Oe Kenzaburo: Tôi là nhà văn của xứ ngoài rìa

Oe Kenzaburo: Tôi là nhà văn của xứ ngoài rìa

[wrap]http://evan.vnexpress.net/pictures/Oe-10.jpg[/wrap]
- Harry Kreisler: Chào mừng ông trở lại Berkeley. Xin cho biết nơi chốn ông sinh ra và trưởng thành?

- Oe Kenzaburo: Tôi sinh năm 1935 trên một hòn đảo nhỏ của quần đảo Nhật Bản. Tôi phải nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nhật bùng nổ khi tôi lên sáu tuổi. Và khi tôi lên mười, chiến tranh kết thúc. Vì thế, tuổi thơ tôi đi qua trong chiến tranh. Đó là điều rất quan trọng.

- Phải chăng ông là tác gia đầu tiên của dòng họ?

- Đây là một vấn đề tế nhị. Gia tộc tôi đã sống trên hòn đảo ấy suốt hơn hai trăm năm. Trong số các vị tổ tiên, có nhiều người là ký giả. Vì thế, giá như họ muốn xuất bản hay công bố tác phẩm của mình, thì ắt họ đã trở thành những tác gia đầu tiên. Nhưng thật không may, hoặc có lẽ là may mắn rằng các vị ấy đã không xuất bản, và vì vậy tôi trở thành người đầu tiên xuất bản những gì tôi viết. Nhưng mẹ tôi vẫn luôn bảo rằng: “Những người trong gia tộc chúng ta luôn viết những điều giống như vậy”.

- Ông đã nói trong một bài phỏng vấn: “Hành động cố gắng hồi tưởng lại và hành động sáng tạo bắt đầu đan xen lẫn nhau. Đó là lý do tại sao tôi bắt đầu viết tiểu thuyết”.

- Đúng vậy. Và tôi có thể nói thêm: Tôi bắt đầu viết bằng phương pháp hư cấu, dựa trên nền tảng tưởng tượng, và nhắm đến sự tưởng tượng.

- Ông đã đọc những sách gì thời trẻ?

- Tôi không đọc nhiều sách cho đến năm 9 tuổi. Tôi mê đắm trong những câu chuyện kể của bà tôi. Bà kể cho tôi nghe tất cả về gia đình tôi và vùng đất nơi tôi sống, và đối với tôi, thế là đủ. Cho đến lúc đó tôi vẫn không cần bất cứ quyển sách nào. Nhưng một ngày kia có cuộc một tranh luận giữa mẹ tôi và bà tôi. Thế là mẹ tôi dậy rất sớm, mang theo một ký gạo - người Nhật chúng tôi ăn cơm - đi xuyên rừng đến một thị trấn nhỏ trong hòn đảo của chúng tôi. Rất khuya mẹ tôi mới trở về nhà. Bà cho chị tôi một con búp bê nhỏ, cho em trai tôi vài cái bánh, và lấy ra hai quyển sách nhỏ. Tôi nhìn thấy cuốn Huckleberry Finn của Mark Twain. Tôi chả biết gì về Mark Twain, Tom Sawyer hay Huckleberry Finn, nhưng mẹ tôi bảo - đó là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa mẹ tôi và tôi về văn chương và hầu như là cuối cùng -: “Đây là quyển sách tuyệt vời nhất cho một đứa trẻ và cả người lớn. Cha con nói vậy” (Cha tôi đã mất năm trước đó). “Mẹ mang quyển sách này về cho con, nhưng người đàn bà đổi gạo cho mẹ thì nói: Cẩn thận đấy. Tác giả này là người Mỹ. Bây giờ Mỹ và Nhật đang đánh nhau. Thầy giáo sẽ tịch thu quyển sách này của con trai chị. Hãy bảo với cậu ấy rằng nếu thầy giáo hỏi ai là tác giả quyển sách, hãy trả lời Mark Twain là bút danh của một tác gia người Đức”.

- Theo như diễn từ nhận giải Nobel, Ông cũng đã đọc Những cuộc phiêu lưu tuyệt vời của Nils?

- Đúng vậy. Đó là tác phẩm của một nữ tác gia rất nổi tiếng người Thụy Điển (Selma Lagerlöf), dành cho trẻ em Thụy Điển trong việc học địa lý của nước mình. Trong tác phẩm này, một kẻ lừa phỉnh phiêu lưu xuyên qua đất nước trên lưng con ngỗng nhỏ. Cuốn sách ấy cũng hấp dẫn, hấp dẫn vô cùng. Trong suốt tuổi thơ tôi, chỉ có hai quyển sách ấy là tôi yêu quý, tôi đọc đi đọc lại chúng nhiều lần. Tôi hầu như thuộc hết những câu trong hai quyển sách đó.

- Có một câu trong đó đặc biệt thu hút ông. Khi kẻ lang thang trong sách trở về nhà, anh ta nói: “Tôi trở lại thành người rồi”.

