Vai trò của quốc tế trong vụ PMU18?

Vai trò của quốc tế trong vụ PMU18?

Vụ bê bối PMU 18 bùng nổ không chỉ gây rung động và quan ngại đặc biệt tại Việt Nam mà còn trên thế giới chỉ vì liên quan đến các khoản vay viện trợ phát triển chính thức(ODA) từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế đa phưong như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các nhà tài trợ song phương như Nhật, Pháp và Australia..vv.
Hiển nhiên, vai trò và trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong vụ này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, ít thấy ai đặt ra câu hỏi về vai trò của các tổ chức tài chính (chủ nợ) này như thế nào trong vụ bê bối vừa qua?

Thoại nghe, câu hỏi này có vẻ được đặt không đúng chỗ vì một lẽ đơn giản, vai trò của chủ nợ là cho vay tiền, còn tiêu tiền thế nào thì là trách nhiệm của người đi vay. Vậy các chủ nợ có trách nhiệm như thế nào với các khoản tiền của mình đã cho vay.

Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất tại Việt Nam đã khẳng định vai trò theo dõi và giám sát của mình đối với các khoản vay ODA này như sau. Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) chịu trách nhiệm với các đánh giá và giám sát, “các đánh giá được tiến hành với từng giai đoạn trong suốt chu trình dự án nhằm tạo ra sự đánh giá liên tục có hệ thống. Trước khi dự án được triển khai, đánh giá thẩm định dự tính phạm vi hiệu quả của dự án và các mục tiêu được đặt ra. Sau khi dự án được hoàn thành, các đánh giá trước và sau nhằm so sánh với các giá trị mục tiêu cùng việc triển khai thực tế và các tác động chắc chắn được nhận biết một cách thực sự.” (1)

Chủ nợ lớn thứ hai của Việt Nam, sau Nhật Bản là Ngân hàng Thế giới cũng đã ghi rõ trách nhiệm của mình đối với các khoản vay như sau:

“Trong suốt quá trình thương thảo khoản vay, Ngân hàng Thế giới đồng ý với nước vay nợ về mục tiêu phát triển của dự án, chương trình, kết quả, các chỉ số thực hiện (để đo lường tác động và thành công của dự án) và kế hoạch triển khai vào thực tiễn. Khi khoản vay được thông qua, bên vay triển khai dự án vào thực tế cùng với các điều kiện đã được Ngân hàng Thế giới đồng ý. Ngân hàng Thế giới giám sát khoản vay được sử dụng như thế nào và đánh giá kết quả …”

Như vậy, đối với ODA không chỉ có bên vay nợ mới có trách nhiệm giám sát tiêu tiền như thế nào mà bên chủ nợ cũng có trách nhiệm cụ thể.

Phải chăng PMU 18 có vỏ bọc quá kín đến nỗi Ngân hàng Thế giới và các chủ nợ khác với hàng chục năm kinh nghiệp cho vay ODA ở các nước đang phát triển có tỷ lệ tham nhũng cao nhìn không ra?


Sự thật là ngay trong tháng 5 năm 2005, các chủ nợ đã có kết quả nghiên cứu về cấu trúc song hành cực kỳ bất cập đang làm giảm hiệu quả của các khoản vay ODA của hơn 500 PMU tại Việt Nam.

Cấu trúc song hành có nghĩa các PMU được tạo ra bên ngoài cấu trúc của bộ chủ quản. Nghiên cứu này còn cho biết các bất cập khác như các PMU thường làm nhân đôi hay sáng chế thêm chức năng và cả khả năng cho bộ chủ quản, các PMU được sử dụng để quản lý cả dự án vay bằng ODA và vốn cấp của chính phủ. Các PMU đều là một bộ phận của cơ quan chủ quản với cơ chế báo cáo ngang cấp thứ trưởng. Ở một vài PMU, thứ trưởng kiêm nhiệm luôn chức giám đốc. Các quyền tự quyết của các PMU thì rất đa dạng, trong đó các PMU tại bộ Giao thông Vận tải được hưởng quyền độc lập và tự quyết cao.

Kết quả nghiên cứu này còn cho thấy bộ Giao thông Vận tải và một số bộ khác có ý định sử dụng cấu trúc PMU này lâu dài. (3)

Hơn thế nữa, các chủ nợ đã biết rõ nhân viên của các PMU có mức lương cao hơn các nơi khác, mua được ôtô và đó là những nơi được coi là béo bở. (4)

Tuy thế, các chủ nợ vẫn đồng ý với Việt Nam để đến tận 2010 mới xóa bỏ hết các PMU. (5) Như vậy, đã thấy bất hợp lý, đã thấy có sự tham nhũng mà sao vẫn đồng ý để mô hình này thêm 5 năm nữa.

Ở đây, có hai trường hợp xẩy ra. Trường hợp thứ nhất các chủ nợ không thế thuyết phục được phía Việt Nam làm điều này sớm hơn. Trường hợp thứ hai, các chủ nợ không nhìn thấy đúng hậu quả nghiêm trọng của cấu chúc song hành PMU.

Trong trường hợp thứ nhất, các chủ nợ là người nắm đằng chuôi vì là người nắm hầu bao, ra quyết định tăng hay giảm khoản vay, cho nên để đạt được một quyết định xóa bỏ toàn bộ PMU sớm hơn 2010 là điều hoàn toàn có thể. Do vậy, khả năng đánh giá và giám sát các khoản vay của các chủ nợ tại Việt Nam là điều đáng để bàn và trách nhiệm của các chủ nợ như đã trình bầy trong phần đầu là không thể tránh khỏi.

Nếu để thêm 5 năm nữa, chỉ tính riêng tốc độ “tiêu tiền” của một mình PMU 18, gánh nặng đè lên vai các thế hệ tương lai của Việt Nam ngày càng thêm nặng nề. Có thể nói, qua vụ PMU18 các tổ chức tài chính giầu kinh nghiệm đã thụ động và yếu kém trong việc giám sát và tư vấn đối với các khoản tiền cho vay của mình tại Việt Nam.

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/04/060420_pmu18_analysis.shtml)


Chú thích:

(1)

The Role and Function of the Japan Bank for International Cooperation

(2)

How Does the World Bank Lend Money

(3)

Working Together to Improve Aid Effectiveness for Supporting Sustainable Development in Vietnam

(4)

Vietnam Case Study

(5)

Working together to improve aid effectiveness
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top