Nhật Bản 60 năm sau Hiroshima và Nagasaki:Thế hệ 89

Nhật Bản 60 năm sau Hiroshima và Nagasaki:Thế hệ 89

Thật tình cờ, khi tìm trên mạng về chủ đề “Bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki”, lại rơi phải một số báo Time với chuyên đề “Lớp trẻ ra trường năm 1989 liệu có tháo gỡ được cho nước Nhật?” (Can the class of ‘89 fix Japan?). Tại sao ở Nhật người ta và báo Time lại đặt câu hỏi này? Lớp trẻ Nhật ngày nay có khác gì với các thế hệ trước?

Bài báo mở đầu bằng bối cảnh năm 1989, năm mà Nhật hoàng Hirohito qua đời. Năm 1989 đó được sánh như là năm mà nền kinh tế Nhật bắt đầu khựng lại rồi đi đến suy thoái.

Tại sao lại là thế hệ 1989?

Biên niên từ điển QUID của Pháp cũng ghi năm này kết thúc “thời kỳ Showa” (tạm dịch từ nguồn tiếng Pháp: giai đoạn hòa bình rạng rỡ) bước vào thời kỳ Heisei (tạm dịch: giai đoạn hoàn tất hòa bình).

Về mặt kinh tế, cuối năm 1989 đó chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo lên đến tột đỉnh 38.916 điểm trước khi tuột dần xuống 25.000 điểm vào cuối năm 1991, rồi thì đến vực sâu 16.000 điểm vào cuối năm 1993.

Về mặt chính trị, cũng năm 1989 đó chính trường Nhật “rối như canh hẹ”. Tháng 4-1989, Thủ tướng Noboru Takeshita từ chức vì những thị phi tham nhũng. Tháng 6-1989, ông Sosuke Uno lên thay. Hai tháng sau, ông Toshiki Kaifu lên thay. Cả ba vụ thay đổi chính phủ trong năm 1989 đó đều “dính” đến vụ tham nhũng “Recruit-Cosmos”.

Từ điển bách khoa Brainy Encyclopedia tóm tắt vụ tai tiếng này như sau:

“Recruit là tên của một công ty địa ốc và viễn thông ở Nhật. Công ty này trở nên nổi tiếng vì vụ bán cổ phiếu công ty con Cosmos cho các chính khách trước khi niêm yết tên công ty này vào danh sách các công ty tham gia thị trường chứng khoán. Tất nhiên, trong những vụ chia chác này giá bán cổ phiếu phải thấp hơn giá niêm yết. Nhờ đó, nhiều chính khách trúng đậm khi cổ phiếu công ty này được rao bán chính thức vào năm 1986. Mãi đến năm 1989, vụ này mới bị xì ra. Thủ tướng Takeshita Noboru và Bộ trưởng Tài chính Miyazawa Kiichi “đổ”.

Theo QUID, vụ “bán” cổ phiếu này xảy ra từ năm 1984, dưới trào Thủ tướng Yasushiro Nakasone. Phải chăng Thủ tướng Takeshita và Bộ trưởng Miyazawa của năm 1989 phải “đổ vỏ” cho những kẻ “ăn ốc” trước đó năm năm?

Dò lại sẽ thấy hầu như toàn bộ lãnh đạo Đảng LDP cầm quyền ở Nhật trong thời điểm đó đều “dính” tham nhũng. Thậm chí có một thủ tướng, ông Kakuei Tanaka, đã “dính” vụ Hãng máy bay Lockheed “lại quả” và đã xộ khám, phải “ói” ra 500 triệu yen “lại quả” của Hãng Lockheed.

Trong bối cảnh đầy ắp tham nhũng và suy thoái kinh tế Nhật đó, cái giá phải trả là Đảng LDP đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 18-7-1993, chấm dứt 39 năm cầm quyền liên tiếp tại Nhật kể từ sau chiến tranh. Đến cuối năm 1993, trị giá bình quân cổ phiếu của 225 công ty hàng đầu của Nhật đã bị mất giá hơn phân nửa chỉ trong vòng bốn năm, và người đầu tư cổ phiếu cũng mất vốn theo...

Lớp trẻ Nhật ra trường năm 1989 đã thừa hưởng một di sản vừa vinh quang vừa thê thảm. Vinh quang vì nước Nhật bại trận năm 1945 đã nhanh chóng ngóc đầu dậy không đầy 19 năm sau với Thế vận hội Tokyo 1964.

Có thể hiểu ngầm rằng thế vận hội lần đầu tiên được tổ chức tại một nước chính là cơ hội “đăng quang” của nước đó như là một nước công nghiệp mới bên cạnh các nước công nghiệp cũ. Tokyo 1964, Mexico 1968, Matxcơva 1980, Seoul 1988, Bắc Kinh tới đây... Một năm trước đó, nước Nhật đã tham gia Câu lạc bộ các nước phát triển OCDE… (QUID).

