Giải tán Hạ viện - nước cờ mạo hiểm của Koizumi

Giải tán Hạ viện - nước cờ mạo hiểm của Koizumi

Quyết định giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử sớm của Thủ tướng Koizumi ngày hôm qua được coi là hành động trả đũa việc Thượng viện phủ quyết dự luật tư nhân hoá ngành bưu điện Nhật. Tuy nhiên, nó đã đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông Koizumi vào một tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Đó là kết quả của cuộc đối đầu giữa ông Koizumi và chính các thành viên trong đảng Dân chủ tự do (LDP) do ông lãnh đạo tại Thượng viện Nhật. Đối với Koizumi, người đã đem lại chiến thắng cho LDP bằng chương trình nghị sự tập trung vào cải cách ngành bưu điện, việc Thượng viện phủ quyết dự luật chẳng khác nào phản đối cam kết của ông đối với dân chúng.

Từ một cuộc bỏ phiếu...

Kể từ khi trở thành Thủ tướng tháng 4/2001, ông Koizumi vẫn thường xuyên cam kết ông sẽ cải cách hệ thống chính trị hoặc "hạ bệ" LDP. Trong chương trình cải cách này, tư nhân hoá ngành bưu điện là trọng tâm. Tuy nhiên, trong nội bộ LDP lại xuất hiện những rạn nứt tới mức, một nghị sĩ LDP là Yoji Nagaoka đã tự sát sau nhiều cuộc tranh cãi kịch liệt.

Sau khi Hạ viện thông qua dự luật với số phiếu sít sao hôm 5/7, ông Koizumi đã phải nỗ lực vận động để giành được sự ủng hộ của các thành viên LDP tại Thượng viện. Ông thường xuyên cảnh báo rằng nếu dự luật này thất bại tại Thượng viện, nó sẽ được coi là một dấu hiệu "bất tín nhiệm" đối với nội các của ông và ông sẽ buộc phải giải tán Hạ viện.

Bất chấp cảnh báo này, sau nhiều tuần tranh cãi khá căng thẳng, Thượng viện Nhật đã nhất trí phủ quyết dự luật tư nhân hoá ngành bưu điện mà Thủ tướng Koizumi đề xuất với 125 phiếu chống, 108 phiếu thuận. Mặc dù LDP và đảng liên minh New Komeito chiếm đa số tại Thượng viện, nhiều thành viên của LDP vẫn tham gia phe đối lập bỏ phiếu phủ quyết dự luật.

Thất bại trên đã buộc ông Koizumi đưa ra quyết định tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn vào ngày 11/9 - một cuộc bầu cử mà dư luận đánh giá là LDP sẽ khó có thể giành chiến thắng, và báo trước sự chuyển đổi to lớn trên chính trường Nhật. Nếu như sau cuộc bầu cử này, LDP vẫn duy trì được quyền lực, thì đảng này cũng khó có thể bầu lại một vị Thủ tướng đã cố tình "tự sát về chính trị".

Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori, cựu Phó Chủ tịch LDP Taku Yamasaki, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Taro Aso cùng một số nhân vật chủ chốt khác trong LDP đã ra sức khuyên can ông Koizumi không nên kêu gọi bầu cử sớm, song ông không lùi bước. Thậm chí, Koizumi còn đe doạ sẽ sa thải bất kì thành viên nào trong nội các nếu chống lại quyết định của ông.

"Được" và "Mất"

Thủ tướng Nhật coi việc giải tán Hạ viện vào thời điểm cực kỳ "không thích hợp" này là cách duy nhất để ông trừng phạt những người chống đối cải tổ trong nội bộ LDP và thay đổi hệ thống chính trị Nhật. Một số người khác thì coi quyết định của ông là một "kiểu tự sát chính trị" xuất phát từ sự tuyệt vọng khi ước vọng cả đời của ông bị dập tắt.

Japan Post là một tập đoàn khổng lồ với trị giá tài sản khoảng 3.000 tỉ USD trong đó bao gồm một công ty nhận tiền gửi quy mô lớn và gần 25.000 văn phòng cùng 260.000 nhân viên. Dự luật của ông Koizumi nhằm mục đích chuyển số tiền trong các cơ sở bảo hiểm và tiết kiệm của Japan Post vào ngân sách chính phủ và các chương trình cho vay, đầu tư bằng cách tư nhân hoá và chia Japan Post thành 4 cơ sở nhỏ trực thuộc một công ty do nhà nước quản lý vào năm 2007. Bốn đơn vị này bao gồm: thư tín, tiết kiệm, bảo hiểm và hoạt động mạng lưới. Các doanh nghiệp bảo hiểm và tiết kiệm sẽ bị bán với giá rẻ từ nay cho tới năm 2017. Một mục đích khác của tư nhân hoá là nhằm hợp lý hoá hoạt động của Japan Post trong tình hình doanh thu và lợi nhuận có chiều hướng giảm.


Ông Koizumi không thể giải tán Thượng viện nhưng nếu phe đối lập giành quyền kiểm soát Hạ viện, thì các thành viên LDP trong Thượng viện sẽ phải đối mặt với "viễn cảnh không giành được chiếc ghế nào trong nội các".

Vậy là nhà lãnh đạo LDP đã phải đi tới quyết định giải tán Hạ viện và tiến hành cuộc bầu cử sớm. Điều này có thể dẫn tới hậu quả:

- giảm số lượng nghị sĩ LDP tại nghị viện
- chấm dứt nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Koizumi
- Tạo cơ hội tốt cho đảng đối lập DPJ giành quyền lực
- làm trầm trọng hơn chia rẽ trong nội bộ LDP
- giết chết ước mơ về cải cách ngành bưu chính

Trên thực tế, hai nhân vật trong LDP - Mitsuo Horiuchi và Shizuka Kamei, vốn là "kẻ thù tinh quái" của Koizumi đã tổ chức cuộc nổi dậy tại Hạ viện và cam kết sẽ đánh bại mọi kế hoạch tại Thượng viện. Vì lẽ đó, ông Koizumi buộc phải tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sớm nếu bị khước từ.

Hiện LDP đang bị chia rẽ vì những nghị sĩ phản đối Koizumi có lẽ sẽ rời bỏ đảng. Nhiều nhân vật phản đối tư nhân hoá ngành bưu điện trong LDP coi hệ thống bưu chính do nhà nước quản lý là chiếc máy thu phiếu vững chắc tại các khu vực cử chi do họ đại diện vì ở đó các quan chức bưu điện thường đóng vai trò như những người "cổ động" cử tri bỏ phiếu trong các chiến dịch tranh cử.

Ngay cả khi LDP vẫn duy trì quyền lực, những kế hoạch tư nhân hoá bưu điện vẫn có thể bị gác lại vì sự đoàn kết trong đảng và nếu như đảng Dân chủ Nhật Bản giành chiến thắng, họ sẽ không bao giờ tiến hành kế hoạch này.

Tóm lại, con đường phía trước Koizumi và LDP không hề bằng phẳng, nếu không muốn nói "chẳng sáng sủa" tí nào.

(Theo VNN)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top