- Vâng. Nhân vật đã trở thành một cậu bé nhỏ xíu bởi một ma lực huyền diệu, và anh ta không tin mình lại có thể trở lại kích cỡ con người. Khi quay trở về nhà, anh ta âm thầm đi vào bếp. Cha anh ta nhận thấy sự có mặt của anh ta. Và một tình cảm rất người xuất hiện trong nhân vật, thế rồi, rất tự nhiên, anh ta trở lại hình người với kích cỡ ban đầu. Và anh ta la lên: “Mẹ ơi, con trở lại thành người rồi”. Đó là một điều rất quan trọng mà tôi muốn nói thêm.

Trở thành một tác gia

- Ông đã tự gọi mình là nhà văn của ngoại biên, ngoài rìa. Một phần ông muốn ám chỉ nguồn gốc của mình, nhưng ông còn muốn nói nhiều hơn thế. Hãy giải thích điều ông muốn ám chỉ khi nói: “Tôi là nhà văn của xứ ngoài rìa”.

- Tôi sinh ra trên một hòn đảo nhỏ, và bản thân Nhật Bản cũng nằm ở vùng ngoại vi Châu Á. Điều này rất quan trọng. Các đồng nghiệp tiếng tăm của chúng tôi tin rằng Nhật Bản là trung tâm Châu Á. Trong thâm tâm các vị ấy còn ghĩ rằng Nhật Bản là trung tâm của cả thế giới. Tôi thì luôn luôn nói rằng tôi là một nhà văn của xứ ngoài rìa - sinh ra từ một vùng ngoại biên, từ nước Nhật vốn là ngoại biên của Châu Á, và là đất nước ngoại biên của hành tinh này. Tôi nói như thế với niềm kiêu hãnh.

Văn chương phải được viết từ ngoại biên vào trung tâm, và chúng ta có thể phê phán chính trung tâm. Các tín điều, các đề tài và sự tưởng tượng của chúng ta đều là của con người ở ngoại biên. Con người ở trung tâm thì không có gì để viết. Từ ngoài rìa, chúng ta có thể viết câu chuyện về con người, và câu chuyện này có thể diễn đạt tính nhân bản của cái trung tâm. Vì vậy khi tôi nói từ “ngoại biên”, đó là tín điều quan trọng nhất của tôi.

- Trong tác phẩm Một gia đình tự chữa lành (A Healing Family), ông đã trích dẫn Flannery O Connor khi bà nói về thói quen của các tiểu thuyết gia, về sự thực hành tích lũy qua thời gian. Điều đó là gì?

- Đầu tiên, từ thói quen không phải là một từ hay đối với nghệ sĩ. Nên tôi sẽ dùng từ thói quen theo đúng theo nghĩa mà Flannery O Connor ám chỉ. Tôi tin là nữ văn sĩ đã lấy từ này từ thầy của bà là Jacques Maritain. Thời gian đó, Jacques Maritain đang ở Princeton. Tôi nhớ là Flannery O Connor sinh năm 1935. Một thời gian ngắn sau chiến tranh, nữ văn sĩ đã đối thoại với thầy mình qua thư từ, trong đó Jacques Maritain nói về những ý niệm của Thomas Aquinas, một nhân vật quan trọng đối với ông.

Thói quen là thế này. Khi tôi - với tư cách nhà văn - viết liên tục mỗi ngày trong suốt 10 đến 30 năm thì dần dần thói quen của nhà văn được hình thành trong bản thân tôi. Tôi không thể có ý thức về nó. Hoặc tôi không thể không trở thành vô thức [về thói quen viết của nhà văn]. Dù sao, tôi đã được có thói quen tự tái sinh như một nhà văn. Vì vậy, nếu tôi rơi vào một cơn khủng hoảng mà chưa có kinh nghiệm về nó, tôi có thể được tái sinh, hoặc tôi có thể viết điều gì đó, bằng năng lực của thói quen. Ngay cả một người lính, một người nông dân hay một người đánh cá cũng có thể được tái sinh bởi năng lực của thói quen khi anh ta gặp phải cuộc khủng hoảng lớn lao nhất trong đời mình. Con người chúng ta được sinh ra và tái sinh, và nếu chúng ta sáng tạo ra thói quen của mình với tư cách những con người, thì tôi nghĩ chúng ta có thể đối mặt [với khủng hoảng] cho dù chúng ta chưa từng có kinh nghiệm gì về nó. Đó hẳn là ý của Flannery O Connor, và tôi là học trò của Flannery O Connor.

Tìm giọng điệu trong bi kịch

- Đứa con trai của ông ra đời là một bước ngoặt trong việc tìm giọng điệu viết văn của riêng ông. Ông đã viết: “Hai mươi lăm năm trước, con trai đầu lòng của tôi ra đời với một chứng bệnh về não. Đó là một đòn trí mạng đối với tôi, nói nhẹ nhất là vậy. Thế nhưng, với tư cách nhà văn, tôi phải thừa nhận rằng chủ đề trung tâm của các tác phẩm trong hầu hết văn nghiệp của tôi là cách gia đình tôi đã học cách sống với đứa con tật nguyền này”.