Chính vì thế mà nước Nhật năm 1964 đã chọn một vận động viên sinh đúng vào ngày bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (6-8-1945), tên Yoshinori Sakai, để rước đuốc thế vận hội chặng chót, như là một dấu chứng cho sự khôi phục từ đống tro tàn Hiroshima (http://www.olympic.org/uk). Nước Nhật năm 1964 đã bắt đầu nổi tiếng với những xe hai bánh, động cơ bốn thì mà hộp số lại là tự động, với các xe hơi, máy thu hình xuất khẩu tràn ngập và với tuyến xe lửa cao tốc Tokyo - Osaka phục vụ Thế vận hội Tokyo chạy với tốc độ 210km/giờ (http://fr.wikipedia.org/wiki/Shinkansen).

Thế hệ 1989 ấy đã như thế nào?

Báo Time mô tả về một số nhân vật thuộc thế hệ 1989 đó như sau:

“Nếu bạn là Manabu Sakai và ra trường vào tháng 3-1989, thì lúc đó bạn hẳn nghĩ rằng bạn là một người may mắn. Vì bạn mới chỉ 23 tuổi thôi và (trời đất cũng như cuộc đời bạn) lúc đó mới vào xuân. Bạn vừa tốt nghiệp trường luật, Viện đại học Tokyo, còn được biết đến dưới cái tên Đại học Todai, đang nắm trong tay tấm bằng đại học sáng giá nhất của trường đại học danh giá nhất của quốc gia giàu có đứng thứ nhì thế giới.

Đối với bạn, thất nghiệp không hề là một khả năng có thể xảy ra, thậm chí không hề hiện hữu như là một khái niệm. Bằng vào việc tốt nghiệp, khóa các bạn cầm chắc sẽ lãnh đạo nước Nhật bước vào một kỷ nguyên thịnh vượng mới, chỉ bị phai màu từ sau khi Nhật hoàng Hirohito - biểu tượng cuối cùng của nước Nhật “cũ” (tức Nhật hoàng của Thế chiến thứ nhì) - băng hà…

Nhiều người trẻ thế hệ ra trường năm 1989 đó cùng chia sẻ một thái độ thận trọng đối với tiền bạc. Họ hiểu rằng có lẽ còn tốt hơn là thế hệ cha mẹ họ, tiền bạc cùng sự mãn nguyện không nhất thiết phải đồng nghĩa. Chính ý nghĩ này đã giúp sinh viên tốt nghiệp khóa 1989 đó, tên Kikuo Sakaguchi, từ bỏ sự nghiệp giàu có trong các công ty luật hàng đầu, để lao vào giúp đỡ các công ty nhỏ và các cá nhân lâm vào trường hợp khánh tận trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sau đó của nước Nhật. Sakaguchi sau đó đã đi qua hơn 50 quốc gia, gần đây nhất là Bangladesh. Anh nói: “Thu nhập của người Bangladesh chỉ bằng một góc của người Nhật, song có chắc rằng họ chỉ hạnh phúc bằng một phần người Nhật không hay là họ hạnh phúc hơn?”.

Trong khi vất bỏ nền đạo đức “làm việc - tiêu dùng” của thế hệ cha mẹ của họ, thế hệ 1989 đó không nề hà gì đảm đương việc công hay làm lụng cực khổ. Họ chia sẻ một ước muốn tha thiết cải thiện đất nước của họ, xuất phát từ một niềm tin đã bị suy giảm nơi chính phủ của họ trong việc giải quyết rốt ráo các vấn đề của xã hội. Dân chúng “ói mửa” trước những nhà lãnh đạo tham nhũng và bất tài.

Đối với nhiều người Nhật, họ không chỉ chán ngán mà còn ác cảm. Reiko Ikeda, 37 tuổi, một nhà quản lý hãng sản xuất xe hơi hiệu Subaru và cũng là một sinh viên ra trường năm 1989, phát biểu: “Nước Nhật không có lãnh đạo giỏi”. Đối với thế hệ 1989 đó, chính ý nghĩ này dường như càng khuấy lên tư tưởng tự lực của họ hơn.

Nhà thiên văn học Yui nhớ lại năm 1993, năm mà Đảng LDP mất quyền hành từ 38 năm qua, và một chính phủ Đảng Xã hội lên cầm quyền. Đối với nhiều người Nhật, vốn dĩ đã quen với vai trò độc diễn của Đảng LDP, sự thay đổi này làm họ mất phương hướng. Song Yui thì hoan hỉ: “Tôi không ưa Đảng LDP nên tôi mong đợi Đảng Xã hội sẽ có thể biến đổi nước Nhật, song họ đã thất bại. Tôi lần hồi bắt đầu nhận ra rằng chính dân chúng mới có thể làm thay đổi nước Nhật, bắt đầu từ chính những cộng đồng của họ”.

Thế là Yui cùng các hàng xóm của mình yêu cầu chính quyền địa phương, TP Kawasaki, chi tiêu đồng tiền thuế thu được của họ vào những mục tiêu sao cho cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, tỉ như nhà trẻ, nhà cho người cao tuổi, hồ bơi. “Có khi chúng tôi thành công, có khi thất bại, song ít nhất là mỗi người trong thành phố đều hiểu ra rằng họ có thể thực hiện được những điều tốt lành như đã thấy. Và điều này đã diễn ra trên toàn nước Nhật”.

