Chuyện buôn dưa Cớ sao “áo ấm” là “áo lạnh”?

Chuyện buôn dưa Cớ sao “áo ấm” là “áo lạnh”?

Có những lối nói có vẻ mâu thuẫn nhau, đó chỉ là mâu thuẫn hình thức. Về bản chất, chúng phản ánh những quy luật nào đó của tiếng Việt. Bởi lẽ, “cái gì đã tồn tại thì đều có lý do cho sự tồn tại của nó” (I. Kant).


Mâu thuẫn từ vựng

Nhiều người đã phát hiện những hiện tượng vô lý, mâu thuẫn hay còn gọi là “phi lôgic” trong tiếng Việt. Đầu tiên là mâu thuẫn trong cấu tạo cụm từ, như: hai từ lạnh và ấm có nghĩa ngược nhau nhưng cách nói áo ấm và áo lạnh lại cùng nghĩa, và cùng nghĩa với áo rét. Với phụ nữ mang bầu, chúng ta nói dưỡng thai, đã vậy sao còn có nhà dưỡng bệnh? Một khi tổ quốc lâm nguy, thanh niên sẵn sàng lên đường cứu nước, nhưng với “bà hoả” gây hiểm hoạ cho mọi nhà, sao lại còn cứu hoả?

Cứ vậy, chúng ta còn gặp nhiều lối nói “mâu thuẫn” khác nữa. Trong số này có lối nói “cương quyết đánh thắng kẻ địch xâm lược” và lối nói “cương quyết đánh bại kẻ địch xâm lược”. Đáng sợ hơn, lại còn lối nói “Ở đây bán bột trẻ em”!

Với những cách nói “mâu thuẫn” trên đây, để giải thích bạn hãy liên hệ tới hiện tượng rút gọn từ ngữ đương nhiên đúng trong nhiều cụm từ tiếng Việt.

Để tránh dài dòng, tôi xin nêu một nhóm ví dụ: nếu bạn đồng ý rằng từ cách nói “sách viết cho thiếu nhi” hay “sách dùng cho thiếu nhi” người ta rút gọn thành “sách thiếu nhi” thì hẳn bạn cũng chấp nhận rằng từ cách nói “áo dùng cho mùa lạnh” người ta cũng rút gọn thành “áo mùa lạnh” và rồi thành “áo lạnh”. Nếu chúng ta hiểu từ cách nói “áo mặc chống mưa, chống gió” người ta rút gọn thành “áo mưa”, “áo gió” thì cũng chấp nhận được “áo rét” là kết quả rút gọn của “áo mặc chống rét”. Nếu bạn cho là những cụm từ “truyện vui” , “tủ lạnh” được rút gọn từ “truyện đọc cho vui”, “tủ làm cho lạnh” thì bạn cũng có thể dùng khuôn rút gọn đó để giải thích “áo ấm” được rút gọn từ “áo mặc cho ấm”. Vậy nên có những cái lý cho việc tạo thành ba cụm từ áo lạnh, áo rét, áo ấm có vẻ mâu thuẫn nhau.

Mâu thuẫn cú pháp

Năm 1975, trong mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Nhân Dân, một nhà báo lão thành đã phê phán lối nói “cấm không được hút thuốc lá” vì đã cấm sao lại còn cấm không được? Nói vậy chả hoá ra cho phép hút thuốc lá hay sao? Ông đề nghị nói “không được hút thuốc lá” hoặc “cấm hút thuốc lá”. Sự thực, cả ba lối nói trên đều đúng, đều được nhiều người dùng. Hiện tượng ngôn ngữ nào được nhiều người dùng ấy là đã được xã hội chấp nhận.

Chuẩn mực ngôn ngữ là một hiện tượng động. Cái đúng của ngày hôm nay có thể được hình thành từ cái sai của ngày hôm qua. Và cũng hàng loạt cái đúng của ngày hôm qua thì nay lại không được dùng nữa. Trở lại với cấm và cấm không được. Đây không phải là trường hợp duy nhất có thể thêm từ không vào sau động từ mà vẫn tạo ra cách nói đồng nghĩa. Hàng loạt động từ V như: quên, thôi, kiêng, tránh, miễn, ngăn, cản, từ, chối… cũng có đặc điểm giống hệt như cấm: quên mang sách = quên không mang sách; kiêng ăn đường = kiêng không ăn đường; thôi học tiếng Hoa = thôi không học tiếng Hoa; tránh gặp nhau = tránh không gặp nhau; Ba ngăn Hải làm điều bậy = Ba ngăn không cho Hải làm điều bậy; họ cản nó đi vào = họ cản không cho nó đi vào; người bố đã từ đứa con bất hiếu = người bố đã từ không nhận đứa con bất hiếu; ông ta chối đã nhận hối lộ = ông ta chối đã không nhận hối lộ; có nói mấy đi nữa cũng vô ích = có nói mấy đi chăng nữa cũng vô ích…

Hiện tượng mâu thuẫn vừa nêu được giải thích qua đặc điểm ngữ nghĩa của những động từ V vừa nêu. Chúng chung nét nghĩa phủ định: bổ ngữ B của chúng là một cụm động từ và động từ này đã không xảy ra, hoặc không còn được thực hiện. Quên mang A nghĩa là “không mang A”, tránh đi đường X nghĩa là “không đi đường X”, thôi cãi nhau nghĩa là “không còn cãi nhau”, từ bỏ A nghĩa là “không còn thực hiện A”… Nét nghĩa phủ định gắn chặt với B đến nỗi mỗi khi nói tới một động từ lớp này là người ta nghĩ ngay đến “không B”. Ấy thế là xuất hiện lối nói dư “V không B” đồng nghĩa với “V B”. “Cấm A” nghĩa là “cấm không được A”. Cấm xả rác nghĩa là cấm không được xả rác, nói gọn lại là không được xả rác!

Đây là hiện tượng dư do quá trình từ vựng hoá nét nghĩa phủ định bổ ngữ của động từ.

Cuối cùng, thay vì “không có ai đến” đôi khi chúng ta nói “có ma nào đến” và cũng có thể nói “không có ma nào đến”. Hiện tượng mâu thuẫn này lại được giải thích theo một luật khác.

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
Nguồn http://sgtt.vn/Khoa-giao/154347/Co-sao-“ao-am”-la-“ao-lanh”.html
-----
P/s: Đọc bài này nhớ hôm trước bị sempai bắt bẻ "áo lạnh", "áo ấm". Chắc là chọc chơi thôi nhưng nay tự nhiên đọc được một bài giải thích dùm ít nhiều thấy cũng hay và mắc cười nữa ->-
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top