Sóng dậy Thái Bình Dương

Sóng dậy Thái Bình Dương

Robert Marquand của nhật báo Christian Science Monitor (11-2-2005) viết: “Sáng sớm 9-2, Tokyo thông báo cho sứ quán Trung Quốc (TQ) tại đây rằng nhóm hòn đảo Senkaku từ nay sẽ được lực lượng hải phòng Nhật quản lý”.

"Đây là một nước cờ nghiêm trọng” - một nhà ngoại giao phát biểu, trong một khu vực mà các tranh chấp năng lượng, biên giới, xây dựng căn cứ quân sự có thể sờ thấy được”. Một quan chức Nhật giải thích: “Không khí hiện nay không chỉ là lạnh mà còn là lạnh lẽo. Do một cảm nhận rằng TQ đang thôi thúc các “tình cảm chống Nhật” nơi dân chúng mình và đang tiến hành các “yêu sách bạo hành... trên toàn Thái Bình Dương”.

Tokyo chưa bao giờ thừa nhận các yêu sách của TQ, mà theo Tokyo là chỉ từ sau một khảo sát địa chất của Mỹ vào cuối thập niên 1970 cho thấy rằng khu vực này có thể chứa dầu hỏa.

Chỉ từ đầu thập niên 1980, Bắc Kinh mới đưa ra những yêu sách chủ quyền mơ hồ. Năm ngoái một số nhà “đấu tranh” người TQ đã đổ bộ lên một trong những hòn đảo này và tấn công một ngọn hải đăng. Một tàu ngầm hạt nhân của TQ cũng đã bị phát hiện trong vùng biển Senkaku. Kong Quan, người phát ngôn của TQ, mô tả rằng các yêu sách của Tokyo là “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”.

Hòn đảo lớn nhất, nơi có ngọn hải đăng, trong nhiều thập niên qua thuộc quyền sở hữu của một gia đình ngư dân Nhật. Hôm 9-2 vừa qua, gia đình này đã bàn giao các hòn đảo này cho Chính phủ Nhật.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hậu thuẫn bất cứ khiếu nại an ninh nào của Nhật Bản trên các hòn đảo Senkaku. Sau Thế chiến thứ hai, hiệp định hòa bình (Mỹ - Nhật) San Francisco đã ấn định nhóm đảo Senkaku thuộc về đảo Okinawa, do một cao ủy LHQ quản lý trong nhiều năm.

Nhóm đảo Senkaku đã và vẫn đang còn là bãi tập ném bom của không quân Mỹ. Đến năm 1972, Okinawa được trả lại cho Nhật. Sau đó ít lâu, Bắc Kinh bắt đầu yêu sách là của mình. Tokyo bác bỏ việc khơi khơi tuyên bố rằng đây là một vùng tranh chấp nhằm giành giật lãnh thổ”.

Ngày 12-2-2005, Tân Hoa xã loan tin về vụ việc này kèm những phản kháng và giải thích: “Hành động của Nhật Bản vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của TQ và TQ sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Từ lâu các đảo Diaoyu này đã là lãnh thổ của TQ và TQ có chủ quyền không chối cãi được trên các đảo này. TQ đã luôn duy trì quan điểm rằng cuộc tranh chấp cần được tháo gỡ qua đàm phán và tham khảo. Không được đơn phương hành động”.

Tân Hoa xã khôn khéo ghi nhận và cảnh báo: “Quan hệ giữa Nhật và TQ đã trở nên căng thẳng trong những tháng qua phần nào do những tranh chấp mỏ khí đốt gần đó, nơi mà Bắc Kinh bắt đầu khoan vào năm 2003 bất chấp phản kháng của Tokyo. Tháng mười hai vừa qua, lần đầu tiên Nhật xếp TQ như là mối đe dọa tiềm năng trong cẩm nang chỉ đạo quốc phòng vừa mới điều chỉnh của mình. Ngược lại, TQ bị chọc giận bởi việc Thủ tướng Nhật Koizumi hằng năm cứ đi viếng ngôi đền kỷ niệm binh sĩ Nhật tử trận, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh nhằm nhắc đến quá khứ quân phiệt của Nhật”.

Ngày 16-2-2005, China Daily loan tin: “Hàng chục người dân TQ đã xuống đường biểu tình bên ngoài sứ quán Nhật tại Bắc Kinh hôm thứ ba để phản đối việc Nhật đưa quân chiếm một ngọn hải đăng trên một nhóm hòn đảo đang tranh chấp ở biển Đông của TQ”.

