Liệu giải Nobel văn chương có đang chờ đón Murakami?

Liệu giải Nobel văn chương có đang chờ đón Murakami?

Người ta từng so sánh ông với Auster, Salinger, Chandler, Borges... Tác phẩm của ông được bán hàng triệu bản cho những độc giả tuổi dưới ba mươi ở Nhật, và nay ông có lượng độc giả đông đảo trên toàn thế giới. Càng ngày càng có nhiều người nhất định cho rằng Murakami sẽ đoạt giải Nobel văn chương. Các chủ bút tạp chí săn tìm ông một cách vô vọng. Dường như ai cũng muốn có trong nhà mình một tác phẩm của Murakami.

Không có gì ngạc nhiên khi con người khó dò này nói với tôi trong một bài phỏng vấn hiếm hoi rằng ông chỉ muốn cậy vào chính mình: “Tôi đang tìm câu chuyện của riêng tôi. Tôi cày xới bề mặt để đi xuống đáy sâu tâm hồn tôi”. Tâm thức hướng nội này là chìa khóa đi vào tác phẩm của Murakami, và cuộc du hành nội tâm này có thể cũng là nguồn hấp dẫn giới độc giả trẻ ở Nhật. Những thống khổ của xã hội vật chất đã làm biến đổi một đất nước từng nổi tiếng về kỷ luật và lễ nghi truyền thống. Giới trẻ không muốn chấp nhận tất cả những điều đó nữa. Murakami hy vọng rằng “sách của tôi có thể cống hiến cho họ cảm thức về tự do - tự do thoát khỏi thế giới thực tại”.

Cá nhân Murakami cho ta ấn tượng về sự ung dung tự tại. Phong thái đĩnh đạc, nhưng luôn hàm chứa một sự hài hước đen. Thời thơ ấu, ông nói bằng một phương ngữ vùng Kyoto. Cha của ông là con của một nhà sư[1], mẹ ông là con gái của một thương gia Osaka. Ngày nay ông đang sống ở vùng ngoại ô gần biển, thuộc vùng Oshio (cách Tokyo khoảng 70 phút tàu điện nhanh nhất). Căn nhà rất rộng, khung thép theo kiến trúc hiện đại tuy trên sàn trải chiếu tatami theo kiểu truyền thống. Căn phòng nơi chúng tôi trò chuyện có hai cái loa Blake"s 7 sừng sững như hai cái cột khổng lồ, còn trên bức tường bằng nhựa vinyl là 7000 đĩa hát, di sản từ thời Murakami còn mở câu lạc bộ nhạc jazz Peter Cat - lấy tên một con mèo cưng của ông - ở Tokyo. Hồi đó ông đang chạy trốn chính mình: “Tôi ẩn dật trong cõi thần tiên của nhạc jazz”.

Việc Murakami hay nhắc đến văn hóa phương tây - Le Figaro, Duran Duran, Spaghetti - làm thế hệ độc giả lớn tuổi Nhật Bản khó chịu. Họ thích cái đẹp kiểu cách của Mishima, Tanizaki hay Kawabata. Theo Murakami, điều đó là một phần sự rút lui của người Nhật vào chủ nghĩa hình thức: “Sau chiến tranh và hiện đại hóa, Nhật Bản đã đánh mất cảm thức cố hương và bị thương tổn sâu sắc. Bằng việc thu thập và miêu tả cái đẹp tự nhiên Nhật Bản, những trang phục hay thức ăn truyền thống, họ (các nhà văn - ND) cố gắng tái lập cái quê hương Nhật Bản ngày xưa”.

