Quan Niệm Về Thần (kami) Của Nhật Bản

Quan Niệm Về Thần (kami) Của Nhật Bản

scan0029.jpg

Như đã thấy ở trên, sống trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng cực kỳ khắc nghiệt như vậy, từ thuở xa xưa người Nhật đã tin rằng ngoài cuộc sống của họ, những tồn tại mà họ có thể cảm nhận trực tiếp bằng giác quan, còn có cuộc sống của vô số các vị thần, tiếng Nhật gọi là kami.

Theo mô tả trong hai tác phẩm cổ điển nổi tiếng là Cổ sự ký (Kojiki) và Nhật Bản kỷ (Nihongi) được biên soạn vào quãng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, thì các kami có mặt ở khắp các nơi và có cuộc sống cũng đầy trắc ẩn giống như cuộc sống của con người. Vậy người Nhật quan niệm kami (hay thần) là gì? Các học giả đều nhất trí với quan niệm của nhà cổ học Motoori Norinaga rằng: "Kami (thần) là tất cả những đối tượng vô hình có uy lực đối với dân gian". Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có tới 8 triệu ngôi thần trong các tín ngưỡng truyền thống ở Nhật Bản. Thần có thể được chia làm hai loại chủ yếu: Tự nhiên Thần (Thần tự nhiên) và Nhân Thần (Thần Người).

Tự nhiên Thần, có thể được kể ra như sau: Thần Mặt trời (Amaterasu Omi Kami), Thần Mặt trăng (Tsuki- Yomi), Thần Núi (Yama- Tsumi), Thần Biển (Wada- Tsumi), Thần Cây cối (Kukunochi), Thần Đồng (Nuzuchi), Thần Lửa (Kagu Tsuchi).v.v... Tóm lại, đó là những hiện tượng, sự vật hùng vĩ, có uy lực và kỳ ảo của tự nhiên được tôn lên thành thần. Tuy nhiên, Tự nhiên thần không chỉ có như vậy, sức sinh sản của trời đất cũng làm những con người cổ xưa trên quần đảo này kinh ngạc và tôn lên làm thần, chẳng hạn Thần Sinh Sản (Musubi), Thần Nuôi Dưỡng (Uke-Mochi)... Quan niệm về Tự nhiên thần như vậy có từ thời cổ đại, đã đi vào truyền thuyết, tạo nền tảng quan trọng cho những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, (đặc biệt là Thần đạo) và đã ảnh hưởng sâu sắc trong phong tục, tập quán sinh hoạt của người Nhật đến tận ngày nay.

Trong quan niệm về thần của người Nhật, bên cạnh Tự nhiên thần, còn có Nhân thần và loại thần này có vị trí rất quan trọng. Trong số Nhân thần trước hết phải kể đến các vị thần được coi là tổ tiên của các thị tộc (hay dòng họ) còn gọi là ujigami. Mỗi ujigami được toàn thể các thành viên của thị tộc đó tôn thờ. Đó là các vị thần như: Thần Amaterasu Omikami - thần khởi tổ của dòng họ Thiên Hoàng, thần Futodama No Mikoto - thần tổ của dòng họ Kị Bộ, thần Ame No Oshi Hi No Mokoto - thần tổ của dòng họ Đại Bạn.... Càng ở những giai đoạn lịch sử về sau, do ảnh hưởng của tôn giáo ngoại lai, đặc biệt là của Phật giáo, Đạo giáo quan niệm về Nhân thần được mở rộng. Nhân thần không chỉ là khởi tổ của các thị tộc, các dòng họ, mà còn là linh hồn của những nhân vật lỗi lạc, những anh hùng liệt sỹ, thậm chí sau này với ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo Tịnh thổ người ta còn cho rằng tất cả mọi người sau khi chết đều có thể trở thành thần hay phật nếu khi sống biết tuân thủ những nghi thức tín ngưỡng nhất định.

