Fukuzawa Yukichi - Nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị [1/2]

Fukuzawa Yukichi - Nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị [1/2]

fukuzawa-2.jpg

Fukuzawa Yukichi (1835-1901)​

Fukuzawa Yukichi là nhà giáo dục và học giả có thể nói là người ở bên ngoài chính quyền Nhật Bản có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn cuộc Canh Tân Minh Trị, lật đổ chế độ Tokugawa năm 1868. Ông lãnh đạo cuộc đấu tranh học tập những ý tưởng của phương Tây nhằm xây dựng “một nước Nhật Bản hùng mạnh và độc lập”.

Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và biện minh cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ. Trong tác phẩm Phúc ông Tự truyện viết năm 1901, trước khi mất ít lâu, Fukuzawa tuyên bố việc xóa bỏ mọi đặc ân phong kiến của triều đại Minh Trị và chiến thắng chế độ phong kiến Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1894-1895 để hình thành một nhà nước Nhật Bản hiện đại chính là ước mơ suốt cuộc đời ông. Fukuzawa chỉ tiếc rằng nhiều người bạn của ông đã không còn sống để chứng kiến những thành tựu vĩ đại này.

Sự nghiệp

Ngày nay, trên đất nước Nhật Bản, chúng ta có thể nhìn thấy chân dung Fukuzawa Yukichi trên tất cả các tờ bạc 10.000 Yên, tờ bạc lớn nhất nước Nhật. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của nhân dân Nhật Bản với những cống hiến to lớn của ông trong việc đưa những thể chế và tư tưởng của phương Tây vào Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều người có thể thắc mắc tại sao một người ca ngợi phương Tây như ông lại luôn mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản. Trong rất nhiều bức hình của Fuzukawa, chỉ có một vài bức người ta thấy ông ăn vận theo trang phục phương Tây. Chính điều đó phản ánh lập trường vững chắc của ông: chú trọng đến những thay đổi cách mạng trong suy nghĩ, chứ không rập khuôn theo phương Tây một cách sai lệch.

Lúc đầu Fukuzawa học tiếng Hà Lan, sau đó chuyển sang học tiếng Anh. Ông từng hai lần đến Mỹ và bôn ba khắp Châu Âu trong gần một năm trước khi nổ ra cuộc Duy tân Minh Trị (1868). Qua những chuyến đi này, ông đã tìm hiểu được những nền tảng căn bản của xã hội hiện đại đang phát triển ở phương Tây. Cũng chính ở đây, ông hiểu sứ mạng của mình là sự nghiệp giáo dục và nghề làm báo. Ngay sau chuyến đi thứ hai, ông bắt đầu mở trường học Keio-gijuku (Khánh Ứng Nghĩa Thục), nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và chính trị. Ngày nay, trường đại học Keio là một trong những trường đại học lớn nhất Nhật Bản.

Fukuzawa đã xuất bản rất nhiều sách chuyên môn và sách giáo khoa sử dụng trong các trường học hiện đại và cũng được rất nhiều tầng lớp độc giả khác nhau đón nhận. Những tác phẩm này hấp dẫn không chỉ vì những chủ đề mới lạ mà còn ở cách hành văn cách tân bình dị. Nhờ những cuốn sách được gọi là “sách Fukuzawa” này, người Nhật có cơ hội hiểu biết về nền văn minh mới. Ông cũng viết nhiều sách báo trào phúng về tình hình xã hội lúc bấy giờ, như chính trị, quan hệ quốc tế, các vấn đề kinh tế tài chính, chính sách giáo dục và quyền của người phụ nữ. Những tác phẩm này hầu hết được in ở nhà xuất bản của trường đại học và trên tờ Jiji-shimpo (Thời Sự Tân Báo) do ông mở năm 1882.

Tư tưởng chủ yếu của Fukuzawa có thể tóm gọn trong một từ "Độc lập". Ông cho rằng, độc lập của quốc gia cũng như của cá nhân chính là nền tảng của xã hội hiện đại phương Tây. Để đạt được mục tiêu độc lập thực sự, Nhật Bản cần thay thế phương pháp học truyền thống bằng việc dạy các ngành khoa học thực tiễn của phương Tây. Người dân càng được giáo dục thì nền độc lập quốc gia càng được khẳng định, Đồng thời sự thịnh vượng và đạo đức, cũng như chất lượng xã hội, sẽ tăng lên.

Mặc dù Fukuzawa tiếp thu được rất nhiều từ các nhà tư tưởng phương Tây, nhưng ông không hoàn toàn bị ràng buộc hay sùng bái nền văn minh phương Tây. Hiểu rất rõ những nhược điểm của nó, nhưng ông vẫn thấy rằng, nền văn minh phương Tây tiên tiến hơn rất nhiều so với Nhật Bản và cho rằng Nhật Bản cần coi đó là một hình mẫu. Nhưng dường như ông cũng lường trước được những khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình canh tân tư tưởng của người dân Nhật Bản.

Thời thơ ấu và những năm tháng học trò

Fukuzawa sinh năm 1835 tại thành phố Osaka. Hai thế kỷ trước đó, Nhật Bản còn hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, nhưng chỉ 19 năm sau, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa. Những nhà cầm quyền của chính phủ Shogun và 260 lãnh địa không thể thích ứng với những thay đổi lớn lao đang diễn ra trong xã hội nên cố gắng một cách tuyệt vọng chống lại phong trào cải cách.

