Đón làn sóng mới FDI từ Nhật như thế nào?

Đón làn sóng mới FDI từ Nhật như thế nào?

051003094348_02dt.jpg

Nhà máy của Toyota tại Vĩnh Phúc. Tập đoàn này đã hoạt động rất thành công tại Việt Nam trong 10 năm qua.


Để thời cơ mới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật đến nhanh và FDI từ Nhật vào liên tục, bền vững trong một thời gian dài, phải chủ động chuẩn bị nhiều mặt khác nữa, nhất là những mặt yểm trợ hoạt động cụ thể của các dự án FDI, và cải thiện các dịch vụ liên quan đến người nước ngoài.

Chẳng hạn, thử tưởng tượng trường hợp cùng một lúc có hàng trăm hoặc có đến cả ngàn xí nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đến tìm hiểu thị trường, tìm đối tác lập liên doanh và nộp đơn xin giấy phép đầu tư. Việt Nam có thể đáp ứng kịp thời và có hiệu quả làn sóng này không? Làm sao để làn sóng FDI mới đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong dài hạn?

Lấy thí dụ Thái Lan. Vào nửa sau thập niên 1980, dưới áp lực đồng Yên lên giá đột ngột, một làn sóng FDI rất lớn chuyển động từ Nhật. Thái Lan đã chủ động chuẩn bị đón đầu làn sóng này bằng cách tăng cường bộ máy hành chính, đặc biệt là tăng nhân viên giỏi tiếng Nhật, hiểu văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật trong Tổng cục Đầu tư (BOI), tạm thời chuyển một số nhân viên ở các ban ngành khác đến BOI làm việc trong một thời gian nhất định, đồng thời mở các kênh đối thoại giữa quan chức và doanh nghiệp Thái Lan với doanh nghiệp Nhật.

Qua các kênh đối thoại này, Thái Lan vừa hiểu được những mặt cần phải cải thiện hơn liên quan đến môi trường đầu tư, vừa tiếp thị thành công các dự án FDI vào những ngành trọng điểm trong kế hoạch công nghiệp hóa dài hạn của họ.

Vấn đề lớn nữa là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường cung cấp nguồn nhân lực. Điện, nước, thông tin, giao thông, dịch vụ bến cảng... phải được cung cấp kịp với tiến độ của các dự án đầu tư ngày càng nhiều về số lượng. Nếu không, các dự án đã hoạt động gặp khó khăn sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư tiềm năng và làn sóng FDI sẽ chững lại.

Việc cung cấp nguồn nhân lực cũng quan trọng không kém nhưng thường ít được nhận biết đúng mức nên dễ trở thành trở lực cho việc thu hút FDI. Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề dài hạn, quan trọng không chỉ cho việc thu hút FDI mà cho quá trình phát triển của cả nền kinh tế (theo các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật, trong một, hai năm trước mắt, Việt Nam sẽ rất thiếu kỹ sư, chuyên viên về công nghệ thông tin, thiếu chuyên viên có khả năng quản lý ở các cấp trung gian).

Nhưng dù đã có đủ nguồn nhân lực cần thiết, nhất là lao động phổ thông, vấn đề ngắn và trung hạn là làm sao tổ chức, yểm trợ hậu cần để lao động đến được nhà máy. Các công ty đa quốc gia tầm cỡ có khả năng lập các khu nhà ở cho công nhân gần khu chế xuất, khu công nghiệp; nhưng Nhà nước phải có biện pháp giúp các xí nghiệp nhỏ và vừa giải quyết vấn đề đi lại và nơi ăn ở cho lao động. Đây vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề xã hội mà Chính phủ cần quan tâm.

Ngoài ra, cải thiện các dịch vụ về hàng không, cửa khẩu, các khu du lịch... cũng có khuynh hướng làm tăng FDI và khách du lịch từ Nhật. Tôi thường nghe nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật than phiền về các mặt này. Có lẽ đối với ta, so với những năm trước thì tình hình bây giờ đã cải thiện nhiều.

Vấn đề là người nước ngoài, nhất là người Nhật, có khuynh hướng so sánh ta với các nước chung quanh. Dù biết Việt Nam vẫn còn khó khăn nhưng họ cũng thấy có nhiều lĩnh vực có thể cải thiện được ngay mà không cần đến ngân sách.

Nhân đây xin kể lại một chuyện làm tôi rất ngạc nhiên trong chuyến đi dự hội nghị ở Bali (Indonesia) vào cuối năm 2003. Khoảng một giờ trước khi máy bay của hãng Garuda giảm độ cao để đáp xuống sân bay ở Bali, một nhân viên cửa khẩu (được cử đi theo chuyến bay) đến chỗ ngồi của từng hành khách để làm trước thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi đến nơi thì đi thẳng ra quầy nhận hành lý, tiết kiệm được thì giờ và nhất là thấy rất thoải mái.

Ở đây tôi không định nói là Việt Nam cũng nên làm như vậy mà chỉ muốn nhấn mạnh Việt Nam cần luôn nhận thức là các nước chung quanh đang tìm mọi biện pháp để tăng sức cạnh tranh của môi truờng đầu tư, môi trường du lịch của họ để không ngừng cải thiện dịch vụ.

Thời cơ FDI của Nhật đã đến nhưng Việt Nam còn nhiều vấn đề phải giải quyết để đón nhận có hiệu quả làn sóng đầu tư mới này.

(Theo VNEconomy)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top