Vào thời cổ xưa, khi một thị tộc tăng trưởng về tầm vóc, cần thiết phải phân tách một vài bộ phận để di cư đến sinh sống ở những vùng đất mới thì những những nhóm mới phải tiếp tục tôn thờ ujigami cũ của mình. Mỗi thị tộc như vậy là một nhóm đoàn kết trên cơ sở cùng thờ chung một vị thần hơn là quan hệ huyết thống. Trong quá trình xung đột giữa các thị tộc, nếu một thị tộc mạnh chinh phục được một thị tộc yếu hơn thì các thành viên của các thị tộc bị chinh phục nhập thành bộ phận của thị tộc chiến thắng bằng cách chấp nhận thờ vị thần của thị tộc mới và vị thần của thị tộc bị chinh phục chịu xếp ở bậc dưới vị thần của thị tộc chiến thắng. Việc tôn vinh thờ cúng phổ biến Nữ Thần Mặt Trời chính là do thị tộc Thiên Hoàng đã trở thành thị tộc mạnh nhất trên quần đảo, chinh phục tất cả các thị tộc khác từ thời cổ xưa. Ở chỗ này ta thấy ngay từ thời cổ xưa tín ngưỡng của các thị tộc trên quần đảo Nhật Bản đã thể hiện tính dung hoà, chấp nhận những yếu tố tín ngưỡng từ bên ngoài chứ không triệt thoái, bài trừ nhau.

Tuy nhiên, ranh giới trong quan niệm về Tự nhiên Thần và Nhân thần không phải là tuyệt đối. Trong các thần thoại và truyền thuyết thì hai loại thần này nhiều khi hoà làm một. Chẳng hạn thần Amaterasu - Nữ Thần Mặt trời, vốn là biểu trưng cho sức mạnh huyền bí, siêu việt của một thực thể tự nhiên vốn là trung tâm của vũ trụ: mặt trời, nhưng đồng thời cũng là vị thần tổ của Hoàng tộc. Mặc dù trong số các vị thần được tôn thờ cũng có trật tự trên dưới nhất định, song trật tự đó cũng không nhất nhất giống nhau, ngay cả cùng một xu hướng tín ngưỡng Thần đạo. Chẳng hạn trong các bộ Nhật Bản thần thoại sao lục thì Nữ thần mặt trời được tôn vinh vị trí tối cao trong thế giới thần, nhưng về sau những người đứng đầu trong phái Thiên chủ giáo lại phủ nhận vai trò đó của bà và cho rằng hai vị thần Izanagi và Izanami mới thực sự có vị trí tối cao. Một khi vị trí của vị thần tối cao bị thay đổi thì việc tôn thờ các vị thần khác cũng bị xáo trộn theo. Dù thế nào đi nữa thì những quan niệm như vậy về thần vẫn là nền tảng quan trọng chi phối những tín ngưỡng của người Nhật. Ngay cả khi Phật giáo ảnh hưởng vào quần đảo này thì Phật giáo cũng phải biến hình để tồn tại. Từ quan niệm thần là phật rồi đến quan niệm phật là thần cho ta thấy các tín ngưỡng, tôn giáo ngoại lai nào muốn tồn tại trên quần đảo này ít nhiều đều phải mang dáng vẻ của các vị thần bản địa.

Ths. Phạm Hồng Thái​
 
Bình luận (1)

sakura_hana

Đại hậu đậu
Quan Niệm Của Nhật Bản Về Thế Giới Sau Khi Chết: Tha Giới

3004_19.jpg

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng một trong những đặc tính của tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là Thần đạo, là tính hiện thế và lạc quan. Nói cách khác đó là tín ngưỡng nhằm có được lợi lộc ở ngay thế giới hiện tại này chứ không đi tìm hạnh phúc ở thế giới sau khi chết như Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Mặc dù vậy thì cái chết vẫn là một thực tế mà bất cứ ai rồi cũng phải đối diện, do vậy người Nhật từ thời cổ đại đã không tránh khỏi phải trả lời câu hỏi về thế giới bên kia. Tuy nhiên về cơ bản do bằng lòng với cuộc sống ở thế giới hiện tại (hiện thế) mà thế giới bên kia không phải là mối bận tâm sâu sắc của họ. Nó đơn giản và mờ nhạt, chỉ là thế giới mà những linh hồn chết đi tới rồi sẽ có một ngày lại quay trở lại thế giới hiện thế. Thế giới này không hẳn như Thiên đàng, Niết bàn hay Địa ngục, nó là Tha giới.

Vậy Tha giới là gì? Để thấy rõ hơn nét độc đáo của Tha giới trước hết chúng ta hãy xem xét những quan niệm của những người cổ xưa sống trên quần đảo này về nó.

