Cơ hội mới cho người lao động đến Nhật Bản

Cơ hội mới cho người lao động đến Nhật Bản

Vào thời điểm này mối quan hệ lao động Việt Nam-Nhật Bản rất tốt đẹp. Cơ hội mới dành cho tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam vào Nhật Bản sẽ nhiều hơn trong năm nay và những năm tới.
Kinh tế phát triển và vấn đề thiếu lao động
Kinh tế phát triển nhưng Nhật Bản đang phải đối đầu với tình trạng thiếu lao động một cách trầm trọng. Trước hết, do tình trạng dân số già đi rất nhanh, tuổi thọ tăng cao (nam: 78,32 tuổi; nữ: 85,23 tuổi). Bên cạnh đó, vì sức ép của công việc, một phần do cuộc sống tiêu thụ hiện đại, giới trẻ Nhật Bản thường không muốn kết hôn, hoặc kết hôn muộn, và không sinh con sau khi kết hôn hoặc sinh con rất muộn.
Cùng với tình trạng dân số già đi và tỷ lệ sinh sản rất thấp đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Thông thường, nếu quốc gia nào thiếu lao động thì họ tiếp nhận và sử dụng lao động nước ngoài. Nhưng Nhật Bản lại không thể làm như thế. Tính tự tôn dân tộc rất cao cũng góp phần làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản lúc nào cũng bị rơi vào tình trạng khát lao động. Nhiều cuộc thăm dò dư luận xã hội và tranh luận ở Quốc hội vẫn chưa đi đến ngã ngũ là Nhật Bản có tiếp nhận và sử dụng lao động nước ngoài hay không? Hiện thời, Quốc hội Nhật Bản vẫn duy trì chính sách “tiếp nhận TNS sang học nghề kỹ thuật và làm việc (rèn nghề) tại Nhật Bản”, chưa chấp nhận người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản với tư cách là người lao động.
Tình trạng thiếu lao động trầm trọng đến mức Nhật Bản phải có chính sách kéo dài thời gian công tác của viên chức; nhiều cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục ký lại hợp đồng làm việc với người lao động đã về hưu; đầu tư đào tạo lại nguồn nhân lực hiện thất nghiệp để nâng cao năng lực sử dụng hết nguồn lao động hiện có... Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế, nhất thời. Biện pháp cơ bản và hợp lý nhất là Nhật Bản cần phải mở cửa thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho một nền kinh tế đang phát triển rất mạnh.
Theo hướng này, gần đây, một số cơ quan có quan điểm cứng rắn trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, như Bộ Y tế-Lao động, cũng đề xuất giải pháp khá cởi mở như “Xúc tiến một cách tích cực việc tiếp nhận người nước ngoài có kỹ thuật và kiến thức chuyên môn thông dụng trên thế giới”. Đề xuất ấy, có nghĩa là, Nhật Bản sẽ thay đổi cơ bản về nhận thức và hành động: Chuyển hẳn từ việc tiếp nhận TNS sang tiếp nhận lao động, trước hết là đối với lao động có nghề, lao động kỹ thuật có thể làm việc ở các ngành nghề thông dụng, ở các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản. Nhiều nước cung ứng lao động như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái-lan đã nhanh chóng “bắt” lấy cơ hội này bằng cách xây dựng chủ trương, chính sách; chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, sẵn sàng “đổ bộ” vào thị trường lao động Nhật Bản khi cánh cửa được mở ra.
Việt Nam và thị trường lao động Nhật Bản
Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam viện trợ ODA ở mức cao nhất, ngay cả trong thời kỳ nền kinh tế Nhật Bản còn gặp khó khăn. Ở Nhật Bản, chúng tôi đã gặp một số nhà đầu tư, nhà hoạt động nhân đạo xã hội, chủ doanh nghiệp đã tiếp nhận tu nghiệp sinh (TNS) Việt Nam, ai cũng dành cho Việt Nam mối thiện cảm và tỏ ý hợp sức làm ăn bền vững, lâu dài. Trong câu chuyện, chúng tôi đều thấy họ có ý thăm dò tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây, và tỏ ý sẽ đầu tư nếu các điều kiện đầu tư của Việt Nam thoả mãn nhu cầu của họ. Trong trường hợp, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên, đồng thời Nhật Bản lại mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam, thì sẽ đạt hiệu quả “kép”: Lao động Việt Nam sang Nhật Bản với số lượng nhiều hơn, và khi hết hạn hợp đồng làm việc, những lao động Việt Nam đã được tôi rèn tay nghề và phong cách làm việc hiện đại ở Nhật Bản sẽ trở về nước tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản, phát huy tay nghề và kinh nghiệm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Từ năm 1992, khi Nhật Bản ban hành chính sách tiếp nhận TNS thì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên có TNS đến học nghề và lao động kỹ thuật tại Nhật Bản. Hàng chục nghìn TNS Việt Nam đã đến làm việc ở hàng nghìn doanh nghiệp trên đất nước hoa anh đào.