Gia đình Fukuzawa sống ở Osaka, lúc đó là trung tâm thương mại của Nhật Bản. Cha ông chỉ là một viên thủ quỹ cấp dưới của lãnh địa Nakatsu (một thành phố nhỏ phía Bắc đảo Kyushu) và thuộc dòng dõi võ sĩ đạo lớp dưới với một vị trí rất khiêm tốn. Mặc dù cha của Fukuzawa không mấy thích thú với công việc đó, nhưng ông luôn làm việc trung thành cho đến khi qua đời đột ngột ở tuổi 44. Khi đó, Fukuzawa mới được 18 tháng. Người vợ góa phải quay trở về Nakatsu để nuôi dạy các con. Tiền trợ cấp bị cắt giảm khiến gia đình ông lâm vào cảnh nghèo đói và buộc phải kiếm sống bằng những công việc được trả lương thất thường. Bản thân Fukuzawa phải làm nghề chữa dép và các công việc thấp kém khác; mãi đến năm 14 tuổi ông mới được đến trường.

Giáo dục cơ sở lúc bấy giờ được phân chia theo tầng lớp gia đình: gia đình võ sĩ đạo và gia đình thường dân. Con trai của các Samurai, tuổi từ 5-7, được học văn học cổ điển Trung Quốc từ người cha, họ hàng, hoặc từ các thầy đồ. Từ giữa thế kỷ 18, hầu hết các lãnh địa lớn đều mở trường học. Lãnh địa Nakatsu cũng có trường học riêng, nhưng việc tuyển sinh rất khắt khe, trong đó địa vị và tầng lớp gia đình là yếu tố quyết định. Con trai của Samurai lớp dưới sẽ không thể được vào học trong trường của lãnh địa.

Từ thế kỷ 16, người phương Tây đã đến Nhật Bản, nhưng đến đầu những năm 1640, việc này bắt đầu bị cấm. Chỉ có những thương nhân Hà Lan mới được phép ở lại trên hòn đảo nhỏ Dejima. Mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài bị chính quyền Shogun kiểm soát rất chặt chẽ. Thương nhân, phiên dịch viên và binh lính phải có giấy phép đặc biệt mới được đến Dejima. Tuy vậy, những tri thức của phương Tây, đặc biệt là khoa học tự nhiên và y học, bằng nhiều cách vẫn lọt qua được những rào cản của vương triều Shogun và được phổ biến khắp đất nước. Tám mươi năm trước thời Fukuzawa, một số thầy thuốc Nhật Bản đã đi tiên phong trong việc dịch cuốn Các sơ đồ giải phẫu của J.Akulumus (được xuất bản ở Amsterdam năm 1734). Mặc dù những ấn phẩm về kiến thức của phương Tây bị hạn chế nguồn cung cấp, bị kiểm soát chặt chẽ và đôi khi còn là mối nguy hiểm cho người học, nhưng nó vẫn cứ tồn tại.

Ngay từ khi đi học, Fukuzawa đã sớm bộc lộ trí tuệ và khả năng của mình. Mặc dù rất xuất sắc trong lớp học, nhưng địa vị xã hội lại là điểm yếu của ông. Trong những cuộc vui đùa ở lớp, ông thường là chủ đề chế nhạo của những đứa bạn cùng lớp thuộc giai cấp samurai cấp cao. Thậm chí, sự phân chia giai cấp khắt khe đã ngăn cấm cả những cuộc hôn nhân giữa hai tầng lớp. Từ khi còn trẻ, Fukuzawa đã rất phẫn nộ với sự bất công đó (1).

Việc hạm đội Mỹ xuất hiện vào mùa hè năm 1853 đã gây một cú sốc lớn trên khắp nước Nhật. Người anh trai của Fukuzawa (người được thừa hưởng địa vị của người cha) thúc giục ông tới Nagasaki học tiếng Hà Lan để nắm vững về súng ống phương Tây, hy vọng sau này ông sẽ phục vụ cho Thiên Hoàng. Fukuzawa nghe theo lời anh, dù ông không thực hiểu về ngôn ngữ Hà Lan và những mối đe dọa nào đang chờ đợi ông bên ngoài. Ông rời quê nhà trong tâm trạng đầy lo lắng.

Họ tới Nagasaki một tháng trước khi Nhật và Mỹ ký kết "Hiệp ước hòa bình và hữu nghị". Cùng đi với Fukuzawa lần này còn có con trai của Ủy viên hội đồng lãnh địa Nakatsu. Hắn bịa chuyện mẹ của Fukuzawa bị ốm ở Nakatsu, đưa cho ông xem một bức thư giả mạo và thúc giục ông quay trở về nhà. Fukuzawa phát hiện ra sự dối trá này, nhưng ông vẫn quyết định rời Nagasaki. Tuy nhiên, ông đã không trở về nhà mà đi thẳng tới Edo (Tokyo ngày nay) để tiếp tục học tập. Chuyến tàu qua biển nội địa mất gần hai tuần lễ vì phải dừng lại rất nhiều lần. Trên đường đi, Fukuzawa đã rời tàu và đi bộ suốt đêm để tới kho hàng của lãnh địa Osaka nơi anh trai ông là Sannosuke đang làm việc. Người anh đã thuyết phục Fukuzawa ở lại và xin cho ông vào một trường học tiếng Hà Lan ở Tekijuku do bác sĩ Ogata Koan (1810-1863) phụ trách. Thực ra, trường học này không chỉ dạy về y học mà còn giáo dục lớp thanh niên như Fukuzawa đóng góp công sức cho việc xây dựng một nhà nước hiện đại (2).

Trong ba năm ở lại Tekijuku, cả Fukuzawa và anh trai ông đều trở bệnh và được đưa về Nakatsu để điều trị. Nhưng người anh trai ông không qua khỏi. Sau đó, Fukuzawa xin mẹ cho phép ông được quay trở lại Tekijuku tiếp tục học (3).

Chỉ một năm sau, Fukuzawa trở thành sinh viên đứng đầu lớp. Cùng với các bạn học của mình, ông tập trung nghiên cứu về vật lý, hóa học, sinh lý học và dịch một cuốn sách của Hà Lan về nghệ thuật xây dựng công sự.

