Vài Nét Về Môi Trường Pháp Lý Của

Vài Nét Về Môi Trường Pháp Lý Của

1. Tự do báo chí
Điều 21, chương 1 Hiến pháp Nhật Bản có ghi: Tự do ngôn luận, báo chí và tất cả các hình thức thông tin “được quyền đảm bảo”. Hoạt động kiểm duyệt bị ngăn cấm trong chương tiếp theo. Cần phải nói rằng, quyền tự do xuất bản sách báo được bảo hộ trong mục này của Hiến pháp.
Ngay từ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, mặc dù Hiến pháp có khuynh hướng phong kiến, quyền tự do ngôn luận cũng đã được bảo đảm. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự tự do hạn chế trong khuôn khổ luật pháp: hoàn toàn cấm phê phán Thiên hoàng hoặc chế độ quân chủ. Những bài báo xuất bản phẩm có liên quan đến chính phủ và quân đội được giới hạn nghiêm ngặt.
Luật báo chí và Luật xuất bản lúc đó là một ngăn trở nặng nề đối với ngành công nghiệp xuất bản. Cả hai bộ luật này được ban hành trong thời kỳ Minh Trị (1868 - 1912). Các tạp chí và xuất bản phẩm định kỳ khác chịu sự kiểm soát của Luật báo chí, còn Luật xuất bản được áp dụng đối với sách. Báo và tạp chí phải báo cáo ở nơi chúng được xuất bản và bị cấm in ở nước ngoài. Các xuất bản phẩm cũng bị kiểm duyệt và các hình phạt nặng áp dụng đối với các bài báo được xem như cổ vũ tình trạng lộn xộn trong nước hoặc báng bổ chế độ quân chủ. Hơn nữa, đó không chỉ là bộ luật duy nhất hạn chế xuất bản; còn có các đạo luật chiến tranh, Luật bảo vệ hòa bình, Luật bảo vệ bí mật quân sự và hơn một chục bộ luật khác kiểm soát ngôn luận.
Cùng với việc ban bố Hiến pháp sau chiến tranh vào năm 1946, nhiều đạo luật hạn chế ngôn luận và xuất bản đã được hủy bỏ. Điều 21 Hiến pháp hiện nay tạo cho Nhật Bản trở thành một trong những nước tự do nhất trên thế giới về ngôn luận và xuất bản. Việc thành lập các tờ báo, tạp chí và công ty xuất bản là hoàn toàn tự do; không có ngăn cấm hoặc phải trình báo nhà cầm quyền. Trừ một số ngoại lệ; như các loại sách giáo khoa và sách nhập khẩu, không có các qui định kiểm soát xuất bản phẩm, và người nước ngoài cũng được tự do mở mang hoạt động xuất bản. Việc in ấn ở nước ngoài cũng được phép. Hơn nữa, sự phê phán Thiên hoàng hoặc chính phủ và kháng nghị chính trị cũng được cho phép trong khuôn khổ luật pháp.

