Câu chuyện Việt Nam của Akihito

Câu chuyện Việt Nam của Akihito


Akihito-Nakayasu.jpg

Akihito Nakayasu mong muốn cùng Tạp chí Sketch nối nhịp cầu văn hoá Việt - Nhật.

Đối với Akihito Nakayasu - người phụ trách biên tập tạp chí hướng dẫn du lịch tiếng Nhật Sketch - 100, 20 và 5,5 là những con số rất có ý nghĩa. “Tôi đã đọc khoảng 100 cuốn sách viết về Việt Nam, thăm Việt Nam đến 20 lần trước khi viết bài báo đầu tiên về Việt Nam và mất năm năm rưỡi để thuyết phục bà xã người Việt của tôi chịu nấu cơm chung”, Akihito nói.

Câu chuyện Việt Nam của Akihito bắt đầu cách đây gần 10 năm, vào tháng 7-1995, khi chàng thanh niên người Nhật này, lúc đó 31 tuổi, đến Việt Nam lần đầu tiên. Akihito đã gặp Bảo Trâm, bà xã của anh hiện nay, và cuộc sống của anh đã gắn bó với đất nước này từ đó.



Tháng 2-2001, sau đám cưới, anh dẫn vợ về Nhật. Hơn một năm sau, những bài báo về Việt Nam của Akihito giúp cho tạp chí Sketch (lúc bấy giờ đang tìm một người Nhật cộng tác) tìm đến anh và đưa ra lời mời. Tháng 7-2002, hai vợ chồng Akihito- Bảo Trâm khăn gói quay về Việt Nam.



Sketch là tạp chí hướng dẫn du lịch dành cho du khách Nhật xuất bản hàng tháng, một trong những ấn bản hiếm hoi thuộc loại này ở Việt Nam. "Đối tượng độc giả của chúng tôi là những du khách Nhật chưa đến Việt Nam cũng như du khách Nhật đã từng đến Việt Nam. Ở nhóm đầu, chúng tôi muốn khuyến khích họ đến thăm Việt Nam; còn ở nhóm sau, chúng tôi muốn họ trở lại Việt Nam thêm nhiều lần nữa" - Akihito nói.



Theo anh, sở dĩ tỷ lệ du khách quay trở lại Việt Nam, trong đó có cả du khách Nhật, còn thấp là vì người ta biết quá ít về những điểm độc đáo ở đây. Lấy ví dụ TPHCM, Akihito bảo có người cho rằng chỉ cần đi một ngày là thành phố này chẳng còn gì để xem. "Đó là một nhận định không chính xác. TPHCM không có sự hiện đại của New York, không có cái lịch lãm của Paris, nhưng lại có cái độc đáo mà cả New York lẫn Paris đều không có".



Những điểm tham quan là một phần của văn hóa bản địa, nhưng con người mới chiếm phần lý thú nhất. Akihito cho biết: "Tôi rất thích thú khi tới những con hẻm nhỏ ở TPHCM, tiếp xúc với trẻ em ở đó. Tôi cho rằng đó mới là những lớp sâu hơn trong du lịch văn hóa". Theo Akihito, người Nhật rất thích những sự độc đáo như vậy và về vấn đề này thì Việt Nam có thừa, chỉ có điều là thiếu sự quảng bá.



Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu này, Sketch cố gắng đưa những nội dung về chiều sâu của văn hóa Việt Nam. "Mỗi số đều có một chuyên đề giới thiệu văn hóa Việt Nam, ví dụ như số tháng 10 chúng tôi chỉ nói về nước mắm", Akihito cho biết. Hàng tháng Sketch còn giới thiệu những địa chỉ độc đáo ở ba miền Bắc, Trung, Nam.



Hiện nay, mục hí họa của Sketch do một cộng tác viên người Nhật phụ trách. "Đó là một phụ nữ Nhật có chồng Việt, đang sống ở Việt Nam. Đề tài chị thể hiện rất phong phú, rất Việt Nam vì chị đã trải nghiệm, chẳng hạn xung đột và cách giải quyết trong một gia đình người Việt".



Con người cũng là một đề tài thú vị đối với người Nhật. Akihito cho biết, hàng tháng Sketch giới thiệu một người Nhật và một người Việt. "Tháng này, chúng tôi viết về tổng giám đốc người Nhật của Trung tâm Mua sắm Zen Plaza. Chúng tôi cũng giới thiệu một người phụ nữ Việt bán vé số, nói về thu nhập, cuộc sống của chị. Còn tháng trước nhân vật của chúng tôi là một người Việt làm nghề cân sức khỏe. Người Nhật thích những góc nhìn như vậy".



Việt Nam đang là một điểm nóng du lịch đối với du khách Nhật, nhất là giới trẻ. "Tôi có thể phác thảo chân dung của du khách Nhật thăm Việt Nam. Đó là những phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 30", Akihoto nói.



Khi được hỏi về những yếu tố thu hút du khách Nhật thuộc giới nữ, Akihhito cho rằng ngoài hai lợi thế được nhiều người biết đến là thức ăn ngon và hàng lưu niệm phong phú, hai yếu tố khác đang được chú ý là: "Nhiều phụ nữ Nhật rất thích đến làm đẹp tại các mỹ viện và thích nghỉ ngơi tại các resort (khu nghỉ dưỡng) ở Việt Nam. Các cô gái Nhật rất thích đắm mình trong các bồn tắm chứa các chất dưỡng da thiên nhiên đầy hoa, hoặc thư giãn tại các các bãi biển tuyệt đẹp ở Việt Nam. Bên Nhật, những thứ như vậy cực kỳ đắt, ở Việt Nam rẻ hơn nhiều".



Akihito còn cho rằng một lợi thế khác của Việt Nam trong việc thu hút khách Nhật nằm ở khía cạnh văn hóa. "Với tư cách là một người Nhật, tôi thấy Việt Nam vừa lạ vừa quen. Và độc đáo là ở chỗ đó. Du khách Nhật vừa có thể khám phá những điều mới mẻ trong một bối cảnh khá quen thuộc".



Chính bản thân Akihito cũng là một ví dụ về sự giao hòa văn hóa Nhật - Việt. Anh nói chị Bảo Trâm, vợ anh, giám đốc đối ngoại của một khách sạn năm sao, là "cửa sổ" giúp anh nhìn vào văn hóa và con người Việt Nam. "Tôi ở rể trong nhà bà nhạc ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Điều làm tôi rất thích thú là dù tôi chưa rành tiếng Việt và mẹ vợ tôi không biết tiếng Nhật, chúng tôi vẫn có thể hiểu nhau rất dễ dàng".



Hàng ngày anh ăn sáng với mẹ vợ trước khi đi làm. "Bà xã tôi dậy muộn hơn tôi. Tôi không cần bà xã phiên dịch vì mẹ con tôi rất hiểu nhau. Đó là ngôn ngữ từ trái tim đến trái tim mà".



Akihito cho biết anh đang giúp chuẩn bị một ấn bản du lịch bằng tiếng Nhật do Sở Du lịch TPHCM xuất bản.



Ở tuổi 40, Akihito, người vẫn xưng mình là Tô, ấp ủ niềm hy vọng sẽ giúp sức xây dựng chiếc cầu nối liền hai nền văn hóa Việt - Nhật.



Sơn Tùng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top