Chính sách của đảng cầm quyền mới ở Nhật

Chính sách của đảng cầm quyền mới ở Nhật

Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã giành chiến thắng áp đảo và sẽ lên nắm quyền lãnh đạo. Vậy chính sách đối nội và ngoại của đảng này có gì khác biệt chính phủ tiền nhiệm?

Trong một trong số những cuộc tranh cãi chính trị nóng bỏng nhất ở Nhật thời gian gần đây, DPJ lấy lòng cử tri bằng một lời hứa rất hấp dẫn: trợ cấp tiền hằng tháng cho trẻ em.

Bằng việc trao 26.000 yên (tương đương 275 USD) mỗi tháng cho mỗi gia đình có con nhỏ đang học phổ thông, DPJ hy vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh và khuyến khích nhiều phụ nữ sinh con ở đất nước mà dân số già là một trong những mối đe dọa dài hạn và nghiêm trọng nhất. Các cặp vợ chồng sẽ được nhận tổng cộng 350.000 yên (3.700 USD) cho mỗi đứa con họ sinh ra.

Chương trình này là trọng tâm của một kế hoạch nhằm lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang phía tả, cách xa cái mà lãnh đạo phe đối lập Yukio Hatoyama gọi là “sự theo đuổi của chủ nghĩa tư bản” gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm ngoái. DPJ cam kết nếu đánh bại được đảng Dân chủ Tự do, họ sẽ đặt con người, chứ không phải các công ty Nippon, vào trọng tâm chính sách kinh tế của đất nước.

Đây sẽ là thay đổi đáng kể ở Nhật Bản, nước vốn nhiều thập kỷ qua ưu tiên các lợi ích công nghiệp nhằm đưa đất nước vượt qua thất bại trong chiến tranh thế giới II và đạt tới vị trí hiện nay là một cường quốc kinh tế thế giới.

DJP giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hôm qua, chiếm được 308 ghế trong 480 ghế của Hạ viện. Chiến thắng giúp chấm dứt quyền lực của đảng Dân chủ tự do trong vòng 50 năm để mở ra một thời đại chính trị mới tại nước này.

Tờ New York Times dẫn lời giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano ở Tokyo mô tả quan điểm của DPJ là sự “ly dị” khỏi mô hình kinh tế Nhật Bản trước đây. Thực vậy, phải thừa nhận rằng Nhật Bản đang muốn là một đầu tàu kinh tế toàn cầu và cần một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm nhằm giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải hiện nay.

Thời gian gần đây, dân số Nhật đang thu hẹp lại và già đi. Năm 2006, nước này có 127,6 triệu người, dự kiến con số này sẽ giảm xuống còn 115 triệu vào năm 2030 và chỉ còn 100 triệu đến giữa thế kỷ này. Thế hệ trẻ trong tương lai sẽ phải chịu một gánh nặng ngày càng lớn là đảm bảo an sinh xã hội cho thế hệ người già đang phình ra. Ngày 27/8, chính phủ công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước đã lên tới 5,7%, mức cao nhất ở Nhật kể từ sau chiến tranh thế giới II.

Liệu phe Dân chủ có giải quyết được tình hình này không, đang là một câu hỏi lớn.

Bên cạnh chính sách trả tiền cho trẻ em, DPJ cũng đề xuất một loạt sáng kiến rất tốn kém: miễn thuế cầu đường, miễn học phí phổ thông, hỗ trợ thu nhập cho nông dân, trợ cấp phí đào tạo hàng tháng cho người đang tìm việc, tăng lương tối thiểu và giảm thuế. Tổng chi phí dự kiến 16.800 tỷ yên (179 tỷ USD), và các sáng kiến này sẽ bắt đầu từ được thực hiện trong tài khóa 2013.

Khoản tiền trên có thể là quá nhiều đối với một đất nước đang thâm hụt ngân sách khổng lồ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nợ công của Nhật Bản, vốn đang ở mức cao nhất trong các nước thành viên khối, có thể lên tới 200% GDP của nước này vào năm tới.

DPJ nói tăng trưởng là điều họ mong muốn, và các chính sách của họ là cách để Nhật Bản tự giúp mình thông qua thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Về đối ngoại, lãnh đạo DJP Yukio Hatoyama đã bày tỏ lập trường muốn Nhật Bản độc lập hơn với Mỹ và xích lại gần hơn với châu Á. Đảng của ông đã đặt ra một loạt câu hỏi về việc tổ chức lại các lực lượng của Mỹ ở Nhật, các quan hệ gắn bó với Mỹ cũng như việc tiếp tục sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Nhật Bản trên biển Ấn Độ Dương giúp cho các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan.

Trong một bài báo trên tờ New York Times tuần trước, ông Hatoyama đã viết: “Sau thất bại trong cuộc chiến Iraq và khủng hoảng tài chính thế giới, chủ nghĩa toàn cầu mà Mỹ khởi xướng đang đến hồi kết”.

Tuy nhiên, ông Hatoyama không có ý định phá hủy nền tảng liên minh Mỹ-Nhật được hình thành sau thất bại của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới II. Ông nói sẽ không tìm cách thay đổi căn bản chính sách đối ngoại của Nhật, và liên minh Mỹ-Nhật sẽ “tiếp tục là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản”.

Mỹ hiện là người bảo vệ quân sự cho Nhật Bản trong khu vực, với hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại quốc đảo này. Ngoài ra, Mỹ còn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Theo nhận định của ông Michael Green, một cố vấn về châu Á của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, chiến thắng của DPJ có thể gây khó hiểu ở Washington cũng như Tokyo vì đảng này “quyết định theo cách họ nghĩ hiện nay về quyền lực”. Ông Green cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama và nhiều nước khác trong thời gian tới sẽ kín đáo về việc liệu DJP có “thay đổi căn bản chính trị Nhật Bản” hay không. Chính quyền của ông Obama sẽ gặp không ít vấn đề nếu Nhật Bản thân thiết với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Bruce Klingner, một chuyên gia về châu Á của Quỹ Heritage, cho rằng chiến thắng của DPJ có thể làm rối loạn chính sách an ninh của Nhật Bản. Bởi một số nghị sĩ bảo thủ của DPJ vẫn muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ trong khi một nhóm khác muốn các lực lượng Nhật Bản có vai trò độc lập hơn.

Liên quan đến chính sách môi trường, DPJ cam kết cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Nhật Bản vào năm 2020 so với mức năm 1990, trong khi LDP chỉ chủ trương giảm 15%. Nếu điều này trở thành hiện thực, Nhật Bản có thể trở thành nước phát triển đầu tiên đạt mục tiêu đặt ra tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu tại Copenhagen tháng 12 tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia ở cả Mỹ và Nhật cảnh báo sự thay đổi quan điểm trong giới lãnh đạo không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một sự thay đổi trong chính sách. Jake Schmidt, giám đốc chính sách khí hậu quốc tế của Hội đồng Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phân tích rằng giới lãnh đạo Nhật Bản sẽ phải giải quyết được các quan tâm của các nhà công nghiệp và các Bộ vốn có quan điểm rất khác nhau về thay đổi khí hậu.

(vnexpress.net)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top