Sự thật phía sau huyền thoại về các cảm tử quân Nhật

Sự thật phía sau huyền thoại về các cảm tử quân Nhật

Kiểu tự sát của các phi công Nhật trong lịch sử được giải thích như hành động của các samurai thể hiện niềm tin vào vai trò thần thánh của Thiên hoàng. Banzai (Hoàng đế muôn năm!), tiếng hô xung trận của họ đã tạo nên một huyền thoại hồi Thế Chiến II. Ngày nay một vài cựu phi công lên tiếng bóc trần sự thật về nhiệm vụ cách đây 60 năm.

Nhà sử học và nghệ sĩ Philippines Daniel Dizon từng chứng kiến những lần xuất phát của các phi công kamikaze tại sân bay bí mật trên lãnh thổ Philippines cách Manila 80km về phía bắc trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Lúc đó ông chỉ mới 14 tuổi. Ông kể rằng, phần đông các phi công này “hành động cứ như họ đi chơi dã ngoại”, lòng can đảm của họ thật khó mà diễn tả.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, các sĩ quan chỉ huy Nhật đã phải thừa nhận vào tháng 10/1944 rằng, họ phải hành động nhanh trước khi Mỹ tấn công vào nước Nhật. Người Nhật quyết định thành lập đơn vị phi công đặc nhiệm chuyên mang bom bổ nhào xuống boong tàu sân bay đối phương để hủy diệt. Các máy bay này và các phi công nhanh chóng nổi tiếng với tên gọi kamikaze, tên ngọn gió thần thánh đã cứu nước Nhật thoát khỏi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1274. Cơn gió truyền thuyết này, có lẽ là trận bão đã tiêu diệt đoàn tàu chiến của Thành Cát Tư Hãn khi đang neo ngoài khơi đảo Kyushu ở miền Nam nước Nhật.

Kamikaze được hiểu một cách rộng rãi là các lực lượng đặc biệt của Nhật - bản thân các phi công không tự gọi mình là kamikaze - nhưng từ này đã phổ biến và ăn sâu vào trí tưởng tượng của người phương Tây; nó ám chỉ bất kỳ những ai có các hành động liều lĩnh và tự sát. Nhưng nó hoàn toàn khác với trường hợp của các phi công Nhật.

“Không một phi công nào ra đi mà nghĩ rằng họ muốn chết cả” - Toyotaro Nakajima, cựu phi công lực lượng đặc biệt, nói trong một cuộc phỏng vấn - “Đó là mệnh lệnh: Hãy cứu lấy Tổ quốc, Tổ quốc chính là gia đình, anh chị em, bạn bè, quê hương của chính anh. Phải bảo vệ những cái đó trước kẻ thù!”.

Sau vụ đánh đắm thành công chiếc tàu sân bay Saint Lo ngày 25/10/1944 tại Vịnh Leyte ngoài khơi Philippines, giới lãnh đạo quân phiệt Nhật thấy rằng chiến thuật kamikaze có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương, Hải quân Nhật bắt đầu triển khai các lực lượng đặc biệt trong suốt trận đánh Okinawa.

Theo báo cáo của phía Mỹ về Chiến tranh Thái Bình Dương, người Nhật đã thực hiện 2.550 sứ mạng bay kamikaze từ tháng 10/1944 cho đến kết thúc chiến dịch Okinawa vào tháng 6/1945. Chiến thuật của họ là dùng máy bay tấn công thẳng vào tàu đối phương, đánh đắm vài chiếc và gây thiệt hại cho vài chiếc tàu khác. Các cựu phi công kamikaze đều đồng ý rằng, phần đông các phi công lực lượng đặc biệt đầu tiên đều nghĩ đến gia đình khi họ thực hiện các phi vụ chết người.

Shigemitsu Saito, nay đã 78 tuổi, trước kia là phi công trong các chiến dịch ở New Guinea và Guadalcanal, phủ nhận hình ảnh người phi công Nhật mang trong lòng hình ảnh Thiên hoàng khi thực hiện sứ mạng kamikaze. Ông cười: “Thiên Hoàng thật ra không hề có mặt trong tâm tưởng người phi công – đó chỉ là những gì mà báo chí đặt ra. Tôi không tin bất kỳ ai đi đến cái chết mà hô to: Banzai! Vì Thiên hoàng!".

