Chiến lược mới của kinh tế Nhật Bản

Chiến lược mới của kinh tế Nhật Bản

Kế hoạch hành động của chiến lược phát triển kinh tế mới của chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Yu-ki-ô Ha-tô-ya-ma đang được soạn thảo và xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm nay.


Tuy nhiên, những phương châm cơ bản của chiến lược này nhằm bảo đảm sự phát triển liên tục và bền vững trên quan điểm trung và dài hạn đã được chính phủ của đất nước hoa anh đào công bố. Ðại sứ Ðặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sa-ka-ba Mít-su-ô cũng vừa cho biết phương châm cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế mới của Nhật Bản, trong đó đặc biệt chú trọng chiến lược kinh tế châu Á. Chiến lược kinh tế châu Á của Nhật Bản với mục tiêu cho đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo thêm tiền đề cho kinh tế châu Á phát triển bền vững.


Phương châm cơ bản trong chiến lược tăng trưởng mới

Mục tiêu của chiến lược này cho đến năm 2020 là thiết lập khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), thúc đẩy cải cách trong nước, gia tăng dòng chảy về nhân lực và vốn để tiếp nhận sự tăng trưởng của kinh tế châu Á, mở rộng cơ hội tăng trưởng thông qua việc gia tăng gấp đôi thu nhập của người dân châu Á. Chiến lược kinh tế châu Á của Nhật Bản được xây dựng dựa trên quan điểm khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế châu Á để phát triển nền kinh tế Nhật Bản.


Chính phủ Nhật Bản dự kiến các giải pháp chính cho chiến lược, đó là với vai trò là Chủ tịch APEC năm 2010 tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, xây dựng lộ trình thiết lập FTAAP của Nhật Bản. Chiến lược kinh tế châu Á của Nhật Bản hướng tới một thị trường liên thông tại khu vực bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động thương mại và đầu tư, đồng thời thiết lập cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sử dụng hiệu quả hệ thống của APEC. Ðại sứ Sa-ka-ba Mít-su-ô cũng cho biết, Nhật Bản tin rằng thị trường châu Á có thể phát huy triệt để những thế mạnh của Nhật Bản. Thực tế, những năm gần đây, các nước châu Á cùng với Nhật Bản đã hình thành nên nền công nghiệp tập trung dựa trên công nghệ của Nhật Bản và lực lượng lao động dồi dào và cần cù của châu Á. Ðể sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á ngày nay trở nên bền vững hơn nữa đồng thời gắn kết vững chắc tăng trưởng của châu Á với tăng trưởng của Nhật Bản thì Nhật Bản cần chia sẻ nhiều kinh nghiệm học được trong quá trình phát triển kinh tế từ trước đến nay.


Nhật Bản đặc biệt xúc tiến nhanh việc tiêu chuẩn hóa quốc tế một cách chiến lược trong các lĩnh vực mà Nhật Bản có ưu thế về mặt công nghệ như công nghệ mạng lưới điện thông minh (smart grid), nhiên liệu pin, ô-tô chạy điện... Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế mới cũng đề nghị thực hiện các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ việc sử dụng ô-tô chạy xăng sang các loại ô-tô chạy điện, hướng tới mục tiêu các phương tiện xanh sẽ chiếm một nửa trong tổng số lượng ô-tô tiêu thụ vào năm 2020.


Về lĩnh vực thực phẩm, Nhật Bản cũng phối hợp với các nước châu Á tích cực đóng góp cho việc tiêu chuẩn hóa quốc tế các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm dựa trên sự đa dạng hóa, quốc tế hóa trong lưu thông, phân phối. Cụ thể là Chính phủ Nhật Bản sẽ liên kết với tư nhân hỗ trợ cải tiện cơ sở hạ tầng như tàu cao tốc shinkansen, giao thông đô thị, nước, năng lượng và hỗ trợ phát triển loại hình đô thị thân thiện môi trường. Nhật Bản xúc tiến đưa sân bay Ha-ne-đa ở Thủ đô Tô-ky-ô trở thành sân bay quốc tế vận hành 24 giờ, hoàn thiện cảng chiến lược công-ten-nơ và tàu hàng rời quốc tế nhằm phục vụ loại tàu thủy công suất lớn post-panamax. Những chiến lược tiếp theo gồm thu hút khách du lịch nước ngoài vào Nhật Bản, tăng cường liên kết hợp tác với các nước châu Á, phát triển khoa học công nghệ, tăng số lượng việc làm và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.


Tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam với quy mô lớn


Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác chiến lược của Nhật Bản. Trong chiến lược kinh tế châu Á, phát triển nền kinh tế Việt Nam để thông qua đó góp phần phát triển kinh tế châu Á, đồng thời nhờ đó sẽ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Ông Tsu-nô Mô-tô-nô-ri, Trưởng Ðại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khẳng định, tổng giá trị cho vay trong năm tài khóa 2009 (từ tháng 4-2009 đến tháng 3-2010) dành cho Việt Nam lên tới 145,6 tỷ yên (khoảng 1,6 tỷ USD) cho 11 dự án, trong đó phần lớn là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ðây là khoản viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản dành cho Việt Nam kể từ năm 1992.


Nhật Bản đã tăng trưởng kinh tế và khắc phục được những vấn đề về cơ sở hạ tầng, đô thị hóa... là kinh nghiệm quý giá để Nhật Bản có thể giúp đỡ Việt Nam khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện. Năm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam vừa được ký kết Hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản là dự án xây dựng nhà ga T2 tại Sân bay Nội Bài và đường cao tốc từ sân bay dẫn về Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cầu Cần Thơ và các cầu trên tuyến quốc lộ 1. Nhà ga hành khách mới T2 của sân bay quốc tế Nội Bài sẽ được khởi công vào đầu năm 2011, xây dựng với công nghệ từ Nhật Bản, để nâng cao sự an toàn và tiện lợi của công trình và hoàn thành khoảng cuối năm 2013. Nhà ga mới của sân bay quốc tế Nội Bài, cửa ngõ quốc tế Thủ đô Hà Nội sẽ đón mười triệu lượt khách mỗi năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không đang tăng nhanh.


Ông Tsu-nô Mô-tô-nô-ri cho biết thêm, khung thông thường nhất trong các dự án vốn vay của Nhật Bản tại Việt Nam là 1,2%/năm, nhưng các dự án sử dụng công nghệ Nhật Bản như nhà ga hành khách T2 này sẽ được thực hiện với lãi suất ưu đãi là 0,2%/năm, thời hạn trả nợ 40 năm, trong đó có mười năm ân hạn. Có nghĩa là, trong mười năm, phía Việt Nam chỉ phải trả lãi suất mà không phải trả phần vốn. Ðây là lãi suất ưu đãi nhất trong số các dự án vốn vay của Nhật Bản dành cho Việt Nam. Ông cũng khẳng định, những dự án vốn vay ODA được ký kết trở thành biểu tượng của mối quan hệ đối tác chiến lược và vững bền giữa Nhật Bản và Việt Nam. Số vốn vay của Nhật Bản cho Việt Nam trong năm tài khóa 2010 (tính từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011) sẽ tiếp tục có quy mô lớn, đại sứ Sa-ka-ba Mít-su-ô cho biết. Các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ của Nhật Bản... vẫn là những ưu tiên trong việc xem xét vốn tài trợ.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top