Vài Nét Về Các Họa Sĩ Manga

Vài Nét Về Các Họa Sĩ Manga

Bài viết lượt dịch và tổng hợp từ Manga ! Manga! The World of Japanese Comics.

Một đặc điểm khác biệt so với các đồng nghiệp ở Mỹ và Châu Âu là họa sĩ manga ở Nhật bản giữ toàn quyền sáng tạo lẫn bản quyền tác phẩm của mình.

Công việc nặng nhọc

Các họa sĩ manga, ngay cả những người thành công nhất có cuộc sống không lấy gì đáng làm ghen tỵ lắm. Hiếm có ai đi nghỉ xa cuối tuần. Đa số phải làm việc liên tục nhiều ngày, xa rời vợ con gia đình để thực hiện 5 hoặc 6 truyện cùng lúc cho nhiều tạp chí manga khác nhau. Không có gì lạ đối với một họa sĩ chỉ ngủ 5 hay 6 tiếng một đêm, có khi phải thức trắng để hoàn thành cho đúng kỳ hạn. Hiroshi Fujimoto trong cặp bài trùng Fujio-Fujiko mà độc giả Việt Nam ta rất quen thuộc với Doremon, tiết lộ: “Thời gian kỷ lục của tôi là làm việc liên tục khoảng 72 tiếng đồng hồ. Và đã có 2 lần như vậy. Trước tiên tôi chuẩn bị sẳn thức ăn và nước uống, một ít bánh rán thịt, hoành thành chiên ..vv Tôi có thể cầm thức ăn với 1 tay, tay kia cầm bút vẽ. Như thế liên tục 2 ngày 3 đêm không 1 phút ngơi nghỉ trừ những khi đi vệ sinh cá nhân. Đến khi vẽ xong, mắt tôi nhoà cả đi…”


Người ta bảo Tezuka Osamu có lúc làm việc kiết sức đến mức ông ta vẽ chân phi hành gia vũ trụ mang xăn đan samurai ! Và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Takayuki Matsutani, người quản lý của Tezuka tính rằng ông đã vễ gần 150 ngàn trang truyện tranh trong vòng 40 năm ! Tổng cộng 100 triệu bản truyện tranh bìa mềm của ông đã được xuất bản. Một họa sĩ khác Shotaro Ishimori đã vẽ hơn 70 ngàn trang trong vòng 30 năm và có lẽ là người đang nắm kỷ lục vẽ 500 trang trong 1 tháng. Khối lượng đồ sộ này có thể đạt được do phong cách vẽ manga Nhật Bản khá đơn giản, đường vẽ viền là chính yếu, còn lại đều áp dụng cắt dán giấy tông xám đen hay màu có sẵn. Thêm vào đó các họa sĩ còn có nhiều trợ lý phụ giúp. Tuy vậy, họa sĩ manga vẫn là người phát họa câu chuyện và tình tiết, khung hình, nét vẽ chính vv... Hầu như không có người thay thế cho các họa sĩ truyện tranh ở Nhật Bản. Mỗi truyện tranh cùng các nhân vật trong đó được công chúng gắn chặt với tác giả. Ít ra thì ở Nhật Bản các họa sĩ có thể an tâm tác phẩm vẽ là của riêng họ. Khi họ qua đời tác phẩm cũng chấm dứt theo.

Nhưng tại sao làm việc quá sức như vậy ? Có 2 nhân tố là làm việc cật lực luôn được tôn sùng ở Nhật Bản và các họa sĩ truyện tranh thật sự yêu thích công việc họ làm. Một nhân tố nữa là khối lượng hoàn thành là dấu hiệu của sự ăn khách, đặc biệt là đối với các nam họa sĩ. Số manga đồng thời xuất bản trong các tạp chí khác nhau quyết định “cấp bậc” của tác giả và từ đó đến số tiền được trả cho mỗi trang vẽ và áp lực của nhà xuất bản thúc đẩy tác giả hoàn thành công việc. Nhưng hầu hết các họa sĩ manga cho biết, thoả thuận giữa tác giả và nhà xuất bản vẫn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau thay vì hợp đồng. Chữ “tín” và đồng thời là sự bất ổn định thôi thúc các hoạ sĩ làm việc càng nhiều càng tốt trong khi tác phẩm mình còn ăn khách. Và thế là các họa sĩ trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình.

