Nhật Bản: Đằng sau hào quang chiến thắng

Nhật Bản: Đằng sau hào quang chiến thắng

của đảng Dân chủ Nhật Bản trong cuộc bầu cử hạ viện nước này mới đây đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Người ta dự báo, đằng sau ánh hào quang chiến thắng đầy dẫy những biến cố khó lường.

Sự phát triển của Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vượt ngoài sự đo lường của các nhà phân tích chính trị. Đảng này mới được chính thức thành lập năm 1998 từ một số đảng đối lập nhỏ trên chính trường Nhật Bản với mục tiêu tạo một đối trọng trên chính trường Nhật Bản và tiến tới giành chính quyền từ tay đảng cầm quyền Tự do dân chủ (LDP).

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này không phải không có mặt hạn chế của nó. 10 năm tồn tại của DPJ so với hơn 50 năm cầm quyền của LDP quả thật là quá ngắn. Chỉ cần làm một phép trừ đơn giản là có ngay đáp số về kinh nghiệm chính trị, kinh nghiệm điều hành chính phủ của DPJ. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng cho thấy DPJ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Thiên thời

DPJ lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản sa sút nghiêm trọng. Đây là giai đoạn đen tối nhất từ sau thời kỳ “bong bóng xà phòng”. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay của Nhật Bản gần 6%, con số tệ hại nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tỷ lệ nợ quốc trái của nước này gần gấp đôi GDP, cao nhất trong số các nước phát triển.

Chính sự ảm đạm về kinh tế này khiến người dân Nhật Bản bất mãn và góp phần làm nên chiến thắng của DPJ, mặt khác nó cũng chính là bài toán khó giải đối với đảng này trong thời gian tới. Để thu hút sự ủng hộ của cử tri, DPJ đưa ra một số phương châm: xây dựng hệ thống trợ cấp trẻ em, bổ sung trợ cấp thất nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để tránh lệ thuộc vào xuất khẩu… Nhưng làm thế nào và lấy tiền đâu để thực hiện các cam kết trên? Nếu chỉ “hứa suông”, hậu quả chắc chắn “nhãn tiền”.

Địa lợi

DPJ đang phải đối mặt với một bối cảnh quốc tế và khu vực vô cùng phức tạp. Mối quan hệ “chính trị lạnh, kinh tế nóng” với Trung Quốc vẫn chưa có một giải pháp bền vững. Tranh chấp biển đảo với Hàn Quốc và Nga, sự căng thẳng trong bang giao với Bắc Triều Tiên, việc xử lý mối quan hệ đồng minh với Mỹ, tiến trình vận động để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc…

Chính sách và quan điểm của ông Hatoyama cũng bị ngờ vực. Khác với chính sách thân Mỹ của chính quyền trước đây, ông Hatoyama chủ trương hướng về châu Á và tạo một thế giới đa cực.

Muốn có một thế giới đa cực, các “cực” phải có sự cân bằng về sức mạnh bao gồm cả kinh tế, ngoại giao… và nhất là quân sự. Nhìn từ thực tế hiện nay, người ta đặt dấu hỏi: tiềm năng quân sự của Nhật Bản đã đủ mạnh để trở thành một “cực” hay chưa? Nếu chưa đủ phải bổ sung. Việc bổ sung có đẩy khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang mới không? Đặc biệt, dư luận còn đặt dấu hỏi xung quanh hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ. Nếu hiệp ước này hết hiệu lực, cán cân quân sự trong khu vực sẽ ra sao?

Nhân hoà

Một trong những lý do chính khiến người dân Nhật Bản bỏ phiếu cho DPJ bắt nguồn từ sự bất mãn đối với chính sách của chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc điều tra dư luận do một số cơ quan báo chí của Nhật Bản tiến hành trước bầu cử, nguyên nhân chính là do cử tri bất mãn với sự yếu kém về năng lực của một số lãnh đạo LDP chứ không phải với toàn bộ đảng LDP. Hai sự bất mãn này hoàn toàn khác biệt.

Cũng cần lưu ý rằng, một chính đảng đã tồn tại và nắm quyền trong một thời gian dài như vậy, chắc chắn phải có một cơ sở vững vàng và không thể loại bỏ ngay trong một sớm một chiều. Nếu DPJ không thực hiện được những cam kết đưa ra trước bầu cử, khó có thể duy trì được một cách bền vững yếu tố “nhân hoà”.

Những yếu tố khác

Ngoài ra còn một loạt các yếu tố khác, trong đó có sự tồn tại của LDP. Mặc dù thất bại nhưng LDP vẫn giành được số ghế đủ để trở thành đảng đối lập lớn nhất trong hạ viện Nhật Bản, vị trí trước đây của DPJ. Trong LDP vẫn còn những chính trị gia lẫy lừng như: cựu thủ tướng Mori, cựu thủ tướng Fukuda và cựu thủ tướng Koizumi, người được biết tới với tư cách là đối thủ lợi hại nhất của DPJ khi đi nước cờ “thí xe để bắt tướng” năm 2005.

Năm đó, người ta phát hiện một số chính trị gia như Fukuda Yasuo (lúc đó là bộ trưởng chánh văn phòng nội các), Kan Naoto (lúc đó là chủ tịch DPJ)… không nộp bảo hiểm lương hưu trong một thời gian dài. Nhiều quan chức buộc phải từ chức trước búa rìu dư luận. Nhân cơ hội này, dưới tác động của thủ tướng Koizumi, bộ trưởng chánh văn phòng nội các Fukuda Yasuo tuyên bố từ chức. Nước đi này, khiến vị chủ tịch đầy năng lực và tham vọng của DPJ lúc đó là Kan Naoto phải từ chức theo, đẩy DPJ vào thế “quần long vô thủ”. Mất “con xe” nhưng ông Koizumi đã loại một địch thủ đáng gờm.

Với những nhân vật như vậy, liệu LDP có chịu buông xuôi hay vẫn chờ đến lúc “Đông Sơn tái khởi”. Thậm chí, cho đến tận thời điểm này nhiều người vẫn cho rằng LDP chỉ thua một trận đánh chứ chưa thua trong cả cuộc chiến.


(vnnet)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top