Theo công trình nghiên cứu gần đây của tác giả Umehara Takeshi về tộc người Ainu (sống chủ yếu ở Hokaido, phía bắc Nhật Bản), và về các cư dân ở Okinawa (đảo phía nam Nhật Bản) thì mặc dù ở hai địa phương cách xa nhau và xưa kia rất khó khăn trong việc giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau về văn hoá nhưng những quan niệm về Tha giới của họ lại có những nét rất gần nhau. Từ những nghiên cứu này cho ta thấy 4 đặc điểm của Tha giới như sau:

Thứ nhất, Tha giới là thế giới ở đằng xa. Người Ainu coi Tha giới là trên đỉnh núi, còn người Okinawa thì coi nó là ở phía trước biển. Tha giới gần như một tấm gương phản ánh thế giới thực tại và không khác lắm so với thế giới này. Tha giới trong quan niệm ở cả hai địa phương này không có sự khác biệt như khác biệt giữa thiên đường và địa ngục và không có sự phán sử cuối cùng sau khi chết.

Thứ hai, khi người ta chết linh hồn rời cơ thể và đi tới Tha giới đó rồi trở thành kami. Hầu như mọi linh hồn đều đi tới Tha giới sau khi chết và sống với tổ tiên của họ vốn sẵn đợi họ ở đó. Những người làm việc không tốt, hoặc những người có oán hận, thù nghịch trong thế giới này thì linh hồn của họ sau khi chết không đi thẳng đến tha giới, mà vẫn vấn vương đâu đó trong thế giới của người đang sống. Tuy nhiên, nếu những người họ hàng mời thầy cúng và làm những nghi lễ nhất định để tiễn đưa thì sau đó người chết có thể đi về Tha giới.

Thứ ba, không chỉ linh hồn của con người mà cả linh hồn của những tạo hoá có linh hồn (như là các con vật) cũng sẽ rời cơ thể sau khi chết để trở về Tha giới. Người ta cho rằng, những tạo hoá có tầm quan trọng đối với con người đều cần phải được tống tiễn về tha giới một cách cẩn thận. Ví dụ, người Ainu có nghi lễ tiễn đưa linh hồn gấu gọi là Kuma okuri. Người Ainu là những người săn bắn, nhưng cuộc sống hàng ngày họ chủ yếu ăn các thứ như hạt ngũ cốc, rau xanh và cá. Thịt chỉ được dùng để thiết đãi trong những dịp đặc biệt, như ngày lễ hội, cúng giỗ. Trong các loại thịt thì thịt gấuđược coi là thứ thịt ngon nhất. Gấu được người Ainu coi như vị khách quý vì nó đem đến cho họ món quà tuyệt vời là thịt gấu. Sau khi ăn thịt gấu người ta không chỉ làm lễ tiễn đưa linh hồn gấu về Tha giới mà còn tặng nó những món quà của thế giới con người. Điều này được thấy trong nghi lễ Inomante. Trong nghi lễ này người ta tiễn đưa linh hồn gấu với rượu, cá, gạo và hy vọng rằng khi linh hồn gấu trở về Tha giới sẽ kể lại và làm hấp dẫn những linh hồn gấu khác về cuộc sống sung túc của thế giới con người, để chúng sẽ bị lôi cuốn mà xuống thăm thế giới con người và như vậy năm sau con người sẽ có nhiều gấu để săn.

Thứ tư, Tha giới không phải là điểm đến cuối cùng của con người. Sau khi cư ngụ một thời gian trong Tha giới linh hồn sẽ quay trở lại thế giới hiện thế của con người. Sinh đẻ chỉ giản đơn là sự hồi sinh của một linh hồn từ Tha giới. Không chỉ con người mà mọi tạo hoá đều lặp lại vòng sinh tử như vậy. Tuy nhiên điều này khác với quan niệm hồi sinh theo nghĩa luân hồi của Phật giáo, vì ở đây không phải là vòng hồi sinh theo sự dẫn dắt của Nghiệp mà chỉ là vòng quay sinh tử theo lẽ tự nhiên.

