãi. Như có một ma lực, những đêm sau đó, dù không có việc gì ông cũng gắng kiếm cho mình một lý do để tạt qua khu góc chợ. Hai cái bóng vẫn nằm co ro.

Trời thì lạnh. Hỏi ra mới biết đó là hai anh em mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng khác, ở với bà nội nhưng nghèo khó nên đành dắt nhau đi ăn xin, tối về lấy góc chợ làm nhà. Lòng ông càng lạnh hơn. “Thôi thì liều!” - ông tự nói với mình. Hôm sau, bà con xóm giềng trố mắt khi thấy ông chở về hai đứa trẻ chưa đầy chục tuổi rách rưới, bẩn thỉu. Ông cho chúng tắm rửa, ăn cơm, rồi đặt lại tên cho hai đứa là Bình và An như cầu mong tương lai tốt đẹp cho chúng. Ba “cha con” chật vật nuôi nhau với nghề dạy võ của ông từ đó. Không chỉ nuôi mà ông còn đem hết tất cả võ nghệ gia truyền ra dạy, chỉ có mong ước là để chúng bớt những thiệt thòi do cuộc đời chèn ép.

Thành phố Huế những năm đó đói kém hoành hành. Trẻ lang thang đầy rẫy. Đi qua chúng, ông lại “yếu lòng”. Rồi gian nhà chật chội có thêm vài mảnh đời cô độc như thế nữa. Nghe có ông võ sư cho ăn cơm và cho học võ, nhiều đứa trẻ lang thang khác cũng kéo đến xin cưu mang. Có nhiều đứa trẻ do cuộc đời xô đẩy đã đặt chân vào con đường đạo chích, ông cũng nhận hết với hi vọng tách chúng về con đường lương thiện. “Con” ông ngày ấy lên đến gần 20 đứa.

Ông nói với chúng: “Thầy có thể cưu mang các con. Nhưng thầy sẽ không cho các con tiền và gạo. Mà thầy sẽ cho các con cách để các con kiếm được những thứ ấy!”. Bà con quanh vùng An Cựu ngày ấy thấy ông võ sư độc thân nuôi mình chưa đủ lại còn nhận nuôi thêm 20 đứa trẻ lang thang, ai cũng nói ông liều. Còn ông chỉ nghĩ: “Cuộc đời đã quá bất công với chúng rồi. Gánh bớt đi một chút thiệt thòi cho chúng cũng là việc nên làm”.

Khi lòng tự trọng bị tổn thương!

Võ sư Kim cùng các môn sinh ở lò võ Kinh Vạn An Phái tại Lyon, Pháp

Năm 2000, khi đại hội võ thuật cổ truyền quốc tế tổ chức trên đất Pháp, ông cùng các học trò được qua tham dự. Tới Paris, điều đập vào mắt ông đầu tiên là mấy tấm bảng to tướng ở ngay giữa trung tâm thủ đô nước Pháp: Karatedo, Thiếu Lâm Tự, Teakwondo...

Những bảng hiệu vô tri nhưng không hiểu sao lại gây cho ông nhiều cảm xúc kỳ lạ: tự tôn có, tự ti có, hơi “nóng mặt” cũng có! “Võ cổ truyền Việt Nam cũng đâu thua kém gì! Tại sao ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, võ thuật của các nước được truyền dạy nhan nhản, mà võ cổ truyền Việt Nam lại chưa thấy được dạy ở một xứ nào khác...” - ông nghĩ.

Từ giờ phút đó, hình ảnh những võ đường cùng những cái tên Tây, Tàu liên tục đeo bám ông. “Người ta có thể dạy võ Thiếu Lâm của Trung Quốc ở đây thì mình cũng có thể truyền bá võ Kinh của Việt Nam!”. Về thủ tục nước bạn có thể tạo điều kiện, nhưng lấy đâu ra vốn để mở võ đường, nhất là con số đó được tính bằng đôla?! Hoàn cảnh của ông lúc ấy thật khó. “Vay! Phải vay thôi! Bằng mọi cách phải dựng cho được một lò võ mang tên Việt Nam trên đất này!” - ông nói với học trò.

Cả thầy và trò loay hoay... vay tiền. Vay không đủ, ông quay qua bán đủ thứ có thể mà mình có. Đến mấy tháng sau, võ đường đầu tiên mang cái tên Việt Nam ra đời ở Lyon (Pháp). Những học trò xuất sắc nhất trong đội hình mồ côi 20 năm trước được ông gửi đến đây. Còn ông, tạm gác tất cả, kể cả việc lập gia đình, để “chạy sô”. Nhiều người thấy ông 40 tuổi đầu rồi mà chưa khi nào nhắc đến chuyện vợ con, cũng thúc giục, rồi mai mối. Nhưng ông chỉ cười: “Khi nào khắp năm châu đều biết đến võ Kinh của Việt Nam thì tôi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình”.

“Quảng bá hình ảnh đất nước”
ImageView.aspx


“Tôi không mong kiếm được nhiều tiền từ việc dạy võ Kinh trên khắp thế giới, mà chỉ mong có thể làm cho cả thế giới đều biết đến võ Kinh, cũng như biết đến võ cổ truyền của nước mình” - võ sư Kim tâm sự.

Từ một lò võ Kinh ở Pháp, dần dần ông tích lũy mở thêm nhiều võ đường dạy võ Kinh ở nhiều nước như Mỹ, Úc, Ý... Ở đâu võ Kinh cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt. Ông càng có thêm động lực để thực hiện mơ ước của mình...

Dù đã bước qua tuổi 54 nhưng ông vẫn chưa muốn dừng lại. “Hiện nay nhiều nước ở Nam Mỹ, châu Phi vẫn chưa biết đến tầm vóc của võ cổ truyền Việt Nam. Mà đó cũng chính là một phần truyền thống văn hóa của người Việt. Tôi sẽ mang võ Kinh của Việt Nam đến giới thiệu cho họ biết!”. Và như “tiền duyên” với trẻ mồ côi chưa hết, ông vẫn đều đặn mở lớp dạy miễn phí ở Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi An Tây (TP Huế). “Trẻ mồ côi thì thời nào cũng thiệt thòi, cũng cô độc, tôi chỉ mong sao mỗi đứa trẻ này có thể đủ bản lĩnh để tự đứng vững trước sóng gió cuộc đời” - võ sư Kim chia sẻ.

Đưa võ Kinh đến Festival Huế 2008

Võ Kinh là môn võ chỉ dùng để truyền dạy cho quan quân trong kinh thành nhà Nguyễn do Thoại Đình Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập từ thời vua Gia Long, là một trong hai phái võ cổ truyền còn lại của dân tộc (ngoài võ Bình Định) mang giá trị văn hóa truyền thống vô cùng lớn. Những kỳ festival trước, việc biểu diễn võ Kinh luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến xem. Đến Festival 2008, võ Kinh đã được những nhà làm du lịch thẩm định để tạo thành một điểm đến mới lạ và hấp dẫn trong tour du lịch: tháp Chàm - làng Phật Tích - võ Kinh.

NGUYỄN QUỐC NAM
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top