Kobe - thành phố của thiết kế đại chúng

Kobe - thành phố của thiết kế đại chúng

Trỗi dậy từ đống gạch vụn sau trận động đất kinh hoàng cách đây hơn 10 năm, Kobe đã trở thành thành phố đi đầu Nhật Bản trong việc áp dụng thiết kế đại chúng, hay nói cách khác là thiết kế dành cho tất cả mọi người.

Tại Kobe, những người đã mất nhà cửa và người thân trong trận động đất Hanshin vào ngày 17/1/1995 (cướp đi hơn 6.400 sinh mạng) đang chung sức xây dựng một cộng đồng mới và tốt hơn trên những gì còn sót lại sau cơn đại địa chấn. Và chính quyền Kobe đã dựa trên khái niệm thiết kế đại chúng (UD) để xây dựng lại thành phố.

UD là phương pháp thiết kế cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ và môi trường với mục đích càng nhiều người sử dụng được chúng càng tốt, không kể tuổi tác, giới tính, văn hóa hay tình trạng thể chất. Gần đây, các vật dụng và trang thiết bị dựa trên lý thuyết UD, từ các hộp đựng đồ ăn đến nhà vệ sinh tại trường tiểu học, đã trở nên phổ biến tại thành phố cảng này trong quá trình tái thiết thành phố.

7 nguyên tắc của thiết kế đại chúng

1. Cơ hội đồng đều
2. Linh hoạt
3. Đơn giản và dễ hiểu
4. Sử dụng những thông tin dễ nhận biết
5. Chấp nhận sai sót
6. Không tốn sức
7. Kích thước và khoảng cách thích hợp với người sử dụng

Ý tưởng UD được áp dụng nhiều nhất tại Nagata, nơi bị tổn hại nặng nhất sau động đất ở Kobe. Vào năm 2003, Ủy ban Xúc tiến UD ra đời, với thành viên gồm nhiều chuyên gia, tổ chức phi chính phủ và công dân từ mọi thành phần xã hội. Sumiko Nakata, một người phải ngồi xe lăn là một ví dụ.

Theo cô, chính quyền cần biết rằng người tàn tật sử dụng xe lăn gặp khó khăn như thế nào để thoát thân hoặc được giải cứu khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Nakata cho biết: "Hiện có rất nhiều nơi mà người ngồi xe lăn có thể tới được nhưng họ vẫn là những người sau cùng thoát khỏi hiện trường nếu tình huống khẩn cấp xảy ra".

Ngay cả các học sinh tiểu học cũng cùng tham gia suy nghĩ để biến ngôi trường thành nơi thuận tiện cho mọi người. Học sinh lớp 3-6 ở Trường tiểu học Ikeda đề nghị mỗi phòng trong trường phải có một hình ảnh biểu trưng, chẳng hạn như hình một người đàn ông trong bộ veston với cà vạt và một ly nước trên tay sẽ được dán lên phòng dành cho giáo viên trong khi một bức hình khác vẽ một giá sách đầy sách vở sặc sỡ tượng trưng cho thư viện. Những học sinh khối lớp 5 và 6 cùng trải nghiệm việc dùng xe lăn để đến nhà vệ sinh và sau đó đưa ra ý kiến xây dựng nhà vệ sinh mới để học sinh bình thường và tàn tật đều có thể dễ dàng sử dụng.

Nagata là nơi có cộng đồng dân thiểu số lớn thứ 2 tại Kobe, dẫn đầu là cộng đồng Hàn Quốc (6.746), kế đến là Việt Nam (630), Trung Quốc (505). Nhằm tạo điều kiện cho các nhóm cộng đồng thiểu số dễ dàng hòa nhập với xã hội, Đài Phát thanh FM YY đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tiếng nói của các cộng đồng thiểu số bằng 9 loại ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Bên cạnh đó, FM YY đã đưa ra những bản tin gồm 8 thứ tiếng giải thích các vấn đề pháp lý và hệ thống an sinh xã hội Nhật Bản. Chính quyền cũng vừa cho thay mới các bảng chỉ dẫn và chỉ đường quanh khu Trung tâm thương mại Sannomyia bằng tiếng Nhật, Anh, Hoa và Hàn Quốc cùng với hình ảnh minh họa. Sắp tới đây, phi trường Kobe, khánh thành vào tháng 2.2006, sẽ trở thành một ví dụ cụ thể nhất về thiết kế đại chúng.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top