- Đúng. Tôi đã viết như vậy.

Năm tôi hai mươi tám tuổi, đứa con đầu của tôi ra đời. Năm hai mươi tám tuổi, tôi đã là nhà văn, một nhà văn khá nổi tiếng trong bối cảnh văn học Nhật Bản, và đang là sinh viên ngành văn chương Pháp. Và tôi nói chuyện theo giọng điệu của Jean-Paul Sartre hay Maurice Merleau-Ponty. Tôi đã đề cập về tất cả mọi thứ trong tác phẩm này. Nhưng khi con trai tôi ra đời với một chứng bệnh trầm kha về não, vào một đêm kia, tôi muốn tìm một sự khích lệ, thế là tôi muốn đọc quyển sách của chính mình - cuốn sách đầu tiên tôi viết cho tới thời điểm đó. Và vài ngày sau, tôi nhận thấy mình không thể tìm được niềm an ủi trong quyển sách của mình - vậy thì cũng không ai khác có thể tìm ra sự an ủi từ tác phẩm của tôi. Vì vậy tôi nghĩ: “Ta chẳng là gì cả và sách của ta cũng chẳng là gì”. Tôi đã hết sức ngã lòng. Thế rồi có một ký giả đang làm chủ bút một tạp chí chính trị ở Nhật Bản mời tôi đi Hiroshima, nơi xảy ra thảm họa bom nguyên tử. Ở Hiroshima, trong năm đó người ta tổ chức một cuộc hội nghị về phong trào hòa bình - phong trào chống bom nguyên tử. Trong hội nghị đó, đã có cuộc tranh luận kịch liệt giữa nhóm Trung Quốc và Nga. Tôi là ký giả độc lập duy nhất. Tôi chỉ trích tất cả bọn họ.

Tôi tìm đến một bệnh viện của những nạn nhân Hiroshima và ở đó tôi đã gặp một người tuyệt vời - bác sĩ Fumio Shigeto. Trong cuộc nói chuyện với bác sĩ Shigeto và các bệnh nhân trong bệnh viện, dần dần tôi nhận thấy có điều gì đó khích lệ tôi, và tôi muốn dấn theo cái tâm trạng mà điều ấy gợi lên. Vì vậy, tôi quay trở về Tokyo và đến bệnh viện nơi con trai tôi (vừa mới sinh) đang nằm và nói chuyện với các bác sĩ về việc cứu con tôi. Rồi tôi bắt đầu viết về Hiroshima, và đó là bước ngoặt trong đời tôi. Như là tôi đã được tái sinh.

- Có sự tác động giữa những điều ông thấy về các nạn nhân Hiroshima với những điều mà ông đã thấy ở các bác sĩ đang điều trị những nạn nhân đó. Điều gì đã khiến ông từ bình diện này liên hệ với thảm kịch cá nhân ông?

- Vâng. Bác sĩ Shigeto đã nói với tôi: “Chúng ta không thể làm gì cho những nạn nhân này. Đến cả ngày nay chúng ta cũng không biết gì về bản chất những căn bệnh này. Ngay cả ngày nay, sau thảm họa bom nguyên tử chúng ta cũng chẳng biết gì, nhưng chúng ta làm những điều chúng ta có thể. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết. Nhưng giữa những xác chết ấy, tôi vẫn tiếp tục. Kenzaburo ạ, tôi còn có thể làm gì khác một khi họ cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Giờ con anh đang cần anh. Anh phải hiểu rằng con anh cần anh hơn bất cứ ai khác trên hành tinh này.” Và tôi đã hiểu. Tôi quay về Tokyo và bắt đầu làm điều gì đó cho con trai tôi, cho tôi và cho vợ tôi.

- Cuốn tiểu thuyết về sự chào đời của đứa con tật nguyền của ông có tên là Một nỗi đau riêng, và những bài viết về Hiroshima được tập hợp lại trong cuốn Những ghi chép về Hiroshima. Ông đã viết trong cuốn thứ hai: “Khi các bác sĩ Hiroshima tiếp tục theo đuổi thảm họa Bom A trong hình dung của họ, ấy là họ đang cố nhìn sâu hơn và rõ hơn cái chiều sâu địa ngục mà chính họ cũng rơi vào. Có một cái gì bi thiết trong mối quan tâm hai mặt này của họ - quan tâm cho chính mình lẫn cho người khác -; nhưng điều đó chỉ làm chúng ta cảm nhận mạnh mẽ hơn sự trung thực và chân chính [của họ]…” Ông nói rằng khi nhìn thấy tính hai mặt này ở người bác sĩ, ông thấy được rõ hơn sự phức tạp của tình thế tiến thoái lưỡng nan của Điểu, nhân vật trong tiểu thuyết của ông.