Thành quả làm việc cật lực là danh tiếng và thu nhập. Các họa sĩ manga ăn khách ở Nhật là những nhà triệu phú và tên tuổi hầu như ai cũng biết. Họ là chủ đề của các cuốn sách tự ký, hồi ký, các phim tài liệu truyền hình vv… Có cả truyện tranh về chính bản thân họ. Lúc nghỉ ngơi, các tác giả rong rủi đi cho chữ ký đông đảo công chúng hâm mộ. Tác giả nào giọng không đến nổi quá tệ thì cũng có thể hát và thu thành album để bán vv… Những người có cá tính như Taira Hara chẳng hạn thì tham gia vào các chương trình thảo luận trên truyền hình. Một số cho mượn tên hay đích thân xuất hiện trong các quảng cáo những sản phẩm chẳng liên quan gì đến truyện tranh. Tezuka Osamu từng lên TV quảng cáo cho máy đánh chữ.

Thu nhập

Tiền công trả cho các họa sĩ thông thường được tính theo trang và thay đổi từ 15 đến 250USD mỗi trang tùy theo cấp bậc và danh tiếng của tác giả trong ngành công nghiệp. Nam nữ như nhau. Các tập xuất bản thành sách thì họa sĩ được phí bản quyền 10%, sau đó bản quyền các nhân vật cho phim hoạt hình và đồ chơi thêm vài con số không sau con số thu nhập hàng năm của các họa sĩ.

Các họa sĩ manga luôn cố gắng giữ mức thuế thu nhập ở mức thấp nhất bằng cách lập nên công ty hoặc tận dụng các khoản khấu trừ thuế. Thế nhưng đôi lúc họ kiếm được quá nhiều tiền. Năm 1978 họa sĩ Shinji Mizushima nổi tiếng với loạt manga bong chày lọt vào Chojabanzuke, danh sách những người có thu nhập cao nhất nước. Ông kiếm được khoảng 1.3 triệu Đô la Mỹ. Manga bong chày của ông, Dokaben bán hơn 25 triệu số xuất bản giấy mềm. Ba năm sau, cặp bài trùng Fujio-Fujiko cũng lọt vào danh sách đó. Tổng cộng thu nhập của năm 1980 của hai ông khoảng 1.7 triệu US$, 3 lần năm trước (!) nhờ vào sự thành công của chú mèo người máy Doremon. Akira Toriyama đã phá mọi kỷ lục. Thu nhập của ông từ serie hài Dr Slump cùng hoạt hình dựa trên manga lên trên 2.4 triệu US$, 10 lần thu nhập năm trước (!!!). Toriyama năm 1981 chỉ mới 27 tuổi.

Yếu tố nào đưa đến sự thành công ?

Manga ở Nhật sẳn sàng mở rộng cánh cửa lên bục đài vinh quang cho bất cứ ai biết khai thác đúng gu của thị trường. Nhưng để tồn tại lâu dài thì đòi hỏi trí thức và khả năng làm việc cật lực. Hàng năm có cả trăm hoạ sĩ cho ra mắt manga đầu tiên. Chỉ một vài người thành công. Trong số họ, ít người được đào tạo chính qui. Nhiều người còn chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Yếu tố tiên quyết là óc sáng tạo phong phú và khả năng có thể tiếp tục cho ra mắt những câu chuyện làm thích thú độc giả.

Việc phát họa ý tưởng cho một câu chuyện có thể được thực hiện trong lúc nhìn ngắm một tờ giấy trắng, đi dạo quanh chung cư, hay ngay cả ngồi trong toilet. Cạn kiệt ý tưởng hay đi lệch xu hướng thời đại trong xã hội đầy ắp thông tin và thời thượng như Nhật Bản là sự bế tắc và dấu hiệu suy tàn của một hoạ sĩ manga. Vì vậy các hoạ sĩ tranh thủ dùng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi sao cho hiệu quả nhất. Họ thường đọc sách và xem phim. Đặc biệt, phim ảnh là nguồn cảm hứng không thể thiếu. Nhiều họa sĩ đã nhanh chóng đem ngay những gì họ thấy trên màn ảnh vào cậu chuyện và lối thể hiện manga của họ.