Murakami cố gắng khôi phục lĩnh vực tinh thần bằng cách khác - ông không ngoái nhìn quá khứ. Khi tôi hỏi ông về những con rối Bunraku, ông nói: “Tôi thấy chúng chán ngắt”. Đấy chính là thái độ mà những người Nhật lớn tuổi e sợ. Tình dục cũng là một đề tài khác. Tiểu thuyết nặng ký Rừng Na Uy được xem như là Bắt trẻ đồng xanh[2]của Nhật Bản: Hầu như mọi người Nhật trẻ tuổi đều đọc tác phẩm đó (tác phẩm đã làm ông lừng danh đến mức ông phải “chuồn” khỏi Nhật để chạy trốn cái danh tiếng đó).
Những người khắt khe cho rằng sách bán chạy bởi các nhân vật quá quan tâm đến sex và nói về điều đó một cách quá tự do. Murakami có cách nhìn khác: “Tình dục là cánh cửa mở vào cõi tâm linh. Nó tương tự như những giấc mơ. Khi bạn tỉnh thức, tình dục cũng như một giấc mơ. Tôi nghĩ những giấc mơ là tập thể. Một vài phần trong giấc mơ không thuộc về chính bạn”.

Tác phẩm của ông chia làm hai khuynh hướng. Một mặt, đó là những chuyện tình như Rừng Na Uy và tiểu thuyết mới Người tình vệ tinh (tạm dịch từ Sputnik Sweetheart). Một mặt là những truyện ngụ ngôn hư ảo như Săn cừu (tạm dịch từ A Wild Sheep Chase), trong đó một chuyên viên quảng cáo chật vật truy tìm một con cừu huyền bí.

Gần đây, Murakami còn thử đi vào những chuyện “người thật việc thật”. Tác phẩm Đường xe điện ngầm: Vụ tấn công bằng hơi ngạt ở Tokyo (Underground: The Tokyo Gas Attack) và Tâm lý Nhật (Japanese Psyche) là tuyển tập ghi lại tâm tư và bài phỏng vấn những nạn nhân sống sót và các thành viên của giáo phái Aum do Shoko Asahara cầm đầu.

“Thật buồn khi nghe những người trong giáo phái này nói chuyện. Có điều gì đã bị đánh mất. Họ đánh mất chính thực tại của họ. Họ phê phán hệ thống xã hội hiện thời ở Nhật Bản, thế nên họ tìm đến Đạo sư, kẻ đề ra một hệ thống mới. Tất cả những gì họ làm là lựa chọn trong chính họ; người ta phải tìm một hệ thống riêng cho mình. Hệ thống Nhật Bản đề ra một huyền thoại là càng làm việc chăm chỉ, bạn càng giàu có. Còn đạo sư đề ra hệ thống của ông ta, huyền thoại và câu chuyện của riêng ông ta, để người ta có thể mơ. Nhưng như thế là nguy hiểm”.

Một vài tiểu thuyết của ông cũng có giọng u ám như thế. The Wind-Up Bird Chronicle - câu chuyện ngụ ngôn siêu nhiên đã làm ông nổi tiếng khắp Nhật Bản - khảo sát về tội ác chiến tranh của Nhật Bản ở Mãn Châu. Nhưng giọng điệu đặc trưng nhất cho Murakami là một giọng điệu hài kịch đầy ám ảnh, như trong tập truyện ngắn xuất sắc Con voi biến mất (The Elephant Vanishes). Trong truyện ngắn mang tựa đề trên, một con voi đã thực sự biến mất. Trong một chuyện khác, một con quái vật đào một đường hầm xuyên qua vườn nhà một người đàn bà để săn đuổi cô ta. Và trong những tiểu thuyết dài hơi của Murakami, có một tính tất yếu tuyệt vời cho sự giải quyết những tình huốngđó.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta khám phá rằng thời điểm Murakami trở thành nhà văn tự nó đến như một sự mặc khải kỳ lạ. Giữa lúc nhà văn đang xem một trận bóng chày vào buổi chiều ngày 1 tháng 4 năm 1978, “trong một khoảnh khắc, tôi thấy mình có thể viết. Đơn giản thế thôi”. Hành trình của ông đến chỗ trở thành một tác gia nổi tiếng mang đậm nét tiêu biểu cho Nhật Bản. Murakami được một trong năm tạp chí văn chương chú ý và đạt giải thưởng cho quyển tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát. Qua một anh chàng DJ[3] yếm thế trở nên động lòng trước câu chuyện của một cô gái trẻ, Murakami phát triển một chủ đề phổ quát: mặc dù cô đơn, chúng ta vẫn luôn gắn bó với nhau.

