'Nóng' chuyện ngoại hình

-nbca-

dreamin' of ..
Chuyện tranh chấp pháp lý giữa một cựu nhân viên với Công ty Prada ở Nhật Bản phản ánh tình trạng phân biệt đối xử do ngoại hình tại nơi làm việc khá phổ biến hiện nay.

Không thể chịu đựng được trước nhiều lời chỉ trích, cuối cùng, ban lãnh đạo chi nhánh Công ty Thời trang cao cấp Prada của Ý tại Nhật Bản (Prada Japan) đã nộp đơn kiện lại cựu nhân viên của mình là Rina Bovrisse tại tòa án quận Tokyo với cáo buộc gây tổn hại uy tín thương hiệu Prada và đòi bồi thường 33 triệu yen (hơn 7,6 tỉ đồng). Bovrisse làm giám đốc phụ trách bán hàng của Prada Japan nhưng đã bị sa thải hồi tháng 3 và đã nộp đơn kiện ngay sau đó.

Bị đuổi do ngoại hình kém

Theo nhật báo The Japan Times, phiên tòa đầu tiên xem xét khiếu kiện của Prada Japan đã được mở hồi cuối tháng trước nhưng chỉ có 4 luật sư đại diện cho công ty đến dự.

Cả ban điều hành Prada Japan và người bị kiện đều không có mặt tại tòa. Bovrisse không hề nao núng và quyết tâm kiện tới cùng khi tuyên bố: “Tôi hành động như vậy để bày tỏ sự thông cảm với những phụ nữ Nhật Bản bị đối xử bất công. Prada Japan vi phạm nhân quyền khi đe dọa nạn nhân của họ nói lên sự thật”.

Bovrisse thuật lại rằng hồi tháng 5-2009, Tổng Giám đốc Prada Japan là Davide Sesia đã yêu cầu cô loại bỏ 15 cửa hàng trưởng và trợ lý của họ bị tổng giám đốc cho là “già, xấu, mập và không dễ thương” hoặc “không phù hợp theo nhãn quan của Prada” sau khi ban lãnh đạo đi thăm 40 cửa hàng.

15-chot.jpg

Rina Bovrisse tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật bản Ảnh: AFP

Đến tháng 9 năm đó, Giám đốc nhân sự Prada Japan là Hiroyuki Takahashi chuyển lời ông Sesia nói rằng Bovrisse cần phải giảm cân và ông ấy không muốn quan chức của Prada ở Ý nhìn thấy cô bởi vì ông Sesia “cảm thấy khó xử” về ngoại hình của cô. Bovrisse cho rằng đây không chỉ là phân biệt đối xử về ngoại hình ở nơi làm việc mà còn là hành vi quấy rối. Ngoài việc khiếu kiện tại tòa án quận Tokyo, Bovrisse còn gửi hồ sơ kiện đến Tòa án Lao động.

Trong hồ sơ kiện, Bovrisse yêu cầu hủy bỏ quyết định sa thải đối với cô và đòi bồi thường thiệt hại 58 triệu yen (hơn 13,4 tỉ đồng). Tòa án Lao động đã bác yêu cầu đòi bồi thường vì thiếu chứng cứ nhưng Bovrisse đã kháng cáo. Khiếu kiện về hành vi quấy rối đã được tòa xem xét lần thứ hai hồi tháng 7 nhưng tòa chưa đưa ra phán quyết.

Tình trạng kỳ thị phổ biến

Năm nay 36 tuổi, từng có 18 năm làm việc trong ngành công nghiệp thời trang nên Bovrisse có kinh nghiệm vận động công luận ủng hộ mình. Cô mở cuộc họp báo hồi tháng 4, thông báo rộng rãi tình trạng kỳ thị do ngoại hình trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.

Mặt khác, vì Bovrisse có chồng là người Pháp nên chuyện tranh chấp pháp lý này được báo chí ở Paris chú ý. Nhật báo Le Monde cho rằng tình trạng này không chỉ có ở Nhật Bản mà phổ biến ở nhiều nơi, trong đó ngoại hình được xem là tiêu chuẩn bất thành văn trong tuyển dụng và đãi ngộ nhân viên.

Luật Hình sự Pháp cấm phân biệt đối xử vì ngoại hình ở môi trường làm việc trong một đạo luật được thông qua hồi tháng 11-2001. Tuy nhiên, luật sư Myriam Latrèche nói rằng khó thu thập chứng cứ để đưa ra tòa đối với tội danh này dù có nhiều trường hợp người lao động bị đối xử bất công do ngoại hình kém.

(Theo nld.com.vn)
 
Top