Tại sao Nhật Bản lại để Trung Quốc vượt mặt?

-nbca-

dreamin' of ..
Bắc Kinh trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bỏ lại Tokyo phía sau. Nguyên nhân của cuộc soán ngôi giữa hai quốc gia Châu Á đang là chủ đề nóng trên các mặt báo thế giới.

Độc giả trẻ tuổi có thể thấy khó tin, nhưng chỉ đúng 20 năm trước, hầu hết giới chính trị và học thuật Mỹ đều coi Nhật Bản là cường quốc kinh tế đang lên của thế giới. “Nhật Bản là số một” là tựa đề cuốn sách nhiều ảnh hưởng của tác giả by Harvard's Ezra Vogel; còn báo chí đương thời cho rằng rằng Nhật Bản dù thua Mỹ trong cuộc chiến nhưng thực tế lại thắng Mỹ với tư cách là đối thủ cạnh tranh về kinh tế.

Nhưng sự tất yếu đó đã hóa ra trớ trêu khi những ngày qua tin tức rộ lên rằng Trung Quốc vừa thay thế Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ mới một thế hệ cách đây thôi, một kết cục như thế thực sự còn là điều không tưởng, và Nhật vẫn đang bỏ xa Trung Quốc về cả GDP đầu người và mức sống.

Nhưng xu hướng phát triển này là không thể phủ nhận. Giai đoạn 1990 – 2009, Trung Quốc tăng trưởng trung bình gần 10%/năm, trong khi Nhật vẫn kéo dài đà sụt giảm từ đỉnh cao vinh quang những năm hậu chiến xuống mức dưới 2%/năm. Trong khi một bên vượt nhanh khỏi đói nghèo, thì bên kia lại đình trệ “kinh niên” quanh một mức tạm gọi là thịnh vượng.

Vậy tại sao lại có sự hoán đổi giữa hai nước châu Á này và ý nghĩa của nó là gì? Một bài học nhãn tiền, nhưng thường hay bị lãng quên, là của cải của một quốc gia không phải là thứ thừa kế được. Thịnh vượng phải được tích lũy qua từng năm, thông qua những chính sách kinh tế hợp lý nhằm giải phóng được trí tuệ của dân tộc đó.

Trung%20Quoc.jpg

Trung Quốc được thể tung hô sự ưu việt của chủ nghĩa tư bản nhà nước sau cuộc khủng hoảng ở phương Tây (Ảnh: The Telegraph)

Đối với Trung Quốc, sự kiện mang ý nghĩa đột phá chính là việc Đặng Tiểu Bình mở cửa với thế giới và chấp nhận thị trường tự do năm 1978. Trước hết là trong nông nghiệp, và sau đó tới các ngành khác, Trung Quốc dần trở thành một mảnh đất kinh doanh khá tốt. Như tác giả Hugo Restall viết năm 2008, phần “dành cho” chính phủ trong GDP giảm xuống còn 11% trong giai đoạn đầu những năm 2000 so với mức 31% năm 1978. Trung Quốc đã đơn phương cắt giảm thuế quan, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, và yêu cầu các công ty nhà nước phải tự cải thiện và thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Trung Quốc ngày nay vẫn đang được hưởng lợi bởi đà tăng trưởng xuất phát từ những quyết sách này.

Trong khi đó, Nhật Bản lại vận động theo hướng ngược lại. Năm 1984, chúng tôi đã viết một bài xã luận, “Nhật Bản xếp thứ 21”, đánh giá vị trí thứ 21 của Nhật (trong số 23 quốc gia phát triển vào thời điểm đó) về tỷ lệ thu nhập của chính phủ trong GDP: 27%, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Chi tiêu chính phủ từng giữ ở mức 26%. Nhưng thời đó đã không còn nữa. Nhật Bản đã ban hành thuế giá trị gia tăng và chi tiêu chính phủ tăng dần lên xấp xỉ 40% GDP.

Sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ ra năm 1990, Nhật vẫn lao theo cái được coi là thử nghiệm chính sách Keynes kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử thế giới. Kết quả là nợ công của Nhật đã lên tới gần 200% GDP trong khi hầu như không giúp được gì nhiều cho tăng trưởng. Nhật Bản cũng thất bại trong việc cải cách chính các doanh nghiệp ngang bướng do chính phủ bảo trợ, hệ thống tiến kiệm bưu điện, và các rào cản đối với cạnh tranh khác trong nước.