Lên thủ đô và ra nước ngoài

Mùa thu năm 1858, Fukuzawa được bổ nhiệm làm giáo viên dạy tiếng Hà Lan của lãnh địa Nakatsu. Tháng 7 năm 1859 đánh dấu sự kiện mở cửa ba cảng biển của Nhật theo các điều khoản của "Hiệp ước hòa bình và hữu nghị" được ký một năm trước đó với Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Ngay sau sự kiện này, Fukuzawa đã tới Kanagawa (ngày nay là thành phố Yokohama). Và ông đã vô cùng thất vọng khi không thể đọc cũng như hiểu những dòng chữ trên các biển hiệu. Lúc đó, tiếng Anh là ngôn ngữ chính của thành phố cảng này, nên ông quyết định học tiếng Anh, nhưng việc học tiến triển rất chậm vì ông không thể tìm được một người thầy giỏi cũng như một quyển từ điển hữu ích.

Trong khuôn khổ các điều khoản của hiệp ước, vương triều Shogun quyết định cử một đoàn sứ giả sang Mỹ. Ngay lập tức, Fukuzawa tình nguyện đi theo đoàn. Mùa xuân năm 1860, sau 37 ngày lênh đênh trên biển, hứng chịu những trận bão liên tiếp, đoàn cũng tới được San Francisco. Trong suốt một tháng ở đây, thứ quan trọng nhất Fukuzawa thu thập được là một quyển từ điển của Webster và tấm hình ông chụp cùng con gái của người thợ ảnh. Như John Manjiro, người dịch cuốn từ điển này viết trong lời giới thiệu, đây chính là thứ vũ khí tri thức giúp Fukuzawa tìm hiểu nền văn minh hiện đại.

Khi trở về, Fukuzawa được nhận vào văn phòng đối ngoại của chính quyền Shogun, làm công việc dịch các tài liệu ngoại giao. Một năm sau, ông kết hôn với Okin, con gái gia đình một võ sĩ đạo tầng lớp trên, cũng thuộc lãnh địa quê nhà. Năm 1867, một lần nữa Fukuzawa lại có cơ hội sang Mỹ. Lần này, ông tham gia phái đoàn tới Washington và New York với nhiệm vụ thương lượng mua tàu chiến của chính phủ Mỹ. Nhưng mục đích chính của Fukuzawa là tìm mua sách cho các sinh viên và ông đã mua sách bằng tất cả số tiền mà ông có.

Tuy nhiên, chuyến đi có ý nghĩa nhất với Fukuzawa là chuyến đi Châu Âu để đàm phán về việc hoãn mở thêm cảng biển và điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Cả hai cuộc đàm phán đều thất bại, nhưng ông đã có dịp đến Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Nga và Bồ Đào Nha. Trong vai trò một người biên dịch, Fukuzawa đã quan sát được rất nhiều điều mới mẻ và các thể chế tổ chức như bệnh viện, kho vũ khí, hầm mỏ, trường học. Dựa vào những điều chứng kiến trong chuyến đi, Fukuzawa xuất bản tập đầu tiên của tác phẩm Thực trạng phương Tây (Seiyo jiijo) trong đó ông mô tả những phát hiện của mình. Tác phẩm này của ông được bán chạy nhất lúc bấy giờ.

Fukuzawa nhận thấy tiến bộ kỹ thuật có vai trò quan trọng mang lại sự thịnh vượng ở phương Tây. Ông cho rằng những thay đổi cách mạng trong suy nghĩ và kiến thức của con người là yêu cầu cơ bản nhất đối với quá trình hiện đại hóa Nhật Bản. Trong thời gian ở Luân Đôn, ông viết một bức thư cho một người bạn ở quê nhà, nói rằng điều cấp thiết nhất cần phải làm là đào tạo những tài năng trẻ chứ không phải là việc mua sắm máy móc và vũ khí. Ông đã hoãn việc viết tiếp tập hai cuốn Thực trạng phương Tây để dành thời gian dịch cuốn Kinh tế chính trị của J. H. Burton. Trong một cuốn sách khác viết năm 1867, ông thảo luận về “những cột trụ chính yếu” và mạng lưới xã hội vô hình trong việc thiết lập nên xã hội văn minh.

Trở về Nhật Bản, Fukuzawa bắt đầu mở trường học của riêng mình. Năm 1867, số học sinh của trường đã lên đến 100. Lịch làm việc của ông với chính quyền Shogun chỉ có sáu ngày trong một tháng, thời gian còn lại ông dùng để đọc, viết sách và giảng dạy. Việc những cuốn sách miêu tả cuộc sống phương Tây của ông rất được người dân Nhật Bản yêu thích cho thấy sự quan tâm của người dân Nhật Bản đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có một số nhóm người lại muốn trục xuất "bọn man rợ" và những học giả Nhật quan tâm đến các công trình nghiên cứu về phương Tây. Những kẻ cuồng tín joi ronin (tức là một nhóm các võ sĩ đạo muốn xua đuổi những người nước ngoài) muốn tìm giết những người theo tư tưởng phương Tây nên tính mạng của những người như Fukuzawa luôn bị đe dọa. Trên thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Omura đã bị giết hại năm 1869.

Khuyến học

Giữa những âm thanh hỗn loạn của tiếng súng trường từ một trận chiến chỉ cách trường Keio (4) vài kilômet, Fukuzawa vẫn tiếp tục bài giảng kinh tế chính trị như thường lệ (5). Đó là ngày mồng 4 tháng 7 năm 1868 và cuộc chiến giữa lực lượng nổi dậy chống lại chế độ phong kiến Tokugawa đang diễn ra ác liệt, Fukuzawa đã nói với học sinh của mình, lúc bấy giờ chỉ còn 18 người: “Cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra, cho dù cuộc chiến tranh tàn phá đất nước ta như thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ kiến thức của phương Tây. Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới”.