Có thể thấy qua vụ này về phía TQ, đúng sai chưa rõ, song đã có những phản ứng nhịp nhàng, không “co rúm”: 1/ Ngoại giao thì ngoại giao, song bảo vệ chủ quyền thì vẫn hiển thị. 2/ Các cơ quan truyền thông loan tin rất rộng rãi, khá chi tiết, tất nhiên theo chiều hướng của họ, chủ động tấn công, thậm chí ra vẻ khách quan bằng cách trích đăng cả (một phần) quan điểm của Nhật Bản rồi khéo léo nhắc đến chuyện cũ (tội ác thế chiến thứ hai) và nguy cơ mới (bị Nhật điểm mặt là “mối đe dọa). 3/ Dân chúng TQ “được” bày tỏ ý kiến của mình, từ Bắc Kinh đến Hong Kong...

Trong bài viết về các cuộc biểu tình này, không ít những trích dẫn ý kiến dân chúng như: “Tôi đến đây vì tôi là người dân TQ, Jiao Wei 22 tuổi, phát biểu trong lớp tuyết dày đặc. Chúng tôi đến đây để bảo cho Nhật hay rằng các đảo Diaoyu đó mãi mãi thuộc về TQ”. Thậm chí dân chúng còn “được” lập hội: “Nhóm biểu tình, tự nhận là “Liên hiệp TQ bảo vệ các hòn đảo Diaoyutai”, mặc áo thun kẻ dòng chữ “Bảo vệ Diaoyutai”, miệng hô “Đả đảo đế quốc Nhật”.

Ngày càng tranh chấp dầu hỏa


Tàu dầu Trung Quốc đang “ăn dầu” trên biển
Thật ra, vụ này không mới mẻ gì. Tập đoàn tư vấn chiến lược Oxford Analytica hôm 11-2-2005 phân tích như sau: “Năm ngoái, Tokyo phản kháng Bắc Kinh về việc Tập đoàn dầu hỏa CNOOC triển khai dự án khai thác khí đốt trên biển Đông của TQ lấn sang phần lãnh hải của Nhật Bản. Đây là một phần của dự án Xihu Trong vốn đầu tư là 2 tỉ USD. Khu vực này rất gần vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, chạy dài từ phía tây - nam Nhật Bản xuống phía bắc đảo Đài Loan. Hai bên còn tranh chấp chủ quyền trên nhóm hòn đảo Diaoyutai (tức Senkaku).

Cuộc tranh giành này là một phần của sự kình địch rộng rãi hơn đang ngày càng lớn rộng giữa hai nước về tài nguyên năng lượng. Các nhu cầu năng lượng của TQ nhanh chóng gia tăng do mở mang kinh tế. TQ trở thành nước nhập khẩu dầu thô khổng lồ từ năm 1994. Trong nửa đầu năm 2004, nhu cầu về dầu hỏa của TQ tăng gần 40%, tương đương 1/3 khói lượng tăng nhu cầu dầu hỏa của cả thế giới. Nếu TQ cứ tăng nhu cầu dầu hỏa bình quân 7%/năm như từ năm 1990, nước này sẽ tiêu thụ đến 21 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2022, ngang với Hoa Kỳ hiện nay”.

Nhật hiện đứng sau Mỹ về tiêu thụ dầu thô với khoảng 5,4 triệu thùng/ ngày”, chỉ bằng 1/4 của Mỹ, do bị “phi quân sự hóa” sau khi thất trận Thế chiến thứ hai, lại sẵn tiền của nên đã “đàng hoàng” bỏ tiền đi mua dầu. Trong khi đó, hơn 40 năm qua do tiêu thụ dầu quá nhiều, Mỹ đã chinh chiến liên tục để giành độc quyền khai thác các mỏ dầu do các công ty Hoa Kỳ ký với các nước “chủ nhân” như Iraq hiện nay. Có tiền như Mỹ mà vẫn cứ phải hết cuộc chiến tranh dầu hỏa (Iraq) này đến cuộc chiến tranh dầu hỏa (Iraq) khác, huông hồ...

Trong khi đó, TQ mới chỉ thiếu hụt từ 1993-1994. Nếu các dự báo của Oxford Analytica là chính xác, từ 5,3 triệu thùng/ ngày năm 2002, chỉ trong 20 năm nữa TQ sẽ cần đến 21 triệu thùng/ngày, tức gấp bốn lần, bằng Mỹ hiện nay.

Trở lại với Oxford Analytica, các tác giả phân tích: “Cả Nhật và TQ đều ghi nhận rằng tình hình Trung Đông bất ổn có thể lám đứt quãng nguồn tiếp tế dầu hỏa. Thế cho nên cả hai đang tìm kiếm những nguồn khác ở nơi khác”.

