Nhật Bản xem xét lại chính sách quốc phòng

Nhật Bản xem xét lại chính sách quốc phòng

Nội các Nhật hôm nay thông qua đề xuất kế hoạch thay đổi chính sách quốc phòng, theo đó nước này sẽ "cẩn thận theo dõi" Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, tạo điều kiện phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa với Mỹ.

Đề án này được thực thi trong giai đoạn từ tháng 4/2005 đến tháng 3/2009.

Theo chính sách mới, Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị tên lửa cho Mỹ. Điều đó có nghĩa lệnh cấm xuất khẩu quân sự năm 1967 đã chấm dứt trên thực tế. Đồng thời, chi tiêu quân sự sẽ giảm 3% trong 5 năm tới. Lực lượng phòng vệ được duy trì ở mức 155.000 binh lính - giảm 5.000 người so với kế hoạch 5 năm hiện tại.

Nhật Bản cũng sẽ xem xét viện trợ chống khủng bố hoặc ngăn chặn cướp biển cho các nước. Theo một quan chức Tokyo, mũ sắt, áo chống đạn và thậm chí là tàu tuần tra cũ có thể được chuyển cho các nước ở Đông Nam Á.​

Đây là lần đầu tiên Tokyo đề cập đến chuyện thay đổi quan điểm về vai trò của lực lượng phòng vệ từ tự vệ là chính. Theo hiến pháp hoà bình, binh lính Nhật bị cấm tham chiến.

"Chúng tôi sẽ duy trì chính sách thận trọng giải quyết vấn đề kiểm soát xuất khẩu vũ khí, có tính đến quan điểm về Nhật Bản là một quốc gia hoà bình", Chánh văn phòng nội các Hiroyuki Hosoda ra tuyên bố. "Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tên lửa là một ngoại lệ... trong trường hợp các dự án phát triển và sản xuất chung được tiến hành".​

Tuyên bố về xem xét lại chính sách quốc phòng được đưa ra một ngày sau khi Tokyo thông báo sẽ duy trì binh lính ở Iraq thêm một năm. Khoảng 550 binh sĩ Nhật đang đóng quân ở Iraq với nhiệm vụ giúp nỗ lực tái thiết đất nước vùng Vịnh.

Mỹ luôn hối thúc Nhật sửa đổi hiến pháp hoà bình, đặc biệt là điều khoản 9, trong đó phản đối việc sử dụng vũ lực. Điều này được giải thích là là chỉ sử dụng vũ lực trong mục đích quốc phòng.

Cả đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và phe đối lập đều ủng hộ sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, vẫn đề này vẫn gây tranh cãi ở Nhật. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 5, 78% nghị sĩ Nhật ủng hộ có một số sửa đổi trong hiến pháp, nhưng 70% phản đối sửa đổi điều khoản 9.

Hồi tháng trước, một tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản. Sau đó, Tokyo tuyên bố Bắc Kinh đã xin lỗi và cho biết vụ việc xảy ra do "lỗi kỹ thuật". Bắc Triều Tiên thì khẳng định có vũ khí hạt nhân. Người ta cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản.

Nguyễn Hạnh (theo BBC, Reuters)​
<vnexpress>
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top