Cô gái Nhật trên đất Bắc Giang

Cô gái Nhật trên đất Bắc Giang

Từ đất nước mặt trời mọc xa xôi, Morita Yuko tạm xa gia đình, gác lại công danh, sự nghiệp để sang hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại một tỉnh miền núi của Việt Nam…

Lần đầu gặp Yuko tại UBND xã Dĩnh Kế (TP. Bắc Giang), tôi cứ nghĩ đó là một cô gái Việt Nam vì vóc dáng mảnh mai, nước da trắng hồng và cách nói chuyện thật nhã nhặn dễ mến. Chỉ sau khi được Hội phụ nữ xã giới thiệu tôi mới ngỡ ngàng biết đó là Morita Yuko, cô gái Nhật Bản đang hoạt động tình nguyện tại xã Dĩnh Kế.

Yuko sinh năm 1979, là con cả trong gia đình làm nông nghiệp có ba chị em gái. Mẹ bị bệnh thấp khớp, thường xuyên đau yếu nên công việc đồng áng gần như dồn cả lên vai bố. Vậy mà bố cô vẫn gắng nuôi cả ba chị em ăn học.

Yuko từng tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế tại một trường đại học Mỹ, sau đó cô lại sang Pháp học. Sau khi ra trường, Yuko đã có một công việc ổn định tại Nhật Bản nhưng khi thấy Chính phủ Nhật Bản cử một đoàn tình nguyện viên sang Việt Nam theo chương trình “cố vấn phát triển cộng đồng”, Yuko đã xin đi.

Trước khi sang đây, Yuko có hai tháng học tiếng Việt, vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, bằng niềm đam mê và quyết tâm tự học hỏi, Yuko không chỉ đọc thông viết thạo tiếng Việt mà còn giao tiếp với người dân bản địa dễ dàng.

Vậy là từ tháng 8/2006, Yuko có mặt ở Việt Nam và được phân công về giúp xã Dĩnh kế phát triển kinh tế, xã hội. Yuko đã thuê nhà dân để ở, mỗi tháng cô được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 1 triệu đồng để trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày (gồm tiền thuê nhà, ăn uống và điện thoại), ngoài ra địa phương không phải trả cô một khoản gì. Tháng nào phải đi nhiều có khi gia đình còn phải gửi tiền hỗ trợ cho cô, vậy mà nhiều lần bà con đưa phong bì “bồi dưỡng” công cô tập huấn hay đi Hà Nội mua giúp chế phẩm EM, Yuko đều từ chối bảo: “Cháu đã tình nguyện về giúp địa phương, các bác đừng làm vậy, cháu nhất định không nhận đâu!”

Ngay từ những ngày đầu về xã ven đô này, hàng ngày Yuko đều lặn lội xuống từng thôn, khu phố, hộ dân trong xã Dĩnh Kế tìm hiểu đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội để tư vấn giúp chính quyền địa phương hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp. Đặc biệt cô dành phần lớn thời gian tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân cách chế biến và sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi, trồng trọt để có thực phẩm rau, củ, quả, gia súc, gia cầm sạch; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân cách ăn ở hợp vệ sinh và xử lý ô nhiễm môi trường.

Tôi thật may mắn có vài lần được theo chân Yuko xuống các thôn, khu phố trong xã Dĩnh Kế xem cô hướng dẫn người dân cách xử lý ô nhiễm moi trường. Một lần vào hè 2007 trong tiết trời oi nồng, Yuko dẫn đoàn tình nguyện viên và học sinh Nhật Bản xuống thôn Sau giúp người dân xử lý nguồn nước bị ô nhiễm tại chiếc ao ngay đầu thôn. Đầu đội nón lá do phụ nữ thôn tặng, quần thô, áo phông đen, Yuko thoăn thoắt như một con sóc, cô hết hướng dẫn đoàn học sinh Nhật Bản cách pha chế, nhào nặn bóng bôsaki lại cùng bà con bê đất, xách nước hay bưng những khay bóng bôsaki đã lên men đủ ngày đem ném xuống những chiếc ao của thôn bị ô nhiễm.

Anh Nguyễn Huy Đường, bí thứ chi bộ thôn Sau cho biết: “Thôn Sau có hơn 300 hộ dân đa phần nông nghiệp và làm nghề phụ như: sản xuất bánh đa, mì, đồ gỗ, cơ khí…Thôn có ba chiếc ao, nguồn nước thải sinh hoạt các hộ dân đều đổ xuống đây, chất thải chỉ có đường vào chứ không có đường ra khiến các ao của thôn bị ô nhiễm, trong đó ô nhiễm nặng nhất là chiếc ao đầu thôn. Trước đây mặt ao đặc quánh các chất thải, mùi hôi thối xú uế bốc lên khiến mọi người không chịu nổi, những hộ nhà ở gần ao cả ngày đêm đều phải đóng kín cửa để tránh mùi”. Từ ngày Yuko đến tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm nguồn nước và hướng dẫn mọi người cách làm bóng bôsaki để ném xuống ao mới dần trở lại trong sạch như bây giờ.