Một trong những nguồn dầu hỏa khác đó là của Nga. Cả hai đang tranh thủ ký hợp đồng xây dựng đường ống dẫn dầu từ Siberia, và dĩ nhiên chẳng ai dám giỡn mặt đòi tranh chấp với “con gấu Siberia”, trong khi còn có những nguồn dầu khác “ngon xơi” hơn.

Oxford Analytica phân tích: TQ tăng tốc chống lại các nước khác về việc tiếp cận nguồn năng lượng. Các đối thủ tranh chấp trong khu vực được cho là giàu nhiên liệu như biển Đông (của VN) sẽ phải ngóng xem cuộc tranh chấp giữa Nhật và TQ diễn ra như thế nào để lên kế hoạch đối phó với TQ một cách tương ứng. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh sẽ thận trọng tránh để cho cuộc tranh chấp với Tokyo trở thành những tiền lệ hớ hênh”.

Chuyện dài biển Đông


Đường vận chuyển dầu hỏa từ eo biển Đông lên Bắc Đông Á
Ngày 19-11-2004, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng tuyên bố: “Theo Đài thông báo hàng hải TQ, dàn khoan KANTAN 3 của TQ do tàu Nam Hải 215 kéo xuất phát từ Thượng Hải đến hoạt động tại khu vực có tọa độ 17026’42’’ vĩ độ bắc, 108019’05’’ kinh độ đông, cách bờ biển VN 63 hải lý, cách bờ biển đảo Hải Nam, TQ 67 hải lý từ ngày 19-11 đến 31-12-2004.

Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, khu vực này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Việc TQ đưa giàn khoan vào hoạt động ở khu vực này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN. Xuất phát từ quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, phía VN đã giao thiệp với phía TQ yêu cầu nghiêm chỉnh tuân thủ các thỏa thuận giữa hai bên, không đưa giàn khoan KANTAN 3 vào khu vực nói trên, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng quan hệ giữa hai nước”.

Câu chuyện về dàn khoan KANTAN 3 là cả một câu chuyện dài. Tháng 3-1997, cũng dàn khoan KANTAN 3 này đã được kéo đến khu vực gọi là lô số 113, cách mũi Chân Mây 64 hải lý và cách đảo Hải Nam của TQ 71 hải lý (nguồn Bộ Năng lượng Hoa Kỳ).

Không thể không điểm qua thái độ của Hoa Kỳ, mà có một số ý kiến từ bên ngoài hi vọng và tin rằng “sẽ can thiệp, nếu bắt tay...”. Trong một phỏng vấn trực tuyến tháng 11-2004 trên website của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), một định chế tư vấn cao cấp về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Robert Manning - giám đốc châu Á học của hội đồng này - đã tỏ rõ lập trường của Hoa Kỳ như sau: “Trong một số vấn đề chúng ta đã từng tỏ rõ. Tỉ như về các tranh chấp ở biển Đông (của VN), Hoa Kỳ đã từng tỏ rõ rằng chúng ta quan tâm đến quyền tự do hàng hải, đồng thời khuyến khích một kết cục qua đàm phán cho quần đảo này, mà không muốn gây áp lực lên một phía này hay phía kia giữa TQ và một số nước ASEAN cùng tranh chấp”.

Hai ý kiến của Robert Manning khá xác thực:1/ Hoa Kỳ quan tâm đến tự do hàng hải trên vùng biển này, thậm chí hiện đang chiếm thế thượng phong. Trong bài phân tích “China and the Final War for Resources” (TQ và cuộc chiến tranh tối hậu vì tài nguyên) của Bill Ridley, ngày 14-2-2005 (www.jameswinston.com/) tác giả phân tích: “TQ sợ rằng Hoa Kỳ sẽ dễ dàng cắt đứt nguồn tiếp tế năng lượng của TQ một khi xảy ra xung đột. 80% nguồn dầu hỏa của TQ đang đi qua eo biển Malacca mà TQ cho rằng hiện do hải quân Mỹ kiểm soát.

2/ Hoa kỳ chơi nước đôi với các phe tranh chấp. Nếu như một số hãng dầu Mỹ đang hợp đồng khai thác dầu hỏa với VN thì ngay từ năm 1992 Hãng dầu Mỹ Crestone đã ký hợp đồng khai thác với TQ tại một dịa điểm cách đảo Hải Nam đến 600 hải lý về phía nam!
(Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top