- Đúng vậy. Cho đến lúc đó, đề tài nhỏ của tôi là về tính hai mặt hay sự mập mờ của con người. Khái niệm này lấy từ chủ nghĩa hiện sinh của Pháp. Tôi nghĩ mình đã tìm ra sự hai mặt thực sự cũng như thế nào là một con người “chân chính” (authentic). Nhưng không nên đóng khung nghĩa của từ này trong cách hiểu của tôi. Tôi sử dụng từ này của Jean-Paul Sartre. Nhưng nay tôi muốn sử dụng một từ khác. Rất đơn giản. Tôi muốn trở thành một người ngay thẳng (upright) theo nghĩa đen. Nhà thơ Ailen W. B. Yeats đã viết: “Chàng trai trẻ đứng thẳng” (The young man who stands straight). Ngay thẳng (tiếng Anh: straightforward, nghĩa đen: thẳng về phía trước). Đứng thẳng. Chàng trai trẻ đó chính là hình ảnh mà tôi muốn trở thành, nhưng hồi đó thì tôi đã dùng từ “chân chính” (authentic).

- Lionel Trilling đã viết rằng sự thú nhận những cảm giác của mình là một trong những điều can đảm và giá trị mà một nhà văn cần phải có. Đó chính là điều ông đã làm trong Một nỗi đau riêng.

- Vâng. Đúng là tôi muốn làm như vậy. Lúc ấy, tôi chưa nghĩ đến giá trị của việc làm một con người ngay thẳng. Tôi chỉ cảm thấy tôi phải viết về chính tôi. Tại sao không? Tôi cảm thấy nếu tôi không làm thế, tôi không thể tái sinh và con tôi cũng vậy. Vì thế, khi đứng trước biển, tôi đã quyết định cứu chính tôi và cứu cả con trai tôi nữa. Tôi đã viết tác phẩm này vì thế.

Nghệ sĩ - kẻ chữa lành

- Con trai ông đã trở thành nhạc sĩ. Gia đình ông - vợ, các con và ông - đã phải mất một thời gian dài mới nhận ra khả năng giao tiếp của anh ấy. Hãy kể cho chúng tôi điều đó diễn ra như thế nào.

- Mãi đến khi được bốn hay năm tuổi, con trai tôi vẫn không có biểu hiện gì để giao tiếp với chúng tôi. Chúng tôi cứ nghĩ nó không thể nhận biết gì về gia đình mình. Vì vậy, trông nó rất cô độc - như một hòn sỏi trên đám cỏ. Nhưng một ngày kia, nó tỏ ra thích thú với giọng hót của một loài chim trên radio. Vì thế tôi đã mua những cái đĩa ghi âm giọng hót của những loài chim thiên nhiên Nhật Bản. Tôi cũng làm một cuộn băng đặc biệt về giọng hót của khoảng 50 loài chim. Sau những giọng chim hót, lại có một giọng nữ đều đều thuyết minh về tên các loài chim: “Tada - Tada” rồì “chim họa mi” hay “Tada - da” “chim sẻ”. “Đây là chim họa mi, đây là chim sẻ”. Chúng tôi nghe cuộn băng đó trong ba năm. Trong suốt ba năm đó, khi tôi bật lên giọng hót của những chú chim, đứa con tôi trở nên yên lặng. Và tôi nghĩ cần phải để cho nó yên lặng như vậy. Vợ tôi vẫn làm công việc của cô ấy, còn tôi làm việc của tôi. Chúng tôi đã sống cùng với những tiếng chim đó.

Vào mùa hè khi con trai tôi lên sáu tuổi, chúng tôi đi nghỉ ở ngôi nhà trên núi của chúng tôi. Trong khi vợ tôi dọn dẹp căn nhà nhỏ, tôi cõng con trai đi vào rừng chơi. Có một cái hồ nhỏ gần đó. Một cặp chim đang líu lo, đột nhiên có một giọng rõ ràng, trong suốt cất lên: “Đây là chim nước” . Tôi bị sốc. Khu rừng yên lặng như tờ. Tôi lặng người đi khoảng 5 phút, và trong đầu tôi vang lên lời cầu nguyện. “Nếu đây không phải một ảo ảnh hay giấc mơ thì mong sao tiếng chim kia hãy cất lên và con trai tôi hãy thốt thành lời một lần nữa”. Tôi cầu nguyện như vậy. Năm phút sau, tiếng con chim mái cất lên. Và con trai tôi nói “Đây là chim nước”. Tôi liền cõng con quay trở về nhà kể lại cho vợ nghe.

Suốt một thời gian dài, chúng tôi ngóng đợi một tiếng nói khác từ con trai. Nhưng không có tiếng nói nào trong suốt đêm đó. Chúng tôi không ngủ. Nhưng sáng sớm, một con chim sẻ nhỏ đậu trên cành cây gần cửa sổ. Nó hót một tiếng nhỏ, và con trai tôi nói: “Đó là chim sẻ”. Và mọi chuyện bắt đầu. Chúng tôi bật băng có các giọng chim hót và con trai tôi trả lời. Chúng tôi đã làm nhiều bản ghi âm tiếng chim hót, kể cả những loại chim của Châu Mỹ và Châu Âu. Con trai tôi trả lời rất điềm tĩnh và chính xác nếu nó đã nghe tên loài chim ấy từ hai đến ba lần. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ.

