Vấn đề của Nhật Bản không chỉ có sự tăng giá của đồng yên

-nbca-

dreamin' of ..
Sự khủng hoảng hiện tại của đồng yên chỉ là dấu hiệu bề ngoài, cho thấy sự thất bại của Nhật Bản trong việc đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc hiện tại của mình vào xuất khẩu.

YEN1.jpg

Không chỉ đồng yên, mà là cả nền kinh tế của Nhật đang kêu cứu. Tăng trưởng trì trệ, tiếp tục giảm phát, còn đồng yên thì tăng giá mạnh không thể giải thích được kể từ cuối tháng Tám. Giới đầu tư đang mong đợi một sự can thiệp mạnh mẽ hơn nữa từ phía chính phủ. Về phần mình, Thủ tướng Naoto Kan đã công khai với giới truyền thông hôm 30/8 về một gói kích cầu quy mô lớn nhằm đối phó với tình trạng đồng yên đắt đỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa có thay đổi nào xảy ra.

Thất vọng trước những lời hứa hẹn của quan chức Nhật Bản càng làm đồng yên tăng giá mạnh hơn: từ 23/8 đến 1/9, tỷ giá YEN/ USD đã giảm từ 85,2 xuống 84,4. Các doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng lo lắng hơn, còn các chính trị gia đã bắt đầu phải xem lại về những lời hứa hão của mình. Họ sợ rằng trong tương lai, sẽ có lúc thông tin về các gói kích cầu sẽ không thể giúp cải thiện được tâm lý nhà đầu tư nữa.

Khi mà đô la và euro cùng giảm giá, đồng yên sẽ phải tăng. Kiểm soát đồng nội tệ trong thời điểm này là một nhiệm vụ rất khó khăn với Nhật Bản, khi mà đồng yên đã chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Tình trạng của Nhật trong năm nay đã làm nảy sinh những vấn đề khiến ta phải suy nghĩ: cái giá của việc không chịu thay đổi, ảnh hưởng ngày càng lớn của các nguồn lực quốc tế và sự bất lực của chính phủ.

Trước tiên là tình trạng “ù lỳ” của Nhật Bản. Thời kỳ hoàng kim hồi những năm 1980 đã qua, và sau giai đoạn ấy, đáng lẽ chính phủ Nhật phải tích cực xóa bỏ nợ xấu cho các ngân hàng, tái điều tiết ngành công nghiệp, cải cách chính sách thuế, nâng cao hơn nữa năng suất và khuyến khích kinh doanh. Nếu làm được những điều này, thì bây giờ nền kinh tế Nhật đã cân bằng hơn, và việc đồng yên đắt đỏ cũng không thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nó.

Tuy vậy, như ta đã biết, điều đó không xảy ra. Chính phủ Nhật đã chọn những chính sách khác như chi tiêu công mạnh tay hơn, hạ thấp lãi suất và duy trì một đồng yên yếu.

Tỷ giá hối đoái là vấn đề đặc biệt được quan tâm từ năm 2000 đến nay, do Nhật Bản cố gắng duy trì được thặng dư thương mại của mình. Giới hoạch định chính sách nước này đã cay đắng phát hiện ra rằng, chính đồng nội tệ của những nước có thặng dư thương mại sẽ phải tăng giá, nhất là trong những thời điểm xấu khi mà các nhà đầu tư đang muốn tìm bến đỗ an toàn. Đồng yên tăng giá buộc các doanh nghiệp phải hành động do chi phí tại Nhật sẽ đắt đỏ hơn. Renault -Nissan mới đây đã thông báo sẽ tăng cường sản xuất tại Hàn Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc tại Nhật.

Và sự ngại ngần chưa chịu cải cách đã khiến Nhật Bản đánh mất dần vị thế của mình trên trường quốc tế, mà một ví dụ là việc để kinh tế Trung Quốc “qua mặt” hồi tháng Tám. Ông Naomi Fink, một chiến lược gia của Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ nhận xét, “Đừng chỉ lo lắng về đồng yên, Nhật Bản cần phải giải quyết vấn đề chính.”

Tokyo không đủ sức để kiểm soát các xu hướng mới của kinh tế toàn cầu nữa. Thành tựu đạt được thời hậu chiến đã khiến các doanh nghiệp lớn của Nhật cũng như chính chính phủ nước này không muốn thay đổi. Chính phủ Nhật vẫn đang thận trọng hơn với các vấn đề như nhập cư hay tăng cường vai trò của phụ nữ để giải quyết sự già đi nhanh chóng của lực lượng lao động.

Trước khi Lehman Brothers sụp đổ, chính phủ nước này đã không có những bước chuẩn bị cần thiết. Và bây giờ, khi kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm hơn, Nhật Bản sẽ phải trả giá.

Chính sách của đất nước mặt trời mọc đang trong tình trạng mất ổn định hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân có thể là do Nhật Bản liên tục “thay tướng”. Nếu kết quả cuộc bầu cử 14/9 sắp tới không ủng hộ ông Kan, quốc gia này sẽ có thủ tướng thứ sáu chỉ trong vòng ba năm.

Chứng minh rằng tương lai sẽ tương sáng hơn là cách tốt nhất để cải thiện chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên với những bất ổn chính trị hiện tại, tình trạng tiêu dùng cũng như giảm phát sẽ còn tiếp tục trầm trọng hơn.

Tác giả bài viết là ông William Pesek, một nhà bình luận của Bloomberg News hiện đang công tác tại Nhật Bản. Ông thường xuyên viết về những vấn đề kinh tế, thị trường và chính trị của Nhật, và được đăng bài trên nhiều ấn phẩm nổi tiếng của châu Á cũng như thế giới như The Straits Times, The International Herald Tribune, The Japan Times, Bloomberg Markets…

(Theo stox.vn)
 
Top