2. Tự do xuất bản và trách nhiệm

Tuy nhiên, việc xuất bản ở Nhật Bản ngày nay không phải là tự do hoàn toàn. Trước hết, những sự phỉ báng cá nhân đều bị nghiêm cấm. Thứ hai, nền công nghiệp xuất bản đã phát triển một bộ luật đạo đức và một hệ thống khuyến khích bộ luật này, để tránh sự can thiệp của chính phủ. Cuối cùng, sự can thiệp vào các hoạt động xuất bản hiện nay đến từ các nhóm và tổ chức ngoài chính phủ.
Các xuất bản phẩm khiêu dâm
Biểu hiện khiêu dâm có nhiều mức độ, nhưng nó là đối tượng của hầu hết các nghiêm cấm về luật pháp. Điều 175 của Luật Hình sự Nhật Bản nói rằng việc bán các sản phẩm khiêu dâm sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, khái niệm khiêu dâm hết sức mơ hồ và rất khác nhau theo thời gian và địa phương. Năm 1957, 15 thẩm phán ở Tòa án tối cao quyết định rằng việc dịch cuốn sách “Người tình của phu nhân Chatterley” của tác giả Lawrence là khiêu dâm, và phạt người dịch và người xuất bản. Mặc dù ở Mỹ, Anh và hầu hết các nước châu Âu khác từ năm 1960, cuốn sách này được coi như không phải là khiêu dâm, việc quy định cấm đoán khiêu dâm vẫn còn hiệu lực. Tuy vậy, sau sự kiện này, tòa án đã thu hẹp các qui định về tội khiêu dâm, và trong thực tế, nó chỉ kết tội các biểu hiện khiêu dâm quá đáng (sách báo khiêu dâm trắng trợn). Sau đó, cũng như nhiều nước phương Tây, Nhật Bản có xu hướng tự do hơn đối với các biểu hiện tình dục và do đó trên thị trường sách báo ngày nay, các xuất bản phẩm có nội dung khiêu dâm, đặc biệt là các loại báo ảnh khiêu dâm đã rất phổ biến.
Bảo vệ các nhóm vị thành niên và tự do xuất bản
Quyền tự do của những người trưởng thành đọc và xem những gì họ muốn là một khái niệm phổ biến đối với các xã hội dân chủ hiện đại. Đồng thời một điều tự nhiên là phải có giới hạn đối với trẻ em, vì chúng không có khả năng có những quyết định chín chắn. Ở Nhật Bản, không có luật ở cấp độ quốc gia cấm đoán việc đọc của các nhóm vị thành niên, nhưng nhiều chính quyền địa phương lập ra những quy định bảo vệ thiếu niên dưới 18 tuổi trong việc đọc sách. Những quy định này bao gồm các xuất bản phẩm bị coi là có hại cho những nhóm vị thành niên, và những ai bán hoặc cho phép trẻ em đọc sẽ bị trừng phạt. Hiện nay những tranh ảnh tình dục trong các loại chuyện tranh được coi là có hại và đều không được phép bán cho trẻ em. Tuy nhiên ở xã hội tự do như Nhật Bản, việc không để những văn hóa phẩm đó lọt vào tay trẻ em trên thực tế đó là điều rất khó thực hiện.
Bộ luật đạo đức của hoạt động xuất bản
Giống như các hình thức truyền thông khác, hoạt động xuất bản hướng tới khả năng thông tin tốt nhất, và đó là trách nhiệm xã hội của nhà xuất bản để thực hiện việc tự giữ gìn các xuất bản phẩm được trong sạch. Vì lý do đó, Hiệp hội các nhà xuất bản sách Nhật Bản, Hiệp hội các nhà xuất bản tạp chí Nhật Bản, Hiệp hội những người phát hành báo chí Nhật Bản, Liên đoàn những người bán sách Nhật Bản và các tập đoàn công nghiệp khác đã lập ra những bộ luật có tính chất đạo đức của họ. Bốn tập đoàn kể trên đã tổ chức những hội nghị về đạo đức xuất bản từ năm 1963 với mục đích là tạo điều kiện đọc sách tốt nhất cho thanh thiếu nhi. Những hội nghị này được tổ chức định kỳ để xác định những cuốn sách và tạp chí nào là có hại đối với giới trẻ. Và do đó người Nhật đã có quyết định sẽ in hàng chữ “Sách tranh cho người lớn” trên bìa những cuốn sách tranh được coi là không phù hợp với trẻ em. Không những thế, ở các hiệu sách đều có những góc nhất định đề hàng chữ “Khu vực sách dành cho người đọc từ 18 tuổi trở lên”
Về mặt pháp lý, những quyền tự do xuất bản đã được hình thành ít nhiều ở Nhật Bản, nhưng vẫn còn có những mối đe dọa đối với quyền tự do này. Vài năm trước, Đảng Dân chủ Tự do đã đề nghị một điều luật bí mật của Chính phủ để kiểm soát, theo dõi, như một cái cớ để hạn chế ngôn luận và báo chí, nhưng bị các nhà xuất bản phản đối mạnh mẽ và đề nghị trên đã không được thông qua. Những điều luật kiểm soát vấn đề đọc sách báo đối với thanh thiếu nhi cũng được xem xét. Hơn nữa, việc ngăn cấm xuất bản do các nhóm cấp tiến đã không được hủy bỏ hoàn toàn. Đặc biệt là những xuất bản phẩm nói về hệ thống quân chủ và phong kiến như là đối tượng công kích của phe cực hữu. Mặc dù có sự khác nhau về tính chất, những hoạt động phản đối từ các nhóm khác nhau về chuyện ngôn từ là một vấn đề tai hại cho hoạt động xuất bản và hệ thống truyền thông đại chúng.

3. Luật bản quyền tác giả - Lịch sử và xu hướng

Những thay đổi về Luật bản quyền
Luật bản quyền hiện đại được lập ra ở Nhật Bản vào năm 1899, khi Nhật Bản tham gia Công ước Berne và đồng ý bảo vệ bản quyền tác giả trên phạm vi quốc tế.
Luật bản quyền ban đầu của Nhật Bản không quy định gì về quyền hạn của người xuất bản, trong khi Luật xuất bản là một công cụ để Chính phủ kiểm soát hoạt động xuất bản. Các nhà xuất bản bắt đầu một chiến dịch to lớn đòi quyền lợi của mình vào khoảng năm 1925, và cuối cùng đã thành công trong việc có một điều khoản nói về quyền xuất bản được sửa đổi một phần của Luật bản quyền, được thông qua năm 1934.
Luật này đã được xem xét lại vào năm 1971, nhưng quyền xuất bản ở chương 3 vẫn được giữ nguyên. Luật bản quyền tạo ra sự bảo hộ “không cần thủ tục” hoặc “tự động” cho quyền xuất bản, nó có hiệu lực trong vòng 50 năm sau khi tác giả qua đời.
Vào tháng 6/1993, một hệ thống bồi thường quyền lợi cho việc sao chép cá nhân bằng các phương tiện nghe, nhìn đã được áp dụng. Khoản bồi thường gồm giá trị những bản sao được bán ra và được trao cho tác giả đích thực.
Những vấn đề bản quyền liên quan đến phần mềm các phương tiện truyền thống.
Để giữ nhịp độ ngang bằng với tốc độ phát triển của các phương tiện truyền thông điện tử, vào tháng 6/1992, một tiểu ban về truyền thông đã được lập ra trong Hội đồng bản quyền tác giả. Bản báo cáo đầu tiên của tiểu ban được công bố vào tháng 11/1993.
Bản báo cáo đề nghị, bước đầu tiên để lấp khoảng trống về bản quyền tác giả đối với các phần mềm của các phương tiện truyền thông là phải nghiên cứu để có được sự xem xét lại Luật bản quyền để nó bao gồm cả phần mềm của các phương tiện truyền thông.

4. Phát hành xuất bản phẩm đến các vùng xa
Ngay từ tháng 4/1967, Nhật Bản đã ban hành tỷ lệ cước phí gửi sách theo bưu điện, sao cho người đọc ở các đảo xa và các vùng dân cư biệt lập có thể mua sách với giá hợp lý. Cước phí này được áp dụng cho một số lượng sách bất kỳ nặng không quá 3 kilôgam, gửi đến bất cứ nơi nào trên đất Nhật. Đó là một tỷ lệ hợp lý và thấp hơn các loại hàng hóa khác.

(Trớch từ: Tạp chí NCNB &ĐBA. Số 2/2005)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top