Những lời này đã cho thấy rõ tư tưởng của Fukuzawa - đó là việc giáo dục và tri thức của phương Tây. Sau khi chế độ Tokugawa ở Edo sụp đổ, chính quyền mới mời Fukuzawa tham gia vào bộ máy chính quyền nhưng ông từ chối vì muốn được tự do phán xét và viết báo phân tích về con đường phát triển của cả hai phe. Những năm sau đó, ông đã dành hết thời gian và công sức cho công việc giảng dạy ở trường Keio và góp sức lập thêm nhiều trường học mới. Ông cũng dịch và viết thêm nhiều cuốn sách nhỏ về phương Tây, viết sách giáo khoa cơ bản về nhiều lĩnh vực như vật lý, địa lý, nghệ thuật quân sự, nghị viện Anh và quan hệ quốc tế.

Trong số các cuốn sách của ông, cuốn Khuyến học (Gakumon no susume) được biết đến nhiều nhất (6). Cuốn sách này được khởi nguồn từ một loạt những bài luận được ông viết và xuất bản từ năm 1872 đến năm 1876. Bài luận đầu tiên chính là lời tuyên ngôn của Fukuzawa đối với công chúng. Trong phần mở đầu ông viết: “Thượng đế không sinh ra người này hơn hoặc kém người kia. Mọi sự bất bình đẳng giữa người khôn ngoan và người ngu ngốc, giữa người giàu và người nghèo đều xuất phát từ giáo dục”.

Trong tác phẩm này, ông thúc giục người Nhật trước hết cần học bốn mươi bảy ký tự Kana của tiếng Nhật, học những phép toán và bàn tính, cách để sử dụng khối lượng và dụng cụ đo đạc. Sau đó cần học những lĩnh vực khoa học khác như địa lý, vật lý, lịch sử, kinh tế và đạo đức.

Những môn học trong nhóm đầu tiên đã được dạy có tên là terakoya, có nghĩa là trường đạo. Từ thế kỷ 17, mối quan hệ ràng buộc giữa trường đạo và đạo Phật dần được bãi bỏ và đến thế kỷ 18, trường đạo được đưa vào tiểu học mở cho con của các gia đình bình dân và con gái của các gia đình dòng dõi võ sĩ đạo ở tầng lớp dưới. Giáo viên trong trường là những samurai nghèo, trưởng làng, hoặc các thầy tu Shinto (Thần đạo của Nhật Bản). Vào thế kỷ 18, các thầy giáo Phật giáo còn rất hiếm, nhưng tới nửa đầu thế kỷ 19, terakoya mọc lên như nấm. Nhận thức được điều này, Fukuzawa nhấn mạnh rằng các môn học trong nhóm thứ hai cần được đưa vào giảng dạy tại các trường học hiện đại, bởi những môn này rất phát triển ở phương Tây nhưng không hề được dạy ở phương Đông.

Ông chỉ trích mạnh mẽ chương trình giáo dục truyền thống ở Nhật, vốn chỉ chú trọng học thuộc những cuốn sách cổ xưa, thích thú đọc và làm thơ, nghiên cứu những điều không thực tế. Ông cho rằng giáo dục phương Tây là vô cùng cần thiết, nên thúc giục các học trò học các ký tự Kana và tham khảo thêm các sách giáo khoa đã được biên dịch. Ở mức độ cao hơn, cần hiểu được một ngôn ngữ phương Tây để có thể đọc trực tiếp. Thậm chí tới năm 1890, ông đã mời cả những giáo viên nước ngoài đến giảng dạy ở trường Keio.

Fukuzawa cho rằng jitsugasu không chỉ mang lại độc lập cho cá nhân mà nó còn mang lại cả độc lập và tự do cho cả một đất nước. Ông tin đó chính là quyền của con người và kết luận: “Mỗi cá nhân và mỗi quốc gia, theo các qui luật của tạo hóa, đều hoàn toàn tự do. Do vậy, nếu như có bất kỳ mối đe dọa nào xâm phạm đến tự do của một đất nước thì đất nước đó sẽ không được ngần ngại dù thậm chí có phải chiến đấu chống lại tất cả các quốc gia trên thế giới”. Chính vì quan niệm này, ông cũng biên dịch rất nhiều sách về quân sự.

Văn phong của Fukuzawa trong cuốn Khuyến học và trong các cuốn sách khác của ông hoàn toàn mới mẻ đối với Nhật Bản lúc bấy giờ. Trước đó, các cuốn sách ở Nhật đều được viết bằng tiếng Trung Quốc người bình dân khó có thể hiểu được, nhưng ông đã dùng một cách viết rất bình dị, mộc mạc, dễ hiểu, thậm chí đối với cả những người ít học. Khi đó, hầu như mọi người đều cho rằng tiếng Nhật không thích hợp cho việc diễn thuyết, nhưng ông đã tiến hành diễn thuyết trước công chúng và tổ chức những buổi tranh luận công khai để vận động cho chương trình này. Ngoài ra, ông cũng xây dựng một phòng họp lớn ở Đại học Keio, nơi ông, các đồng nghiệp và sinh viên thường tổ chức các cuộc thi tranh luận.


Nguồn: Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, NXB Thế giới, 2004

(Còn nữa)


--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

[1] Fukuzawa giải thích cơ cấu thứ bậc trong xã hội samurai trong bài Kyuhanjo (Các điều kiện trong hệ thống phong kiến lỗi thời). Chế độ Shogun tướng quân Tokugawa hoàn toàn khác với triều phong kiến ở châu Âu.


