Doanh nghiệp Nhật tìm đến VN lần 2

Doanh nghiệp Nhật tìm đến VN lần 2

ImageView.aspx
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Minh Trân, P.15, Q.Tân Bình
- Ảnh: N.C.T.

TT - Canon đang xây dựng nhà máy thứ hai của mình tại Hà Nội (hoàn thành giữa năm 2005 với công suất 1,2 triệu sản phẩm/tháng - PV) nhằm tăng thêm các sản phẩm máy in phun dành cho xuất khẩu.

Nhà máy thứ ba cũng được lên kế hoạch vào đầu năm 2006. Đến năm 2007, VN sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của Canon với lực lượng lao động đông đảo 12.000 nhân viên, vượt qua các nhà máy của hãng tại Trung Quốc và Thái Lan.

Trước đây Canon có ý định mở rộng sản xuất tại Thái Lan nhưng đã chọn VN để mở thêm nhà máy vì dễ thuê công nhân có nghề, theo chủ tịch Fujio Mitarai. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của VN cũng thuận lợi để Canon tiếp xúc với các nhà cung cấp tại Trung Quốc và các nước đông nam Á khác.

Không chỉ có Canon có quyết định như thế tại VN. Tổng đầu tư của các công ty Nhật vào VN được dự đoán vượt qua nửa tỉ USD năm 2004. Đáng chú ý là lượng vốn của các dự án đầu tư lần đầu tiên tại VN sẽ trên 250 triệu USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 triệu USD trong bảy năm qua.

Yếu tố lao động rẻ đóng vai trò chủ chốt thu hút các nhà đầu tư đến VN. Shigiyama Kagu Kogyo, công ty chế tạo hàng nội thất đặt tại Chikugo, đang chuyển toàn bộ các dây chuyền của mình sang VN. Xưởng sản xuất duy nhất tại Nhật của công ty đã được đóng cửa giữa năm nay và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan cũng đã chấm dứt.

Tháng 1-2005, ba nhà máy của Shigiyama Kagu Kogyo tại VN sẽ bắt đầu hoạt động để làm ra sản phẩm tiêu thụ tại Nhật và Mỹ. "Để sống còn, không có lựa chọn nào khác là hoạt động tại VN vì chi phí thấp" - chủ tịch công ty Kunitoshi Shigiyama thừa nhận.

Theo một cuộc thăm dò của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật (Jetro), lương trung bình của công nhân tại TP.HCM là 102 -138 USD/tháng, thấp hơn 50-80USD so với tại Bangkok và Thượng Hải.

Ngoài ra, phần lớn công nhân VN làm việc ngày thứ bảy nên hiệu quả lao động càng cao hơn. Các nhà tuyển dụng Nhật còn nhận xét người lao động VN làm việc siêng năng, tỉ lệ sản phẩm bị lỗi tương đương với ở các nhà máy tại Nhật và có nhiều lao động VN nói tiếng Anh hơn tại Thái Lan và Trung Quốc.

Nếu VN muốn giữ vững vị thế tiềm năng là trung tâm chế tạo của khu vực, chính quyền phải giải quyết dứt điểm các điểm bất hợp lý. Theo các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật, những yếu tố hạn chế hàng đầu của VN là các chính sách kinh tế không nhất quán, qui định về thuế gây nhiều quan ngại và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém. "Nếu tình hình vẫn không thay đổi, một số hãng chế tạo của Nhật sẽ suy nghĩ lại và rút lui khỏi VN sau năm 2006" - ông Takao Fujii, chủ tịch Panasonic AVC Networks Vietnam Co., cảnh báo.

S.NGUYỄN (Theo Asahi Shimbun)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top