Mỹ 2008 - kịch bản kinh tế xuống dốc hiện rõ

Mỹ 2008 - kịch bản kinh tế xuống dốc hiện rõ

“Chúng ta không nên nghĩ rằng tăng trưởng là điều tất nhiên phải thế”, Tổng thống Mỹ George W. Bush nói tuần trước khi nhắc tới những con số đáng buồn về việc làm của nước này mới được công bố.

Sau đó, ông hứa hẹn phối hợp với các nghị sĩ Dân chủ để đưa ra một kế hoạch kích thích tăng trưởng. Dự kiến Bush sẽ tuyên bố những biện pháp chính của kế hoạch này vào ngày 28/1 tới.

Năm 2007 đã kết thúc rất tệ: chỉ 18.000 việc làm được tạo ra ở Mỹ trong tháng 12 trong khi các chuyên gia phân tích đã đặt cược vào con số vốn đã khá khiêm tốn là 70.000 chỗ làm mới. Đó là mức tạo công ăn việc làm thấp nhất ở Mỹ kể từ tháng 8/2003, khi đất nước thoát khỏi tình trạng bong bóng của các công ty dot.com và lao vào cuộc chiến tranh Iraq.

Trong bối cảnh này, tỷ lệ thất nghiệp hiện tới mức cao nhất từ tháng 11/2005, sau khi trận bão Katrina hoành hành ở Mỹ. Nếu không có tuyển dụng mới trong lĩnh vực dịch vụ công (31.000 chỗ làm trong tháng 12 vừa rồi) để bù lại 13.000 chỗ làm bị hủy trong lĩnh vực tư nhân, thì lương bổng có lẽ đã âm.

Tháng 12/2007, có 18.000 công việc mới được tạo ra ở Mỹ. Ngành xây dựng, bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất, đã phải sa thải 49.000 công nhân. Ngành công nghiệp đã hủy 31.000 chỗ làm dù đồng đôla yếu đi và xuất khẩu tăng. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành buôn bán lẻ đã sụt 24.000 chỗ làm ngay trong mùa lễ hội.
Các thị trường chứng khoán không được đánh giá cao. Tại Wall Street, cũng như các thị trường chứng khoán lớn khác của châu Âu, mọi chỉ số đều sụt giảm. Còn đồng tiền xanh thì bị một cú giáng mạnh. Đồng euro đã vượt lên mức tương đương với 1,4823 USD hôm 4/1 – mức cao nhất từ cuối tháng 11/2007 – khi người ta công bố những con số về việc làm của Mỹ. Triển vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa giảm lãi suất vào ngày 30/1 tới, sau khi đã giảm hồi tháng 9/2007 để bảo vệ nền kinh tế, sẽ càng không giúp gì cho USD.

Các tác động của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn bắt đầu từ mùa hè năm 2006 đang không ngừng lan rộng. Những con số thống kê của Mỹ công bố đầu năm nay đã khẳng định điều đó, chính đây là điểm khiến người ta phải lo lắng. Cuộc khủng hoảng ban đầu chỉ giới hạn ở những lĩnh vực bất động sản và ngân hàng này đã lây sang phần còn lại của nền kinh tế. Đến nay, công ăn việc làm đã bị chững lại. Khả năng số lượng công ăn việc làm bị thu hẹp dẫn đến mối lo ngại về sự chậm lại của tiêu dùng – vốn là động cơ chính của tăng trưởng ở Mỹ.

Cách đây một năm, thất nghiệp chỉ chiếm 4,4% dân số lao động. Nay, “con số này đã tăng lên, trong mọi ngành nghề”, ông Philip Rones, Văn phòng thống kê việc làm của Mỹ, nhấn mạnh. Ông dẫn chứng là 236.000 việc làm bị mất trong ngành xây dựng từ tháng 8/2006, hay 212.000 công nhân bị sa thải trong ngành công nghiệp chế tạo năm năm 2007, lý do chính là những khó khăn trong công nghiệp xe hơi. Tính tổng lại, “nền kinh tế đã tạo ra trung bình 111.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2007, con số này năm 2006 là 189.000”, ông Rones nói thêm.

Các chuyên gia phân tích đánh giá, cần có thêm 110.000 đến 140.000 việc làm nữa mỗi tháng thì mới bù lại được mức tăng dân số ở độ tuổi lao động và không làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Thất nghiệp tăng, giá dầu tăng, khủng hoảng bất động sản, công nghiệp giảm tốc, rồi lạm phát… Những vấn đề kinh tế này sẽ là một trong những thách thức chính khi chiến dịch tranh cử vòng nội bộ đảng ở Mỹ bước vào giai đoạn quyết định.

Ngày càng nhiều nhà kinh tế học cho rằng Mỹ sẽ không thoát khỏi một sự suy sụp kinh tế rất mạnh, thậm chí là suy thoái. Tăng trưởng Mỹ, duy trì ở mức 5%/năm vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái giờ đã chững lại.

Theo ông Al Goldman, chuyên gia phân tích của A. G. Edwards, “không cần nói rằng những con số này rất xấu. Ngay cả những người lạc quan nhất, thường đưa ra giả thiết đây là một sự chậm lại chút ít của nền kinh tế, cũng đang phải xem lại sự chắc chắn của mình”.

Về phần mình, Giám đốc kinh tế của Moody's Economy.com, ông Mark Zandi, nhấn mạnh: “Ngày càng nhiều nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng Mỹ sẽ ở mức tiêu cực trong năm nay. Kinh tế Mỹ đang đứng bên bờ suy thoái”.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top