Tôi còn mắc nợ người khiếm thị Việt Nam.

Tôi còn mắc nợ người khiếm thị Việt Nam.

Thư viện chữ nổi đầu tiên ở VN được khai trương tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khiếm thị (Hà Nội) vào sáng một ngày cuối thu đầu đông. Ông Hideo Kumaki - Giám đốc dự án - lặng lẽ lùi lại phía xa, ngắm nhin những đôi tay rờ rẫm từng trang sách chữ nổi.

Ông bảo những ngày cuối đời, ông dành hết sức để thực hiện tâm nguyện "vì Việt Nam" của mình. Ông sẽ trở lại Việt Nam một ngày gần nhất để thực hiện dự án Chuyển giao công nghệ sản xuất giấy từ thân cây chuối. Và "nếu tôi có mệnh hệ gì thì hãy hiến xác tôi cho y học Việt Nam".

* Tôi lấy làm thắc mắc khi ông nói nhiều đến cụm từ "mắc nợ người khiếm thị Việt Nam". Điều gì khiến ông quan tâm đến người khiếm thị ?
- Tôi đến Hà Nội tám lần rồi, và điều khiến tôi rất ngạc nhiên là trên đường phố Hà Nội xe cộ tấp nập mà người khiếm thị vẫn thản nhiên di lại với cây gậy dò đường. Tôi hỏi thì mọi người bảo rằng, họ phải kiếm sống. Bán vé số, bán tăm tre, chổi và những thứ lặt vặt. Tôi đến huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng và đi một số vùng nông thôn thấy người khiếm thị còn sống chật vật về kinh tế, hầu như họ không được học hành. Tại một số trường chuyên dạy trẻ khiếm thị, các em phải học chay, không có sách giáo khoa chữ nổi. Tôi thấy người khiếm thị bị thiệt thòi quá. Qua trò chuyện với họ, tôi thấy hộ rất thích được học chữ để mở rộng hiểu biết... những ngặt một nỗi là thiếu sách chữ nổi.

Trở về Nhật, tôi kể lại cho bà Uchida Kuniko - Giám đốc xưởng in sách chữ nổi - nghe những thiệt thòi của người khiếm thị ở Việt Nam với mong muốn là có được sự chia sẻ của bà, bởi bà cũng là người khiếm thị nên dễ có sự đồng cảm. Tôi vẫn cứ mong uớc là phải có một thư viện chữ nổi cho người khiếm thị, trẻ em khiếm thị sẽ có sách giáo khoa để học, người khiếm thị có điều kiện mở mang được hiểu biết. Bà Kuniko rất nhiệt tình ủng hộ ý tưởng của tôi.

Các nhà Quốc tế ngữ Nhật Bản quyết định thành lập Tổ chức Hợp tác quốc tế (AIKO) với mục đích chuyên làm các dự án giúp đỡ Việt Nam. Thư viện chữ nổi là dự án đầu tiên của AIKO. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm khi tâm nguyện vì người khiếm thị Việt Nam của tôi đã thực hiện được. So với người khiếm thị ở Nhật bản thì người khiếm thị đất nước bạn còn thiệt thòi nhiều quá. Tôi thấy mình còn phải làm thêm nhiều việc nữa cho người khiếm thị VN.

Có được 10 triệu yên Nhật do JICA tài trợ, ông Kumaki "ôm" sang Việt Nam cùng các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam triển khai dự án "Thư viện chữ nổi". Bà Ngọc Lan, một cộng sự của ông, kể lại rằng, mấy ngày đầu ông Kumaki còn ở khách sạn, đến bữa cơm mọi người chuẩn bị cho ông một bữa ăn rất Nhật Bản. Không được một tuần, ông Kumaki đề đạt nguyện vọng là được "cùng ăn, cùng ở" với người khiếm thị tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Ai cũng ái ngại bởi nếu ông ở trung tâm thì tiện nghi thiếu thốn, ăn uống với học viên khiếm thị mỗi bữa có 2.500 đồng. "Ông ấy đã quyết thì có mà trời cản" - bà Ngọc Lan chép miệng.

