Hố sâu giàu nghèo làm rạn nứt xã hội Nhật

Hố sâu giàu nghèo làm rạn nứt xã hội Nhật

Yoshinori Umemoto từng sống dư dả nhờ viết lách và làm trợ lý giám đốc truyền hình, cho đến khi nghề phóng viên tự do của anh hết đất làm ăn và 4 công ty truyền hình mà anh cộng tác đóng cửa.

Untitled-26.jpg

Một cô gái Nhật bước qua một cửa hàng Dior ở Tokyo. (AP)​

Giờ đây, anh là một trong số những người Nhật sống bằng trợ cấp xã hội, sống nhồi nhét trong một căn hộ bé tý và phải xoay xở với khoản ngân sách còm tại một trong những quốc gia đắt đỏ nhất thế giới.

"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được là có ngày mình lại phải sống nhờ vào tiền trợ cấp", Umemoto, người đang phải chống chọi với vấn đề tài chính, bệnh tật và béo phì, cho biết.

Trong khi đó, tại một nơi khác ở Tokyo, Mayumi Honda và Hinako Yamazoe lại đang bận rộn với những thú vui tốn tiền: vung tay mua hàng hiệu.

Hai phụ nữ này, đều ở tuổi 44, cho biết mỗi người vừa chi 1.700 USD để mua một chiếc áo khoác của Emporio Armani, một chiếc túi xách hiệu Bally, đôi giày Max Mara và vài món đồ khác.

"Tôi vừa mua xong bởi người ta bảo rằng mua ngay bây giờ là tốt nhất. Tôi dành dụm chỉ để mua sắm", Yamazoe, một bác sĩ thú y, cho biết khi đang lượn lờ trong những cửa hiệu chất đầy hàng của Channel và Louis Vuitton.

Khi nền kinh tế bắt đầu bước qua giai đoạn suy thoái kéo dài một thập kỷ, Nhật cũng đối mặt với tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa những người như Yamazoe và Umemoto. Nước này giờ đây khó có thể tự coi mình là quốc gia của đa số những người thuộc giai cấp trung lưu.

Đối với những người lắm tiền nhiều của, mua sắm hàng hiệu là thể hiện đẳng cấp. Các chuyến vi vu tốn kém bằng du thuyền ngày càng phổ biến.

Từ năm 2001 đến năm 2004, số các triệu phú của Nhật tăng 10% lên đến 1,34 triệu người, báo cáo của World Wealth Report cho hay.

Trong khi đó, tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi từ năm 1994 đến năm 2000 lên 15%. Số các gia đình không có tiền tiết kiệm, chuyện hiếm ở đất nước mặt trời mọc, lên đến gần 23% vào năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1953. Số hộ gia đình Nhật nhận tiền trợ cấp xã hội đã lần đầu tiên lên đến 1 triệu hồi tháng 10.

Những thay đổi kể trên là một cú sốc đối với nước Nhật, vốn luôn tự hào kể từ sau Thế chiến II về sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục mà không kéo theo các vấn đề về xã hội như người vô gia cư hay nghèo đói và bất bình đẳng về kinh tế như ở phương Tây.

Xu hướng này đã khơi nguồn cho hàng loạt cuốn sách về sự chênh lệch trong xã hội, trong đó có cuốn thuộc hàng ăn khách nhất "Xã hội hạ đẳng" và chủ đề này luôn nóng bỏng trong quốc hội.

Nhiều người lo sợ rằng sự bất cân bằng một ngày nào đó sẽ chia rẽ nước Nhật và tạo ra một xã hội đầy tội phạm và những khu nhà ổ chuột.

"Chưa bao giờ xã hội này thấy rõ về khoảng cách giàu nghèo đến như thế", Hajime Ota, nhà kinh tế học thuộc Đại học Doshisha ở Kyoto, bình luận. "Ngày càng nhiều người sống dựa vào trợ cấp và ngày càng nhiều học sinh không đủ tiền để ăn trưa ở trường. Đây là một điều đáng lo ngại".

Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên. Dân số Nhật đang già đi và đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế. Việc xóa bỏ hệ thống tuyển dụng đảm bảo trọn đời đã dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt và nghề nghiệp không vững chắc. Ngân sách chính phủ giảm đi đồng nghĩa với việc nhiều dự án công bị cắt giảm, khiến những lao động có tay nghề thấp mất việc làm.

Quan niệm về giá trị cũng thay đổi. Những nhân viên từng lao động không mệt mỏi mà không cần ai biết đến chỉ vì lợi ích của công ty giờ muốn được đãi ngộ xứng đáng và muốn làm giàu. Các công ty từng chấp nhận lao động lâu năm và cao tuổi giờ sẵn sàng sa thải.

Ngày càng nhiều công ty ở Nhật nhận nhân viên bán thời gian, những người chấp nhận lương thấp hơn và không được nhận các chế độ như lao động chính. Khi doanh nghiệp gặp vấn đề, họ là những người đầu tiên ra đi.

"Những gì từng được coi là xương sống của sự ổn định xã hội giờ đã thay đổi khi mà số lao động thời vụ và bán thời gian tăng lên", Jiro Yamaguchi, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Hokkaido nhận định.

Untitled-25.jpg

Một người vô gia cư ở Tokyo. (growabrain)​
Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Nhật rộng ra cũng một phần vì nhiều lao động trẻ không muốn theo đuổi những nghề lao tâm khổ tứ để kiếm những công việc bán thời gian nhẹ nhàng hơn. Các chuyên gia cảnh báo rằng những người không có tay nghề hoặc học vấn thấp sẽ phải gánh chịu khó khăn kinh tế về cuối đời.

"Họ ngày càng dễ trở thành người sống dựa vào trợ cấp khi già đi bởi không có kinh nghiệm làm việc hoặc không đủ trình độ", Norihiro Oyama, người đứng đầu nhóm hỗ trợ những người ăn trợ cấp tại Saitama, ngoại ô Tokyo, cho hay.

Số tiền trợ cấp họ nhận được phụ thuộc vào số thành viên trong gia đình, và chỉ đủ để trang trải tiền thực phẩm, nhà ở và bảo hiểm sức khỏe.

Oyama và nhiều người khác chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Junichiro Koizumi vì đã làm cho tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng khi cắt giảm ngân sách và khiến các công ty cắt giảm phúc lợi thâm niên trong lao động. Tuy nhiên, Koizumi khẳng định rằng hệ thống của những người thắng và kẻ thua mang lại lợi ích cho xã hội.

"Tôi không nghĩ rằng sự chênh lệch là xấu. Chúng ta muốn có một xã hội, nơi mà những người làm việc chăm chỉ được thưởng xứng đáng", Koizumi phát biểu trước quốc hội nước này mới đây.

Bất chấp những thay đổi đó, Nhật Bản còn lâu mới tiến đến mức chênh lệch thu nhập như ở Mỹ, Hiroshi Tanaka, giáo sư marketing của Đại học Hosei ở Tokyo, bình luận.

Song một số người cho rằng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn chỉ là một cách đánh giá tính đa dạng trong xã hội Nhật, quốc gia vốn luôn tự hào về chủ nghĩa quân bình.

"Có thể một số người cảm thấy hài lòng khi đứng trong tầng lớp thấp miễn là họ có thể tận hưởng cuộc sống, trong khi những người khác lại muốn 100 triệu yen của họ sinh gấp đôi", Tanaka bình luận. "Mục tiêu cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ ngày càng phong phú".

Vnexpress - Ngọc Sơn (theo AP)​
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top