”Này Pooh-chan, (con trai tôi được gọi là Pooh-chan), đây là chim gì?” Nó trả lời sau khi tôi bật băng ghi âm: “Chim sẻ”. “Pooh-chan, con muốn nghe tiếng chim gì?”. Nó suy nghĩ và trả lời “chim nước”, “chim họa mi”. Và tôi lại bật băng ghi âm.

Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với nhau từ đó. Và con trai cũng đã được nhận vào trường dành cho trẻ em thiểu năng. Một số giáo viên thấy rằng họ không thể chăm sóc nó. Suốt ngày họ cứ bật chương trình phát thanh đài FM về nhạc của Handel, Bach. Con trai tôi bắt đầu nghe nhạc. Sau khi làm quen với âm nhạc, nó đột nhiên quên hầu hết tên của các loài chim. Khi con trai tôi mười sáu tuổi, nó rất khỏe mạnh nhưng lại đánh mất thị giác của cả hai mắt. Mặc dù nó có thể nhìn bằng từng mắt, nhưng không thể nhìn một lúc cả hai mắt. Vì vậy, nó không thể nhìn thấy piano và bản tổng phổ. Vì thế nó đánh sai và điều này thật bất tiện cho con trai tôi. Nó phải từ bỏ piano và mẹ nó dạy cho nó cách viết nhạc. Sau năm tuần, nó đã có thể viết nhạc của Bach bằng bút chì. Giai đọan đầu là những bài nhạc đơn giản. Trong vòng một năm thì nó bắt đầu tự sáng tác được.

- Bây giờ anh ấy đã có hai dĩa nhạc, mà ông đã mua được ở Telegraph Avenue, Berkeley.

- Đúng. Khi tôi đến đây mười tám năm trước, tôi đã nghĩ về con trai của tôi. Cách đây hai ngày, tôi nghĩ về bài thuyết trình của mình. Tôi đến Tower Records mua một vài dĩa nhạc của Pisaro. Tôi kiểm tra danh mục tại quầy hướng dẫn, và tìm thấy hai dĩa nhạc của con trai tôi. Tôi vừa nghe chúng sáng nay.

- Con ông đã viên thành giấc mơ của Nils - cưỡi lên những cánh chim, hay trong trường hợp của anh ấy là cưỡi lên những thanh âm của chim?

- Vâng. Thế là ngoài những cánh chim, con trai tôi còn có thể nói “Vâng. Tôi là một con người”. Ngoài những dĩa nhạc của con trai tôi, tôi nghĩ “Mình là một con người”.

-Trong tác phẩm Một gia đình tự chữa lành, ông đã viết rằng âm nhạc của con trai ông đã cho ông thấy rằng trong bản thân hành động biểu hiện chính mình, có “một nguồn năng lực chữa lành, một nguồn lực chữa lành cho trái tim”, và ông đã viết tiếp: “Bởi trong sáng tạo âm nhạc và văn chương, dù ta buộc phải biết đến nỗi tuyệt vọng - cái đêm tối của linh hồn mà chúng ta buộc phải băng qua - nhưng ta phát hiện rằng khi thể hiện ra một cách rốt ráo nỗi tuyệt vọng đó, ta sẽ chữa lành được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục. Và bởi những kinh nghiệm liên đới của nỗi đau và hồi phục ấy bổ sung cho nhau, tầng này kế tiếp tầng kia, không chỉ sáng tác của nghệ sĩ được phong phú hơn mà ta còn có thể sẻ chia sự bổ ích của nó với người khác…”

- Tôi có thể nói thêm một chút. Sau khi viết thiên tiểu luận ấy, tôi nhận được nhiều câu hỏi. Một nhà phê bình viết: “Oe đã trở nên một người bảo thủ. Ông ấy là người trầm tĩnh. Ông ấy ói rằng âm nhạc của con trai đã chữa lành ông ta và chính ông ta cũng có thể được chữa lành bằng dĩa nhạc compact. Thật là tiêu cực và bảo thủ”. Tôi phải trả lời. Tôi không dùng từ “được chữa lành” trong tiếng Nhật. Động từ “chữa lành” phải được dùng theo thể chủ động. Tôi chữa lành chính tôi. Con người được chữa lành bởi điều gì đó. Đó là một hành động rất tích cực của con người. Khi tôi nghe nhạc của con trai tôi, tôi không hề làm một việc bị động. Mà tôi cảm thấy tôi đang cùng với con trai tôi làm điều gì đó tích cực. Chúng tôi cùng nhìn về một hướng. Vì vậy, nếu có ai cảm thấy mình được chữa lành bởi nhạc của con trai tôi, tôi tin rằng người đó đang cùng với con trai tôi nhìn về một hướng. Và anh ta cũng đang cùng với con trai tôi tự chữa lành cho mình một cách tích cực.

- Như thế, con trai ông đang “sống trọn vẹn cuộc đời mình” như ông nói. Và tấm gương của anh ấy có thể là nguồn cảm hứng cho người khác, giúp họ “sống trọn vẹn” cuộc đời mình. Và chữa lành chính họ trong quá trình đó.

