Nhật tăng tốc chinh phục không gian

Nhật tăng tốc chinh phục không gian

15-chot.jpg

Chủ tịch JAXA Tachikawa
Sau 3 thập kỷ Mỹ cạnh tranh với Liên Xô đưa người lên Mặt trăng, Nhật Bản lặp lại cuộc đua tranh với Trung Quốc theo cách riêng của mình

Thành công của Trung Quốc (TQ) phóng tàu vũ trụ Thần Châu VI do 2 nhà du hành Phí Tuấn Long và Nhiếp Hải Thắng điều khiển bay quanh Trái đất 3 ngày là phát pháo hiệu kích thích Nhật Bản tăng tốc cuộc đua tranh.

Khi TQ phóng tàu Thần Châu V đưa nhà du hành Dương Lợi Vỹ lên không gian ngày 15-10-2003, Nhật Bản bắt đầu lo lắng, cả trong giới khoa học và các nhà chính trị. Kỹ sư tên lửa Masashi Okada của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) bày tỏ sự khâm phục: “Chúng tôi thật bất ngờ. Chúng tôi biết họ đang thực hiện mục tiêu đó, nhưng thật không ngờ họ phóng tàu vũ trụ có người lái nhanh đến thế”.

Chương trình nghiên cứu vũ trụ của Nhật Bản bị đình trệ trong nhiều năm do thói quen chạy theo Mỹ và bị ngăn cản bởi các rào cản chính sách cấm các chương trình khoa học có tiềm năng áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Từ năm 1999 đến năm 2004, ngân sách chương trình vũ trụ của Nhật sụt giảm 30%, còn 1,8 tỉ USD, chỉ bằng 1/10 ngân sách hằng năm của NASA Mỹ.

Tháng 11-2004, Keiji Tachikawa, cựu chủ tịch hãng điện thoại di động NTT DoCoMo, trở thành Chủ tịch JAXA với nhiệm vụ mới: Xác định lại mục tiêu, lấy lại lòng tin bị giảm sút của dân chúng, tranh thủ nguồn vốn lớn hơn của chính phủ còn nặng đầu óc hoài nghi. Tháng 4 năm nay, Tachikawa công bố kế hoạch dài hạn mới mang tên “Tầm nhìn JAXA 2005” chấn chỉnh lại JAXA và xây dựng chương trình vũ trụ có người điều khiển. Tachikawa cho biết trong 10 năm tới, JAXA sẽ nghiên cứu tính khả thi thăm dò Mặt trăng và khả năng thực hiện chương trình thám hiểm có người điều khiển. Ông thừa nhận không thể làm nhanh, chỉ hy vọng được Chính phủ Nhật chấp thuận vào năm 2015. Theo ông, thành công liên tiếp của TQ là một động lực mạnh thúc đẩy Nhật Bản phải có chương trình mạnh dạn hơn nữa. Ông nói: “Nga, Mỹ có tàu vũ trụ có người lái. Tại sao chúng tôi không có? TQ đã thắng chúng tôi 1-0, vì vậy chúng tôi cũng phải có tàu vũ trụ có người lái”.

Thực ra, Nhật Bản đã có chương trình có người lái khá khiêm tốn, nhưng phụ thuộc vào Mỹ. Tám nhà du hành vũ trụ Nhật đã được đào tạo tại NASA, 5 người đã được tham gia các chuyến bay của tàu con thoi, mới nhất là chuyến bay của tàu Discovery tháng 8 vừa qua. Tại Trung tâm Vũ trụ Tsukuba của JAXA ở Đông Bắc Tokyo, kỹ sư Yoshiyuki Hasegawa và đồng đội đã hoàn thành bước chuẩn bị cuối cùng cho chương trình nghiên cứu sắp tới. Việc lắp ráp mođun JEM trị giá 3,25 tỉ USD để phối hợp với trạm vũ trụ quốc tế ISS đang tiến hành khẩn trương. Năm 2007, JEM sẽ được phóng lên lắp ráp với trạm ISS với 3 nhà du hành vũ trụ Nhật làm việc từ 3 đến 6 tháng. Kỹ sư Hasegawa nói: “Đây là một cơ hội lớn cho chúng tôi phát triển kỹ thuật mới để thực hiện du hành vũ trụ có người điều khiển”.

Tuy giàu mạnh về kỹ thuật cao, công nghệ vũ trụ của Nhật vẫn gặp nhiều trục trặc. Từ năm 1980 đến nay, tên lửa do Nhật chế tạo đã thất bại 5 lần trong 49 lần phóng, tỉ lệ thành công thấp hơn chuẩn quốc tế (TQ chỉ thất bại 8 lần trong 80 lần phóng). Thất bại gần đây nhất là lần phóng 2 vệ tinh do thám năm 2003 khi tên lửa H-2A trục trặc. Việc sớm chế tạo một loại tên lửa hoàn toàn mới là rất khó vì kinh phí có hạn.

Tại Nhật Bản, thái độ đối với mục tiêu du hành vũ trụ còn rất mơ hồ. Một câu hỏi được đặt ra là có phải đây là dấu hiệu thiếu lòng tin sau một thời kỳ dài dồn sức giành vị trí cường quốc kinh tế toàn cầu hay là không muốn bị cuốn vào cuộc chạy đua tốn kém của cải. Thua kém TQ trong nghiên cứu vũ trụ là sự tổn thương niềm tự hào dân tộc, nhưng nhiều người Nhật thắc mắc liệu thành quả khoa học và kinh tế của chương trình vũ trụ có người lái có đáng để phải mạo hiểm và chịu tốn kém của cải hay không? Nhà báo Sekigawa nghi ngờ sự tăng kinh phí ghê gớm này sẽ được Chính phủ Nhật chấp nhận. Ông nói: “Lúc này có vẻ Tokyo chưa quan tâm tới vũ trụ bằng thực tế dưới mặt đất!”.

Nếu Nhật Bản thực hiện mọi sáng kiến của “JAXA tầm nhìn 2025” thì mỗi năm sẽ tiêu tốn 2,5 - 2,8 tỉ USD mà ngân sách hiện nay của JAXA chỉ có 1,8 tỉ USD.

Eichiro Sekigawa (phóng viên Nhật Bản của tạp chí Aviation Week)

(Theo Time)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top