Kinh tế Nhật Bản đang phục hồi

Kinh tế Nhật Bản đang phục hồi

Khu vực công nghiệp và thương mại có dấu hiệu tăng

Qua những số liệu kinh tế Nhật Bản vừa công bố, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính nước này Heizo Takenaka khẳng định nền kinh tế lớn nhất châu Á đang phục hồi, mặc dù mức tăng trưởng còn chậm. Còn theo WB, kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài hơn một thập kỷ qua và đang phục hồi.


Trong quý IV/2004 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,1% so với quý III cùng năm và tăng 0,4% so với cùng quý năm 2003. Trong tháng 1/2005, sản lượng công nghiệp đã tăng mạnh hơn dự kiến, tăng 2,1%, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,8%. Khu vực hoá chất, giao thông và thiết bị điện tử đã đóng góp mạnh trong việc tăng sản lượng công nghiệp trong khi khu vực máy thiết bị tăng trưởng thấp.


Theo hãng tin Kyodo, báo cáo của Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng vừa công bố doanh thu bán buôn và bán lẻ trong tháng 1 năm nay tăng 3,1% so với cùng tháng năm ngoái, mức tăng tháng thứ 8 liên tiếp. Doanh thu khu vực bán lẻ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1 lên tới mức cao nhất trong 8 năm qua, đạt 10,65 nghìn tỷ Yên, mức tăng cao nhất kể từ khi doanh thu bán lẻ Nhật Bản tăng vọt 12,4% hồi tháng 3/1997.


METI còn cho biết doanh số bán buôn đạt mức tăng hàng năm 3,4%, lên 30,17 nghìn tỷ Yên. Do thời tiết mùa đông lạnh giá, doanh thu từ bán nhiên liệu tăng 19,7%, doanh thu từ bán quần áo mùa đông tăng 30%, trong khi doanh thu từ bán máy móc thông dụng chỉ tăng 1,5%. Các số liệu này đã giúp nâng giá cổ phiếu và đồng Yên lên. Khích lệ tâm lý tiêu dùng trong nước, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Toshihiko Fukui nói: những chỉ số kinh tế yếu ớt công bố trước đây có thể cho thấy kinh tế nước này lâm vào suy thoái. Nhưng xét một cách toàn diện, nguy cơ suy thoái ít có khả năng xẩy ra. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 6 năm qua, đã có sự phục hồi trong chi tiêu và thu nhập hộ gia đình.


Trong lĩnh vực ngoại thương, Nhật Bản đã đạt thặng dư thương mại năm 2004 cao nhất trong 5 năm qua do hàng hoá nước này xuất khẩu sang thị trường châu Átăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu đạt 61.180 tỷ Yên, tăng 12,2%, nhập khẩu đạt 49.170 tỷ Yên, tăng 10,8%. Thặng dư thương mại với Liên minh châu Âu đạt 344,9 tỷ Yên, tăng 29,2%, với kim ngạch xuất khẩu đạt 866,8 tỷ Yên, tăng 11%, nhập khẩu EU đạt 522 tỷ Yên, tăng 1,6%. Thặng dư thương mại với Mỹ đạt 663,8 tỷ Yên, tăng 18,9%.



Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng thặng dư thương mại nước này khó có thể tăng mạnh trong năm nay và những năm tới do giá năng lượng, hàng hoá nhập khẩu cao và trở ngại về xuất khẩu do đồng Yên tiếp tục tăng giá so với đồng USD. Hàng hoá xuất khẩu trong tháng 1/2005 tăng 1,8%, tháng thứ 3 liên tiếp tăng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4.410 tỷ Yên, tăng 3,2%; thặng dư đạt 200,76 tỷ Yên (1,9 tỷ USD) giảm 59,9% so với cùng tháng năm trước. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trong tháng 1 giảm 4,4%, lần giảm đầu tiên trong 3 tháng qua; thặng dư thương mại với châu Ágiảm 29%, xuống còn 171 tỷ Yên, tháng giảm thứ 3 liên tiếp.



Nhật Bản đang phấn đấu nâng mức tự túc lương thực từ mức 40% hiện nay lên mức 45% trong tài khoá 2015. Hồi đồng nông nghiệp và lương thực nước này vừa đưa ra dự thảo về chính sách nông nghiệp cơ bản, trong đó thúc giục Chính phủ quan tâm hơn nữa tới người tiêu dùng, tăng các khoản trợ cấp nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Nhật Bản có nghề đánh bắt cá phát triển, một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế và được Chính phủ trợ giá. Một số nước như Chile, Ecuado, New Zealand và Philippines yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan từ bỏ chính sách trợ giá nghề cá và đã được WTO ủng hộ. Tuy nhiên cả Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan đều lên tiếng bác bỏ phán quyết của WTO về cấm trợ giá nghề cá, vì họ cho rằng lệnh cấm trợ giá nghề cá của WTO sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhóm ngư dân đánh bắt cá quy mô nhỏ.



Trong tháng 1 năm nay, 3 hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản là Toyota, Nissan và Honda đã tăng mạnh số lượng ô tô xuất xưởng trong nước và tại các thị trường nước ngoài. Hãng Toyota, hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đạt sản lượng trong tháng 1 năm nay tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 555.319 xe; trong đó số xe sản xuất ở nước ngoài đạt 257.110 xe, tăng 9,5%, tháng thứ 37 liên tiếp sản lượng xe Toyota tăng ở nước ngoài, chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu á. Sản lượng xe sản xuất trong nước đạt 298.209 xe, tăng 1,2%. Hãng Nissan Motor, đối tác của hãng Renault SA ( Pháp) đạt sản lượng trong tháng 1 đạt 292.254 xe, tăng 17,2%, lượng xe sản xuất tại Mỹ đạt 73.441 xe, tăng 30,3%. Lượng xe sản xuất trong nước đạt 136.276 xe, tăng 20%. Sản lượng ô tô của hãng Honda đạt 270.437 xe trong tháng 1 năm nay, tăng 12,3%. Lượng xe Honda sản xuất ở nước ngoài đạt 164.409 xe, tăng 9,6%, tăng tháng thứ 12 liên tiếp, riêng sản xuất tại Mỹ tăng 10,6%. Lượng xe Honda sản xuất tại châu á, tăng 32,2%. Số xe sản xuất trong nước đạt 106.029 xe, tăng 16,6%. Hai hãng sản xuất xe Mazda và Mitsubishi lại giảm sản lượng trong tháng đầu năm nay.



Nhu cầu giảm mạnh tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đã gây thiệt hại tới xuất khẩu của Nhật bản, trong khi giá hàng hoá và năng lượng tăng cao làm tăng kim ngạch nhập khẩu, khiến thặng dư thương mại đứng ở mức thấp trong 2 năm qua. Hàng Nhật Bản tồn kho trong tháng 1 năm nay tăng 2% so với tháng 12 năm trước. Theo kết quả điều tra mới công bố sản lượng công nghiệp sẽ giảm 0,5% trong tháng 2 và giảm 1% trong tháng 3 năm nay.
(thời báo kinh tế Việt Nam)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top