[2] Ví dụ như Omura Masujiro (1828–69), con của một bác sĩ bình dân, đã học tiếng Hà Lan tại Tekijuku, sau đó học về quân sự, rồi trở thành Bộ trưởng Quốc Phòng sau cuộc Phục Hưng.


[3] Độc giả quan tâm có thể đọc thêm cuốn Phúc Ông Tự Truyện do Phạm Thu Giang dịch. Đây là cuốn hồi ký duy nhất của Fukuzawa Yukichi viết về những trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân trong cuộc sống và những hành động ông đã làm trong cuộc đời. NXB Thế giới dự kiến xuất bản vào đầu năm 2005.


[4] Tháng 4/1868, trường đại học Keio được thành lập gần Mita. Toàn bộ tài sản của nhà trường là do Fukuzawa đóng góp. Năm 1871, trường này chuyển về Mita. Bây giờ là trường Đại học
Keio ở thủ đô Tokyo, nơi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo của Nhậ Bản.


[5] Các giáo trình và sách được ông sử dụng trong thời gian này là Các yếu tố của kinh tế chính trị (Elements of political economy, Boston, 1837), và nhiều cuốn sách khác do Fukuzawa mua ở New York và Washington trong chuyến đi Mỹ năm 1867.


[6] Đây là cuốn sách rất nổi tiếng và vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Năm 1995, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn sách này do GS Chương Thâu dịch từ tiếng Hán với tiêu đề Nhật Bản, cách tân giáo dục thời Minh Trị. Tới giữa năm 2004, NXB Trẻ đã cho xuất bản nguyên văn tác phẩm này với đúng tên của nó Khuyến học do Phạm Hữu Lợi dịch trực tiếp từ tiếng Nhật.
 
Bình luận (1)

kamikaze

Administrator
Ðề: Fukuzawa Yukichi - Nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị [2/2]

Lý thuyết về nền văn minh

Trong bức thư gửi một người bạn ngày 23 tháng 2 năm 1874, Fukuzawa viết:
"Tôi sẽ không tiếp tục công việc dịch nữa. Sức khoẻ của tôi đã khá hơn và nếu tôi không tiếp tục nghiên cứu thì kiến thức của tôi sẽ dần dần cạn kiệt mất. Tôi sẽ bỏ ra khoảng một năm cho các nghiên cứu của mình".

Thời kỳ này, ông đọc nhiều sách để hiểu thêm về nền văn minh châu Âu, như những cuốn sách của Buckle và Guizot, đọc cuốn Chính quyền đại diện (7), và nhiều tác phẩm khác của các sử gia Nhật Bản. Một năm sau đó, tác phẩm Văn minh khái luận ra đời. Không giống như các tác phẩm khác với mục đích khai sáng dân chúng, ông dành cuốn sách này cho các tri thức Nhật Bản. Các trí thức Nhật Bản khi đó có những luồng tư tưởng khác nhau, một số người rất coi trọng hình mẫu lý tưởng của văn minh phương Tây, trong khi những người khác miễn cưỡng chấp nhận, thậm chí chống đối những giá trị và nguyên tắc hiện đại. Vì lý do đó, ông viết tác phẩm này nhằm thuyết phục tri thức Nhật Bản chấp nhận quá trình hiện đại hóa.

Văn phong của tác phẩm mang tính học thuật, hùng biện và trình bày mọi quan điểm, vì vậy không dễ hiểu. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông có thể được nhận thấy rõ, đó là: tự chủ và độc lập dân tộc. "Văn minh" vừa là mục đích vừa là biện pháp để giành được độc lập.


Vậy "văn minh" là gì? Ông viết:

“Văn minh, trong nghĩa rộng không chỉ là những tiện nghi hàng ngày đáp ứng nhu cầu của con người mà còn là việc hoàn thiện các kiến thức và trau dồi đạo đức để nâng cuộc sống của con người lên một tầm cao mới [....] [Như vậy] văn minh bao gồm cả những tiện nghi vật chất và ý thức. Cuối cùng, văn minh có nghĩa là sự tiến bộ cả về kiến thức và đạo đức của con người”

Fukuzawa chú trọng vào giải thích sự khác biệt giữa kiến thức và đạo đức. Ông định nghĩa đạo đức là những nguyên tắc xử thế đúng đắn, còn kiến thức là khả năng hiểu biết. Những định nghĩa này đã được cụ thể hóa để tránh bất kỳ sự liên tưởng nào với tư tưởng tân Nho giáo. Triết lý của Fukuzawa là một bước đột phá khỏi tư tưởng truyền thống.

Giáo dục truyền thống Nhật Bản rất coi trọng đạo đức cá nhân và sự nhân nghĩa được nói đến trong các sách kinh điển của Trung Hoa. Triết học Trung Hoa chú trọng vào sự cai trị, và cho rằng những người có đức hạnh, thường là vua hoặc hoàng đế, sẽ cai trị các thần dân của mình. Do không được giáo dục, nên người dân hoàn toàn tôn sùng và phụ thuộc vào Hoàng đế. Phần lớn các thầy giáo Nhật Bản đều dạy các học trò đọc sách, nhưng lại không khuyến khích họ có những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo. Những môn học như kinh tế chính trị bị coi là dung tục, và không thích hợp với học trò. Việc giảng dạy terakoya khá thực tế, nhưng lại không khoa học. Kiến thức thu được ở trường chỉ nhằm mang lại lợi ích và trí tuệ cho từng cá nhân.