Yuko luôn miệng nói, tay làm, cô xăm xắn làm cùng bà con chẳng nề hà ngày đêm, mưa nắng. Cứ nhìn cô gái Nhật Bản còn rất trẻ, dáng người mảnh mai tay phăm phăm xách nước, bê đất, lội ao vớt bèo, cây dại,… mồ hôi nhễ nhại mọi người đều nghĩ đó là thôn nữ Việt Nam chứ ít ai ngờ đó lại là thiếu nữ Nhật Bản.

Tôi để ý hôm đó một số thanh niên trong thôn sợ còn bẩn đứng cách xa, bịt mũi xem mọi người làm. Thấy vậy, Yuko lại gần chỗ mấy thanh niên nọ, kéo họ lại làm cùng cho nhanh. Chính thái độ cởi mở, hoà đồng và cách làm việc hết mình của cô đã quy tụ được nhiều người cùng tham gia. Chẳng mấy chốc, chiếc ao thôn Sau đã trong sạch, bèo tây, cây dại và rác được vớt thành những đống tướng trên bờ ủ làm phân.

Dịp cuối cùng tôi được chứng kiến những việc làm của Yuko giúp nhân dân Dĩnh Kế trước khi cô về nước đó là vào ngày chủ nhật cuối tháng 5/2008. Yuko đưa một đoàn chuyên gia môi trường của Nhật Bản đang công tác tại Bộ Tài nguyên- Môi trường về thôn Nợm, xã Dĩnh Kế mở cuộc hội thảo “Ô nhiễm nguồn nước và cách xử lý ô nhiễm môi trường”. Cuộc hội thảo thực chất là một buổi tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ xã Dĩnh Kế những kiến thức về ô nhiễm nguồn nước, cách nhận biết, xử lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Cái hay của cuộc hội thảo là không chỉ bằng lý thuyết, lần đầu tiên những người phụ nữ làm nông nghiệp, buôn thúng bán mẹt được tự tay làm các xét nghiệm xem mức độ ô nhiễm nguồn nước tại giếng, bể nước, ao hồ, cống rãnh trong gia đình, thôn xóm, khu phố mình qua sự hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia Nhật Bản và Yuko.

Cũng như bao lần khác, Yuko lại hăm hở hướng dẫn các bà, các chị từng chi tiết. Đến phần phải lấy mẫu nước nhiều chị ngại bẩn đã chạy ngay về nhà lấy nước máy, nước giếng để làm xét nghiệm. Khi phát hiện ra, Yuko xua tay bảo không được. Cô đích thân dẫn mọi người ra tận các ao hồ, cống rãnh bị ô nhiễm trên địa bàn hướng dẫn mọi người lấy các mẫu nước về xét nghiệm. Chính thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của cô khiến mọi người nể phục và làm theo.

Lần đó, sau khi đối chiếu kết quả xét nghiệm với các chỉ số về tiêu chuẩn, mức độ ô nhiễm nguồn nước, tất cả đều kinh hoàng. Nhiều mẫu nước nồng độ các chất độc hại vượt mức cho phép đến nghìn lần. Vậy mà hàng ngày mọi người vẫn điềm nhiên dùng trong sinh hoạt. Chỉ khi được trang bị những kiến thức cơ bản và được tự tay kiểm chứng, phụ nữ Dĩnh Kế mới giật mình về nguồn nước xung quanh mình lại bị ô nhiễm nặng như vậy.

Chị Nguyễn Thị Tẩy, chủ tịch Hội phụ nữ xã Dĩnh Kế, người ngồi cùng phòng làm việc và có nhiều gắn bó với Yuko cho biết: “Từ khi Yuko về giúp địa phương, nhận thức phụ nữ và người dân Dĩnh Kế về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng cao hơn hẳn. Cô ấy làm việc luôn đúng hẹn, chính xác, không kể ngày đêm, mưa nắng đã hẹn sao là y như vậy”.

Gần hai năm, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ cho Yuko hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở xã Dĩnh Kế. Thật khâm phục cô gái đến từ xứ sở mặt trời mọc, với bằng cấp đã đạt cô thừa sức tìm được một công việc ổn định và có cuộc sống dễ chịu ở quê hương, vậy mà cô cũng như nhiều bạn trẻ Nhật Bản đã tạm gác lại tất cả để tình nguyện sang giúp các vùng quê còn nhiều khó khăn của Việt Nam phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội./.

(Theo toquoc.gov.vn)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top