Thế "Tam quốc diễn nghĩa mới" ở Đông Bắc Á

Thế "Tam quốc diễn nghĩa mới" ở Đông Bắc Á

Những bất đồng gần đây giữa Trung Quốc và Hàn Quốc với Nhật quanh chuyện sách giáo khoa được lý giải chỉ là bề nổi. “Phần chìm” chính là mong muốn của Nhật vào một ghế ở Hội đồng Bảo an (HĐBA) trong giai đoạn đổi mới của Liên Hiệp Quốc đang bị phản đối kịch liệt.

Trong hai phương án mở rộng HĐBA được Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trình bày gần đây, Nhật tin tưởng mình sẽ có một chiếc ghế để tăng sức nặng quyền lực chính trị.

Trong số bốn ứng viên nặng ký hiện nay là Nhật, Ấn Độ, Đức và Brazil thì Nhật đang gặp trở ngại nhiều nhất do những chống đối gần như lộ rõ từ phía hai láng giềng Đông Bắc Á là Trung Quốc (TQ) và Hàn Quốc (HQ).

HQ: thà hi sinh kinh tế

Chính phủ HQ tuyên bố thà hi sinh kinh tế để bảo vệ lịch sử và phản đối Nhật trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ. Nếu Nhật đang dùng các biện pháp ngoại giao, kinh tế để vận động ít nhất 128 phiếu (2/3 số phiếu của 191 thành viên LHQ) tán thành thì HQ cũng đang ra sức du thuyết, liên kết để ít nhất được 63 nước bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng đối với trường hợp Nhật.

Hiện nay, HQ đang tham gia “câu lạc bộ (CLB) cà phê” gồm hơn 60 thành viên LHQ tham gia do Ý, HQ, Argentina, Mexico khởi xướng. CLB này được hình thành vào những năm giữa thập niên 1990. Nó giống như “CLB ngoài giờ” lỏng lẻo thoải mái; nhưng trên thực tế là một loại hình hoạt động ngoại giao mới.

CLB này phản đối bá quyền trong quan hệ quốc tế, nhiều người nêu quan điểm vào thường trực HĐBA không nhất thiết phải là nước giàu, vì đâu phải vào hội đồng quản trị công ty đâu mà cần người nhiều tiền... Nhiều ý kiến nêu lên xem ra “trúng ý” HQ trong việc phản đối Nhật.

HQ phản đối Nhật không chỉ về ngoại giao chính trị mà còn có động thái về quân sự. Chiều 5-4 vừa qua, ngay sau khi Nhật tuyên bố ban hành sách giáo khoa thì Bộ Quốc phòng HQ cũng tuyên bố sẽ tăng cường giao lưu quân sự với TQ, dựa vào sự giúp đỡ của TQ để duy trì ổn định bán đảo Triều Tiên.


TQ có dùng quyền phủ quyết?

TQ là thành viên thường trực HĐBA LHQ, có quyền phủ quyết, nhưng trong quan hệ với Nhật có dùng quyền này hay không thì chưa có biểu hiện rõ ràng. Dư luận báo chí cho rằng TQ thận trọng để không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế với Nhật.

Trong khi quan hệ chính trị Trung - Nhật có nhiều điểm bất đồng thì quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước lại phát triển không ngừng. Hiện nay kim ngạch mậu dịch hai nước hằng năm lên đến 168 tỉ USD, mỗi tuần có trên 400 chuyến bay qua lại.

Khi dân chúng TQ biểu tình, tẩy chay hàng Nhật thì Ban tuyên huấn trung ương Đảng Cộng sản TQ ra lệnh yêu cầu báo chí phải hạ nhiệt khi đưa tin. Trong một hội nghị cấp cao, một vị lãnh đạo TQ đã nói: “Hiện thực cao hơn lịch sử”, ý nói quan điểm về lịch sử Trung - Nhật có nhiều bất đồng nhưng hiện tại còn quan trọng hơn.

Tuy vậy, theo những thông tin từ LHQ gần đây thì quan điểm của TQ về cải cách LHQ bất lợi cho Nhật. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh LHQ ngày 4-4 vừa qua, ông Vương Quang Á, đại sứ TQ tại LHQ, nói: “Trong cải cách LHQ cần tăng thêm đại diện các nước đang phát triển vào HĐBA và cần thảo luận dân chủ, tạo được sự đồng thuận của tất cả thành viên LHQ, không hạn định thời gian”.

Quan điểm này chắc sẽ được nhiều nước đang phát triển đồng tình nhưng lại trở ngại cho Nhật trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ.

Ngoại giao viện trợ của Nhật

Trong hội nghị LHQ tháng chín năm ngoái, bốn nước gồm Nhật, Ấn Độ, Brazil, Đức đã tuyên bố hình thành liên minh ủng hộ phương án A cải cách LHQ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc cạnh tranh vào ghế thường trực HĐBA.

Ngoài việc dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật còn dùng biện pháp du thuyết và viện trợ kinh tế cho mục đích này. Công bằng mà nói, về viện trợ kinh tế cho các nước kém phát triển và đang phát triển Nhật có đóng góp lớn, chỉ đứng sau Mỹ. Tính đến tháng ba năm nay, Nhật đã viện trợ không hoàn lại cho gần 100 nước Đông Nam Á và châu Phi khoảng 1,14 tỉ USD.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu tập các quan chức ngoại giao của Nhật ở nước ngoài về để thảo luận làm thế nào vận động được nhiều nước ủng hộ Nhật trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật N.Machimura chỉ thị các cơ quan ngoại giao của nước này coi đây là công việc rất quan trọng và qua đó đánh giá hiệu quả công tác của họ.

Nếu trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ thì Nhật không những là một nước kinh tế lớn mà còn là một nước chính trị lớn.

Tuần San Châu Á bình luận thế trận Trung - Nhật - Hàn hiện nay là “Tam quốc diễn nghĩa mới”.

(Theo Tuần San Châu Á, Thời Báo Toàn Cầu, Chinanews)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top