Ông Lê Văn Thanh, tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: Ở thời điểm hiện nay, Nhật Bản đang sử dụng 760 nghìn lao động nước ngoài, trong đó, Việt Nam chỉ có 9.500 TNS và lao động. Ba tháng đầu năm 2006, Nhật Bản tiếp nhận 17.646 TNS, trong đó Trung Quốc đạt 14.500 (tỷ lệ 82,2%); Indonesia: 950 (5,38%); Việt Nam: 610 (3,46%); Philippinnes: 633 (3,59%); Thái-lan: 545 (3,09%). Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Nhật Bản lại tiếp nhận nhiều TNS Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản: Lao động Trung Quốc làm việc tốt, tính kỷ luật cao, đặc biệt là không bỏ hợp đồng ra làm việc bất hợp pháp ở bên ngoài. Những năm trước đây, tình trạng TNS Việt Nam ở Nhật Bản bỏ hợp đồng rất cao (tỷ lệ có lúc tới hơn 35%) gây ra nhức nhối trong quan hệ lao động Việt Nam-Nhật Bản.
Chính phủ Việt Nam cũng thấy sự nghiêm trọng của tình trạng này, đã ban hành nhiều biện pháp xử lý nghiêm minh, gần đây là Nghị định 141/CP xử lý hành chính và hình sự đối với lao động bỏ hợp đồng và người bảo lãnh cho lao động. Nhờ thế, từ chỗ tỷ lệ bỏ hợp đồng cao, đến cuối năm 2005 tỷ lệ này giảm hẳn còn 11,14%. Nhiều nghiệp đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh TNS và lao động bỏ hợp đồng, đồng thời coi đây là một yếu tố tích cực thúc đẩy việc Nhật Bản tiếp nhận TNS Việt Nam.
Công ty AIC và Công ty VINAMOTOR (Bộ Giao thông vận tải) là những doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam điển hình trong việc kiên quyết ngăn chặn tình trạng lao động bỏ hợp đồng, lấy lại uy tín cho TNS Việt Nam trên thị trường lao động Nhật Bản. Trong hai năm (2004 và 2005), Công ty VINAMOTOR chỉ có 0,5% lao động bỏ hợp đồng.
Ông Nguyễn Lương Ngọc, trưởng phòng thị trường Nhật Bản của VINAMOTOR cho biết: Những năm trước đây, VINAMOTOR đau tai và đau đầu khi làm việc với các đối tác Nhật Bản. Một vấn đề đã trở thành “điệp khúc” mà lần làm việc nào các bạn Nhật Bản cũng đặt ra: Bao giờ thì các ông (doanh nghiệp) và Việt Nam mới ngăn chặn được tình trạng TNS và lao động bỏ hợp đồng? Khi nào Việt Nam ngăn chặn được tình trạng kể trên thì các nghiệp đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản mới có thể tiếp nhận thêm nữa TNS và lao động Việt Nam.
Theo ông Ngọc, cũng không phải là có bí quyết gì mới. Vẫn làm theo quy trình đã từng làm, nhưng cái khác là làm kỹ hơn, cụ thể hơn, cẩn trọng hơn. Thí dụ, phải tuyển đúng đối tượng, đào tạo và giáo dục định hướng một cách nghiêm túc, hợp đồng làm việc gắn với quyền lợi và trách nhiệm của TNS, của người bảo lãnh và doanh nghiệp phải rất rõ ràng, có chế độ quản lý lao động hợp lý, và trên hết là ý thức và trách nhiệm của người lao động phải được cải thiện.
Tổng hợp những biện pháp đó, VINAMOTOR bước đầu thành công trong việc ngăn chặn tình trạng lao động bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng siết lại trật tự, kỷ cương trong việc tuyển chọn, đào tạo và quản lý TNS và lao động trên thị trường lao động Nhật Bản.
Phía Nhật Bản cũng tăng cường xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng lao động bất hợp pháp; tăng cường tìm, đưa về nước những lao động đã bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở Nhật Bản.
Chúng tôi đến thăm TNS Việt Nam đang học nghề và làm việc ở hãng Kaikenkai ở thành phố Nawagochi (Saitama) do VINAMOTOR, TRACIMEXCO, LASCO... cung cấp. Đây là doanh nghiệp sản xuất cơ khí và đúc các chi tiết cho đủ loại máy móc ở nhiều ngành sản xuất của Nhật Bản. TNS lao động trong điều kiện làm việc khá tốt, thu nhập khá. Các phòng nghỉ của lao động đều có máy điều hoà hai chiều nóng lạnh. Đặc biệt, chủ doanh nghiệp thuê hẳn cán bộ quản lý, phiên dịch, và hai đầu bếp từ Việt Nam sang để hỗ trợ TNS trong quá trình sống và làm việc tại nhà máy, tạo cho TNS đang làm việc ở Nhật Bản, nhưng lại được sống, được ăn uống và sinh hoạt như ở Việt Nam...
