Gion matsuri ký sự

Gion matsuri ký sự

Ai có cơ hội sang Nhật một lần trong dịp này, hãy đừng bỏ qua cơ hội tham dự một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản, Gi-on matsuri...



Sau một ngày nóng bức và làm việc căng thẳng, tôi cùng với mấy người bạn Nhật bắt chuyến tàu 6h30 tối xuống Kyoto, nơi đang diễn ra một lễ hội lớn nhất của Nhật, Gi-on matsuri. Trên tàu đông nghịt người, dường như tất cả đều đổ về Kyoto. Đây đó những cô gái trẻ hay những cụ già mặc Yukata (một loại Kimônô mùa hè của Nhật) báo hiệu một không khí ngày hội ngay trên đường đi.

Bước chân xuống sân ga Kawaramachi, hoà vào dòng người đang đổ ra các con phố tuy không thật rộng nhưng sạch sẽ và ngăn nắp của vùng đất cố đô, ngay lập tức, chúng tôi đã cảm nhận được một không khí thư thái mà sôi động, yên bình mà hối hả, rất đặc trưng, mà chúng tôi gọi đùa nhau là "mùi hội". Bây giờ trên đường phố tràn ngập Yukata, không chỉ những cô gái, thanh niên trẻ, những cụ già mà thậm chí cả trẻ con cũng mặc, điểm thêm cả những ông Tây xúng xính làm cho đường phố thật vui mắt, thật...lễ hội.

Cầm chiếc bản đồ trên tay, chúng tôi rất bối rối vì quy mô quá lớn của Gi-on matsuri. Tâm điểm của lễ hội là 32 chiếc kiệu được đặt dọc theo các con phố Shijo, Sanjo...Mỗi chiếc được trang trí và bố cục khác nhau đặc trưng cho 32 điển tích mà tôi cũng không rõ hết ý nghĩa phức tạp của chúng. Sau khi cân nhắc hồi lâu, chúng tôi quyết định hoà theo dòng người vui vẻ và sặc sỡ ấy, tiến theo con phố chính Shijo. Dọc con phố này, những chiếc kiệu đẹp nhất được trưng bày. Những chiếc đèn lồng, những bức tranh khổ lớn vẽ các điển tích, những mô hình trang trí đã hoàn toàn thu hút tâm trí chúng tôi. Có những chiếc có bánh xe rất to, có những chiếc không có (chắc là người ta sẽ khiêng bằng tay vào ngày rước chính 17/7), có những chiếc có trẻ con, có những chiếc lại có dàn nhạc dân tộc trình diễn. Hay lại có những chiếc chỉ đơn giản là một mô hình và cây thông trang trí. 32 chiếc, 32 vẻ khác nhau tạo nên những nét rất riêng cho từng chiếc kiệu nhưng lại có một cái gì đó rất chung, đó chính là nét truyền thống của văn hoá Nhật Bản.

Tò mò, tôi đòi anh bạn tôi đưa lên thăm xem trên kiệu có gì. Anh bạn tôi giải thích là không phải cái nào họ cũng cho lên. Sau một hồi thăm thú thì chúng tôi cũng tìm được một cái có dàn nhạc dân tộc chơi và họ cho lên tận nơi. Vé tham quan cũng rất đặc biệt. Bạn phải mua một món đồ lưu niệm khoảng 1000 yên thì được phép lên đó. Những món đồ được làm bằng tay rất đẹp, đó là những bức tranh, những mô hình kiệu, những cái ô hay chỉ đơn giản là vật trang trí, cầu may làm bằng rơm. Hơn nữa, các cô bán hàng xinh đẹp trong bộ trang phục lễ hội truyền thống làm cho tôi không thể từ chối mua một mô hình chiếc kiệu chính và có một cơ hội lên thăm chiếc kiệu thật đặt gần đó.

Bắt đầu đường tham quan chiếc kiệu là một cầu thang gỗ kiểu đặc trưng Nhật Bản. Một cụ già đưa cho chúng tôi một chiếc túi nilon để đựng giày dép, ở đây không được đi giày, không chụp ảnh, không dùng điện thoại di động. Lên đến nơi, đập vào mắt là một chiếc bàn thờ kiểu cổ, trên đó là bánh, hoa quả, rượu sake và thậm chí là một con mực sống. Nhìn bàn thờ và những thanh niên, cụ già mặc trang phục lễ hội, bạn sẽ cảm nhận được một không khí trang nghiêm, cổ xưa của văn hoá Nhật. Đi tiếp, chúng tôi được chiêm ngưỡng các nghệ sỹ chơi sáo, chơi kèn và trống... tạo nên một thứ âm thanh rất đặc trưng và rất quyến rũ làm cho con người ta đến một lần và nhớ mãi.

Xuống khỏi kiệu, chúng tôi lại rảo bước đến nhưng chỗ kiệu khác, thỉnh thoảng rẽ ngang rẽ ngửa xem nhưng cửa hàng đồ chơi cho con trẻ, cũng giống như trung thu ở Việt Nam. Mà tôi quên chưa kể với các bạn là có vố số những xạp hàng bán những món ăn truyền thống của Nhật, như tako yaki (bánh nhân bạch tuộc), kara age (gà tẩm bột), ringo ame(táo và hoa quả tẩm kẹo) hay mỳ rán, trông rất ngon và lạ mắt. Chúng tôi cảm thấy đói và quyết định chui vào một cửa hàng Ramên (cửa hàng mỳ) nhỏ. Đi mỏi rã chân, lại đói, được một bát ramên với những cọng măng ngọt lịm, con người ta tưởng chừng như được thoát xác, như hoà mình vào cái trật tự trong hỗn độn, cái yên bình trong sôi động của lễ hội nơi đây, cùng với sự phục vụ tận tình của tấm lòng người dân bản xứ.

Sau bữa tối ngon lành, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo dòng người cuồn cuộn ấy, nghe những giai điệu trống truyền thống hay ghé vào các cửa hàng lưu niệm. Bạn có thể hỷ hả mua cho mình hay người thân một chiếc túi đẹp, một chiếc ô xinh xắn hay một bộ Yukata rất đẹp.

Thời gian càng về đêm, thời tiết càng mát dịu, dòng người vẫn đổ về đây không ngớt. Tôi bỗng bắt gặp một cô gái trong bộ áo dài Việt Nam và một số thanh niên đang chào mời uống bia Việt Nam. Tôi bỗng mỉm cười và thấy lòng ấm lại, nhớ nhà và nhớ quê da diết.

Có lẽ lần sau tôi sẽ trở lại, cùng với những người bạn Việt Nam của tôi. Và các bạn ơi, ai một lần sang Nhật, đừng bỏ qua dịp may ấy, hãy đến Gi-on một lần, bạn sẽ thấy hết cuộc sống, con người và văn hoá Nhật Bản. Hoà vào dòng người ấy, trong một buổi tối mùa hè-mùa của lễ hội ở Nhật, nếm thử chút bia Kirin vùng Kyoto, bạn sẽ thấy trẻ ra và yêu đời hơn đấy...
(Nguyễn Hoàng Long
Théo:http://www.kansaifc.com/ksfc/readh.cgi?action=309)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top