Nhiều thế kỷ trước đó, đạo Phật ở Nhật Bản dần mất đi quyền lực và vị trí của mình. Các tăng ni cũng chỉ là những thần dân dưới quyền lực Shogun của dòng họ Tokugawa. Do đó, không chỉ những nhà nho, tăng lữ mà ngay cả những thường dân và samurai đều tuân theo nguyên tắc kế tập, nên đa phần đều thờ ơ với các vấn đề xã hội. Họ ngây thơ và mù quáng trung thành với thế lực cai trị, không hề dám nghĩ đến những hành động vượt ra ngoài khuôn phép đó. Fukuzawa coi đây là điểm yếu nhất trong nền văn minh Nhật Bản.

Trong suy nghĩ của ông, đạo đức và kiến thức có thể chia thành hai phần, của cá nhân và của xã hội. Ông cũng tin rằng, con người có một lòng chính trực bẩm sinh và một tài năng tiềm tàng. Trong khi trường học có thể giúp con người thu nhận kiến thức, thì trường học lại không thể giúp con người biết cách sử dụng đạo đức của bản thân. Nhưng kiến thức cá nhân có thể khuếch tán vào xã hội đển biến thành tri thức của cả cộng đồng. Con người phải công nhận những nguyên tắc kinh nghiệm và khoa học, không chỉ đối với khoa học tự nhiên mà còn đối với cả khoa học xã hội. Fukuzawa viết: “Trong văn minh phương Tây, cơ cấu xã hội bao gồm nhiều lý thuyết khác nhau, phát triển đồng thời, tiệm cận dần đến nhau và cuối cùng hợp nhất thành một nền văn minh. Chính quá trình này hình thành nên sự tự do và độc lập”. Trong khi tư tưởng Nhật Bản tập trung vào nhiệm vụ không thể thực hiện được là hình thành đạo đức xã hội thì phương Tây chú trọng phát triển kiến thức cho người dân. Chính vì thế, Fukuzawa rất ca ngợi giáo dục phương Tây và phê phán phương pháp dạy Khổng giáo truyền thống của đất nước ông.

Về mặt này, rõ ràng nền văn minh Nhật Bản đã bị tụt lại đằng sau phương Tây. Theo thuyết phát triển của loài người qua từng giai đoạn, Nhật Bản và Trung Quốc chỉ mới ở giai đoạn "bán văn minh". Tuy "tiến bộ" và "lạc hậu" chỉ là những thuật ngữ tương đối, nhưng khoảng cách giữa phương Tây và phương Đông là rất lớn. Việc chính quyền chỉ mua vũ khí hiện đại và máy móc không thể làm cho nước Nhật đuổi kịp phương Tây, bởi văn minh là sự phát triển của tinh thần nội tại, là đạo đức và kiến thức của toàn dân tộc. Vì vậy, ông kết luận rằng “Văn Minh là mục đích của chúng ta”.

Trong chương cuối của cuốn Văn minh khái luận, Fukuzawa quay trở lại với vấn đề "Độc lập dân tộc", một mối quan tâm thật sự cho tất cả trí thức Nhật Bản. Ông tin rằng, Nhật Bản chỉ là một quốc gia Viễn Đông nhỏ bé lúc bấy giờ, và do đó không thể đòi hỏi một sức mạnh quân sự lớn. Ông kết luận:


“Hơn nữa, những tranh luận rằng, chính thể quốc gia là đạo Thiên chúa hay Khổng giáo […] đều không thể được dân chúng ủng hộ. Tôi nói rằng, chỉ có một thứ để đạt được mục đích của chúng ta và tiến tới một nền văn minh [....]. Đó là không thể bảo vệ nền độc lập bằng cách nào khác ngoại trừ việc tạo dựng nền văn minh cho nước Nhật”.


Những năm khó khăn, 1877- 1881

Số lượng sinh viên của trường Keio, từng lên tới con số hơn 300 trong khoảng thời gian từ 1871 đến 1876, một lần nữa lại giảm xuống, một phần do tình hình bất ổn trong nước Nhật. Do phần lớn sinh viên đều thuộc dòng dõi samurai, nên số tiền chi tiêu cho việc học bị ảnh hưởng bởi quyết định của chính phủ vào năm 1871. Đó là việc bãi bỏ các lãnh địa, giảm bớt các đặc ân và thu nhập của các lãnh chúa và chư hầu. Quá trình tịch thu tài sản này diễn ra trong 5 năm. Tầng lớp shizoku (sĩ tộc) được cấp một khoản tiền đền bù nhưng rất nhỏ so với số tiền cấp cho kazoku (quý tộc cấp cao) và các shizoku lớp trên. Đa phần các shizoku bậc trung và thấp hơn đều không thoả mãn với cải cách này. Chỉ riêng Fukuzawa lại rất mãn nguyện thừa nhận mình là một người bình dân (heimin) và từ chối mọi sự đền bù.

Trong thời kỳ này, các học trò của Fukuzawa, phần lớn là samurai đều buộc phải bỏ học vì những đặc quyền không còn, vì chiến tranh và sự nghèo đói ngày càng tồi tệ do lạm phát gây ra. Một số đã quay trở về Satsuma tham gia vào cuộc nổi loạn ở đó và đều bị thương hoặc bị giết. Trong tình trạng cực kỳ khó khăn về tài chính, Fukuzawa phải bỏ tiền túi để phụ thêm vào ngân quỹ của trường và kêu gọi các khoản vay từ chính phủ hoặc các cá nhân. Tuy nhiên, không một ai sẵn lòng cho trường Keio vay tiền, thậm chí một số còn đề nghị giải thể. Nhưng noi theo gương ông, các giáo viên trong trường đã tự nguyện cắt giảm hai phần ba tiền lương của mình. Nhờ vậy, số sinh viên dần dần tăng từ 200 năm 1878 lên 500 sinh viên năm 1881. Điều đáng chú ý là tỷ lệ những sinh viên thuộc tầng lớp bình dân đã tăng từ một phần ba lên hơn một nửa vào năm 1875. Theo Fukuzawa phỏng đoán, chính do nạn lạm phát thời hậu chiến mà một số gia đình nông dân trở nên giàu có đã đủ tiền cho con cái họ theo học ở trường Keio.

