Nhật Bản: Sự trung thành bị lạm dụng

Nhật Bản: Sự trung thành bị lạm dụng

Người lao động Nhật Bản vốn đã rất nổi tiếng trên khắp thế giới với tinh thần làm việc chăm chỉ và trung thành một cách "hiếm có" với công ty của họ và họ đã góp một phần không nhỏ cho những "bước nhảy vọt thần kỳ" của nền kinh tế trong mấy thập niên trước. Nhưng giờ đây, khi số vụ kiện của người lao động đối với "ông chủ" của họ tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, người ta mới vỡ lẽ một điều rằng từ bấy lâu nay lòng trung thành của họ đã bị các công ty lợi dụng một cách tàn nhẫn.

Trường hợp của Hiroshi Takano - một quản lý cửa hàng cho hãng McDonald là một ví dụ điển hình. Từ nhiều năm nay anh làm việc cho hãng gần như không hề tính toán với một mong muốn duy nhất là các lãnh đạo sẽ thấu hiểu được lòng trung thành và thái độ tận tụy đối với công việc của anh. Nhưng ngược lại, dường như các lãnh đạo coi đó là một phần bổn phận và trách nhiệm mà anh phải làm. Takano không nhận được gì cho tất cả những nỗ lực của anh, thậm chí là khoản tiền làm thêm giờ cũng đã bị lờ đi suốt nhiều năm qua. Cho đến một ngày, khi cảm thấy sức khỏe "xuống cấp" Takano mới đi khám và được vị bác sĩ cảnh báo rằng anh mắc bệnh suy nhược vì làm việc quá nhiều. Trở về từ bệnh viện, Hiroshi Takano quyết định đệ đơn kiện công ty của mình ra tòa án lao động và cũng phải mất đến 3 năm sau vụ kiện của anh mới kết thúc bằng phán quyết McDonald Japan phải thanh toán cho anh số tiền 75.000 USD cho những giờ làm thêm suốt những năm trước.

Vụ kiện của Hiroshi Takano đã cho thấy giờ đây người lao động Nhật Bản đã dần dần nhận thức được đâu là quyền lợi của mình và họ đang đứng dậy để đấu tranh cho những quyền lợi rất hợp pháp ấy. "Người Nhật Bản đang bị ép buộc phải nghĩ đến lợi ích tự thân của họ - điều mà họ chưa bao giờ nghĩ tới suốt nhiều thập kỷ qua", Yoichi Shimada - giáo sư luật học của trường đại học Waseda ở Tokyo phát biểu. Theo thống kê của tòa án tối cao Nhật Bản, số vụ kiện của các lao động đối với chủ công ty đã tăng lên đến 45% trong giai đoạn 1997 -2005 với khoảng 2.303 vụ. Bước sang năm 2006, những vụ kiện kiểu này đã tăng đột biến tới 21% lên 2.777 vụ, đó là chưa kể đến những vụ mà cả 2 bên đã đạt được thỏa thuận trước khi đưa nhau ra tòa án. Những con số đã cho thấy mối quan hệ giữa người lao động và các lãnh đạo công ty ở Nhật Bản đã trở nên rất xấu. Trong khi lợi nhuận của các hãng liên tục tăng lên thì tiền lương của người lao động gần như không thay đổi nhưng khi công ty gặp khó khăn, họ ngay lập tức kêu gọi sự chia sẻ từ phía nhân viên của mình bằng cách động viên họ làm việc nhiều giờ hơn mà cố tình lờ đi khoản tiền làm thêm. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý và lao động Nhật Bản thì đó là một sự bất công đến mức gần như tàn nhẫn. "Khi phải đối đầu cạnh tranh với các công ty của Trung Quốc hay Hàn Quốc, họ chuyển gánh nặng đó sang cho người lao động. Họ âm thầm bắt ép lao động làm thêm mà không nhận lương như là một biểu hiện của lòng trung thành và ở môi trường cạnh tranh quốc tế, họ nghiễm nhiên coi đó là một vũ khí cạnh tranh lợi hại", Kiyotsugu Shitara - Chủ tịch liên đoàn các nhà quản lý Tokyo phát biểu, "Người lao động đã quá mệt mỏi khi tiếp tục bị đối xử theo kiểu như vậy và đã đến lúc họ phải đi tìm cho mình "miếng bánh" to hơn mà các giới chủ đã ỉm đi suốt bao năm qua".

Đa số những người lao động đã và đang "vác đơn" đi kiện đều thổ lộ rằng thực ra họ cũng không muốn làm như vậy nhưng vì các công ty của họ đã quá "lì lợm và trơ trẽn" nên họ buộc phải vùng lên. "Tôi không muốn làm như vậy, nhưng vì công ty đã đối xử với tôi một cách quá lạnh lùng nên tôi buộc phải bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình và mở đường cho những người khác", Hiroshi Takano tâm sự. Nhưng trường hợp của Hiroshi Takano chưa thấm vào đâu so với nỗi đau của góa phụ Hiroko Uchino. Chồng của Uchino vốn là một nhân viên quản lý chất lượng làm việc cho một nhà máy của hãng Toyota đã chết cách đây 6 năm vì căn bệnh mà như người Nhật thường gọi là karoshi (chết vì lao lực và làm việc quá sức). Hiroko Uchino đã quyết định đệ đơn kiện nhà máy nơi chồng cô đã làm việc sau khi họ khăng khăng chối bỏ trách nhiệm và cho rằng chồng cô không làm việc quá nhiều dẫn đến kiệt sức. Trong sổ chấm công của nhà máy tháng 2.2002 chỉ ghi rằng anh ấy đã làm thêm 38 giờ nhưng bằng nhiều bằng chứng khác nhau Hiroko Uchino đã chứng minh rằng chồng cô đã làm thêm ít nhất 155 giờ. Cuối cùng thì đến cuối tháng 3.2008, tòa án Nagoya cũng đã phải đưa ra một phán quyết mang tính "dĩ hòa vi quý" khi tuyên bố rằng cái chết của chồng cô "có liên quan đến công việc".

"Tôi muốn Nhật Bản trở thành một xã hội mà ở đó những người lao động có thể kiện lại chính công ty của mình vì một sự bình đẳng rất đáng phải có", Hiroshi Takano phát biểu sau khi được tòa án tuyên bố thắng kiện.

(Theo đời sống pháp luật)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top