Thậm chí một số ít họa sĩ dám hy sinh tất cả để tìm nguồn cảm hứng phục vụ cho việc sáng tác. Shinji Nagashima, hoạ sĩ có ảnh hưởng nhiều trong thập kỷ 1960 đã có lúc bỏ vợ và gia đình đến cư trú ở một căn hộ rẻ tiền ở Shinjuku, lúc đó là khu lao động nghèo của Tokyo. Quan sát hiện thực xung quanh, ông đã cho ra mắt manga kinh điển Futen, lượt thuật lại thế giới hippy ở Tokyo. Hiroshi Momiya một họa sĩ manga nổi tiếng với những manga băng đảng trường học đã thông báo ông bị trầm cảm và không thể vẽ nữa. Motomiya đi Hawaii để giải khuây. Sáu tháng sau, có bức hình trên một tạp chí đăng ông đang cầm súng trong trường bắn (một thú khả phổ thông của đàn ông Nhật Bản - thích súng ! ), chạy xe thể thao đời mới nhất và thư giản bên hồ bơi với những cô đầm tóc vàng óng ả trong bộ bikini rất sexy ^^. Có vẻ như ông bỏ hẳn nghề vẽ. Nhưng ngay khi trở về Nhật Bản, năng động hơn bao giờ hết, ông đã sáng tác ngay một loạt truyện tranh chính trị và thông báo là sẽ ứng cứ chiếc ghế trong đảng “Ăn Kiêng Nhật” (!) Dù gì thì cả Nagashima và Motomiya là những ngoại lệ. Ít có họa sĩ nào có khả năng bỏ vòng cuốn làm việc dồn dập thường nhật của mình.

Các nhà viết kịch bản chuyên nghiệp

Các họa sĩ thường là người nghĩ ra câu chuyện và thực hiện nó thành manga nhưng đôi khi cũng nhờ đến sự trợ giúp của những nhà viết kịch bản chuyên nghiệp. Với tri thức phong phú dồi dào họ có thể giúp đỡ rất nhiều cho họa sĩ manga với những cốt truyện bao hàm đủ các yếu tố ăn khách mà độc giả thường đòi hỏi. Đặc biệt là các họa sĩ trẻ chợt nổi lên nhanh nhờ vào một tác phẩm nào đó và rồi phát hiện là bản thân không có khả năng đáp ứng nhu cầu dồn dập của các nhà xuất bản: Thêm, thêm và thêm nữa !! Các họa sĩ trẻ thường ít có kinh nghiệp thực tế cần thiết để tạo nên những câu chuyện hấp dẫn và bị quá nhiều áp lực nên cũng chẳng có nhiều thời gian để tìm hiểu và tích lũy thêm những kinh nghiệm này.

Ba nhà viết kịch bản manga nổi tiếng nhất là: Jiro Gyu, Ikki Kajiware và Kazuo Koike. Gyu đã từng làm việc trong nhà máy panchiko, quản lý nhà hàng, chơi kèn sax ở nhiều quán bar Jazz và là cây viết thường xuyên cho các tờ báo. Ông cũng là tác giả của những manga được nhiều biết đến như Kugishi Sabuyan. Kajiware - đôi khi viết đến 600 trang một tháng có kiến thức sâu rộng về Karate, Judeo, Aikido và nhiều môn thể thao khác và đã tạo nên danh tuổi của mình qua kịch bản cho những manga thể thao ăn khách nhất ở Nhật. Koike, cựu quan chức của Bộ Nông Nghiệp Nhật Bản, tay chơi mah - jongg chuyên nghiệp và là người đóng góp thường xuyên cho serie Golgo 13. Ông đã viết kịch bản cho nhiều serie hành động, trong đó có manga samurai kinh điển Kozure Okami.