Vì thu nhập của chính phủ phụ thuộc chủ yếu vào thuế đất cố định, nên chính phủ luôn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính. Để cắt giảm chi tiêu, chính quyền quyết định bán nhiều công ty, nhà máy của nhà nước với một giá rẻ đáng ngạc nhiên. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo kịch liệt chỉ trích chính phủ. Trên báo chí xuất hiện tin đồn Fukuzawa cùng với sự giúp đỡ tài chính của Iwasaki Yataro (8) chủ của Tập đoàn Mitsubishi đang mưu đồ tiến hành đảo chính cùng với Okuma (9). Để đối phó, Ito Hirobumi (10) đã sa thải Okuma khỏi nội các. Nguyên nhân thực sự cho cuộc xung đột chính trị này là việc tranh giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp để xây dựng bản Hiến pháp theo ý mình. Người nào nắm được quyền kiểm soát, trên thực tế, sẽ là thủ tướng. Một số nhân vật tốt nghiệp từ trường Keio theo phái của Okuma đã đề xuất chế độ quân chủ lập hiến theo mô hình nước Anh, trong khi phe Ito lại muốn theo mô hình nước Phổ. Phe Ito luôn phải đối phó, dè chừng Fukuzawa và trường Keio, vì Fukuzawa rất tích cực ủng hộ các chính sách của Okuma.

Những phê bình và nhận định

Sau khi giành được chiến thắng về chính trị, Ito đã hoãn việc xây dựng Hiến pháp và đóng cửa Nghị viện trong 10 năm, đồng thời hủy bỏ việc bán tài sản của nhà nước. Trước khi chia rẽ, Ito, Okuma và các thành viên khác của chính phủ đã thỏa thuận cùng với Fukuzawa mở một tờ báo nhằm thúc đẩy việc sớm thiết lập Nghị viện, nhưng kế hoạch này đã bị gác lại. Fukuzawa quyết định tiến hành một mình với sự xuất bản tờ Jiji-shimpo ngày 1 tháng 3 năm 1882. Trong bài báo mở đầu, ông tuyên bố Thời Sự Tân Báo sẽ là một tờ báo độc lập và không phe phái. Kể từ đó, hầu hết các bài viết của Fukuzawa được đăng trên tờ Jiji-shimpo. Ông chú trọng đến tất cả những vấn đề đương thời như chính trị, tình hình trong nước và quốc tế, kinh tế chính trị, giáo dục và chính sách giáo dục, nguyên tắc đạo đức, đặc biệt là quyền phụ nữ... Những bài báo xuất bản của ông tên tờ Jiji-shimpo chiếm tới hơn một nửa trong số 22 tập sách tuyển tập các tác phẩm của ông.

Nhìn chung, các tác phẩm của Fukuzawa đều hướng tới tự do cá nhân và độc lập dân tộc. Tuy nhiên, thậm chí ngay trong những năm 1870, các bài luận của ông về các vấn đề đạo đức liên quan đến lòng trung thành, tiền bạc... đã gây ra nhiều tranh cãi. Hơn nữa, gần đây xuất hiện nhiều bài phê bình, chỉ trích nhằm vào các bài báo của ông trong những năm 1880 và cả những năm sau đó. Những bài phê bình như vậy làm tăng sự nghi ngờ đối với mục tiêu và nhân cách thực sự của Fukuzawa. Phản ứng đối với những bài viết về châu Á của ông lớn đến nỗi làm lu mờ ảnh hưởng của những bài viết ít gây tranh cãi hơn, như những bài viết về sự bình đẳng của phụ nữ và đặt Fukuzawa vào vị trí mà có lẽ ông sẽ phải phản đối.

Trong bài báo gây tranh cãi nhất Datsu-a-ron (Thoát Á Luận), viết năm 1885, Fukuzawa tuyên bố:


"Do đó, chính sách cấp bách của chúng ta là không nên để phí thời gian chờ sự khai sáng của các quốc gia láng giềng (Triều Tiên và Trung Quốc) để cùng đi với họ trong quá trình phát triển của châu Á mà nên tách rời khỏi họ để gia nhập cùng các quốc gia văn minh phương Tây […]. Chúng ta cần làm những gì mà người phương Tây đã làm".


Ngày nay, độc giả có thể phản ứng với đoạn viết này. Tuy nhiên, nhận định đó cần được hiểu một cách đầy đủ hơn, nếu được xem xét trong một bối cảnh thích hợp. Thái độ dường như hiếu chiến của Fukuzawa phản ánh những quan hệ quốc tế đang thay đổi ở Đông Á trong thời kỳ đó. Hơn nữa, mối quan tâm của Fukuzawa đối với Triều Tiên là có nguồn gốc của nó.

Kể từ năm 1881, Fukuzawa có quen biết với hai nhà cải cách Triều Tiên là Pak Yong-hyo và Kim Ok-kyun. Sau ba lần tới Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 1882 tới 1884, Kim đã có quan hệ đặc biệt gần gũi với Fukuzawa, và ông đã nhận được rất nhiều lời khuyên và sự giúp đỡ từ Fukuzawa trong thời gian ở lại Nhật Bản. Fukuzawa khuyến khích Kim gửi những người có tài tới Nhật học và khuyên ông mở tờ báo để khai sáng cho dân chúng, tiến tới đòi độc lập, chủ quyền cho Triều Tiên từ Trung Quốc.

