Nhật muốn xoá bóng ma Thế chiến II

Nhật muốn xoá bóng ma Thế chiến II

Thủ tướng Junichiro Koizumi tuần tới sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật tham gia lễ kỷ niệm lớn nhân kết thúc Thế chiến II tại châu Âu, vào thời điểm những bóng ma quá khứ đang sống lại ở châu Á.

Ông Koizumi sẽ đến Nga hôm thứ hai. Đây là nước thứ 6 ông viếng thăm trong vòng chưa đầy một tháng, tiếp theo Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Luxembourg và Hà Lan. Đồng minh thân thiết của Mỹ đang tìm kiếm những mối quan hệ chặt chẽ hơn tại các khu vực khác của thế giới.

Mối quan hệ của Nhật với Trung Quốc lẫn hai nước Triều Tiên đều xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, do một loạt những vấn đề: từ năng lượng, tranh chấp lãnh thổ, cho đến cuốn sách giáo khoa viết về Thế chiến II và những chuyến thăm gây tranh cãi của ông Koizumi tới ngôi đền chiến tranh.

Tokyo muốn nhân cơ hội này để hướng sự chú ý của thế giới vào hình ảnh một nước Nhật của thế kỷ 21: một quốc gia viện trợ hào phóng, nhà đầu tư công nghệ mới, và xứ sở của những bộ truyện tranh nổi tiếng. Nhưng, mục tiêu cao hơn cả là giành một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, mà cơ cấu hiện nay vẫn phản ánh cán cân quyền lực từ năm 1945: Pháp, Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Buổi lễ ở Matxcơva sẽ có các nhà lãnh đạo từ nhiều nước tham dự. "Đó là một cơ hội hoàn hảo để chúng tôi vận động cho việc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Chúng tôi không thể bỏ lỡ nó”, một quan chức ngoại giao nhận xét.

Koizumi bắt đầu lịch trình dày đặc ở Indonesia hồi cuối tháng trước. Tại đây, ông nhắc lại lời xin lỗi về quá khứ tại cuộc họp thượng đỉnh có gần 50 lãnh đạo Á – Phi tham dự. Ông thăm vùng chịu sóng thần Aceh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để khẳng định rằng Tokyo mong muốn tình hữu nghị.

6 ngày sau, Koizumi đã ngồi nếm món cari tại bữa tiệc ở New Delhi và tuyên bố Ấn Độ - quốc gia đã hoà giải với Trung Quốc – “là bạn của Nhật ở châu Á”.

Sau khi dừng chân ở Pakistan để thông báo về các khoản vay tổng trị giá 160 triệu USD, Koizumi lên đường đi Luxembourg và Hà Lan, kêu gọi một liên minh Á – Âu mạnh mẽ hơn, và một lần nữa tỏ ra hối tiếc về việc các nạn nhân Hà Lan phải chịu sự hành hạ của binh lính Nhật ở Indonesia thời chiến tranh.

Tại Matxcơva, Koizumi sẽ xuất hiện cùng Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder - nước cũng đang muốn giành ghế tại Hội đồng Bảo an, các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc. Hidenori Ijiri, giáo sư về chính trị Đông Á tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, coi đây là một cơ hội để chuyển lời xin lỗi tới những nơi xa xôi hơn của thế giới.

“Cộng đồng quốc tế sẽ chú ý đến thông điệp và điều này sẽ dần tác động đến thái độ của Đông Á đối với Nhật”, Ijiri cho biết. “Sẽ là một bước ngoặt nếu Nhật đưa ra tuyên bố cùng với Đức tại buổi lễ ở Matxcơva”.

Rắc rối là không mấy người ở bên ngoài xứ sở hoa anh đào đánh đồng Đức với Nhật. Thủ tướng Đức Willy Brandt từng có hành động nổi tiếng là quỳ tại lễ tưởng niệm ở Vacsava năm 1970, trong khi Nhật mới tháng trước vừa thông qua một quyển sách lịch sử đánh giá vụ thảm sát ở Nam Kinh (khiến 300.000 người Trung Quốc thiệt mạng) là một “vụ việc” làm chết “nhiều” người.

Tại Trung Quốc, vì việc này mà các cuộc biểu tình phản đối Nhật nổ ra rầm rộ hồi tháng trước. Còn Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun trong chuyến thăm Đức tuyên bố rằng Nhật “muốn thanh minh cho cuộc chiến xâm lược của mình”, còn Đức “đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, vượt qua chúng và sau đó hoà nhập vào châu Âu".

Trong khi Đức đã trở thành một sức mạnh chính ở Liên minh châu Âu thì những mối quan hệ thân thiết nhất của Nhật lại toàn với những quốc gia ở xa, bắt đầu là Mỹ. Còn trong khu vực, Tokyo phải đối mặt với sự vươn lên của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang phát triển nhanh chóng, còn tại Nhật, người ta vẫn còn chưa biết tốc độ phát triển kinh tế tới đây sẽ là âm hay dương.

Nhật đã giảm trợ cấp nước ngoài trong 6 năm liên tiếp, và ngân sách mới nhất của nước này lần đầu tiên cắt giảm chi phí cho quân sự. Những tín hiệu kinh tế mâu thuẫn buộc họ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Nhưng Tokyo lại bù đắp việc này bằng những động thái dễ gây chú ý khác. Họ nhanh chóng đóng góp 500 triệu USD sau vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương, giữa lúc các quốc gia khác đưa ra những cam kết khiêm tốn hơn nhiều.

“Để chuẩn bị cho sự lớn mạnh của Trung Quốc, Nhật phải có càng nhiều đối sách càng tốt. Điều đó có thể bao gồm xây dựng một hệ thống rộng các mối quan hệ song phương. Ấn Độ quan trọng. Nga cũng quan trọng", Ijiri bình luận.

Quyết tâm rũ bỏ quá khứ, Tokyo lần đầu tiên từ sau Thế chiến II đã gửi quân tới Iraq và Indonesia để hỗ trợ các hoạt động tái thiết. Nhật cũng hy vọng quyền lực văn hoá và khoa học cũng có thể phát huy tác dụng.

Triển lãm thế giới diễn ra ở tỉnh Aichi (miền trung nước này) trưng bày những robot mới nhất của Nhật và những công nghệ an toàn cho môi trường. Còn tại New York, Ngoại trưởng Nobutaka Machimura có một bài phát biểu ca ngợi sự thịnh hành của phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản. Ông tuyên bố 60 năm sau chiến tranh “đánh dấu một khúc ngoặt”.

“Trong tử vi phương Đông, 60 năm được tính là một vòng lục thập hoa giáp. Năm thứ 60 đánh dấu sự chấm dứt của một chu kỳ, và bắt đầu một chu kỳ mới”, Machmura nói.

M.C. (theo AFP-vnexpress.net)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top