Nếu thế hệ 1989 ít ích kỷ hơn và có tính công dân hơn, phần nào là do họ buộc phải như thế. Sang đến đầu những năm 1990, họ thấy rõ rằng lãnh đạo đất nước của họ đã không làm gì được để chặn đứng cuộc khủng hoảng kinh tế, vai trò “thượng đế quan phòng lo liệu tất cả” của nhà nước cũng chấm dứt theo. Lại thêm các thảm họa động đất ở Kobe năm 1995 và vụ khủng bố hơi độc sarin trong xe điện ngầm ở Tokyo năm đó.

Đối với thế hệ 1989, các sự cố đó không khác gì sự kiện 11-9 của dân Mỹ. Ở Kobe, trong khi chính phủ không chuẩn bị, cứ như gà mắc tóc, thì hàng ngàn dân chúng chết dưới những ngôi nhà đổ nát của mình. Hai tháng sau, chính quyền Tokyo bó tay không chặn đứng được âm mưu khủng bố của giáo phái Aum, cho dù đã có những cảnh báo trước đó.

Đối với thế hệ 1989, từ sự mất niềm tin nơi chính phủ sẵn có, nay họ tự tìm lại bản thân. Kỹ sư xây dựng Yamazaki còn nhớ anh ta đã giật mình thức giấc giữa tiếng kêu khóc bị kẹt trong nhà cửa của họ, có đến cả trăm người chết trong khu anh ở. “Dân chúng giúp đỡ lẫn nhau, người này vỗ về an ủi người nọ. Làm tôi nhớ lại hình ảnh nước Nhật thuở xưa”.

Không chỉ những người sống sót từ động đất như Yamazaki mới hun đúc tinh thần tự lực này. Giám đốc Ngân hàng Kasahara, cũng thuốc thế hệ 1989, nhận xét: "Vụ động đất đó chính là thời điểm của sự đổi thay. Dân chúng trở nên tự nguyện hơn, hầu như cả nước cùng nhau tình nguyện tham gia cứu trợ. Đây là lần đầu tiên mà người Nhật chọn việc phục vụ tha nhân thay vì chỉ chăm chăm phục vụ công ty của họ".

Atsushi Kanamaru, cũng tốt nghiệp năm 1989 Đại học Waseda, không chỉ mất niềm tin nơi Chính phủ Nhật mà còn nơi công ty của anh. Năm 1995, hãng vận tải hàng không anh làm việc giảm doanh số đến phân nửa, bản thân anh và đồng nghiệp mất việc chỉ vì... đồng yen mạnh, quá mạnh so với đồng USD. Kanamaru nhớ lại: “Động đất, hơi độc sarin, đồng yen mạnh, chẳng ai có thể làm gì được. Từ đó tôi thay đổi suy nghĩ: phải bớt lệ thuộc vào các công ty đi thôi”. Sau đó anh học tiếng Anh rồi mở một nhà xuất bản tiếng Anh, không còn làm thuê cho một guồng máy nào nữa.

Còn một khác biệt nữa với thế hệ cha anh của họ: “Cha mẹ chúng tôi làm lụng cật lực và hưởng thụ của cải làm ra, để rồi sau đó lãnh đủ những hậu quả của cuộc khủng hoảng: họ đánh mất niềm hi vọng. Còn chúng tôi, chúng tôi tự nhủ: ngay cả trong khi các công ty lớn nhất khánh tận cũng không được phép bi quan. Tăng trưởng kinh tế chẳng phải là tất cả. Rồi thì mọi việc cũng qua thôi”.

Nhà thiên văn Yui phát biểu: “Chúng tôi nay cũng đã đủ tuổi tác (xấp xỉ 40) để giữ một số trọng trách và gây ảnh hưởng trong lĩnh vực chúng tôi làm việc”.

Rõ ràng là nước Nhật nay thay đổi như thế nào là tùy họ”.

Nước Nhật nay như thế nào? Đã ra khỏi cuộc khủng hoảng chưa? Tăng trưởng GDP của Nhật năm 2004 là 2,9%, năm 2003 là 2,7%, so với các nước công nghiệp như thế đã là khá, so với chính nước Nhật những năm 1990 càng khá hơn (bình quân >1%). Trong sự hồi phục đó có vai trò của giới trẻ Nhật, thế hệ 1989, nay đang là then chốt trong xã hội.

Từ câu chuyện về thế hệ 1989 đó ở Nhật có thể thấy không ít kinh nghiệm. Phải chăng họ đã không chịu than vãn cái di sản phải thừa hưởng? Họ đã ra khỏi “lối mòn” tận tụy phục vụ công ty, sáng vác ô đi tối vác ô về, và trông chờ chính sách vĩ mô của chính phủ? Độc lập suy nghĩ, hành động vì bản thân mình và cộng đồng, không còn chú trọng lắm đến thụ hưởng?

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top