Theo lời khuyên của Fukuzawa, bước đầu tiên, Kim đã gửi một nhóm sinh viên tới trường Keio, học viện quân sự và các trường học của Nhật Bản. Bước thứ hai, một tờ báo, nói chính xác là một bản tin của chính phủ, đã được xuất bản tháng 11 năm 1883, định kỳ ba lần một tháng, nhờ các nỗ lực của Kakugoro Inoue (1859-1938), người được Fukuzawa cử đến Triều Tiên vào tháng 12 năm 1882, làm cố vấn cho Vua Triều Tiên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thứ ba vô cùng khó khăn, sau cuộc nổi dậy chống Nhật năm 1882 của quân đội Triều Tiên, Trung Quốc đã tuyên bố quyền bá chủ của mình và thi hành chế độ kìm kẹp với Triều Tiên.

Hy vọng về sự tiến bộ của Triều Tiên của Fukuzawa dần tan biến khi sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc ngày càng tăng lên. Trong khi Nhật Bản đi theo con đường "duy tân", thì Triều Tiên và Trung Quốc lại chống lại. Quan điểm tách biệt khỏi châu Á của ông có thể được thông cảm phần nào khi biết rằng, trong nhiều năm, mọi nỗ lực của Fukuzawa đều hướng vào việc khai sáng và cải cách ở Triều Tiên. Sau năm 1881, ông viết rất nhiều bài về Triều Tiên, nhưng ông luôn nhấn mạnh đến chủ quyền và độc lập dân tộc. Ngược lại, trong bài Thoát Á Luận, ông cũng chỉ trích chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc.

Sự quan tâm của Fukuzawa đến quyền lợi phụ nữ có thể thấy rõ trong rất nhiều bài viết của ông, và ngày này được tập hợp trong cuốn Fukuzawa Yukichi bàn về phụ nữ Nhật Bản. Đứng từ góc độ ngày nay, quan điểm về phụ nữ của ông vẫn có phần hạn chế, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông là nhà tư tưởng Minh Trị duy nhất đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Cuối những năm 1880, ông đã tập trung viết rất nhiều về đề tài này. Fukuzawa lên án những thói quen khinh thường phụ nữ của nam giới, tố cáo những vết tích vẫn còn tồn tại của chế độ đa thê, coi đó là những phong tục kém văn minh của xã hội Nhật Bản. Ông viết:


“Vì vậy, yêu cầu đầu tiên cần làm là dạy cho họ [phụ nữ] ít nhất là những điểm cơ bản về kinh tế và luật pháp sau khi họ đã được đào tạo cơ bản. Nói một cách hình tượng, việc đó giống như trang bị cho phụ nữ của xã hội văn minh một con dao găm để tự bảo vệ mình”.

Tuy nhiên, quan điểm của Fukuzawa vẫn còn hạn hẹp. Chẳng hạn như ông chưa bao giờ đề xuất những hoạt động xã hội cho phụ nữ, cũng không chú ý đề cập đến những phụ nữ trong giai cấp lao động, khi phần lớn đều phải làm việc trong những điều kiện khốn khổ và sau cùng, ông đã không lên án nạn bán mình của các cô gái nghèo, hay nạn di cư ra nước ngoài của họ. Mặc dù quan niệm về quyền bình đẳng của phụ nữ của Fukuzawa còn nhiều hạn chế nhưng tư tưởng của ông vẫn được phụ nữ thời bấy giờ đánh giá cao. Trong bức thư gửi vợ Fukuzawa khi ông qua đời năm 1901, một người phụ nữ viết:


"Mỗi lần đọc bài báo của Tiên sinh về phụ nữ Nhật trên tờ Jiji-shimpo, tôi đều biết ơn khi thấy Tiên sinh là người bạn thật sự của chúng tôi. Việc Tiên sinh mất đi thật sự là nỗi đau buồn vô hạn [..]. Với những giọt nước mắt, tôi chân thành hy vọng rằng những mong ước của Tiên sinh mãi mãi lan toả trên khắp đất nước của chúng ta."

Với những công lao và đóng góp của mình, có thể nói rằng, Fukuzawa không chỉ là "người thầy" đối với các sinh viên của trường Keio mà còn của mọi người dân Nhật, cho đến tận ngày nay.

Về tác giả: Nishikawa Shunsaku, giáo sư Kinh tế tại Trung tâm Kỷ niệm Fukuzawa cho các ngành học hiện đại ở Nhật Bản, Đại học Keio, Khoa Thương Mại. Ông cũng là tác giả của các cuốn sách Lịch sử phát triển Kinh tế Nhật Bản (1985); Fukuzawa và ba người học trò (1985) và nhiều bài báo về lịch sử kinh tế Nhật Bản.

Nguồn: Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, NXB Thế giới, 2004


--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:


(7) Cuốn sách này sau đó đã được các học giả Nhật dịch và giới thiệu ra tiếng Nhật trong những năm đầu của công cuộc Duy Tân Minh Trị.


(8) Iwasaki Yataro (1835-1885), người sáng lập hãng Mitsubishi, hãng tài chính công nghiệp lớn thứ hai của Nhật Bản.


(9) Hầu tước Okuma Shigenobu (1838-1922): chính khách, từng hai lần làm Thủ tướng Nhật (1898; 1914-1916). Ông là người sáng lập Đảng Tiến bộ (Rikken Kaishinto) và trường đại học Waseda.


(10) Ito Hirobumi (1841-1909): chính khách và Thủ tướng Nhật (1885-1888, 1892-1896, 1898, 1900-1901), người đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng nhà nước Nhật Bản hiện đại. Ông góp phần soạn thảo bản Hiến pháp Minh Trị (1889) và tổ chức hệ thống lưỡng viện (1890). Ông được phong chức Hầu tước năm 1884 và Công tước năm 1907.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top