- Đúng. Chính xác là vậy. Tôi muốn làm điều đúng như vậy. Âm nhạc của con trai tôi là một mẫu mực cho văn chương của tôi. Tôi muốn làm như vậy.

Chủ đề của nhà văn

- Ông có tin rằng nhà văn chọn đề tài cho mình hay ngược lại đề tài tự đến với anh ta?

- Nadine Gordimer đã viết rằng chúng ta không chọn đề tài, tình huống hay câu chuyện, mà chính đề tài chọn chúng ta. Đó là cứu cánh của nhà văn. Thời gian, ngày tháng, tự nó chọn chúng ta làm nhà văn. Chúng ta phải đáp ứng lại với thời gian. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy đúng như vậy. Tôi đâu có chọn những truyện về đứa con tật nguyền của tôi. Và tôi cũng không chọn đề tài về gia đình có đứa con tật nguyền. Tôi muốn tránh những đề tài ấy nếu có thể được. Nhưng có cái gì đó đã chọn chính tôi để viết về chúng. Con trai tôi đã chọn tôi. Và đó là một lý do rõ ràng để tôi tiếp tục viết.

- Ông đã viết trong một tiểu luận khác là “Phong cách viết căn bản của tôi là từ những nỗi đau riêng mà nối kết với xã hội, quốc gia và thế giới”?

- Tôi nghĩ qua tác phẩm của mình, tôi đã nối kết bản thân mình và gia đình với xã hội với vũ trụ này. Nối kết gia đình tôi với vũ trụ thì dễ, bởi văn chương luôn luôn có chút khuynh hướng thần bí. Vì thế khi viết về gia đình mình, chúng ta có thể nối kết mình với vũ trụ. Nhưng tôi thì muốn nối kết bản thân và gia đình mình với xã hội. Khi chúng ta nối kết mình với xã hội, chúng ta không viết về những vấn đề quá riêng tư, mà là viết một quyển tiểu thuyết độc lập.

- Trong cuốn Một gia đình tự chữa lành ông viết rằng những bài học mà ông học được trong việc biến đứa con tật nguyền thành một thành viên tích cực của gia đình đã chứng minh rằng xã hội nói chung cần đối xử như thế nào với người tật nguyền và có thể học được gì từ những con người đó. Về yếu tính, con người có thể tạo ra một xã hội biết tự chữa lành bằng cách tạo ra những gia đình biết tự chữa lành.

- Tôi cũng hy vọng thế. Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh đến vai trò của gia đình có những đứa con tật nguyền. Tôi không muốn nhấn mạnh đến những gì thuộc về cá nhân. Bao giờ cũng vậy, khi kết nối những gia đình riêng lẻ vào xã hội, điều đó có một giá trị xã hội. Nếu không, chúng ta chỉ có thể viết về những vấn đề rất cá nhân qua kinh nghiệm của chúng ta. Khi tôi gọi quyển tiểu thuyết đầu tiên viết về con trai tôi là Một nỗi đau riêng, thực ra ở đó không có vấn đề nào riêng tư cả, mà trước hết chúng ta phải tìm sự kết nối giữa chúng ta - giữa những vấn đề “riêng tư” của chúng ta với xã hội.

- Nhà văn đóng vai trò gì trong bối cảnh chính trị của thời đại?

- Chính trị chính là kết hợp việc mình làm với xã hội. Tôi không muốn thực hiện vai trò của một người hoạch định chính sách. Đã có nhiều người bạn tôi làm chuyện này rồi.

- Ông không muốn trở thành Henry Kissinger.

- Tôi đã gặp ông Kissinger trong một cuộc hội thảo. Trong bữa tiệc chia tay, với nụ cười nham hiểm, ông Kissinger đã nói với tôi: “Ông Oe này, ông có nụ cười ranh mãnh như chú thỏ ranh mãnh nhất trong phim hoạt hình vậy”.

Tôi không phải là một con người ranh mãnh. Nhưng đối với những nhà hoạch định chính sách đôi khi tôi phải cười như vậy. Tôi không phải là chính trị gia. Tôi không làm chính trị. Nhưng qua cuộc đời người mà tôi đã viết, tôi muốn làm điều gì cho chính trị. Điều đó thể hiện trong các tác phẩm và bài viết của tôi.

- Đó là gì vậy?

- Về phương diện cá nhân, tôi đang làm điều đó bằng tiếng nói của một con người nhỏ bé.

- Điều gì mà một nhà văn Nhật cần bổ sung vào những gì người ta vẫn nói ở Nhật, vốn dường như thiên về những giá trị vật chất và rõ ràng là thiếu vắng những giá trị nhân văn?

- Tôi đã chỉ trích thái độ này của người Nhật đối với Châu Á và thế giới từ trước cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản. Ngay cả khi chúng tôi còn nghèo, tôi cũng đã chỉ trích thái độ này của người Nhật đối với Châu Á. Trong suốt thời kỳ thịnh vượng, tôi vẫn tiếp tục phê phán. Sau đó chúng tôi lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, và tôi vẫn phải tiếp tục phê phán.