Tuy nhiên, các đơn vị ban đầu được thượng cấp trực tiếp yêu cầu họ tự nguyện nhận các sứ mạng như thế. Sau này các phi công phải điền vào một mẫu đơn và nói rõ họ có muốn nhận các sứ mạng đó hay không – và phần đông họ đều đồng ý. Sau khi đồng ý, các phi công sẽ nhận lệnh từ bộ chỉ huy và cất cánh. Đôi khi các mệnh lệnh này được dán trên các bảng thông báo ở căn cứ không quân để mọi người có thể nhìn thấy.

Hiromi Kawasaki, 77 tuổi, là phi công hải quân Nhật. Lúc 18 tuổi đang trong giai đoạn thực tập, ông nhìn thấy tấm quảng cáo tuyển mộ cho một kế hoạch tuyệt mật được dán trên bảng thông báo tại căn cứ của ông. Sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với một phi công trẻ khiến ông tình nguyện ra mặt trận chỉ sau 2, 3 tháng huấn luyện. Ông cho biết bản thân cũng rất lo sợ về sứ mạng tình nguyện vì khả năng tử vong là cực kỳ cao, nhưng từ khi được điều đến bờ biển Shikoku ở miền Nam Nhật Bản để đón đầu quân Mỹ thì ông mới còn sống cho đến ngày nay.

Kawasaki nói: “Chúng tôi không cần tiền bạc, danh tiếng hay mạng sống của mình – đó là suy nghĩ trong đầu chúng tôi”. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, Kawasaki nhận thấy mình cần phải lo toan cho cuộc sống bản thân. Cuối cùng ông cũng đã lập gia đình riêng. Ông cho biết, nếu có cơ hội quay lại thời gian trước đây thì có lẽ ông đã không chọn cuộc sống hai con người như thế. Tsukasa Abe, phi công kamikaze cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, chính ông đã thoát chết trong vài giờ: sứ mạng của ông sẽ được thực hiện vào chiều ngày 15/8/1945, nhưng đúng buổi trưa hôm đó Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!

Những phi công còn sống đến ngày nay cho biết, gần như tất cả đều chứng kiến các đồng đội của họ cất cánh để hy sinh tính mạng trong các cuộc tấn công dưới hình thức kamikaze. Một phi công nhớ lại: “Chúng tôi rất bình thản khi nhìn thấy họ cất cánh. Họ ra đi trước trong khi bạn vẫn còn ở lại, cho nên bạn sẽ cảm thấy như chính mình bị mắc nợ như thế nào đó”. Cựu phi công muốn giấu tên này còn thú thật: “Sẽ là dối trá nếu như tôi nói rằng tôi đã không cảm thấy vui sướng khi không được chọn”.

Các thống kê đáng tin cậy cho thấy rằng, có hàng chục tàu chiến của quân Đồng minh bị đánh đắm bởi các cuộc tấn công kamikaze của Nhật và hàng trăm chiếc khác bị thiệt hại nặng nề. Các phi công kamikaze cũng nổi tiếng với các chiến công đâm thẳng vào các máy bay Đồng minh ngay giữa không trung! Thêm vào đó, các thủy thủ từng chứng kiến các cuộc tấn công kamikaze của quân Nhật đều bị ám ảnh tâm lý trầm trọng.

Một số người đã cho rằng, kiểu tấn công tự sát kamikaze Nhật Bản được bọn khủng bố sử dụng lại trong cuộc tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới và Lầu Năm Góc của Mỹ vào ngày 11/9/2001, nhưng các phi công Nhật còn sống đều đồng loạt phủ nhận bất kỳ sự so sánh nào với bọn khủng bố hiện đại, bởi vì mục đích của họ chỉ là tấn công vào các mục tiêu quân sự.



Thật ra, bọn khủng bố ngày 11/9 có nghĩ đến cuộc tấn công cảm tử hay không thì chẳng ai biết được. Cựu phi công Kawasaki nói rằng, bổn phận người lính là tuân lệnh thượng cấp và động cơ của họ khác xa với động cơ của các vụ đánh bom liều chết ngày nay. Chiến thuật kamikaze là nhằm phòng vệ trước sự tấn công của quân Đồng minh và bảo vệ nước Nhật hơn là các cuộc tấn công thật sự. Cựu phi công kamikaze Nakajima nói: “Không ai săn lùng cái chết hay cố tự sát cả. Chúng tôi làm như thế bởi vì chúng tôi có bổn phận bảo vệ đất nước mình. Đối với tôi, đó là sự khác biệt lớn”

(Theo Asia Times )
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top