Công nghệ Nhật hướng vào Việt Nam

Công nghệ Nhật hướng vào Việt Nam

Các tập đoàn điện và điện tử lớn của Nhật đang hướng đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm ở Việt Nam. Ngay cả một số doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm ở Việt Nam cũng đang chuyển hướng...


Nhiều tập đoàn lớn vào cuộc


Sau hai dự án sản xuất máy in phun ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, hãng Canon tuần rồi công bố thêm một dự án đầu tư mới sản xuất máy in laser ở Việt Nam. Nhà máy có vốn đầu tư khoảng 50 triệu đô-la Mỹ sẽ sản xuất máy in laser giá thấp cho thị trường toàn cầu, dự kiến được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm tới và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2006.


Theo thiết kế, nhà máy mới này sẽ sản xuất khoảng 8,4 triệu máy in một năm - tương đương khoảng 80% tổng công suất sản xuất máy in laser mỗi năm của Canon hiện nay.


Không chỉ riêng Canon, ông Takashi Nakano, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) tại Tp.HCM, cho biết trong thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Nhật, có ý định đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển phần mềm ở Việt Nam.


Theo ông, đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật muốn tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, lại cần cù chịu khó, ham học hỏi. Mặt khác, một số tập đoàn lớn của Nhật đang đầu tư ở Trung Quốc muốn phân tán đầu tư nhằm tránh rủi ro.


Thể hiện rõ nhất điều này là hãng sản xuất hàng điện tử và điện gia dụng Sanyo mới đây đã tuyên bố đầu tư 13 triệu đô-la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và những mặt hàng có liên quan tại tỉnh Đồng Nai.


Ông Shigeru Wada, Tổng giám đốc của Sanyo DI Solutions Vietnam Corporation (SDV), cho biết ngoài việc tận dụng lợi thế về nguồn lao động chi phí thấp, Sanyo còn muốn tránh rủi ro qua việc chỉ tập trung sản xuất ở Indonesia và Trung Quốc như hiện nay.


Trước đó, tập đoàn Hoya cũng nhận được giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất đĩa thủy tinh ở khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng về ổ cứng máy tính xách tay và những ổ đĩa nhỏ hơn trong máy iPod của hãng Apple. Dự án này của Hoya ở giai đoạn đầu có vốn đầu tư lên đến 45 triệu đô-la Mỹ.


Đầu tư vào các lĩnh vực trên, phần lớn các doanh nghiệp Nhật không chú ý đến thị trường tiêu thụ tại chỗ mà muốn đưa sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới vì cho rằng Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm tới. Khi đó hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay.


Các địa phương xúc tiến và thu hút đầu tư nước ngoài cũng xác nhận về việc chuyển hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật trong thời gian gần đây, mà nhiều nhất là ở Tp.HCM. Theo Phòng Doanh nghiệp nước ngoài thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, trong mười tháng đầu năm nay, đầu tư Nhật vào Tp.HCM có 15 dự án ở ngoài khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 24 triệu đô-la Mỹ. Trong số này có đến tám dự án đầu tư phát triển phần mềm.


Tương tự, cũng trong thời gian này, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp Tp.HCM (HEPZA) cũng đã cấp phép cho bốn dự án đầu tư của Nhật các lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí, điện tử, túi khí trong xe hơi và thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng vốn gần 18 triệu đô-la Mỹ. Các lĩnh vực này thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt là dự án của Công ty Renesas Việt Nam đầu tư 13 triệu đô-la Mỹ để thiết kế vi mạch - một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam.



Doanh nghiệp đang hoạt động cũng chuyển hướng


Ngoài những doanh nghiệp Nhật mới có xu hướng đầu tư vào Tp.HCM trong lĩnh vực công nghệ cao, thì một số doanh nghiệp Nhật hoạt động lâu năm ở Việt Nam cũng đang có sự chuyển hướng này. Phần lớn các doanh nghiệp này nằm trong hai khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung.


Theo HEPZA, các doanh nghiệp này đang có xu hướng chuyển từ gia công theo đơn đặt hàng của các công ty mẹ sang đầu tư công nghiệp kỹ thuật cao, nhập dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại thực hiện sản xuất tại Việt Nam.


Công ty Nidec Tosok Việt Nam là đơn vị nước ngoài đầu tiên trong khu chế xuất Tân Thuận được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao. Hiện nay ở khu chế xuất này còn có trên 20 doanh nghiệp khác cũng đang sản xuất những sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao. Ngoài ra, tại khu chế xuất Linh Trung cũng có khoảng mười đơn vị đang chuyển hướng sản xuất các sản phẩm theo công nghệ kỹ thuật cao.


Theo HEPZA, hầu hết các đơn vị này là các nhà đầu tư đến từ Nhật chuyên sản xuất các linh kiện trong ngành điện tử, ô tô, cơ khí chính xác… Các đơn vị này sản xuất các sản phẩm để phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, các linh kiện cho sản phẩm điện tử, máy vi tính để tái xuất cho công ty mẹ hoặc xuất khẩu đi các hãng sản xuất ô tô, điện-điện tử trên thế giới.


HEPZA cho biết, một số doanh nghiệp đang nhờ họ đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét để cấp giấy chứng nhận sản xuất theo công nghệ cao. Bởi khi được bộ này cấp giấy chứng nhận thì doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một khoản thời gian nhất định.


Chẳng hạn khi Công ty Nidec Tosok Việt Nam được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo công nghệ cao có hiệu lực trong vòng tám năm, thì công ty này cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng tám năm kể từ khi kinh doanh có lãi.

(Theo TBKTSG)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top