Khách tham quan tới Nhật sẽ vẫn thấy một quốc gia trù phú, nhưng sự đi xuống tương đối đã phần nào hiện rõ. Derek Scissors của Quỹ Di sản Heritage lưu ý, Nhật hiện xếp thứ khoảng 40 xét về thu nhập cá nhân và người Nhật trung bình đang nghèo hơn công dân trung bình của Mississippi. Một thế hệ mất mát tăng trưởng đang gây nên những hậu quả vô cùng sâu sắc.

Một vấn đề kinh tế tương đối khác liên quan không chỉ tới chính sách mà còn cả tới ý chí dân tộc. Vực dậy sau thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, dân Nhật lại quyết tâm vươn lên, lần này trong hòa bình. Sự cố kết xã hội và kỷ luật doanh nghiệp đã xây dựng nên một số công ty vĩ đại của thế giới, mà hiện vẫn đang đóng góp vào sự thịnh vượng toàn cầu.

Nhat%20Ban.jpg

Sự năng động của nền kinh tế Nhật biến mất do nền kinh tế bị phủ bóng bởi chính phủ (Ảnh: taichinhthegioi.com)

Hiện tại dân số Nhật đang già hóa, và các nước già thường có xu hướng ngại rủi ro. Không giống như Mỹ hay Australia, Nhật chưa từng mong muốn chấp nhận người nhập cư, những người có thể tạo nên một thế hệ lao động trẻ hơn. Hệ thống chính trị của nước này dường như không thể quay lại với chương trình nghị sự ưu tiên tăng trưởng.

Ngày nay, Trung Quốc là quốc gia năng động và tự tin hơn, người dân thì nỗ lực bù đắp lại những thế kỷ đã mất và khẳng định mình là cường quốc nhiều ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc cũng gặp những vấn đề với dân số đang già hóa (do chính sách một con), nhưng sự di cư của hàng chục triệu người từ nông thôn ra thành thị đã tạo cho nước này một nguồn lao động trẻ trung, dồi dào.

Vấn đề nằm ở chỗ liệu Trung Quốc có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng này dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc? Đặc biệt, kể từ khi nỗi hoang mang về tài chính phá tan mô hình kinh tế Mỹ, thì Trung Quốc càng có lý do để hô vang nền kinh tế ưu việt của mình.

Trong một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Mỹ, James McGregor, nhà tư vấn cấp cao có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về Trung Quốc của công ty tư vấn APCO Worldwide, đã chỉ ra việc Trung Quốc đang rời xa chính sách thị trường tự do như thế nào khi bảo vệ các công ty trong nước khỏi sự cạnh tranh trong 7 lĩnh vực chủ chốt. Điều này sẽ dẫn tới hiệu quả và cải tiến trong nước kém hơn trong khi lại chuốc lấy sự phản ứng dữ dội từ hệ thống thương mại toàn cầu.

Sự vươn lên về kinh tế của Trung Quốc tuy vậy là một đóng góp to lớn và đáng hoan nghênh vào sự phồn vinh toàn cầu, giống như sự trỗi dậy của Nhật trong những thập niên thời hậu chiến. Ngược lại, 20 năm đình đốn đã trở thành thảm họa với cả thế giới cũng như người dân Nhật. Thịnh vượng toàn cầu không phải là cuộc chơi kẻ được người mất, và mỗi quốc gia đều cần phải có những đóng góp của riêng mình.
Người Mỹ có thể phần nào thở phào rằng ít nhất, qua năm 2008, Mỹ vẫn giữ lại được vị trí dẫn đầu kinh tế toàn cầu của mình, “mặc kệ” các quốc gia khác kẻ lên, người xuống. Mỹ vẫn còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chưa ai có thể sánh được, dù Trung Quốc đang đi lên. Cách để tránh vết xe đổ của Nhật là không phạm những sai lầm chính sách tương tự, tức là trở lại với chính sách những năm 1980, điều đã vực dậy nước Mỹ sau cuộc Đại suy thoái cuối cùng.

Đình Ngân dịch từ Wall Street Journal

(Theo vnr500.vietnamnet.vn)
 
Top