Trong các tác phẩm cổ điển của Nhật Bản, đặc biệt là Cổ sự kí (Kojiki) và Nhật Bản kỷ (Nihongi) chúng ta cũng có thể tìm thấy những quan niệm về Tha giới với những đặc trưng tương tự:

1. Trong 'Cổ sự kí" Tha giới được chia làm Cao Thiên Nguyên (Takanohara) và Căn quốc (Nenokuni). Cao Thiên Nguyên có vẻ có nhiều nét giống như thiên đường còn Căn quốc thì gần giống như địa ngục. Tuy nhiên cả hai chỉ đơn giản là Tha giới vì ở Căn quốc không có sự trừng phạt, còn Cao Thiên Nguyên cũng không phải là nơi hoàn toàn thánh thiện. Ở đây các kami lấy nhau, sinh con cái, cũng tranh chấp nhau như những điều vẫn xảy ra trong thế giới con người đang sống.

2. Người Nhật tin rằng sau khi chết linh hồn đi về Tha giới và trở thành thần, tức là thành Kami. Cũng có quan niệm rằng người chết trở thành Phật (Hotoke), quan niệm này chỉ có từ khi Phật giáo vào Nhật Bản. Tuy nhiên quan niệm về thần và về phật đối với người Nhật là không khác nhau nhiều lắm.

3. Mọi vật đều có linh hồn, sau khi chết (người và động vật) hoặc vỡ, hỏng (đồ vật) cần phải có nghi lễ tiễn đưa chúng trở về Tha giới. Khi nghiên cứu những đống vỏ sò nằm rải rác khắp Nhật Bản người ta tìm thấy không chỉ có vỏ sò mà còn có cả xương người và những mảnh vỡ của đồ sành sứ, xương động vật. Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng đây là dấu tích của việc xưa kia người ta làm lễ tiễn đưa linh hồn của các vật này về Tha giới.

4. Trong các câu chuyện cổ tích còn lại của Nhật Bản và các truyền thuyết của Cổ sự kí và Nhật Bản kỷ luôn luôn đề cập đến sự hồi sinh trở lại thế giới hiện tại. Ở đây thế giới hiện tại vẫn là địa bàn mà con người không muốn xa rời vĩnh viễn sau khi chết. Ngược lại cái chết chỉ là sự kết thúc tạm thời để rồi một lúc nào đấy các linh hồn lại quay trở về hồi sinh nơi hiện thế.

Sau khi Phật giáo được truyền bá và phổ biến ở Nhật thì quan niệm về Tha giới được bổ xung thêm những yếu tố của Phật giáo. Nói cách khác trong quan niệm về Tha giới lúc này đã có sự kết hợp chặt chẽ của những tín ngưỡng bản địa với Phật giáo. Tuy vậy quan niệm về Tha giới có tính truyền thống của người Nhật không mất đi mà vẫn được duy trì như những nét nền tảng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi xem xét quan niệm về con đường đạt tới Tịnh thổ (Niết bàn) của Nhật Bản trong quan niệm của một số thiền sư đại biểu điển hình của Phật giáo Nhật Bản như Saichò Taishi, Honen, Genshin Taishi .

Saichò Taishi (Tối Trừng Đại sư. 767-822), người sáng lập ra giáo phái Phật giáo Thiên thai tông của Nhật Bản cho rằng con người là bình đẳng và mọi người đều có khả năng thành phật. Quan điểm này trở thành trung tâm của Thiên thai tông ngay cả giai đoạn sau khi Saichò mất.

Thiền sư Hônen (Pháp Nhiên.1133- 1212) cho rằng cả ba bộ kinh của Tịnh thổ và các tài liệu nói về Tịnh thổ đều cho thấy việc tụng niệm tên Đức Phật là cách tốt nhất để đạt tới Tịnh thổ. Honen cho rằng mọi người, kể cả những người từng làm điều ác cũng có thể hồi sinh ở Tịnh thổ nếu họ thành tâm tụng niệm tên đức Phật Adiđà

Theo Genshin Tai shi (Kiến Nhân Đại sư.1173-1262), người sáng lập ra Tịnh thổ Chân tông, coi thế giới có lục giới: Điạ ngục, Ma đói, Súc vật, Yêu quái, Con người, Thiên giớí. Cả 6 giới đó ít nhiều đều là thế giới khổ đau. Con người sẽ phải chịu kiếp luân hồi tuỳ theo Nghiệp của họ. Tuy nhiên, ngoài lục giới còn có Tịnh thổ - nơi cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc, ở phía Tây, nơi Đức Phật cư ngụ. Người ta có thể đi tới Tịnh thổ sau khi chết. Để đạt được điều này Genshin cho rằng cần phải giữ cho ý nghĩ luôn hướng về nơi Tịnh thổ đến khi nào Tịnh thổ hiển hiện trước mắt họ. Ông cho rằng tụng tên Đức Phật Adiđà là một cách để chờ Phật hiện lên đưa họ về Tịnh thổ.

