Mỹ và Nhật thoả thuận về kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ

Mỹ và Nhật thoả thuận về kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ

Mới đây, trong cuộc đàm phán tại Washington, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch tái bố trí khoảng 50.000 quân Mỹ ở Nhật Bản đến năm 2014, với chi phí thực hiện ước tính lên tới 26 tỷ USD.

Thỏa thuận mới được thông qua sau khi hai bên dàn xếp được bất đồng trong vấn đề đóng góp tài chính để di chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ tỉnh Okinawa của Nhật Bản tới đảo Guam. Theo đó Nhật Bản sẽ gánh khoảng 59% trong tổng số hơn 10 tỷ USD chi phí thực hiện dự án. Tại các vòng đàm phán trước, hai bên liên tục bất đồng trong vấn đề này do phía Mỹ đòi Nhật Bản chịu 75% tổng chi phí, song Nhật Bản chỉ chấp nhận đóng góp khoảng 30%.

Nội dung của thỏa thuận song phương cũng đề cập tới nhiều vấn đề như việc tái bố trí sở chỉ huy một sư đoàn Mỹ đóng ở tiểu bang Washington và sở chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến căn cứ Dama ở Canagawa (miền Đông Nhật Bản); tăng cường tính hiệu quả trong quá trình chia sẻ thông tin tình báo; thiết lập cơ chế khai thác chung giữa Nhật Bản và Mỹ đối với căn cứ không quân ở Yogota gần thủ đô Tokyo.

Để có thể gánh chịu khoản chi phí lớn để thực hiện các kế hoạch tái bố trí quân đội Mỹ ở Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự. Ngân sách của Nhật Bản đã giảm liên tiếp trong bốn năm qua và hiện ở mức (khoảng 40 tỷ USD), không bao gồm các chi phí liên quan tới việc tái bố trí quân Mỹ. Các biện pháp đang cân nhắc bao gồm giảm những thiết bị ở tuyến đầu như xe tăng và pháo hạng nặng; tiếp tục cắt giảm nhân viên của ba lực lượng phòng vệ mặt đất, phòng vệ trên biển và phòng vệ trên không trên cơ sở hệ thống chỉ huy hợp nhất mới được công bố; đánh giá lại các quỹ dự phòng của Cục Phòng vệ Nhật Bản.

Nhật Bản cũng dự định đề nghị Mỹ xem xét lại các khoản chi phí mà Nhật Bản phải gánh chịu cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này, bao gồm việc loại bỏ khoản đóng góp cho các ngành dịch vụ phục vụ các căn cứ quân sự. Hiện không nước nào có sự hiện diện của căn cứ Mỹ phải chi trả các khoản chi phí này.

Tiếp theo thỏa thuận về kế hoạch tái bố trí lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Mỹ đang xem xét sửa đổi những nguyên tắc hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ được áp dụng từ năm 1997, nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản mở rộng hoạt động của lực lượng phòng vệ ra bên ngoài lãnh thổ. Nội dung này sẽ được thảo luận tại cuộc gặp Ủy ban tư vấn an ninh Mỹ-Nhật trong tháng 5 này với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước. Hai bên cũng có thể ra tuyên bố chung về liên minh an ninh Nhật-Mỹ tại cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và Tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 6 tới ở Washington.

Đánh giá về thỏa thuận mới ký giữa Mỹ và Nhật Bản về việc tái bố trí lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, nhiều nhà phân tích cho rằng Nhật Bản đã "thiệt đơn thiệt kép" khi phải chịu khoản chi phí lớn một cách vô lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khẳng định đây là bước lùi quan trọng của Nhật Bản nhằm có được sự ủng hộ của Mỹ tạo đà cho một bước nhảy về quốc phòng của đất nước mặt trời mọc.