Ở Nhật Bản, chúng tôi muốn tạo ra một thái độ quốc gia mới đích thực sau thất bại của thế chiến 2. Trong nhiều năm, chúng tôi muốn tạo ra một nền dân chủ, những con người dân chủ của một quốc gia dân chủ. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã từ bỏ điều đó. Năm mươi năm đã trôi qua. Hiện nay Nhật Bản tràn ngập không khí chống dân chủ. Ngày nay, người ta nói chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở lại, nhưng tôi cảm thấy rất mơ hồ. Một bầu không khí nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc đang tiến vào xã hội của chúng tôi. Vì thế bây giờ tôi muốn chỉ trích khuynh hướng này. Và tôi muốn làm tất cả để ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa phát xít ở xã hội Nhật.

- Phải chăng tác phẩm và những đề tài nhân bản mà ông tập trung miêu tả có thể góp phần làm giảm đi khả năng của chủ nghĩa phát xít?

- Khi tôi còn ở Hiroshima, bác sĩ Shigeto đã nói với tôi: “Khi anh không thể nghĩ ra mình phải làm gì, anh phải làm một điều gì đó”. Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu tôi có thể có khả năng tác động đến giới trí thức trẻ, chúng ta có thể thiết lập một năng lực khác. Bởi vì cuộc khủng hoảng hiện tại là một trong những cảm giác vô thức của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật Bản. Một cảm giác vô cùng rộng lớn, một bầu không khí tràn ngập. Khi chúng ta viết một cách chính xác về nó, nếu chúng ta tấn công nó, thì những người trí thức trẻ có thể sẽ có ý thức về cảm giác này. Đó là sự khởi đầu rất quan trọng.

- Những người trí thức trẻ có thể đối mặt với những vấn đề này và giúp hình thành nên những cuộc tranh luận trong công chúng theo cách giống như trong Một nỗi đau riêng, khi người đàn ông trẻ tên Điểu đối diện thực tại trạng huống của anh ta.

- Vâng, tôi muốn những trí thức trẻ Nhật Bản hãy đối diện với thực tại của chính họ.
Kết luận

- Nhiều tác phẩm của ông tập trung về tuổi trẻ như Giết trong trứng nước, Bắn trẻ, về những băng đảng thanh niên mà với chúng không hề có một giá trị nào, và thành phố phải tản cư. Những người trẻ đóng vai trò đặc biệt nào trong việc hình thành những ý tưởng của chúng ta về thế giới?

- Trong phần kết tác phẩm của tôi, nhân vật chính đã tạo ra một hội từ thiện, không phải của Đạo Chúa, không phải của Đạo Phật, mà họ chỉ muốn làm điều gì đó cho linh hồn của anh ta, cho những người trẻ tuổi. Một ngày kia, nhà lãnh đạo đọc Phúc âm trước công chúng, bức thư của Sứ đồ Paul gửi những tín đồ mới. Trong đó Có hai từ “Con Người Mới”. Chúa Giêsu đã trở thành một Con Người Mới trên cây thập giá. Chúng ta phải cởi bỏ cái áo cũ của con người cũ. Chúng ta phải trở thành Con Người Mới. Chỉ Con Người Mới có thể làm một cái gì, nên ta phải trở thành Con Người Mới. Nhân vật của tôi không có dự định gì về tương lai, nhưng anh ta tin rằng chúng ta phải tạo ra Con Người Mới. Người trẻ tuổi phải trở thành Con Người Mới. Người già phải làm trung gian trong việc tạo ra Con Người Mới. Đó là xác tín của tôi. Tôi luôn suy tư về vai trò của những người trẻ tuổi ở Nhật Bản.

- Những sinh viên phải chuẩn bị thế nào cho tương lai? Đầu tiên họ phải chuẩn bị gì để trở thành một nhà văn? Phải chuẩn bị như thế nào để có ảnh hưởng tích cực đến việc minh định một Con Người Mới?

- Đầu tiên, tôi hy vọng những con người trẻ phải đứng thẳng, độc lập.

- Như Điểu.

- Phải. Thứ hai, tôi muốn họ phải có tưởng tượng. Tưởng tượng có nghĩa là không chấp nhận hình ảnh của người khác, mà tạo ra những hình ảnh của chính mình, chính xác hơn là cải tạo cái hình ảnh tưởng tượng mà kẻ khác gán cho chúng ta. Ngay thẳng và có óc tưởng tượng. Thế là đủ cho một người trẻ tuyệt vời.

- Ông có nhận xét về bác sĩ Shigeto như sau: “Không mang quá nhiều hy vọng hay tuyệt vọng, ông (Shigeto) đơn giản chỉ cố hết sức mình để đối diện với những nỗi đau”, và ông cũng nói thêm: “Ông ta thật sự là một con người chân chính”.

