Ông Tadamichi Hoshi, Chuyên gia ATGT hàng đầu Nhật Bản: Giáo dục là con đường ngắn nh

Ông Tadamichi Hoshi, Chuyên gia ATGT hàng đầu Nhật Bản: Giáo dục là con đường ngắn nh

Ông Tadamichi Hoshi, Chuyên gia ATGT hàng đầu Nhật Bản: Giáo dục là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất
Ông Tadamichi Hoshi là Giám đốc Viện Giáo dục An toàn kiêm Trưởng ban Giáo dục ATGT cho trẻ em thuộc Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản. Nhân dịp ông có mặt tại Hà Nội trong đoàn nghiên cứu thí điểm của JBIC về hỗ trợ kiến thức ATGT cho Việt Nam, Báo GTVT đã phỏng vấn chuyên gia hàng đầu Nhật Bản này xung quanh vấn đề làm gì để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho tầng lớp thanh, thiếu niên?



2ec26ee42f49e20d18b8ce92fdff71a2-atgt.jpg

TNGT chưa thể giảm khi ý thức chấp hành Luật Giao thông

của người dân chưa cao




PV: Mục đích của chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của ông, chuyên gia ATGT hàng đầu của Nhật Bản là gì, thưa ông?



Ông Tadamichi Hoshi: Chuyến sang Việt Nam lần thứ hai này của tôi và 3 thành viên khác trong nhóm chuyên gia của JBIC nhằm chuẩn bị cho Dự án nghiên cứu thí điểm của JBIC về hỗ trợ kiến thức ATGT dựa trên những đề xuất của Công ty Tư vấn quốc tế ALMEC và Ban Quản lý dự án ATGT. Trước hết nhóm nghiên cứu đã điều tra thu thập thông tin để có được một bức tranh chung về tình hình TTATGT ở Việt Nam theo quan điểm giải quyết vấn đề ATGT phải là sự nghiệp toàn dân và cần thực hiện một cách toàn diện.



Từ những số liệu phân tích này, nhóm nghiên cứu sẽ đề ra các biện pháp toàn diện với 4 tiêu chí: Kỹ thuật; Cưỡng chế; Giáo dục và tuyên truyền; Cấp cứu và 4 thành phần: Cơ sở hạ tầng; Người sử dụng đường; Phương tiện giao thông; Môi trường tự nhiên, xã hội và pháp lý. Các biện pháp này là cơ sở cho một kế hoạch tổng thể để giải quyết các vấn đề ATGT và dự kiến sẽ được thực hiện trong các dự án cho vay khác của JBIC.



PV: Được biết ông đã từng nghiên cứu về giáo dục và đào tạo về ATGT trong hơn 35 năm qua tại Nhật Bản, xin ông cho biết vai trò của việc giáo dục pháp luật ATGT trong nhà trường đối với lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng?



Ông Tadamichi Hoshi: Cần phải nói rằng, tình hình TNGT ở Việt Nam hiện nay rất giống với những vấn đề của chúng tôi (Nhật Bản - NV) cách đây 30 - 40 năm. Khi đó, bên cạnh những biện pháp khẩn cấp như: xây dựng hệ thống hạ tầng đường sá an toàn; xoá bỏ các điểm đen, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông, trong đó chú trọng tới các đối tượng thiếu niên, nhi đồng, bởi đây là đối tượng dễ uốn nắn và tiếp thu với cái mới.



Bên cạnh đó, làm tốt công tác giáo dục pháp luật cho các em nhỏ tức là chúng ta sẽ có được những thế hệ công dân gương mẫu trong tương lai. Đấy là giải pháp ngắn nhất, hiệu quả nhất, cơ bản nhất trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến TNGT.



P.V: Ông có nhận thấy sự khác biệt nào trong cách giảng dạy ATGT trong các trường tiểu học giữa Việt Nam và Nhật Bản?



Ông Tadamichi Hoshi: Trước hết là điểm chung: cả hai nước đều đã có những quan tâm đối với vấn đề này, tất nhiên là với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam, cả giáo trình lẫn cách giảng dạy các vấn đề ATGT ở trong trường còn khá cứng nhắc. Các bạn dường như chưa có sự phân chia về độ tuổi và giáo trình cho hợp lý, ví dụ đối với các lớp tiểu học, bài giảng phải đơn giản, dùng các hình minh hoạ hơn là các con chữ. Đó là chưa kể đến tình trạng thiếu các giáo cụ trực quan và việc giáo viên chưa được đào tạo đúng mức trong vấn đề này.



P.V: Thưa ông, giả sử bây giờ ông đứng trước một lớp học tiểu học ở Việt Nam, bài học đầu tiên mà ông sẽ truyền đạt tới các em là gì?



Ông Tadamichi Hoshi: Đó là bài học về sự nhường nhịn. Anh biết đấy, trong cuộc sống sự nhường nhịn là một đức tính quan trọng và trong giao thông đi lại, đó là yếu tố giúp người ta đảm bảo an toàn cho mình và cho cả người bên cạnh. Nhường nhịn giúp người ta biết kiềm chế, không phóng nhanh, vượt ẩu và tránh được những va chạm không đáng có khi tham gia giao thông. Xét về khía cạnh văn hoá, đó là yếu tố cấu thành nên cái gọi là văn hoá, văn minh giao thông.



P.V: Người Nhật Bản quan niệm về văn hoá giao thông như thế nào, thưa ông?



Ông Tadamichi Hoshi: Vừa trìu tượng vừa rất cụ thể: biết nhường nhịn; biết giúp đỡ người xung quanh và biết xấu hổ và dằn vặt về những hành vi vi phạm pháp luật ATGT. Xét cho cùng đây là mục tiêu tối thượng của mọi chiến lược ATGT.



P.V: Thưa ông, làmcông tác TTATGT ở Nhật Bản có tốn kém không và ở nước ông có cơ quan chuyên trách về vấn đề ATGT như mô hình UB ATGT QG ở Việt Nam không?



Ông Tadamichi Hoshi: Tôi nghĩ rằng, không chỉ ở Nhật Bản mà ở bất kỳ quốc gia nào, giải quyết các vấn đề liên quan đến ATGT đều đòi hỏi sự kiên trì và nguồn tài chính rất lớn. Ví dụ ở Nhật Bản, năm 2004 chúng tôi đã chi khoảng 10 tỷ USD cho việc xây dựng hạ tầng giao thông, xoá bỏ các điểm đen. Riêng kinh phí dành cho giáo dục ATGT là khoảng 300 triệu USD. Đó là chưa kể đến những hoạt động tài trợ rất lớn của các tập đoàn kinh tế như: Toyota; Honda; Suzuki; Yamaha.



ở Nhật Bản chúng tôi cũng có Cơ quan ATGT QG với mô hình tổ chức và chức năng cũng giống như UBATGTQG ở Việt Nam. Cơ quan này thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản và do Thủ tướng Nhật Bản đứng đầu.



P.V: Xin cảm ơn ông.



Anh Minh (thực hiện)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top