Trung Quốc khiến Nhật và Nga xích lại gần nhau

Trung Quốc khiến Nhật và Nga xích lại gần nhau

Viên tướng Nga đội mũ samurai. Viên tướng Nhật tới thăm đất nước Nga đội mũ lông. Họ cùng xem cuộc diễn tập xe tăng trên nền đất phủ đầy tuyết. Nhật Bản và Nga đang thiết lập mối quan hệ quân sự, kinh tế gần gũi hơn và lý do là Trung Quốc.

Đây là một thay đổi lớn với Nga và Nhật, hai nước vốn luôn nhìn nhau bằng con mắt cảnh giác và vẫn chưa ký hiệp ước hoà bình kết thúc tình trạng chiến tranh kể từ sau thế chiến II.

Những chuyến thăm của các đơn vị hải quân và tuần duyên mỗi nước đã trở thành thường niên. Năm 2004, thương mại song phương tăng 38% so với năm 2003. Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, với các dự án dầu khí ở Sakhalin. Toyota, doanh nghiệp lớn nhất đất nước mặt trời mọc, vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ôtô tại xứ sở bạch dương.

"Chừng nào Nhật Bản và Nga còn hợp tác, Trung Quốc sẽ không thể chống lại chúng ta", nhà phân tích quân sự của ĐH Teikyo Toshiyuki Shikata nhận định.

Theo Michael R. Auslin, phó giáo sư ngành lịch sử Đông Bắc Á của ĐH Yale, nỗ lực giành vị trí cường quốc khu vực của Trung Quốc đang đưa Nhật Bản và Nga xích lại gần nhau. "Kể từ thập kỷ 1970, người Nhật luôn lo lắng về người Nga, và quan hệ Nga - Nhật luôn luôn căng thẳng", ông Auslin nói. "Không có mối đe doạ ngày càng lớn từ Trung Quốc thì không có chuyện hai nước xích lại gần nhau".

Trong tuyên bố chính sách hồi tháng 12, lần đầu tiên Tokyo khẳng định Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là các mối đe doạ quân sự tiềm năng. Nhật Bản ngày càng hoang mang trước các hợp đồng mua thiết bị quân sự và những khoản đầu tư vào tàu ngầm hiện đại của Bắc Kinh. Tuy nhiên, với dân số ngày một già nua, Tokyo sẽ cắt giảm tổng chi tiêu quân sự khoảng 4% trong vòng 10 năm tới, chuyển một phần tiền cho người già.

Chuyến thăm Siberia hồi tháng 11 của trung tướng Kenji Tokuda, chỉ huy lực lượng bắc Nhật, đã giúp mở đường cho tuyên bố của Tokyo hôm 10/12 rằng họ sẽ cắt giảm 1/3 số xe tăng và đạn pháo. Một tuần trước thông báo này, Đại sứ Nga tại Nhật Bản Aleksandr P. Losyukov đã bay tới Hokkaido và gặp tướng Tokuda. Sau cuộc thảo luận, nhà ngoại giao nửa đùa nửa thật: "Tôi xin lỗi vì không còn là mối đe doạ nữa, do việc ông ấy đang mất các nguồn lực".

Tuy nhiên, Tokyo vẫn bất bình với Nga. Gần 60 năm nay, Nhật Bản yêu cầu Matxcơva trao trả 4 đảo thuộc quần đảo Kurile mà Hồng quân Liên Xô chiếm giữ trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Ngoài ra, các quan chức Nhật còn tức giận về chuyện Nga bán rất nhiều máy bay chiến đấu, tàu và tên lửa cho Trung Quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh là khách hàng lớn nhất với ngành xuất khẩu quân sự Nga. Tuy nhiên, mối lo ngại về Trung Quốc của Nhật đã gạt những mối khó chịu đó sang một bên.

Theo kết quả cuộc thăm dò trên toàn Nga được tiến hành cuối năm ngoái cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Matxcơva, vùng Viễn Đông có thái độ tích cực nhất với Tokyo. Mặt khác, cư dân địa phương đang ngày càng lo ngại về số lượng lớn du khách Trung Quốc - 200.000 người chỉ trong mùa hè. Số vụ tấn công nhằm vào người Trung Quốc đang tăng lên.

Trong khi đó, người ta không hề phản đối mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hải quân và lực lượng tuần duyên Nga - Nhật. Kể từ năm 2001, lực lượng phòng vệ Nhật hàng năm vẫn điện đàm tới Vladivostok, nơi Hạm đội Thái Bình Dương Nga đóng quân. Hải quân Trung Quốc không làm như vậy.

Theo một nhà ngoai giao Nhật tại Vladivostok, quan hệ giữa các đô đốc phát triển tốt. Hạm đội Thái Bình Dương đang thảo luận với Nhật Bản về Trận chiến Tsushima ngày 27-28/5/1905, trong đó tàu chiến Nga gần như bị phá huỷ hoàn toàn, còn Nhật Bản giành chiến thắng trong chiến tranh Nga - Nhật.

Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước cũng gần gũi vì Tokyo cùng Matxcơva đang nỗ lực cải thiện độ an toàn và giảm mức độ ô nhiễm và đánh cá trộm trên Biển Nhật Bản. Theo ông Aleksandr Ivankov, Phó trưởng lực lượng tuần duyên Nga tại khu vực Vladivostok, cho tới tháng 10/2004, Nga, Nhật cùng hợp tác bắt được 36 tàu đánh cá trộm, so với 3 tàu trong năm 2003.

Tokyo còn chi 180 triệu USD giúp Matxcơva tháo gỡ 42 tàu ngầm hạt nhân đang han gỉ ở Viễn Đông.

Bên cạnh đó, các chuyên gia pháp y Nga, Nhật cùng khai quật thi thể của khoảng 5.000 tù binh Nhật thiệt mạng ở vùng Viễn Đông trong Thế chiến II. "Sức mạnh kinh tế Nhật quan trọng hơn nhiều so với sức mạnh quân sự", sĩ quan hải quân thời Liên Xô (cũ) Sergei V. Popov nhận xét.

Bị hấp dẫn trước các mỏ dầu khí lớn tại đông Nga, Nhật Bản đã vận động Matxcơva thành công về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu tới Biển Nhật Bản, bỏ qua Trung Quốc.

"Quan hệ kinh tế và thương mại Nga - Nhật đầy hứa hẹn", Đại sứ Losyukov nhận xét. "Một loạt doanh nghiệp Nhật sắp đầu tư vào Liên bang Nga".

Thị trưởng Tokyo đồng thời là một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng Shintaro Ishihara khẳng định: "Nhật, Nga và Mỹ nên hợp tác trong dự án đường ống dẫn dầu. Nó sẽ kìm hãm Trung Quốc".

(theo NYT)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top