Mặc dù Genshin tuyên bố ông trung thành với các nguyên tắc của Honen song thực ra ông khác với Honen. Theo ông, giáo lý Tân Tịnh thổ (tức Tịnh thổ Chân tông) cho thấy có hai loại cống hiến để trở thành chính quả. Trước hết là sự cống hiến để sau khi chết được hồi sinh ở Tịnh thổ, ông gọi sự cống hiến đó là òsò. Thứ hai là sự cống hiến cho việc trở về từ Tịnh thổ, gọi là gensò. Gensò là sau khi được hồi sinh ở Tịnh thổ rồi thì không bằng lòng hưởng sung sướng một mình ở đó mà phải thấy được trách nhiệm quay trở lại thế giới trần tục cứu giúp những người khác để cùng được hưởng hạnh phúc ở Tịnh thổ. Đạt tới sự cống hiến trở về từ Tịnh thổ mới có được sự cống hiến thực sự chân chính.

Theo Genshin, người nào tụng tên đức Phật Adiđà sẽ được hồi sinh ở Tịnh thổ và người nào được hồi sinh ở Tịnh thổ và trở thành phật cũng phải quay về thế giới này để cứu rỗi cho những người khác.

Qua quan điểm của Genshin cho thấy quan niệm của người Nhật vẫn tiếp tục được duy trì từ thời cổ đại. Quan điểm về Tịnh thổ được phát triển từ Genshin đến Honen rồi từ Honen đến Genshin ngày càng gần hơn với quan niệm bản địa của người Nhật từ thờ cổ đại về Tha giới, tức là quan niệm linh hồn người chết lại từ Tha giới hồi sinh trở về.

Quan niệm của các thiền sư Nhật Bản cho thấy về cơ bản mọi người sau khi chết đều có thể được hồi sinh ở Tịnh thổ (Tha giới). Quan niệm về Tịnh thổ phát triển đến Genshin thì cho rằng sau khi được hồi sinh ở Tịnh thổ rồi thì người ta lại quay trở lại thế giới trần tục để giúp đỡ những người khác cũng được hồi sinh ở Tịnh thổ.

Tuy nhiên quan niệm về Tha giới của người Nhật cổ đại và của Genshin là khác nhau về căn bản. Trong quan niệm cổ xưa thì gia đình là hạt nhân cốt lõi. Khi một người chết, tức là họ đi về Tha giới, nơi họ được tổ tiên chào đón và họ lại sẽ tái sinh trở lại thế giới con người như là cháu con của những người đã khuất. Trong quan niệm của Genshin thì việc hồi sinh trở lại thế giới này là hành động cao cả của các vị bồ tát. Nhờ có việc thực hành chuyên tâm việc tụng niệm tên đức phật Adiđà mà một người sau khi chết đắc đạo và được đi tới Tịnh thổ, rồi sau đó họ lại trở về thế giới này như là một hành động cao cả nhằm cứu rỗi những người khác. Điều này không có liên quan đến mối liên hệ họ hàng, dòng máu hay ít nhất nó chú trọng đến liên hệ cùng tín ngưỡng hơn là liên hệ họ hàng. Tuy nhiên, điểm giống nhau giữa hai quan niệm là con người ta chết đi không hẳn là đi khỏi thế giới này vĩnh viễn mà vẫn có thể trở lại thế giới của con người, đó là vòng luân hồi giữa hai thế giới: Tha giới và thế giới hiện tại.

Những quan niệm tín ngưỡng trong tín ngưỡng truyền thống của Nhật Bản là rất đa dạng, song quan niệm về thần (kami), về tha giới là những quan niệm cơ bản nhất. Những quan niệm này được hình thành trong thực tiễn của đời sống tín ngưỡng Nhật Bản, mặt khác, chính nó lại chi phối đời sống tín ngưỡng, tạo nên nét độc đáo của tín ngưỡng và văn hoá Nhật Bản từ xưa tới nay.

Ths. Phạm Hồng Thái​
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top