Căn phòng của ông khá nhỏ, không điều hoà nhiệt độ. Đến bữa ăn, ông xuống nhà ăn tập thể cùng ăn với học viên khiếm thị. Một bát canh mà cô cấp dưỡng nấu khéo đến mức mà chỉ thấy hành, màu vàng của mỡ nổi lên còn ở dưới chỉ toàn là nước. Một đĩa rau muống xào và đĩa thịt lợn kho củ cải.

Tám tháng trời ông Kumaki đã hoàn tất "Thư viện chữ nổi". Từ đó những trang sách giáo khoa đầu tiên bằng chữ nổi đã được in từ thư viện, cung cấp cho học sinh khiếm thị ở mọi miền.

* Cộng sự của ông - những nhà Quốc tế ngữ Việt Nam - kể lại rằng mỗi lần đến Việt Nam ông lại bảo thấy thêm những điều "mới và lạ"?
- Này - ông nói như mặc cả - tôi chỉ nói đến điều mới là lạ chứ không phải nói đến sự thay đổi của đất nước bạn đâu nhé. Ví dụ năm 1992, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam ai cũng gọi tôi là "người Nhật", bây giờ trở lại thì mọi người lại gọi là "ông Ôsin". Tôi có cảm nhận là ở Việt Nam đang có "mốt" Ôsin thì phải. Bởi dường như trong mỗi câu chuyện thường ngày của mọi người, tôi cứ thấy nói nhiều đến chuyện Ôsin. Thế là người Việt Nam giàu hơn người Nhật chúng tôi rồi đấy. ở Nhật, ít gia đình dám thuê người giúp việc lắm. Phụ nữ Nhật cũng không còn thích làm nghề này, họ tìm đến các công sở.

Hàng quán nhiều hơn, tràn ra cả vỉa hè, tôi rất thích ăn phở Hà Nội, thịt chó chế biến nhiều món, rất ngon và món tiết canh cũng rất lạ miệng. Nhưng tôi thấy hơi lạ khi mọi người thản nhiên ngồi ăn và lại ăn rất ngon khi dưới chân tràn ngập giấy, xương xẩu...

Thấy tôi không có phản ứng trước lời than phiền của mình, ông hỏi rất thành thật: "Có phải đó là đặc trưng của quán ăn vỉa hè Hà Nội?". Tôi thoáng ngượng ngùng... Bà Ngọc Lan đã nhanh trí đặt câu hỏi thay cho tôi bằng ngôn ngữ quốc tế Esperanto.

* Ông có thể nói rõ hơn về dự án làm giấy in chữ nổi và cả một "dự án" riêng của ông khiến chúng tôi bất ngờ?
- Vì người khiếm thị và người nông dân Việt Nam, họ thôi thúc tôi phải trở lại VN trong một ngày sớm nhất.

Những lần đến Việt Nam, tôi thấy ở đâu cũng trồng chuối. Nhìn thấy thân chuối vứt đi tôi thấy phí quá. Trong khi đó, một người bạn của tôi - Giáo sư Morishi, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Nagoya - đã có công trình nghiên cứu được đưa vào sản xuất thành công, công nghệ sản xuất giấy từ thân cây chuối. Tôi nghĩ rằng, nếu công nghệ này được đưa vào áp dụng tại Việt Nam nó sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất cao cho người nông dân, đặc biệt là sản xuất giấy để in chữ nổi, giảm giá thành của loại giấy đặc biệt này xuống rất thấp. Tâm nguyện cuối cùng của tôi là phải đưa được công nghệ này vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Trở về Nhật, chúng tôi lại đi tìm nguồn tài trợ. Ông bạn giáo sư của tôi rất sẵn sàng chuyển giao công nghệ, nhưng vấn đề cần nhất là vốn. Hai dự án "Thư viện chữ nổi" và "Chuyển giao công nghệ sản xuất giấy từ thân cây chuối" là tâm nguyện trong những ngày cuối đời của tôi. Năm nay tôi đã 75 tuổi rồi. Trong di chúc tôi có nguyện vọng, hiến xác cho khoa học. Nhưng vì thực hiện tâm nguyện của mình tôi nghĩ làm dự án là phải ở Việt Nam thời gian lâu, vì thế tôi cũng nói với con cái rằng, nếu trong thời gian ở Việt Nam, tôi có mệnh hệ gì thì hãy hiến xác cho y học Việt Nam.

