Làm gì để tăng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật?

Làm gì để tăng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật?

Ngày 26/9/2005, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Sở Thương mại Hà Tây đã tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản”.

Trong số các thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Nhật Bản là một thị trường lớn, luôn chiếm từ 10 - 29% tổng kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam từ trước đến nay.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đã và đang có chiều hướng giảm, không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Bảo, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, giải thích: trong các năm vừa qua và hiện nay, tỷ trọng hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản và các nước khác còn nhỏ bé so với tiềm năng thực tế, một trong những nguyên nhân chính là do các địa điểm sản xuất thường không tập trung mà nằm rải rác ở rất nhiều làng nghề trong cả nước.

Vì vậy, vấn đề thu gom hàng hoá rất khó khăn nếu doanh nghiệp ký kết được hợp đồng đặt hàng lớn.

Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn kém về mẫu mã, chủng loại... so với các nước khác, nhất là Trung Quốc. Các yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản gồm cung, cầu, giá cả cạnh tranh và các yếu tố khác.

Về phía các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, yếu tố hạn chế lớn nhất chính là việc tìm kiếm bạn hàng, đối tác thương mại.

Chị Nguyễn Thị Lương, Giám đốc doanh nghiệp Hiền Lương, chuyên sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (huyện Phú Xuyên, Hà Tây) cho hay: “Hầu hết lượng hàng xuất khẩu đều phải ký kết qua các doanh nghiệp trung gian do bản thân doanh nghiệp không thể tự tìm được các đối tác xuất khẩu trực tiếp. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn khiến cho các doanh nghiệp khó có thể nắm bắt được nhu cầu của khách hàng”.

Theo bà Yoko Kawaguchi, chuyên gia Nhật Bản, nhu cầu của người Nhật về hàng thủ công mỹ nghệ rất đa dạng, yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi nhanh sao cho phù hợp với các mùa trong năm. Thế nên vòng đời của một sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi các nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải nhanh nhạy đáp ứng những nhu cầu đó.

Vốn là một thị trường khó tính, đối với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: thứ nhất, sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì; thứ hai, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm; thứ ba, sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào.

Trong đó, yếu tố thứ ba là quan trọng nhất được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn”, phải thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng.

Vì vậy, bà Yoko Kawaguchi cho rằng: “Để có thể chiếm lĩnh lại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hoá sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hoá chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm. Người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt.

Đồng quan điểm với bà Kawaguchi, ông Shinichi Yamamura, chuyên gia thị trường Nhật, cho biết: người Nhật rất ngại phải giải thích, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động đặt câu hỏi cho khách hàng Nhật Bản bởi thông qua sự tư vấn của họ, các bạn sẽ thu thập được những thông tin cần thiết để cải tiến mẫu mã, thay đổi thiết kế, chất liệu sản phẩm sao cho phù hợp nhất với thị hiếu của số đông người tiêu dùng Nhật Bản.

Thông thường trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến những khách hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên nản lòng khi khách hàng Nhật chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ vì nhiều khi chỉ từ một lượng hàng nhỏ cũng có thể hình thành lên một trào lưu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thông qua sự giới thiệu của khách hàng đó với người thân, bạn bè.

Chị Nguyễn Thị Lương cho biết: cho dù thị trường có khó tính đến đâu thì các doanh nghiệp sản xuất cũng có thể đáp ứng được. Lợi thế của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam so với các nước khác là có khả năng cạnh tranh về giá cả, do được sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có trong nước, cơ sở sản xuất được bố trí gần nguồn nguyên liệu, rất ít mặt hàng cần sử dụng đến nguyên phụ liệu nhập khẩu. Một lợi thế nữa là nguồn lao động sản xuất dồi dào với chi phí lao động thấp và vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhìn chung không lớn.

(Theo VNEconomy)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top