Mô hình hoạt động của các hoạ sĩ manga

Nhu cầu công việc ngày càng đòi hỏi các họa sĩ manga san sẽ bớt việc của mình cho người khác. Ngày xưa, một họa sĩ có thể vẽ nhiều nhất 100 trang 1 tháng. Gia đình và người thân sẽ giúp tô điểm, kẻ khung hay tẩy xóa những nét bút chì phát thảo..vv.. Nhưng đến những năm 60 khi các tạp chí truyện tranh cho con trai chuyển từ hàng tháng thành hàng tuần, họa sĩ manga bắt đầu phải thuê thêm trợ lý để giữ được vị trí của mình trong nghành công nghiệp. Ngày nay sự trợ giúp này hình thành nên mô hình cho phép tác giả cùng các trợ lý cho ra mắt 400 đến 500 trang truyện tranh một tháng. Đây cũng là một cách tiện lợi để khấu trừ các khoản thuế thu nhập phải nộp. Tùy mức san sẽ công việc cho trợ lý, có 2 tiếp cận khác nhau đại diện bởi Osamu Tezuka và Takao Saito.

Osamu Tezuka có 10 trợ lý cho việc vẽ manga là một thí dụ của tác giả tự thực hiện tất cả trong công việc sáng tạo. Ông tự nghĩ ra câu chuyện, vẽ tình tiết trong các khung, nét bút chì đầu tiên và nét vẽ chính thức của các nhân vật cùng cảnh nền. Trợ lý của ông chỉ việc tô đen một số vùng nhất định, áp dụng giấy tông để tạo hiệu ứng và thêm các tiểu tiết cho xe cộ, toà nhà và quần áo. Mô hình này hoạt động tốt với Tezuka vì ông là người làm việc có tốc độ và cường độ cao, nhiệt huyệt và khả năng sáng tạo tuyệt vời. Ông có thể vẽ manga cho con trai, con gái và người lớn với mức trên 300 trang 1 tháng. Nhưng nếu Tezuka ngả bệnh hay bận bịu những việc khác mọi thứ bị đình trệ. Và điều này hẳn là ông đã gây nhiều cơn đau tim cho các nhà biên tập ở nhiều tạp chí manga.

Takao Saito, tác giả Golgo 13 làm việc với 15 nhân viên trong công ty ông - Sito Productions và ký hợp đồng với 7 hay 8 người bên ngoài cung cấp kịch bản cho serie. Saito xem thực hiện manga giống như làm phim với bản than ông là đạo diễn. Khi nhận được đơn đặt hàng, ông giao cho 4 trợ lý tùy theo từng tài năng riêng cùng làm việc một nhóm. Ông khuyến khích sức sang tạo của mọi thành viên trong nhóm bằng cách tổ chức các cuộc thảo luận cởi mở về cốt truyện lẫn đường nét nghệ thuật. Đối với nhiều người trợ lý thì công việc là sự huấn luyện tốt và bước đầu tiên để vươn đến sự độc lập sau này. Saito có lúc chỉ tô bút chì mặt các nhân vật chính. Saito Production bị chỉ trích như quá thương mại và Mỹ hóa. Tuy nhiên Saito vẫn là người kiểm soát sáng tạo các tác phẩm của ông.


Mối quan hệ của họa sĩ và trợ lý phát triển như một sự tiếp nối quan hệ thầy trò truyền thống của Nhật Bản. Nó giúp liên kết mạng lưới giữa các hoạ sĩ trong ngành công nghiệp. Nhưng đồng thời là công việc kinh doanh và đòi hỏi họa sĩ manga kiêm luôn nhà quản lý. Anh ta phải “nắm” được các trợ lý của mình để đảm bảo họ có tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt để có khả năng làm việc. Anh ta còn phải biết tránh né các fan hâm mộ cuồng nhiệt khi câu chuyện ăn khách và đôi khi cả nhà biên tập khi... trễ hạn đinh. Anh phải tự thương thuyết phí trả cho mỗi trang, thu thập thông tin, PR cho bản thân. Và trên hết là bỏ ra thời gian ra thực hiện các manga !

Theo VANIME
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top