Không đăng ký ở Nhật, DN XK dễ mất thương hiệu

Không đăng ký ở Nhật, DN XK dễ mất thương hiệu

(VietNamNet) - Không đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Nhật các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ có nguy cơ mất thương hiệu hoặc chí ít cũng gặp rắc rối.

Đó là lời khuyên của các chuyên gia Nhật Bản khi đề cập đến quyền sở hữu trí tuệ. Nước Nhật có hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ khá hoàn chỉnh và các hiệp ước liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà Nhật tham gia được áp dụng khá hiệu quả ở đất nước này. Bên cạnh phải tuân thủ các qui định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp... khi xuất hàng sang Nhật, các DN Việt Nam cũng cần chú ý đến việc bảo vệ chính mình.

Coi chừng đại lý!
Nước Nhật có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới vì vậy hệ thống luật pháp của nước này cũng rất hoàn hảo. Các DN cùng với hàng hóa của mình luôn được pháp luật bảo vệ nếu như họ tuân thủ các qui định sở hữu trí tuệ. Đăng ký quyền sở hữu của mình và không vi phạm quyền sở hữu của DN khác chính là cách tốt nhất để thành công ở thị trường này. Nếu không đăng ký thì hậu quả khó lường.

images489422_yoichi.jpg

Hashimoto Yoichi, luật sư về quyền sở hữu trí tuệ của Jetro: "Không đăng ký ở Nhật, DN xuất khẩu có thể gặp rắc rối khi làm ăn tại đây". Ảnh: M.Q

Ông Hashimoto Yoichi, chuyên gia của Jetro (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), cho biết có ít nhất hai khả năng xảy ra đối với một thương hiệu xuất vào Nhật Bản nếu không đăng ký bảo hộ: đó là hàng giả và mất thương hiệu. Theo luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ này, khi hàng hóa nhập khẩu nào đó bán chạy trên thị trường lập tức sẽ tạo cơ hội cho hàng giả. Nếu hàng có thương hiệu nổi tiếng thì việc làm giả xảy ra nhanh chóng. Trong trường hợp này DN xuất khẩu khó khiếu kiện với cơ quan bảo hộ sản phẩm của Nhật Bản vì họ không có căn cứ để xác định quyền sở hữu đó thuộc về DN xuất khẩu nếu họ chưa đăng ký.

Tuy nhiên, DN có thể đối phó với trường hợp này bằng việc áp dụng luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật. Và để thành công với giải pháp này, DN phải chứng minh được hai yếu tố, một là thương hiệu của mình thuộc loại mạnh và hai là được nhiều người tiêu dùng biết đến. Công việc này quả là không phải DN nào cũng có thể dễ dàng làm được.

Rủi ro thứ hai nếu không thực hiện đăng ký là mất quyền sở hữu. Ông Yoichi cho biết đã có nhiều trường hợp DN bị mất quyền sở hữu vì bị DN Nhật đăng ký, thậm chí đó là đối tác làm lâu năm với mình. Ông đưa ví dụ một công ty sản xuất bánh tráng. Công ty này có đối tác Nhật Bản làm ăn lâu năm và mối quan hệ giữa họ khá tốt. Thế rồi một hôm, đối tác Nhật Bản cự tuyệt sản phẩm của đối tác nước ngoài làm người bạn hàng ngỡ ngàng không hiểu nguyên do. DN xuất khẩu tội nghiệp cuối cùng cũng hiểu ra được mình đã bị đối tác "chơi khăm". Đại lý Nhật Bản này đã lén đăng ký quyền sở hữu sáng chế đối với sản phẩm của nhà cung cấp lâu năm cho mình và nghiễm nhiên đi kiện DN xuất khẩu bánh tráng vì đã xâm phạm quyền sở hữu của người khác.

Sự "chểnh mảng" của cơ quan đăng ký

Theo qui định về quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật, trong thời gian thẩm định có 3 chế độ dành cho người khiếu kiện và người bị khiếu kiện. Chế độ cấm nhập và chế độ thế chấp giành áp dụng đối với người khiếu kiện. Người khiếu kiện được quyền đề nghị hải quan không cho nhập và để được quyền này họ phải thực hiện quyền thứ hai là thế chấp giá trị tài sản hoặc tiền bạc. Nếu trong trường hợp oan sai đối với hàng nhập khẩu, giá trị thế chấp sẽ được sử dụng để bồi thường cho nhà nhập khẩu hoặc chủ hàng. Chế độ thứ ba, thông quan giải phóng hàng dành cho nhà nhập khẩu. Theo đó, nếu nhà nhập khẩu thế chấp một giá trị tài sản hoặc tiền bạc tương đương với giá trị yêu cầu bồi thường của người khiếu kiện thì được giải phóng hàng hóa khỏi giai đoạn thẩm định. Khi đó việc thẩm định xem như chấm dứt nếu người khiếu kiện đã nhận đủ tiền thế chấp.

Luật sư Yoichi nói rằng ở Nhật nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là giống và tương tự. Điều này có nghĩa một sản phẩm giống hoặc tương tự sản phẩm đã đăng ký đều bị từ chối. Tuy nhiên cũng có trường hợp sản phẩm giống hoặc tương tự nhưng cũng được bảo hộ. Đó là do sự chểnh mảng của cơ quan đăng ký khi không kiểm tra được hết các sản phẩm đã được bảo hộ ở nước ngoài. Cơ quan đăng ký đồng ý cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với một sản phẩm đã được đăng ký ở nước khác có tham gia hiệp ước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với Nhật Bản.

"Về mặt nguyên tắc, cho phép đăng ký và bảo hộ như vậy là không đúng. Khả năng kiểm tra một quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập ở quốc gia khác trở nên khó khăn với cơ quan đăng ký vì vậy đây cũng là trường hợp DN cần chú ý", ông Yoichoi nhận định.

Theo luật sư Yoichi, đối với trường hợp này, DN cần phải có văn bản chứng minh về quyền đã được xác lập ở Việt Nam rằng mình đã sản xuất sản phẩm đó ở Việt Nam trước khi một DN nào đó đăng ký nó ở Nhật Bản.

Khi một sản phẩm bị khiếu kiện là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... đã được xác lập ở Nhật Bản thì sản phẩm đó sẽ bị hải quan không cho nhập khẩu vào quốc gia này để tiến hành thủ tục thẩm định. Theo chuyên gia Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Nhật tiến hành thẩm định trong vòng 1 tháng để xác định sản phẩm nhập khẩu có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không. Nếu kết luận là có, thì hàng hóa bị cấm nhập vào Nhật. Còn đã qua được hải quan, hàng hóa vi phạm sẽ bị tịch thu và tiêu hủy; ngoài ra người nhập khẩu còn phải bồi thường. Nhà nhập khẩu có 2 tháng sau khi có kết luận vi phạm để tự xử lý hàng hóa vi phạm như xé bỏ nhãn vi phạm..., nếu không thực hiện thì cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ làm.

Minh Quang
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top