Tranh chấp lãnh thổ Nhật - Hàn và những hệ quả

Tranh chấp lãnh thổ Nhật - Hàn và những hệ quả

Trong một năm được coi là năm hữu nghị Nhật - Hàn, kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hoá quan hệ, việc Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo nhỏ đang tranh chấp đã làm quan hệ giữa hai quốc gia xấu đi nghiêm trọng.

heot.jpg

Người dân đất nước kim chi cho rằng, việc Nhật nhận chủ quyền nhóm đảo có tên Tokdo trong tiếng Hàn và Takeshima trong tiếng Nhật là nỗ lực biện hộ cho thời kỳ thực dân của Nhật. Một loạt cuộc biểu tình phản đối diễn ra ngay trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản trong những ngày gần đây. Sau vụ hai mẹ con chặt đứt ngón tay, một công dân Hàn Quốc tên là Heo Kyung Wook, có cha bị buộc phải phục vụ Quân đội Nhật hoàng, tự thiêu.

"Cha tôi mất cách đây 20 năm. Sinh thời, ông thường kể cho chúng tôi những câu chuyện về cách người Nhật đối xử với ông, nỗi tức giận của tôi cứ tăng lên năm này qua năm khác", Heo nói trong khi đang được điều trị các vết bỏng trong bệnh viện. "Khi tôi biết tin về Tokdo trên truyền hình, tôi không thể kiềm chế nỗi tức giận được nữa".

Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Bắc Á, đặc biệt là kể từ khi họ cùng đăng cai World Cup 2002, dường như đã biến mất. Với những người Hàn Quốc có tuổi như ông Heo, sự cay đắng trong quá khứ đã trở lại. Cha ông đã kể về chuyện phải làm việc ở chuồng ngựa, không được ăn và phải nhìn lính Nhật ăn uống. "Người Nhật nói người Hàn chỉ làm việc chăm chỉ nếu họ đói", ông Heo kể lại những gì đã được nghe. "Vì vậy, khi ăn xong, họ lật bàn, và cha tôi phải nhặt những mẩu thức ăn thừa".

Với những thanh niên Hàn Quốc lớn lên với niềm say mê những bản nhạc, bộ phim hoạt hình Nhật, cuộc tranh cãi đột nhiên thay đổi quan điểm của họ về đất nước mặt trời mọc. Trong khu bán đĩa nhạc pop Nhật tại hiệu sách Kyobo, Seoul, sinh viên Lee You Mi, 18 tuổi, đang tìm đĩa CD của ca sĩ Nhật Mika Nakashima. "Hình ảnh về Nhật Bản - một đất nước cởi mở - đã thay đổi thành một đất nước đóng cửa, với các di sản thời kỳ chủ nghĩa đế quốc", cô nói.

Cuộc tranh chấp xảy ra trong khi Nhật Bản tăng cường lực lượng phòng vệ và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Chủ nghĩa dân tộc chưa từng thấy ở nước Nhật hậu Thế chiến II đã xuất hiện, với việc Thủ tướng Koizumi vẫn đến thăm Đền Yasukuni, nơi 14 tội phạm chiến tranh hạng A được thờ. Gần đây, các nguồn tin còn tiết lộ, năm 2001, các thành viên cao cấp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền gây sức ép để truyền hình NHK dịu giọng trong phim tư liệu về các nô lệ tình dục thời chiến tranh của Nhật Bản.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, thay đổi về thế hệ và nền dân chủ đã đem lại một loạt các nhà lãnh đạo hoàn toàn mới trong những năm gần đây. Mong muốn có quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng, chủ nghĩa dân tộc của ban lãnh đạo mới mở rộng ra toàn bán đảo.

Một trong những nhân tố lớn trong chủ nghĩa dân tộc này là Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều bị Nhật Bản đối xử khắc nghiệt. "Tokyo nên hiểu rằng những hành động liên quan đến Tokdo có ảnh hưởng tầm khu vực", Park Cheol Hee, chuyên gia về chính trị và ngoại giao Nhật Bản tại ĐH Quốc gia Seoul, nhận xét. "Nếu quan hệ Hàn - Nhật xấu đi, thì hệ quả sẽ là Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đoàn kết chống Nhật. Và vì Trung Quốc và Triều Tiên có nhiều điểm chung về lịch sử, nên hậu quả không ai mong đợi là Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên sẽ xích lại gần nhau, cùng chống Nhật Bản".

"Tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Ngoại giao và chính phủ Nhật Bản tiến hành một chính sách độc lập hơn và tích cực hơn với châu Á", Makoto Taniguchi, cựu đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc hiện đang giảng dạy ở các trường đại học Nhật Bản và Trung Quốc, nói. "Nếu không, Nhật Bản sẽ không có tương lai. Tokyo sẽ hoàn toàn bị phớt lờ ở châu Á, và trong tương lại, nếu vị thế và sức mạnh kinh tế Nhật suy giảm, thì tác dụng của họ với Mỹ là gì?".

Giới phân tích nhận định khả năng đụng độ quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn rất xa vời. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy phản ứng tức giận trên diện rộng ở một phần Đông Á liên quan đến chủ nghĩa dân tộc vừa trỗi dậy ở đất nước mặt trời mọc.

"Chính phủ Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với vùng đất của chúng tôi mà họ sáp nhập trong cuộc xâm lược và thời kỳ thuộc địa", Dong Young, Chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia Hàn Quốc, tuyên bố. "Đây không chỉ là vấn đề lãnh thổ mà là hành động phủ nhận lịch sử và cố gắng biện hộ cho cuộc xâm lược trong quá khứ".
(http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Phan-tich/2005/03/3B9DC85A/)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top