- Thầy tôi là một chuyên gia về Chủ nghĩa nhân văn của Pháp. Ông ấy luôn nói với tôi: “Chủ nghĩa nhân văn là gì? Ngày nay, nó có nghĩa là không quá tuyệt vọng cũng không quá nhiều hy vọng.” Không quá nhiều hy vọng, không quá nhiều tuyệt vọng. Đó là mẫu mực của con người nhân bản hôm nay. Đó là lời bình của thầy tôi. Tôi nói điều này với bác sĩ Shigeto và ông ấy nói: “Đúng. Từ cuộc đời tôi, tôi biết là như thế”.

Lời người dịch: Sau Kawabata, văn học Nhật Bản lại một lần nữa đăng quang hoàn vũ bằng giải thưởng Nobel văn chương 1994, được trao cho Oe Kenzaburo. Không như các bậc đàn anh của mình, Oe với văn phong và nội dung sáng tác hoàn toàn mang tính thời đại, dường như thoát lý khỏi truyền thống bí ẩn thâm sâu của nền văn học truyền thống Nhật Bản là tìm kiếm cái đẹp của con người và xứ sở Phù Tang, để miêu tả thảm cảnh nguyên tử hạt nhân năm 1945 cùng những con người tật nguyền ngơ ngác. Và trong khi các bậc đàn anh như Kawabata Yasunari, Tanizaki Jun'ichiro, Mishima Yukio đều bị ảnh hưởng văn phong và tư tưởng của “tiểu thuyết mẹ” Genji monogatari [1], thì trong văn phong của Oe không hề có dấu vết. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy điều này trong bài diễn từ nhận giải Nobel 1994 “Nhật bản, sự mập mờ và tôi”. Cái sự mập mờ (aimai) này phải chăng là là sự mập mờ giữa truyền thống và hiện đại, mà qua văn phong của Oe, có lẽ chúng ta chỉ cảm thấy truyền thống như một mạch ngầm nội tại của tác phẩm mà thôi [2]. Không như Kawabata, trong diễn từ Nobel 1968, ông đã khẳng định yếu tố truyền thống trong tác phẩm của mình từ tiêu đề “Nhật Bản, cái đẹp và tôi”. Kawabata hiện thân cho truyền thống tìm kiếm cái đẹp muôn đời của văn học Nhật. Đến Oe phải chăng là có sự tiếp nối khác? Cảm hứng sáng tác chủ đạo trong tác phẩm của Oe là vấn đề con người hiện đại trước sự tàn phá của chiến tranh và bom nguyên tử. Hình ảnh đứa con tật nguyền Hikari của chính ông cũng là một ám ảnh không nguôi ngoai. Ngay trong tác phẩm được giải thưởng Akutagawa Nuôi thù, chàng sinh viên Oe đã miêu tả một viên phi công bị bắt làm tù binh và bị đối xử không khác gì con thú. Sau đó đến Một nỗi đau riêng, miêu tả thế giới nội tâm phức tạp của Điểu, muốn chối bỏ đứa con tật nguyền của mình, tìm quên trong gái, rượu, và những chuyến đi xa. Anh muốn chấm dứt đời đưa con mang khối u não ác tính bằng ly sữa độc. Một cách vô tình, trong khi lái xe, người tình của Điểu theo bản năng né tránh con chim đã chết. Điều này làm Điểu ngộ ra tính người. Anh quay trở về cứu đứa con trước khi quá muộn. Cái u ác tính kia té ra chỉ là một cái u bình thường. Sau khi cắt bỏ, đứa bé xuất viện bình an…

Oe Kenzaburo, sinh năm 1935, tại Ehime, thuộc đảo Shikoku của Nhật bản. Học xong phổ thông, ông vào đại học Tokyo theo ngành văn chương Pháp. Sáng tác truyện ngắn đầu tay năm 1957 Việc kỳ lạ (Kinyo na shigoto). Tiếp sau đó, Tác phẩm Nuôi thù (Shiiku) đạt giải thưởng văn học Akutagawa năm 1958. Năm 1994, khi quyết định trao giải Nobel văn chương cho Oe, Viện hàn lâmThụy Điển đã đánh giá “Oe Kenzaburo đã sáng tạo ra thế giới tưởng tượng đầy chất thơ, đã miêu tả tình trạng đau đớn trong khổ cảnh con người thời hiện đại bằng sự ngưng kết những ngụ ngôn và sinh hoạt hiện thực… đã miêu tả thành công quan hệ của con người trong một thế giới hỗn độn, một thế giới mà ở đó tri thức, tình cảm, giấc mơ, dã tâm, thái độ…đã hòa quyện với nhau một cách kỳ diệu” [3].

Dưới đây là trích dịch bài phỏng vấn do Harry Kreisler thực hiện. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây không chỉ là quan niệm sống, phương thức sáng tạo của Kenzaburo mà còn biết được cách chống chọi với nỗi đau tật nguyền của Kenzaburo với chính con trai ông.


Hoàng Long dịch từ tiếng Anh
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

Theo vnexpress.net (evan)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top