Vượt qua bóng tối, một mình Đông du...

Vượt qua bóng tối, một mình Đông du...

Bị từ chối vào trường cao đẳng trong nước, nhưng với cơ hội sang Nhật học trung cấp, cô dấn tiếp lên đại học... Thông thạo tiếng Anh, lưu loát tiếng Nhật - con đường vượt qua bóng tối của Nguyễn Trần Vũ Thúy mang dấu ấn của một nghị lực phi thường.

Từ nỗi đau của mẹ...


Gương mặt xinh xắn khiến nhiều người đối diện lần đầu đều không khỏi chạnh lòng khi cô gái ngước lên - đôi mắt chỉ là một màu trắng đục. Khi tôi hỏi câu chuyện về đôi mắt, Vũ Thúy khẽ nhíu mày: “Thôi chị ạ”. Còn người mẹ thì đau đớn kể: “Đó là năm 1978, bé Thúy là đứa thứ ba của tôi lúc ấy mới được 2 tuổi, tôi gửi ở nhà trẻ để đi làm, còn bố cháu thì công tác xa.

Khi cô giáo thông báo cháu bị tiêu chảy, biếng ăn, mắt cứ nhắm lại khóc mãi, tôi hốt hoảng đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng (TPHCM) thì bác sĩ phát hiện cháu bị ban trắng và đôi mắt đã bị đóng màng làm khô giác mạc, cần phải nhỏ dầu cá.

Nhưng thời buổi đó bệnh viện lại không có. Tôi chạy khắp nơi mà chẳng thể nào tìm ra cho dù chỉ là một viên dầu cá. Chỉ là viên dầu cá thôi, nói bây giờ không ai tin, chỉ vì viên dầu cá mà mắt cháu bị loét giác mạc và vĩnh viễn bị che phủ bằng tấm màn màu trắng đục...”.

Với người mẹ, nỗi đau chưa dừng lại. Năm 1981 bà sinh đứa con trai út. Mới ba tuần tuổi cháu đã bị một cơn tím tái vật vã. Do không chạy chữa kịp thời, cậu bé lớn lên mà người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không thuốc thang nào chữa được nữa...

Còn Vũ Thúy, tai nạn của người em trai và nỗi đau của người mẹ có đến hai đứa con tật nguyền đã làm cô sớm ý thức việc tự lập ngay từ bé. Tám tuổi, Thúy đã được đưa vào học Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nơi mà lần đầu tiên cô gái nhỏ bắt đầu tìm thấy ánh sáng riêng của mình.

Cô học với sự say mê, giành danh hiệu học sinh giỏi từ lớp nhỏ đến lớp lớn. Tốt nghiệp cấp III, cô nài nỉ mẹ cho đi thi đại học. Thương con đến đứt ruột, bà dẫn con đến gõ cửa các trường đại học, nhưng rồi lần lượt bị từ chối. Đến Trường cao đẳng Sư phạm mới được nhận vào, mà chỉ cho học dự thính khoa tiếng Anh...


Vũ Thúy vốn có năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt. Tuy nhiên, ở Trường cao đẳng Sư phạm, với thân phận dự thính, cô như người học lén, cứ đứng ngoài cửa lớp nhìn vào, không được tham gia các hoạt động chuyên môn của lớp, không được làm bài kiểm tra... Hai năm vất vả học dự thính ở trường cao đẳng, Vũ Thúy cũng “ra trường” mà không có được tấm bằng như bao bạn đồng môn khác...

Con đường du học


Một dịp may đến. Hội Người mù quốc tế của Nhật (ICB) đến Việt Nam chiêu sinh học sinh khiếm thị qua Nhật học vật lý trị liệu để về giảng dạy cho người khiếm thị VN.

Cô hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu thấy đây là cơ hội lớn cho người học trò cần mẫn của mình nên đã giới thiệu Vũ Thúy, và Thúy được đào tạo cấp tốc tiếng Nhật trong sáu tháng để chạy nước rút.

Lớp dành cho học trò khiếm thị mỗi tuần chỉ dạy có hai giờ rưỡi, vậy mà chỉ sau sáu tháng, khi ông chủ tịch Hội Người mù Nhật Bản sang phỏng vấn đã gật đầu chọn ngay Vũ Thúy và một bạn cùng trường đã được học tiếng Nhật trước đó một vài năm.



Sang đến Nhật rồi sự thử thách vẫn chưa chấm dứt. Vũ Thúy được giới thiệu để thi vào Trường trung cấp Nagasaki. Ở Nhật, những học sinh khiếm thị muốn thi vào trường này phải có sự chuẩn bị từ khi còn học THPT, còn Thúy lại chỉ có hai tháng để được dạy định hướng di chuyển trên đường, làm quen với cách sống… rồi bước vào kỳ thi tuyển vào khoa vật lý trị liệu châm cứu với các môn khoa học, tiếng Anh, toán, luận văn tiếng Nhật, địa lý, phỏng vấn và kiểm tra phục hồi chức năng...



Học chung với người bản xứ, tất cả đều phải tự thân vận động. Học kỳ đầu tiên Thúy học như cái máy. Bốn năm học trôi qua nhanh chóng, Vũ Thúy đã hoàn thành chương trình với xếp hạng loại giỏi và được đặc cách tham gia kỳ thi quốc gia chung với những học sinh bình thường với khoảng... 20 môn và cô đã lấy trọn ba bằng tốt nghiệp với điểm số khá cao.



Rời Trường trung cấp Nagasaki, nhiều học sinh các nước hăm hở quay về nước làm giảng viên, nhưng Vũ Thúy quyết tâm ở lại để lấy tiếp bằng đại học. Thúy tự tìm đường đi nộp đơn thi vào khoa châm cứu nâng cao của Trường đại học Tsukuba.



Lúc này Hội Người mù Nhật Bản đã hết trách nhiệm với du học sinh các nước mà họ đưa sang nên Vũ Thúy phải tự bươn chải, ngày đi học, chiều đi làm thêm mát-xa ở các cơ sở tư nhân để lấy tiền trang trải cuộc sống ở Nhật.



Gian khổ đến cùng cực nhưng Vũ Thúy vẫn theo học đến hết năm 1 đại học, cho đến tháng 6/2005, Trường Nguyễn Đình Chiểu điện sang đề nghị Vũ Thúy trở về để làm công tác giảng dạy...



Giấc mơ


Đi du học không chỉ để học cho riêng mình. Vũ Thúy “bật mí” lý do cô quyết tâm ở lại Nhật để học lên đại học: “Tôi muốn được mở một trường đào tạo nghề châm cứu, mát-xa có chất lượng cao cho người khiếm thị và do chính tay mình đào tạo, để họ có được một nghề mưu sinh và tự đứng ra mở cơ sở kinh doanh với bằng cấp của chính mình mà không phải nhờ một người khác đứng tên như hiện nay”.



Vũ Thúy lại say mê nói về con đường phía trước của mình bằng một kế hoạch: “Tôi đang ôn tập để năm sau sẽ thi vào khoa Anh Trường đại học Sư phạm để có được tấm bằng cho phép tôi đi giảng dạy. Sau đó tìm một học bổng để trở qua Nhật học tiếp chương trình đại học mà mình còn dang dở...”.



Con đường phía trước vẫn đang rộng mở và trên đôi vai của cô gái khiếm thị bé nhỏ này là cả một gánh nặng mà người bình thường cũng khó gánh nổi...



(Theo Kim Liên
Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top