Murakami đọc nhiều và rộng, từ Dostoevsky đến Agatha Christie. Raymond Chandler cũng là một nhà văn ưa thích khác của ông. “Philip Marlowe là nhân vật tưởng tượng của Chandler nhưng với tôi, anh ta là thật. Phần nào đó, anh ta đã làm ra tôi. “Khi còn là sinh viên, sau một thời gian mất phương hướng, tôi chỉ muốn sống như Marlowe”.

Murakami cũng khâm phục nhà thần thoại học theo trường phái Jung là Joseph Campbell và chính bản thân Jung. Ông nghiên cứu kết cấu những câu chuyện tưởng tượng của mình trong từng tình tiết chi li. “Tôi lập gia đình ba mươi năm rồi. Đôi khi tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tôi còn “đơn thương độc mã”… nếu, nếu, và những nếu… Hẳn tôi sẽ tiếp tục tiến trên con đường đó và tìm những căn phòng xa lạ mới”.

Murakami nói, chính qua những sự lan man suy tưởng đó mà tiểu thuyết thành hình. “Khởi đầu câu chuyện là thế. Chúng ta có những căn phòng trong chính chúng ta. Hầu hết những căn phòng đó chúng ta chưa thăm đến. Những căn phòng bị lãng quên. Từng lúc chúng ta tìm thấy lối đi. Chúng ta tìm thấy những vật lạ… những máy hát cũ, những bức tranh, những quyển sách… chúng thuộc về chúng ta, nhưng đây là lần đầu chúng ta tìm thấy chúng”.

Việc đề cập đến Marlowe ở trên dường như không chỉ là một sự ngẫu nhiên; các nhân vật chính của Murakami không hẳn là không giống những thám tử. Họ kiếm tìm manh mối bằng cách trò chuyện với những con người lập dị ở những nơi “trái khoáy”: dưới lòng đất trong thành phố, dưới những giếng sâu. Điều này phản ánh cách nhìn của chính Murakami về việc viết. “Nếu tôi biết mọi thứ trước khi viết thì sẽ rất chán. Những sự vật và con người tự động đến với tôi. Tôi không “bịa” ra bất cứ cái gì”.

Đấy không chỉ là “tìm ra một cái gì đó”. Nhìn chung, nhân vật chính của Murakami thường là một người đàn ông phần nào không nắm bắt được những cảm xúc của chính mình. Qua gần gũi với phụ nữ, anh ta khám phá ra manh mối để khai mở cảm thức về tự ngã. Người đàn ông là một thám tử, nhưng tội ác bằng cách này hay cách khác đã xảy ra trong chính anh ta.

Việc nhân vật phanh phui một bí mật kiểu Hitchcock khớp với những phân tích tự ngã của chính Murakami qua các trang viết. Như ông nói: “Anh ta dính líu đến một cái gì mà anh ta không biết. Anh ta có một kiểu đạo đức nào đó. Tôi tìm kiếm câu chuyện của mình trong chính tôi. Đó cũng là kinh nghiệm của nhân vật của tôi: kiếm tìm một điều gì đã mất. Trong khi viết, tôi trải nghiệm những cảm thức siêu nhiên. Đó là lý do tại sao tôi thích Joseph Cambell. Con người kiếm tìm những câu chuyện của mình trong chính mình. Không có những câu chuyện, con người không thể sống”.

Murakami nhận thức rằng cõi mơ mộng được giáo phái Aum rao giảng cũng có chung vài tính chất với việc tạo ra tiểu thuyết (“Chúng ta, các tác giả, cũng đưa ra những chuyện hoang đường”). Nhưng cũng có một nét nhẹ nhàng trong tác phẩm của ông: “Nhân vật của tôi hành động như thể họ đang chơi trò chơi điện tử. Anh ta đứng tách riêng. Anh ta phải đáp trả lại những gì đang xảy ra.” Điều này làm giới phê bình chạm nọc. “Một vài người phê phán sách của tôi là phù phiếm”. Nhưng, ông nói thêm, dưới cái bóng gớm ghiếc của những chiếc loa Blake’s 7, chúng ta đang sống trong một thế giới kiểu video”.


Thomson, Matt
Hoàng Long dịch từ bản tiếng Anh
eVăn hiệu đính

 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top