Người xuất khẩu... bẹ chuối sang Nhật Bản

Người xuất khẩu... bẹ chuối sang Nhật Bản

Đó là anh Trần Thanh Cao ở xã Khánh Mậu (H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), người đã mở lớp dạy nghề rồi thành lập tổ hợp Mậu Tiến chuyên sản xuất bàn, ghế, salon, va-ly... bằng cói, bẹ chuối, thân lúa non hoặc bèo tây để xuất khẩu sang tận Nhật Bản và một số nước châu Âu.


Người đưa ra ý tưởng dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên (TN) và gắn bó với tổ hợp Mậu Tiến từ khi thành lập đến nay là anh Trần Thanh Cao - Phó chủ tịch Hội LHTN xã. Sinh năm 1973 trong một gia đình đông con, nghèo khó, Cao đã phải bỏ dở việc học hành khi vừa tốt nghiệp cấp 2 để lang thang khắp nơi tìm kế sinh nhai. Một lần tới thăm bạn, bắt gặp một nhóm người đang hì hụi đan những chiếc khay xinh xắn bằng bẹ cói, Cao nghĩ ngay tới việc học nghề này. Khổ nỗi, do không có năng khiếu đan lát nên trong khi chúng bạn chỉ cần vài ba ngày là được thầy cấp "bằng tốt nghiệp" khóa học thì Cao phải tiêu tốn mất... 3 năm mới nắm vững kỹ thuật. Có tay nghề, Cao nhận làm hàng cho các công ty trong tỉnh và bắt tay vào việc truyền nghề cho bạn bè cùng trang lứa. Ban đầu, Cao đến từng nhà vận động TN trong xã đến học kỹ thuật đan lát và tạo điều kiện giúp họ có thêm thu nhập bằng chính các sản phẩm làm ra trong quá trình học việc. TN trong xã không tin là có thể kiếm được miếng cơm manh áo từ cái nghề mà họ cho là vặt vãnh này nên rất ít người theo học. Nhưng rồi, sau một thời gian, những học viên ban đầu đã thạo nghề, có việc làm và có thu nhập ổn định nên TN khắp nơi tìm đến xin việc... Hội LHTN xã kịp thời động viên và đỡ đầu Cao để anh thành lập tổ hợp Mậu Tiến.

Tiếp chúng tôi tại xưởng sản xuất của tổ hợp, đặt ly nước mời khách trên chiếc bàn được làm bằng bẹ chuối rất đẹp, anh Cao cho biết: "Tổ hợp đang tạo công ăn việc làm cho 600 công nhân, thu nhập thì cũng tùy theo năng suất lao động nhưng tính ra mỗi người cũng bỏ túi được hơn 500 ngàn đồng/tháng". Hiện tại, các sản phẩm chủ yếu của Mậu Tiến là bàn ghế, salon, va-ly, hộp ô van... được làm từ cói, bẹ chuối, thân cây lúa non, bèo tây... Nguyên liệu rẻ và dễ kiếm, sản phẩm lại bền đẹp nên khách hàng ngoài nước rất ưa chuộng, đặc biệt là người Nhật Bản và các nước châu Âu.

Chịu khó tìm kiếm thị trường và luôn luôn giữ chữ tín với khách hàng nên tổ hợp của Cao nhận được rất nhiều đơn hàng. Cao cho biết, do năng lực sản xuất có hạn vì không có vốn đầu tư nên tổ hợp cũng không dám mở rộng quy mô. Anh Cao ao ước: "Giá mà chúng tôi có đủ tiền để mua thêm 20 cái máy dệt nữa thì tốt biết mấy ! Khi đó, Mậu Tiến có thể tiếp nhận thêm 1.000 TN vào làm việc. Làng quê sẽ không còn người thiếu việc, TN không còn tụ tập, lêu lổng trên cây cầu ngoài đầu làng...".


(Theo Thanh Niên)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top