Tôi vẫn nói với các người bạn - các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam - rằng ở Nhật tôi là người nghèo, còn ở Việt Nam thì tôi là người giàu có.

* Đón nhận Huy chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng, ông lại "cứ" tự kiểm điểm xem mình có xứng đáng nhận danh hiệu cao quý đó không? Vì sao vậy, thưa ông?
- Tôi lại nghĩ rằng, những điều tôi đã làm vì tôi đã là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam từ hơn bốn mươi năm qua chứ không phải đến bây giờ tôi mới là bạn. Một nhà văn Pháp đã nói: "Quốc tế ngữ là vũ khí giải phóng con người". Tôi là thợ thủ công nên tôi không hề nghi ngờ điều đó mà làm theo lời giao huấn đó. Và tôi đã học Quốc tế ngữ, nhờ vậy mà tôi đã có ý thức về tình đoàn kết hữu nghị đối với công nhân trên toàn thế giới. Từ khi tôi biết đến các hoạt động của các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam, tôi thường xuyên trao đổi với nhà Quốc tế ngữ Đào Anh Kha. Trong thời kỳ đất nước chiến tranh, bom rải dày đặc mà vẫn xuất bản rất nhiều sách Quốc tế ngữ, khiến các nhà Quốc tế ngữ trên thế giới ngạc nhiên và nhờ đó tôi đã đọc và dịch sang tiếng Nhật rất nhiều bài và truyện để giới thiệu trên các tờ báo dân chủ. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam đã mang lại cho tôi nghị lực.

Năm 1963, khi đế quốc Mỹ gây sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chính quyền Sài Gòn tiến hành các cuộc đàn áp Phật giáo, thì ở Nhật Bản, ông Hideo Kumaki đã tự nguyện trở thành một chiến sĩ trong phong trào phản đối chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam. Là Đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản, ông Kumaki tham gia các cuộc biểu tình do Đảng Cộng sản Nhật Bản, cùng các nhà Quốc tế ngữ Nhật Bản đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Không chỉ riêng ông mà cả gia đinh Kumaki đều đã xuống đường vì nhân dân Việt Nam.

Trầm ngâm giây lát, ông hồi tưởng lại cả chặng đường hơn 40 năm luôn luôn sát cánh với nhân dân Việt Nam rồi kể :

- Qua hoạt động phong trào, tôi càng ngày càng nhận ra là để động viên được nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam hơn nữa thì điều cần thiết phải làm cho họ hiểu sâu sắc hơn nhân dân VN, nhất là về văn hoá, lịch sử và đặc biệt là truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập, tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước VN. Nhờ "ngôn ngữ" Esperanto, tôi đã dịch "Hòn đất" của Anh Đức, "Con trâu" của Nguyễn Văn Bổng, "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng, "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan...

Với tôi, những gì làm lợi cho Việt Nam là tôi làm, cho dù đó là việc nhỏ nhất như tôi đã từng đứng giữa phố bán hàng kỷ niệm để lấy tiền ủng hộ Việt Nam...

Trong buổi lễ trao tặng Huy chương Hữu nghị cho ông Hideo Kumaki, nhà Quốc tế ngữ Việt Nam Đào Anh Kha đã nhắc lại lời tâm sự của người bạn mình: "Chỉ sau khi đã làm quen với các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam, Esperanto mới trở thành một lý tưởng đối với tôi chứ không còn chỉ là một trò chơi. Bởi vì Việt Nam đã nhập vào trái tim tôi và giúp đỡ Việt Nam đã trở thành lý tưởng của cuộc đời tôi". Ông đã nói với Kumaki rằng: "Đồng chí hoàn toàn xứng đáng với sự tôn vinh của đất nước chúng tôi".

(Theo Lao Động)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top