Người TQ và Nhật phản đối Chương Tử Di đóng geisha

Người TQ và Nhật phản đối Chương Tử Di đóng geisha

Việc ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc Chương Tử Di nhận lời mời của hãng Columbia (Mỹ) đóng vai một geisha trong bộ phim “Hồi ức của một geisha” đã gây nên sự phê phán ở cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.

images456919_tudi1.jpg

Chương Tử Di
Đầu tiên là một làn sóng phản đối nổi lên ở Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, geisha Nhật Bản là một loại người không ra gì, sao không mời người Nhật đóng vai mà họ lại đi mời một nữ diễn viên Trung Quốc? Làn sóng phê phán mạnh mẽ ở Trung Quốc đã khiến mọi người cho rằng: Geisha Nhật Bản phản ánh mặt đen tối, hạ lưu của văn hoá Nhật, việc Chương Tử Di nhận lời đóng vai geisha là hại đến hình ảnh của phụ nữ Trung Quốc(!).

Trong khi đó người Nhật Bản rất ngạc nhiên khi nghe tin Chương Tử Di đóng vai geisha. Họ mạnh mẽ phản đối cô đóng vai này bởi cho rằng, geisha không phải là “hoa khôi”, càng không phải là loại gái bán thân nuôi miệng trong các xó xỉnh, ngõ tối hay lầu xanh. Đây là một nét văn hoá truyền thống lâu đời của Nhật Bản, nếu không am kiểu sâu sắc văn hoá truyền thống Nhật thì làm sao Chương Tử Di có thể biểu đạt được cách geisha đi đứng, múa, hát, cầm quạt, cười và rót rượu kia chứ?

Trên thực tế, cách hiểu của người Trung Quốc khi phê phán việc Chương Tử Di đóng vai geisha là một sự lầm lẫn lớn. Trước hết, sự hiểu lầm đó bắt nguồn từ cách dịch từ “geisha” ra tiếng Trung Quốc. Người TQ gọi là “nghệ kỹ” với chữ “kỹ” là kỹ nữ - gái điếm, trong khi người Nhật viết là “nghệ giả”- người làm nghệ thuật. Geisha kiếm sống bằng cách múa hát giúp vui, cùng uống rượu với khách, nhưng họ không khiêu dâm, càng không bán thân. Muốn lấy được “Thẻ chứng nhận geisha” không phải là điều dễ dàng: Ít nhất phải qua 5 năm đào tạo, phải nắm chắc kỹ năng nhiều mặt về văn hoá, lễ nghi, nói năng, trang điểm. Chi phí học nghề rất cao cũng là một trong những lý do khiến con nhà bình thường không thể nào học được nghề này.

Kết cấu nghề nghiệp của phụ nữ trong văn hoá truyền thống Nhật Bản khá phức tạp. Những người không được huấn luyện về nghệ thuật, chỉ biết rót rượu trong các bữa tiệc thì gọi là “nại phụ”, địa vị của họ rất thấp. Những phụ nữ bán dâm thì gọi là “nữ lang”, trong số các “nữ lang”, hạng cao cấp nhất gọi là “hoa khôi”. Các “hoa khôi” này trẻ, đẹp, chỉ phục vụ những đàn ông giàu có, uy quyền của các ả này rất lớn. Nhiều người không hiểu được điều đó nên đã đánh đồng geisha với “hoa khôi”. Nhưng trên thực tế thì hoa khôi dù có danh giá đến đâu cũng vẫn là gái điếm, còn geisha dù có xấu đến mấy thì cũng vẫn là geisha, hai loại người này khác nhau rõ rệt. Geisha là một nghề chuyên môn hoá rất cao. Tuy có mang đậm sắc thái chủ nghĩa nam quyền tối thượng, nhưng các geisha đều “tri thư đạt lễ”, giỏi “cầm, kỳ, thi, hoạ”, bản thân họ thể hiện rõ phẩm chất tự tu dưỡng và tự hoàn thiện. Văn hoá geisha là di sản văn hoá rất quan trọng của Nhật Bản. Nhưng thứ được người Nhật coi là báu vật văn hoá truyền thống đó dưới con mắt của nhiều người Trung Quốc lại bị đánh đồng với nghề hèn kém, bẩn thỉu nhất. Quả là một sự nhầm lẫn tai hại. Người ta phê phán Chương Tử Di từ góc nhìn đó thì quả thật đã đi sai hướng.

Một số tờ báo Trung Quốc đăng bài nói việc người Nhật phản đối người Trung Quốc đóng vai geisha là bởi đố kỵ với người tài trong giới nghệ sỹ Trung Quốc. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là: Một bộ phim do người phương Tây làm về geisha theo quan niệm giá trị của họ một khi chiếu ở Trung Quốc sẽ khiến người Trung Quốc có một cách nhìn lệch lạc về văn hoá truyền thống Nhật Bản. Đó mới là điều giới văn hoá Nhật lo ngại.

(Theo Tiền phong)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top