Hàng ngàn thuyền viên VN ở Nhật Bản: Có nguy cơ bị mất việc

Hàng ngàn thuyền viên VN ở Nhật Bản: Có nguy cơ bị mất việc

Tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) chiều 26-4 cho biết, Công ty Inlaco Nhật Bản (một trong những chủ tàu và là đối tác lớn nhất tiếp nhận lao động thuyền viên Việt Nam) vừa có thư gửi một đối tác ở VN là Công ty Inlaco Sài Gòn, thông báo về việc chấm dứt hợp đồng sử dụng thuyền viên Việt Nam do Inlaco Sài Gòn cung cấp.

Inlaco Nhật Bản cũng cho biết là đang xem xét khả năng chấm dứt việc sử dụng thuyền viên Việt Nam do các công ty xuất khẩu thuyền viên khác ở Việt Nam cung cấp. Nếu “khả năng” này thành sự thực thì hàng ngàn lao động thuyền viên VN ở Nhật Bản sẽ bị mất việc.

Nguồn tin từ Bộ LĐTB-XH cho biết, Inlaco Nhật Bản có quyết định như vậy vì thời gian qua đã có những thông tin sai lệch từ phía Việt Nam cho rằng, Inlaco Nhật Bản đã ký hợp đồng với Inlaco Sài Gòn với mức lương trả cho thuyền viên thấp hơn so với mức lương mà tổ chức Công đoàn Vận tải Quốc tế (ITF) đưa ra. Nếu đúng như vậy là “ăn chặn” lương của thuyền viên, nên Inlaco Nhật Bản phải chấm dứt hợp đồng lao động của các thuyền viên Việt Nam do “sức ép” từ ITF...

Trao đổi với SGGP về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hòa – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: đây là vấn đề đã được cảnh báo từ trước. Theo ông Hòa, ngoài những vấn đề tế nhị từ nội bộ các công ty xuất khẩu thuyền viên Việt Nam, thì có một sự thật mà bấy lâu nay Việt Nam phải chấp nhận là các chủ tàu Nhật Bản cũng như các nước khác chỉ chấp nhận thuê thuyền viên Việt Nam với mức lương thấp hơn quy định của ITF.

“Mức lương do ITF đưa ra là áp dụng đối với thị trường lao động châu Âu, và được tính hàng ngàn USD, chứ với lao động thuyền viên của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực như Indonesia, Trung Quốc... thì không thể. Đây là cái rất khó cho Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian qua, chúng ta xuất khẩu thuyền viên với mức lương thấp hơn quy định của ITF, bởi các chủ tàu Nhật Bản cũng như các nước khác chỉ chấp nhận như vậy.

Tuy nhiên, thực tế là mức lương này đã khá cao và được thuyền viên Việt Nam cũng như các nước khác chấp nhận được. Không hề có chuyện Inlaco Sài Gòn hay các công ty Việt Nam khác “ăn chặn” lương của thuyền viên...” – ông Hòa nói.

Được biết, hiện nay Việt Nam có trên 3.000 thuyền viên làm việc trên các tàu biển quốc tế, trong đó riêng Nhật Bản là khoảng 2.000 người. Nếu không giải quyết được việc phía Nhật Bản chấm dứt sử dụng thuyền viên Việt Nam, thì 2.000 thuyền viên nói trên sẽ mất việc. Kèm theo đó là hàng loạt công ty xuất khẩu thuyền viên của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn trong hoạt động.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top