Vì sao Trung Quốc tăng sở hữu trái phiếu Nhật Bản?

-nbca-

dreamin' of ..
Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc liên tiếp tăng lượng sở hữu trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Đặc biệt vào tháng 5 và 6, số lượng mua cao hơn so với tổng quy mô của 4 tháng đầu năm, tạo nên sự quan tâm rộng rãi của thị trường.

trai%20phieu.jpg

Nhiều nhà phân tích cho hay, hành động này của Trung Quốc rốt cuộc nhằm mục đích gì: phân tán rủi ro dự trữ ngoại hối, tránh sự phá giá tài sản dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khi đồng USD đang suy yếu, hay đồng Yên cũng như giấy tờ có giá bằng đồng Yên sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của dự trữ ngoại hối Trung Quốc, thậm chí là một phần trong việc quốc tế hóa đồng NDT?

Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật công bố, Trung Quốc đã mua 456,4 tỷ Yên (tương đương 5,3 tỷ USD) trái phiếu Nhật Bản trong tháng 6/2010, sau khi đã mua 735,2 tỷ Yên trong tháng 5. Như vậy, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã sở hữu 1.730 tỷ Yên trái phiếu Nhật Bản, bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cả các loại nợ khác. Cách đây 5 năm (2005), Trung Quốc mua nhiều trái phiếu Nhật Bản nhất, nhưng con số mua trong nửa đầu năm 2010 đã lớn gấp 7 lần của cả năm đó.

Đối với việc sở hữu dự trữ ngoại hối hơn 2.000 tỷ USD thì vấn đề quản lý, đặc biệt là tránh rủi ro là hết sức quan trọng với Trung Quốc. Vậy, động thái gia tăng sở hữu trái phiếu Nhật Bản ngày càng nhiều xuất phát từ nhân tố nào?

Thứ nhất, hiện nay, tình hình kinh tế toàn cầu hết sức phức tạp, tiền tệ quốc tế biến động không ngừng, Trung Quốc khó có thể tính hết rủi ro từ khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ. Mặc dù đa số nhà phân tích thị trường nhận định, địa vị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ thế giới đang gặp phải nhiều thách thức, nhưng trong tương lai gần không đồng tiền nào khác có thể thay thế.

Trong bối cảnh tính thanh khoản của tiền tệ tiếp tục thay đổi, hệ thống tiền tệ thế giới có thể xuất hiện nhiều biến động, thì phân tán rủi ro, tăng sở hữu trái phiếu Nhật Bản được xem là một giải pháp, hay chí ít đồng Yên vẫn khá mạnh trong ngắn hạn.

Sở dĩ như vậy là bởi vì Nhật Bản chưa thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính, lượng cung ứng tiền tệ thay đổi không nhiều, hơn nữa đồng Yên đang dần phổ biến trong thương mại và trở nên khá thiếu trên thị trường ngoại hối.

Những điều trên càng chứng tỏ ưu thế của đồng Yên, có tiềm lực nâng cao giá trị rõ rệt so với đồng USD và đồng tiền châu Âu. Vì thế, giá trái phiếu Nhật Bản tăng đáng kể dưới tác động này, đồng thời rủi ro đầu tư vào tài sản này cũng giảm hẳn, tính an toàn cao.

Thứ hai, nếu biện pháp tăng sở hữu trái phiếu Nhật Bản được coi là định hướng chiến lược của Trung Quốc, thì có vẻ như hơi sớm. Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, việc xác định cơ cấu dự trữ ngoại hối là điều không thể. Những năm gần đây, Trung Quốc cố gắng cải thiện cơ cấu dự trữ ngoại hối, một mặt tăng giảm trái phiếu kho bạc Mỹ theo biến động thị trường, mặc khác mua ngày càng nhiều trái phiếu của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, nhưng số lượng không nhiều.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng không thể sở hữu với quy mô lớn những trái phiếu của các nước này, bởi hệ thống tiền tệ thế giới thay đổi liên tục và tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chính rất khó kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, tình hình đồng USD và EURO là một ví dụ. Đầu năm, trên thị trường, đa số là đồng USD giảm, thậm chí có người dự đoán tỷ giá giữa đồng EURO và USD có thể đạt 1: 1.6. Nhưng thực tế trong 6 tháng đầu, đồng EURO mới là “kẻ xuống dốc không phanh”. Vì thế, có thể nói, việc Trung Quốc mua lượng lớn trái phiếu Nhật Bản cần hiểu đó là chiến lược tránh rủi ro trong ngắn hạn, phù hợp với nguyên tắc “an toàn, thanh khoản và bảo đảm giá trị” trong quản lý dự trữ ngoại hối.

Tóm lại, từ góc độ kinh tế và tài chính, việc Trung Quốc gia tăng trái phiếu Nhật Bản hay đa dạng hóa dự trữ ngoại hối là một quá trình không ngừng hoàn thiện, thận trọng, chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế bền vững.

Hiểu Nhi
(Theo báo TQ)
 
Top