Chủ động 'săn' nhà đầu tư để tăng FDI

Chủ động 'săn' nhà đầu tư để tăng FDI

Tập đoàn Hoya Glassdish (Nhật Bản) chuyên sản xuất linh kiện máy tính xách tay có kế hoạch đầu tư ở một nước khác, song sau khi được tiếp thị và tiến hành chuyến khảo sát thực tế, đã quyết định dời dự án đến VN với vốn đầu tư ban đầu 50 triệu USD.

Vài tháng sau, họ tiếp tục nâng số vốn đầu tư lên 50 triệu USD.

Chủ động săn đón nhà đầu tư, trực tiếp mang dự án tiếp thị các doanh nghiệp tiềm năng là thay đổi lớn nhất trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2006.

Trao đổi với VnExpress, Cục phó Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước đây, các cơ quan xúc tiến đầu tư hay doanh nghiệp thường tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị. Tuy nhiên việc làm này đôi khi rất mất thời gian và không biết doanh nghiệp nào có nhu cầu thực sự. Do đó theo ông, cách làm hiệu quả hơn là nên tập trung mang những dự án lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Với kinh nghiệm từng đi xúc tiến đầu tư tại nhiều nước, ông Tuấn cho rằng, quan trọng nhất là lựa chọn đúng nhà đầu tư tiềm năng. Hội thảo có thể không đông nhưng khách mời phải là những doanh nghiệp thực sự quan tâm tới thị trường VN. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một cuộc hội thảo ở Nhật Bản, thành phần tham dự chỉ có 33 doanh nghiệp đại diện cho tất cả các lĩnh vực của xứ sở mặt trời mọc. Tuy nhiên, sau hội thảo, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đã đến VN khảo sát môi trường đầu tư, như tập đoàn sản xuất thép Nippon Steel, Ngân hàng Misuwai, hay Công ty Brother Industries chuyên sản xuất máy fax, máy in cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Trong chuyến thăm và vận động đầu tư tại Nhật tháng 11 năm ngoái do Bộ trưởng Đầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu, đoàn cũng chỉ tiếp xúc với hơn 20 tập đoàn lớn của Nhật Bản. Tuy nhiên, hai bên thống nhất được trên 40 dự án lớn trên cơ sở đề xuất mà VN đưa ra và sự quan tâm của phía Nhật.

Doanh nghiệp tự vận động

Với các nhà đầu tư công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, mối quan tâm lớn nhất của họ là dịch vụ ổn định và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của VN. Ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc - chủ đầu tư khu công nghiệp Quế Võ - cho biết, để thuyết phục các tập đoàn như Canon, Mitac, Kinh Bắc đã xây hẳn một nhà máy chuyên cung cấp nước sạch, xử lý nước, rác thải, phòng cháy chữa cháy, có cả dịch vụ y tế và một trung tâm thông tin bề thế trong khu công nghiệp. Công ty này quan tâm tới cả tình trạng an ninh trong khu công nghiệp, khi có đình công hay bãi công, công ty sẽ cùng ban quản lý khu công nghiệp phối hợp ngay với doanh nghiệp sản xuất giải quyết, không để kéo dài lâu.

"Lợi thế thuộc về kẻ đi đầu". Với phương châm đó Công ty Kinh Bắc lập văn phòng xúc tiến đầu tư tại tất cả những nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào VN như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản... Với 5 khu công nghiệp phân bố khắp đất nước, công ty có thông tin phong phú để tiếp thị nhà đầu tư. Ông Tâm cho hay, cách làm này khá tốn kém nhưng có cái lợi là chọn lọc được nhà đầu tư.

Cái khó hiện nay là những doanh nghiệp chủ động kéo nhà đầu tư về với VN hoàn toàn không có trong tay cơ chế khuyến khích nào. Nhà máy sản xuất máy in của Canon thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhưng do đầu tư tại Quế Võ nên họ không được hưởng các ưu đãi như đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc hoặc TP HCM. Chủ đầu tư khu công nghiệp phải tự mò mẫm đi xin cho họ hưởng cơ chế ấy. Để nhà đầu tư yên tâm về tình trạng cung cấp điện, công ty cũng phải đàm phán với điện lực để kéo riêng cho họ 2 đường dây giống như ở trong khu công nghệ cao.

Cách làm của Khu công nghiệp Quế Võ được đánh giá là biết chiều lòng nhà đầu tư song mất rất nhiều thời gian, lại tốn kém. Theo ông Tuấn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ cho phép các dự án công nghệ cao đầu tư bên ngoài được hưởng ưu đãi như ở trong khu công nghệ Hòa Lạc và TP HCM. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ chưa đưa ra câu trả lời.

Địa phương cũng phải chủ động

Ông Đặng Thành Tâm cho biết rất nhiều địa phương hiện để mặc cho nhà đầu tư xoay trở việc giải phóng mặt bằng, đền bù, thuê đất. Những khó khăn nảy sinh nhiều khi không giải quyết nổi khiến nhà đầu tư nản lòng. Bản thân ông Tâm từng đưa một tập đoàn lớn đến đầu tư tại một tỉnh miền Bắc, nhưng do thủ tục hành chính chậm trễ nên tập đoàn này đã dứt áo đi nước khác.

Chủ tịch tập đoàn Mitac (Đài Loan) Francis T. Tsai kể, đến Quế Võ trước khi quyết định khởi công nhà máy 1 tháng, ông chỉ thấy một cánh đồng lúa xanh rì và vô cùng nghi ngại liệu họ có giải phóng mặt bằng kịp tiến độ. Tuy nhiên, lo lắng của ông được giải toả khi 3 tuần sau đó khu công nghiệp đã bàn giao diện tích đất với đầy đủ đường điện nước.

Theo ông T. Tsai, các tập đoàn lớn, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia, trong quá trình đi khảo sát đầu tư, có thể đến VN, Trung Quốc, Indonesia hay Malaysia... rồi mới quyết định sẽ chọn nước nào để đầu tư. Nếu VN không có những thay đổi mạnh mẽ, điểm đến đầu tư có thể là nước khác.

(Theo VNExpress)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top