Trong điều kiện ấy, lao động ta làm việc khá hiệu quả, kết thúc hợp đồng làm việc ba năm, mỗi lao động có thu nhập khoảng 5,5 triệu yên (30 nghìn USD); cá biệt có lao động đạt tới 50 nghìn USD. Ở thành phố Hirosima, chúng tôi đến thăm hãng Japan Daikyo chuyên sản xuất chi tiết nhựa trên xe hơi, và các sản phẩm nhựa cao cấp khác. Các nữ lao động Việt Nam ở đây làm việc rất tốt. Chúng tôi hỏi hai nữ TNS trẻ tên là Huyên và Huyền, quê ở Thái Bình và Hà Nội, về đặc điểm công việc ở đây, và TNS Việt Nam có theo được TNS một số nước khác trong công việc không? Câu trả lời là: TNS Việt Nam cần rèn luyện thêm về ngoại ngữ, tăng cường tính tự giác chấp hành kỷ luật, còn tay nghề và sự cần cù, thông minh thì không kém TNS và lao động nước nào. Lao động của ta ở đây thu nhập đạt khoảng 700 USD một tháng, cá biệt có lao động làm việc chăm chỉ, mang sản phẩm về ký túc xá làm thêm, có tháng đạt tới 1.500 USD.
Tại các hãng kể trên, các chủ doanh nghiệp, quản đốc phân xưởng người Nhật Bản, các TNS Việt Nam được nghe ông Nguyễn Lương Ngọc giới thiệu những nét cơ bản của Nghị định 141 của Chính phủ, mọi người đều đồng tình với các biện pháp có tình, có lý và nghiêm minh đối với những vi phạm do TNS hoặc doanh nghiệp XKLĐ gây ra, nhất là việc xử lý hình sự đối với TNS và lao động bỏ hợp đồng. Đó là những biện pháp giữ gìn uy tín của TNS và doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam, tạo tiền đề để Nhật Bản tiếp nhận nhiều hơn nữa TNS và lao động Việt Nam đến làm việc tại Nhật Bản.
Cuộc gặp tạo bước ngoặt ở Tokyo
Những năm qua Việt Nam có nhiều cố gắng giảm tỷ lệ TNS và lao động bỏ hợp đồng, tiến tới chấm dứt tình trạng này; hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang rất tốt đẹp, cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đã đi tới quyết định: Tổ chức một cuộc gặp (hội thảo) quan trọng Việt Nam-Nhật Bản về vấn đề TNS và lao động, dự kiến vào ngày 10-7 tới tại thủ đô Tokyo. Bộ LĐ-TB và XH Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản, tổ chức JICO tổ chức hội thảo này.
Tham tán Lê Văn Thanh, trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: Đã có 120 nghiệp đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham dự, tìm đối tác là các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam để bàn tính chuyện làm ăn trước mắt và lâu dài. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng đã đăng ký tham dự cuộc gặp (hội thảo) này.
Theo các nhà tổ chức Việt Nam và Nhật Bản, nếu cuộc hội thảo ngày 10-7 tại Tokyo thành công, sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ hợp tác lao động Việt Nam và Nhật Bản. Ông Nguyễn Thanh Hoà, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) khẳng định: Việt Nam quyết tâm tạo dựng uy tín lao động Việt Nam trên thị trường lao động Nhật Bản, phấn đấu mỗi năm đưa được từ 5.000 đến 10 nghìn TNS và lao động Việt Nam vào Nhật Bản làm việc với chất lượng lao động cao, và quản lý lao động một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Khi chúng tôi rời Tokyo, một tin vui nữa lại đến. Phía Việt Nam và phía Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về việc Việt Nam cung ứng lao động là y tá và hộ lý vào làm việc ở bệnh viện, và cơ sở y tế của Nhật Bản, mở thêm một “kênh” mới đưa lao động kỹ thuật của Việt Nam đến làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Vấn đề là ở chỗ, Việt Nam không chỉ nhìn ra cơ hội, mà phải biến cơ hội thành hành động thực tế, tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có ý thức kỷ luật, có ngoại ngữ để cung ứng cho thị trường lao động Nhật Bản, một thị trường mà lao động đến làm việc không chỉ có thu nhập cao, còn được rèn dũa tay nghề ở một đất nước có nền khoa học-công nghệ tiên tiến, phong cách làm việc hiện đại, và sống rất nhân ái, tình người. Chuẩn bị tốt, mới có thể đón đầu và tạo ra cơ hội vì lợi ích của người lao động và của đất nước. <TRẦN ĐÌNH CHÍNH>
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top