Đôi chân kỳ diệu của người thợ mộc tật nguyền

Đôi chân kỳ diệu của người thợ mộc tật nguyền

Đôi chân khéo léo đã giúp Sơn làm nên điều kỳ diệu - Ảnh: K.H
Với đôi chân tật nguyền của mình, người thợ mộc này đã làm được những việc khó ai có thể hình dung nổi...
bai9a.jpg

Chân là tay

Chân trái của anh "cầm" cái đục. 5 ngón chân mạnh mẽ khác thường. Chân phải "cầm" cái dùi bằng gỗ tự tạo dài cỡ nửa sải tay người lớn, nâng lên rồi gõ xuống. Mạnh mẽ và dứt khoát. Cái đòn gỗ dẻ cứng cáp trong chốc lát đã bị đục một cái lỗ nhỏ, dài, vuông vắn và đẹp mắt. Anh lại lấy cái bào, cũng dùng chân bào phẳng lì đoạn gỗ xù xì do vết cưa xẻ để lại một cách nhanh, mạnh và hết sức chuyên nghiệp.

Người thợ mộc này là Lê Hồng Sơn ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Mới chào đời, cơn sốt đã biến Sơn thành một đứa trẻ què quặt. Lên 5 tuổi, tay chân Sơn vẫn co quắp, di chuyển như một đứa trẻ tập bò. Khi bạn bè đồng lứa đến trường, cậu bé mới thấy mình lạc lõng.

Sơn đến trường. Vào lớp 1 muộn hơn tuổi nhưng hừng hực khát vọng học tập. Kế bên nhà Sơn có người hàng xóm là thợ mộc, suốt ngày đục đẽo, là nơi cậu thường sang chơi. Thứ âm thanh khô khốc ấy lâu ngày bỗng trở nên cuốn hút đối với cậu. Sơn đâm mê nghề đục đẽo này, nhưng khổ nỗi mỗi khi cầm lấy đục để làm thử trên những miếng gỗ thải thì thường bị bác thợ mộc mắng vì cho rằng cậu nghịch ngợm.

12 tuổi, Sơn nhờ mẹ sang xin học nghề mộc. Bác thợ nhìn Sơn thì thấy thương nhưng ái ngại vì chân tay như thế thì đục đẽo làm sao được. Nhưng thấy cậu tỏ ra mê nghề nên rồi bác thợ mộc tốt bụng cũng gật đầu. Cậu bé Sơn khi ấy bắt đầu luyện chân. Ban đầu bắt các ngón chân phải biết "cầm" đục. Khi những ngón chân đã quen với công việc thì luyện cho chân kia cách "cầm" dùi. Đôi chân đau buốt nhưng về nhà, cậu bé vẫn nghiến răng không dám kêu. Khi chân sưng tấy, những bước đi trở nên khó nhọc, cha mẹ Sơn phát hiện ra và phải đưa đi chữa trị, sau đó cấm tiệt học nghề. Nhưng nghị lực đã giúp Sơn vượt qua thử thách này.

Không được đến xưởng mộc nữa, Sơn ở nhà tự học. Cái ghế hay những vật dụng khác bằng gỗ hư hỏng, cậu mang ra đục đẽo, sửa chữa. 15 tuổi, đôi chân Sơn đã điêu luyện hơn nhiều, "chân nghề" đã khá thành thục, Sơn trở thành thợ mộc chuyên sửa chữa những vật dụng hư hỏng cho bà con làng xóm.
bai9b.jpg



Ước mơ cho trẻ bất hạnh

Nghe tin ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật của tỉnh đang tuyển giáo viên dạy nghề mộc, Sơn đón xe xuống nộp đơn, hy vọng một cơ hội sáng sủa hơn. Thoạt đầu, nhìn bộ dạng của Sơn, lãnh đạo trung tâm thở dài lắc đầu. Không ai tin Sơn có thể cầm đục, cầm cưa thì dạy làm sao? Sơn năn nỉ xin được thử việc, rồi cũng nhận được cái gật đầu của người lãnh đạo. Nhiều người ngạc nhiên trầm trồ khi nhìn Sơn "biểu diễn". Sự tận tình, cách hướng dẫn gần gũi sát thực của Sơn đã giúp cho nhiều học trò tiếp thu nhanh và sớm học được nghề.

Học trò của Sơn là trẻ lang thang, cơ nhỡ, trẻ bị khuyết tật. Sau khi thành nghề ở trung tâm này, một số em xin được việc làm, nhưng nhiều em cũng lại tiếp tục vất vưởng với nghề khác để kiếm sống. Sơn cảm thấy buồn, và nghĩ đến việc mở một xưởng mộc để tiếp nhận những học sinh của mình vào làm việc sau khi đã được đào tạo nghề. Sơn trở về nhà, bàn với gia đình thế chấp "sổ đỏ" vay vốn ngân hàng rồi xuống lại thị xã Hà Tĩnh thuê đất mở một xưởng mộc. Xưởng mộc ra đời. Nhưng đồng vốn ít ỏi cũng chỉ đủ tạo điều kiện cho 10 học sinh hành nghề. Phương tiện thiếu thốn, đồng vốn còm cõi khó xoay xở, xưởng này cũng chỉ "sống" được gần năm trời rồi phải đóng cửa.

Sơn khăn gói quay về nhà. Xưởng mộc cũ ở nhà lại được khôi phục để làm lại từ đầu. Sơn vay được 20 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm nâng cấp xưởng mộc. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhanh thu hồi vốn quay vòng, Sơn đi xe lăn tìm đến các trường học để nhận đặt hàng đóng bàn ghế học sinh. Sau hơn một năm, xưởng mộc đã thu hút được 17 lao động làm công và học nghề. Sơn cũng đang tính sắp tới sẽ đóng các sản phẩm cao cấp hơn như bàn ghế chạm, khảm để bán. Tuy nhiên cái khó vẫn đang là đồng vốn vì không biết vay ở đâu để mở rộng sản xuất. "Khát khao của tôi là làm sao cái xưởng mộc thật lớn, những đứa trẻ tật nguyền, bất hạnh sẽ đến đây học nghề và ở lại làm việc. Tạo cho họ cái nghề và tự kiếm được đồng tiền lương thiện bằng sức lao động của chính mình là điều tôi luôn mong mỏi", chàng trai 30 tuổi này thổ lộ.

Khánh Hoan
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top