Ít nhất là 6 cuộc đàm phán con thoi từ Tokyo sang Washington và ngược lại! Chừng đó cũng đủ phản ánh “cuộc mặc cả” không hề suôn sẻ giữa hai đồng minh Mỹ và Nhật Bản xung quanh chuyện chi phí tái bố trí lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Rõ ràng xét về lý, đây là việc của quân Mỹ và Mỹ phải gánh vác tòan bộ hoặc ít nhất là phần lớn chi phí. Trước đây, khi quân Mỹ rời khỏi nước Đức, Đức không phải đóng góp một khoản tiền nào. Thế nhưng, lần này, Nhật Bản phải chịu phần lớn hơn trong chi phí lên tới 26 tỷ USD cho việc tái bố trí 50.000 lính Mỹ trên đất Nhật. Đáng chú ý hơn là Nhật Bản phải trả tới 59% khỏan tiền hơn 10 tỷ USD để di chuyển quân Mỹ từ đảo Okinawa của Nhật bản sang đảo Guam trên biển Thái Bình Dương. Thậm chí trước đó, phía Mỹ còn ép Nhật Bản phải chi trả tới 75%.

Tuy nhiên, thỏa thuận vô lý "có một không hai" đó thực ra lại là dễ hiểu trong trường hợp cũng "độc nhất vô nhị" là Nhật Bản. Trước hết, chấp nhận mất 6 tỷ đôla, nhưng Nhật Bản đã làm được điều mà vài năm trước tưởng sẽ không bao giờ xảy ra, đó là đuổi bớt quân Mỹ ra khỏi đảo Okinawa, giảm đi những căng thẳng và đe dọa nhất là về tinh thần mà binh lính Mỹ gây ra đối với người dân sống trên đảo. Quan trọng hơn, có thể nói Mỹ hiện là quốc gia duy nhất cam kết hỗ trợ Nhật Bản phát triển quốc phòng, và có thể thực hiện được cam kết này. Thoát khỏi tình trạng "chàng khổng lồ về kinh tế nhưng chỉ là thằng lùn về chính trị-quốc phòng" là giấc mơ mà chính phủ Nhật Bản nỗ lực theo đuổi từ bấy lâu nay. Việc “không có một lực lượng quân đội chính quy” cũng là lý do chính khiến Nhật Bản khó có thể có được một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ như nước này mong muốn. Dựa vào Hiệp ước an ninh song phương ký với Mỹ, Nhật Bản lần đầu tiên đã có thể đưa lực lượng phòng vệ của mình tham gia vào các sứ mệnh hòa bình bên ngoài lãnh thổ, mà đáng chú ý nhất là có mặt tại Iraq. Trong các cuộc mặc cả vừa qua, Mỹ đã hứa đẩy mạnh quan hệ với Nhật thành một liên minh quân sự tương lai, cũng như tạo điều kiện để Nhật Bản tham gia vào các lực lượng đa quốc gia hay “liên minh thiện chí" do Mỹ lãnh đạo. Mỹ cũng hứa hỗ trợ Nhật Bản xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa trước năm 2009 nhằm nâng cao năng lực phòng vệ của Nhật trước các cuộc tấn công bằng tên lửa từ bên ngoài. Và Nhật bản đã trả tiền vì những lời hứa này!

Từ một góc nhìn khác, góc nhìn của người dân Nhật Bản, thì đúng là sự nhượng bộ vừa qua là một thiệt thòi quá lớn. Trước hết, thỏa thuận ký với Mỹ mới chỉ di chuyển được một phần chứ chưa đuổi được toàn bộ binh lính Mỹ ra khỏi đảo Okinawa, cũng như ra khỏi đất nước họ và điều đó có nghĩa là các phiền toái mà lính Mỹ gây ra vẫn chưa chấm dứt. Về lâu về dài, nhiều người Nhật Bản không ủng hộ tham vọng "nước lớn về quân sự" mà chính quyền của Thủ tướng Koizumi đang theo đuổi; và cho rằng việc đưa lực lượng phòng vệ Nhật Bản đến Iraq, dù chỉ để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng là trái với hiến pháp của đất nước mặt trời mọc. Theo một cuộc thăm dò mới đây, có tới 77% người Nhật Bản được hỏi phản đối việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp- điều khoản hòa bình hạn chế họat động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Còn về mối quan hệ với Mỹ, đa số người Nhật Bản đều cảm thấy bị Mỹ lấn át trong khi chưa biết tương lai liên minh Mỹ-Nhật thực chất có đem lại lợi ích gì thực sự cho đất nước và cá nhân họ./.

Theo VOV
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top